Ngày 6-8-1945: Mỹ thả quả bom nguyên tử đầu tiên xuống Nhật Bản
Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 6-8-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast tại đây và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.
Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 6-8
Sự kiện trong nước
– Ngày 6-8-1954, ngày mất Nhà văn Nguyễn Khoa Văn (bút danh Hải Triều). Ông sinh ngày 1-1-1908 tại An Cựu, ngoại thành Huế. Ông là đảng viên lớp đầu của Đảng cộng sản Đông Dương. Nǎm 1931 ông bị bắt và bị đưa về Huế kết án 9 nǎm khổ sai và 8 nǎm quản thúc. Tháng 7-1932 ông được trả tự do. Ra tù, ông bí mật hoạt động Cách mạng. Đồng thời, ông viết bài trên các báo chí hợp pháp để truyền bá chủ nghĩa Mác và quan điểm của Đảng về nghệ thuật vị nhân sinh. Ngòi bút lý luận sắc bén của ông từng áp đảo đối phương trong những cuộc tranh biện, bút chiến về vǎn học.
Nhà báo Hải Triều và văn nghệ sĩ Khu IV trong kháng chiến chống thực dân Pháp (nhà báo Hải Triều ngồi đầu tiên, bên phải). Ảnh: Tư liệu
Tháng 8-1940, ông lại bị bắt đi an trí tại Phong Điền tỉnh Thừa Thiên. Đến tháng 3-1945 ông mới được thả tự do. Sau đó ông tham gia tổng khởi nghĩa ở Huế. Sau khi giành chính quyền, ông là Giám đốc Sở tuyên truyền Trung Bộ. Trong thời gian kháng chiến chống Pháp ông làm Giám đốc Sở tuyên truyền Liên khu IV, Uỷ viên ban chấp hành Chi hội vǎn nghệ Liên khu IV. Các tác phẩm chính của ông là: “Duy tâm hay duy vật” (chuyên luận, xuất bản vǎn 1935). “Vǎn sĩ và xã hội” (1937), “Về vǎn học nghệ thuật” (tuyển tập – 1965).
– Ngày 6-8-1972, quân và dân Hải Phòng đã bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 3.800 trên miền Bắc. Trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ đối với miền Bắc, quân và dân Hải Phòng đã bắn rơi 270 máy bay Mỹ, bắn cháy, bắn chìm 8 tàu chiến Mỹ, xứng đáng với danh hiệu “Thành phố trung dũng, quyết thắng”.
Sự kiện quốc tế
Cách đây 77 năm, vào ngày 6-8-1945, Mỹ đã thả quả bom nguyên tử thứ nhất mang tên “Little Boy” (Cậu bé) xuống thành phố Hiroshima, khiến 140.000 người thiệt mạng. Sau đó ba ngày, Mỹ thả quả bom thứ hai “Fat Man” (Gã mập) xuống Nagasaki, giết chết 74.000 người.
Việc ném bom nguyên tử các thành phố Nhật Bản và ý nghĩa quân sự của nó đến nay vẫn đang là chủ đề tranh luận. Ảnh: salik.biz
Theo các nhà sử học, với việc ném bom nguyên tử vào Nhật Bản, Mỹ đã đạt được hai mục tiêu. Đầu tiên, sau đòn tấn công hạt nhân, Nhật Bản sẽ nhanh chóng đầu hàng, đẩy nhanh quá trình kết thúc Thế chiến II. Thứ hai, tấn công hạt nhân sẽ là một cuộc trình diễn cho toàn thế giới biết về vũ khí mạnh nhất trong tay người Mỹ mà vẫn chưa nước nào có được.
Hai quả bom nguyên tử không chỉ cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người ngay thời điểm đó cùng hàng chục nghìn người tử vong vì các căn bệnh do trực tiếp hoặc gián tiếp phơi nhiễm chất phóng xạ gây ra, mà còn để lại hậu quả nghiêm trọng cho nhiều thế hệ kế tiếp.
Hai thành phố Hiroshima và Nagasaki hầu như bị bom nguyên tử san phẳng hoàn toàn. Ảnh:Tư liệu
Suốt một thời gian dài, nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý toàn thế giới luôn sống trong sự lo lắng về một cuộc chiến tranh hạt nhân. Sức phá hủy ghê gớm của bom nguyên tử hay các loại vũ khí hạt nhân nói chung đã dấy lên một làn sóng phản đối trên toàn thế giới.
Từ đó đến nay, vào ngày 6-8 hằng năm, Nhật Bản đều tổ chức lễ tưởng niệm vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima để tưởng nhớ các nạn nhân, đồng thời tiếp tục gửi thông điệp tới toàn thế giới nhằm không để thảm kịch ở Hiroshima và Nagasaki lặp lại, coi đây là cột mốc hướng tới mục tiêu xóa bỏ loại vũ khí nguy hiểm này.
Theo dấu chân người
– Ngày 6-8-1945, qua điện đài liên lạc với cơ quan tình báo chiến lược của Mỹ đóng ở Côn Minh (Trung Quốc), Thiếu tá Thômát, người chỉ huy toán “Con Nai” đang tham gia Đại đội Việt – Mỹ ở chiến khu Tân Trào đã thông báo tới người đứng đầu Mặt trận Việt Minh, Hồ Chí Minh biết tin Mỹ đã ném bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản, sự kiện đó sẽ tác động mạnh mẽ vào tình hình Đông Dương, nơi phát xít Nhật đang chiếm đóng.
– Ngày 6-8-1946, tại Paris, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và trả lời phỏng vấn nhà báo Charbonnier của tờ “L‘Ordre”. “Nhật ký Hành trình” thuật lại: “Báo này thuộc phe hữu. Thường công kích ta. Nhưng sau khi nói chuyện với Cụ, ông Charbonnier viết một bài thật thà và êm dịu. 7 giờ tối, Cụ đi thăm ông Vương Thế Kiệt, Ngoại giao Bộ trưởng và mấy vị đại sứ Trung Quốc tới dự Hội nghị hòa bình ở Paris. Tuy mới gặp nhau lần đầu, nhưng vì mối quan hệ thân thiện đã lâu đời giữa hai dân tộc Hoa – Việt, vả lại hai bên đều ở đất khách quê người, cho nên thái độ rất thân mật và chuyện trò rất vui vẻ”.
Ngay sau khi tuyên bố nước nhà được độc lập, một trong những nhiệm vụ cấp bách mà Người chỉ ra là “diệt giặc dốt” và Người đã phát động phong trào Bình dân học vụ. Ảnh: Tư liệu
– Ngày 6-8-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện văn tới Hội nghị Bình dân Học vụ khu XII (gồm các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Ninh, Hòn Gai và Quảng Yên) khẳng định: “Từ ngày kháng chiến, tuy hoàn cảnh khó khăn, nhưng bình dân học vụ vẫn hăng hái tiến hành, thế là tốt lắm… Như thế thì về mặt trận văn hoá, chúng ta cũng sẽ thắng lợi như về các mặt trận khác trong cuộc trường kỳ kháng chiến”.
– Ngày 6-8-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra mệnh lệnh gửi Liên khu ủy Việt Bắc chuyển các tỉnh trong Liên khu ủy yêu cầu “các tỉnh phải chỉnh đốn phát triển và củng cố du kích các xã một cách thiết thực để: Ở vùng tự do thì chuẩn bị đánh địch trong thu đông này; ở vùng tạm chiếm thì tích cực khuấy rối và đánh tỉa làm cho địch tiêu hao. Lệnh này phải phối hợp với lệnh chuẩn bị một tuần lễ thi đua diệt địch lập công”.
– Ngày 6-8-1952, báo “Cứu Quốc” đăng bài “Nhân dân châu Á thắng lợi” của Bác (dưới bút danh Đ.X) trong đó phân tích nhận định của một tờ báo lớn ở phương Tây (tờ “Life”- Đời sống) rằng “Hầu khắp châu Á có những người nhằm theo một mục đích chung: Đấu tranh chống những người da trắng để lấy lại những vùng có dầu lửa và những đồng ruộng đầy lúa khoai của họ. Họ đấu tranh và họ thắng lợi”.
Lời Bác dạy ngày này năm xưa
“Bộ đội được dân yêu, dân tin, dân phục thì nhất định thắng lợi”
Đó là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong buổi nói chuyện tại Hội nghị quân sự lần thứ 5, họp đầu tháng 8-1948.
Sinh thời Bác Hồ luôn căn dặn cán bộ, chiến sĩ “Bộ đội được dân yêu, dân tin, dân phục thì nhất định thắng lợi”. Ảnh: Tư liệu
Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam là quân đội của dân, do dân và vì dân, được sinh ra và lớn lên từ phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân. Trải qua hơn 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành dưới sự lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân đội ta đã không ngừng lớn mạnh, lập nhiều chiến công hiển hách, xứng đáng là lực lượng nòng cốt của nền quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân trong sự nghiệp giải phóng dân tộc trước đây, cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN hiện nay. Sức mạnh chiến đấu, chiến thắng của Quân đội ta được bắt nguồn từ nhiều yếu tố; trong đó, sự giúp đỡ, đùm bọc của nhân dân có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, không chỉ cung cấp sức người, sức của cho quân đội, mà nhân dân luôn giúp đỡ, nuôi dưỡng, đùm bọc, chở che bộ đội trong mọi điều kiện, hoàn cảnh.
Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Thông tin 29, Bộ Tham mưu Quân đoàn 3 giúp bà con làng Plei Trớ, xã Chư A Thai (Phú Thiện, Gia Lai) di chuyển nhà sàn về nơi ở mới.
Thực hiện lời Bác dạy, thực hiện chức năng, nhiệm vụ đội quân chiến đấu, công tác và lao động sản xuất, cán bộ, chiến sĩ quân đội không chỉ chiến đấu bảo vệ nhân dân mà luôn giữ vững mối liên hệ mật thiết với nhân dân, quan tâm, giúp đỡ nhân dân trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, tham gia phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả chiến tranh… Đặc biệt, các đơn vị kinh tế-quốc phòng đã gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với tăng cường quốc phòng, an ninh, thực hiện công tác dân vận, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, tạo công ăn việc làm cho người dân, giúp dân chuyển đổi vật nuôi, cây trồng, bao tiêu sản phẩm; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng đời sống văn hóa mới, làm thay đổi bộ mặt nông thôn trên địa bàn chiến lược trọng yếu.
Cán bộ, chiến sĩ cũng chủ động tuyên truyền, nâng cao ý thức cảnh giác cho các tầng lớp nhân dân, đấu tranh có hiệu quả với mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trên địa bàn, bảo vệ Đảng, chính quyền, củng cố tình đoàn kết các dân tộc và tình hữu nghị với các nước láng giềng. Cán bộ, chiến sĩ toàn quân luôn tự hào, giữ gìn và phát huy phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ trong tình hình mới, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong toàn quân và xã hội, góp phần bồi dưỡng nhận thức, tư tưởng, tình cảm, khơi dậy ý chí quyết tâm trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân ngày càng vững chắc.
Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân
Trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 1237 ra ngày 6-8-1963 đã đăng lời Hồ Chủ tịch nói về cuộc vận động “Nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, cải tiến kỹ thuật, chống tham ô, lãng phí, quan liêu”.
Dấu ấn của Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân số 1237 ra ngày 6-8-1963.
ĐOÀN TRUNG (Tổng hợp)