Ngành y tế tập trung tháo gỡ khó khăn thực hiện tốt sứ mệnh bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Đảng, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự đồng hành của cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp với ngành Y tế, tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục được kiểm soát tốt, góp phần phục hồi nhanh và phát triển kinh tế – xã hội, đưa nước ta trở lại trạng thái bình thường.

Vượt qua những vất vả, hy sinh và bằng sự cống hiến thầm lặng, hết mình, không mệt mỏi của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế trong phòng chống dịch, năm 2022, ngành Y tế Việt Nam vững vàng hơn trong hành trình thực hiện sứ mệnh chăm sóc sức khỏe người dân.

Theo báo cáo của Bộ Y tế tại Hội nghị Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững diễn ra vào cuối tháng 8/2022 cho thấy, sau hơn 2 năm phòng chống dịch Covid-19, hoạt động khám bệnh, chữa bệnh thông thường hồi phục, dần đáp ứng nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe ngày càng tăng của nhân dân. Trong 6 tháng đầu năm 2022, số lượt khám bệnh ngoại trú, điều trị nội trú bảo hiểm y tế (BHYT) đều tăng cao. Hoạt động sản xuất vắc xin trong nước bảo đảm 11/12 loại vaccine tiêm chủng; làm chủ các công nghệ và kỹ thuật quan trọng trong sàng lọc, phát hiện tác nhân gây bệnh dịch nguy hiểm (sởi, sốt xuất huyết, SARS, cúm A,…).

Trong công tác chuyên môn, ngành Y tế Việt Nam đã làm chủ công nghệ kỹ thuật cao như ghép tạng, phẫu thuật nội soi và can thiệp tim mạch, châm cứu với chi phí giảm đáng kể… Cùng với đó, ngành thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm quá tải, nâng cao chất lượng dịch vụ các tuyến như: Mở rộng mạng lưới bệnh viện vệ tinh; liên thông kết quả xét nghiệm, chẩn đoán; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong khám chữa bệnh, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Y tế cũng đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, 

vướng mắc cần sớm được giải quyết, đó là tình trạng nghỉ việc, bỏ việc của cán bộ, nhân viên tại các cơ sở y tế khu vực công lập có xu hướng tăng lên. Điều đáng nói là nhiều người xin thôi việc là những bác sĩ, chuyên viên, kỹ thuật viên, điều dưỡng viên… thuộc lực lượng trực tiếp điều trị chăm sóc bệnh nhân. Theo số liệu thống kê của Công đoàn Y tế Việt Nam, từ đầu năm đến thời điểm ngày 30/6/2022, có trên 3.760 viên chức y tế thuộc thẩm quyền quản lý của các Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xin thôi việc, bỏ việc. Trong con số 3.760 trên có 1.190 bác sĩ, 1.177 điều dưỡng, 267 kỹ thuật y, chiếm tới 70% tổng số viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc. Một số tỉnh, thành phố có số lượng viên chức thôi việc, bỏ việc cao như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương… Đối với các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế, đến thời điểm ngày 30/6/2022, có khoảng 360 viên chức y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc, trong đó số lượng bác sĩ, điều dưỡng kỹ thuật y chiếm 74,4%. Một số đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế có số lượng viên chức thôi việc, bỏ việc cao là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ đóng trên địa bàn TPHCM như: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM. Như vậy, tính chung từ đầu năm 2021 đến 6 tháng đầu năm 2022, toàn ngành có tổng số gần 9.400 viên chức y tế xin thôi việc, nghỉ việc. Trong đó có 8.620 viên chức y tế thuộc quyền quản lý của các Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và khoảng 780 viên chức y tế thuộc thẩm quyền quản lý của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế.

 
Ngành y tế tập trung tháo gỡ khó khăn thực hiện tốt sứ mệnh bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân

Các cơ sở y tế công lập khó giữ chân cán bộ, viên chức y tế

Qua phân tích cho thấy có nhiều nguyên nhân khiến cho các cơ sở y tế công lập khó giữ chân cán bộ, viên chức y tế. Thứ nhất do thu nhập, lương và chế độ phụ cấp, đãi ngộ đối với viên chức y tế trong hệ thống y tế công lập thấp, chưa tương xứng với công sức mà họ bỏ ra, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở. Hiện các đơn vị sự nghiệp y tế công lập có nguồn kinh phí hoạt động chủ yếu là do ngân sách nhà nước bảo đảm, có nguồn thu sự nghiệp thấp, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 bùng phát, số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh giảm do thực hiện giãn cách xã hội. Mức lương khá thấp hiện nay chỉ đảm bảo một phần nhu cầu của cuộc sống của cán bộ, viên chức y tế, thậm chí có những đơn vị còn xảy ra tình trạng chậm trả lương. Bên cạnh đó, tại các cơ sơ y tế công lập, môi trường làm việc, trong đó có việc cung cấp các thiết bị y tế, thuốc men là các điều kiện để lực lượng này hoàn thành công việc tại các bệnh viện chưa thật sự hoàn thiện, chưa phát huy giúp cho năng lực chuyên môn của cán bộ y tế tốt hơn. Trong khi đó hệ thống các bệnh viện tư nhân, phòng khám đa khoa tư nhân tại các địa phương ngày càng phát triển mạnh mẽ, môi trường làm việc thuân lợi, hiện đại, thân thiện, có mức thu nhập cao hơn gấp 3-4 lần, thậm chí có nơi cao gấp 5-6 lần thu nhập của nhân viên y tế tại cơ sở y tế công lập và có chế độ đãi ngộ để thu hút cán bộ nhân viên y tế có trình độ cao, chuyên môn sâu.

Thứ hai, trong hơn 2 năm chống dịch từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát đến nay, nhiều cán bộ nhân viên y tế phải làm việc với cường độ lớn, áp lực cao trong thời gian dài, trực tiếp đối diện với nguy cơ lây nhiễm cao. Cùng với đó, cán bộ viên chức y tế đồng thời chịu áp lực rất lớn từ người nhà bệnh nhân, thậm chí một số nhân viên y tế còn chịu những hành động đe doạ, bạo lực cả về thể chất và tinh thần. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ, gây tâm lý hoang mang, làm giảm sự nhiệt tình, động lực làm việc của viên chức ngành y tế.

Một khó khăn không nhỏ của ngành Y tế là trong thời gian gần đây là tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do những sự vụ xảy ra trong ngành dẫn đến vướng mắc trong triển khai đấu thầu mua sắm, mà nguyên nhân căn bản xuất phát từ việc các thông tư, văn bản hướng dẫn đấu thầu có nhiều thay đổi, nhân lực cho công tác đấu thầu thiếu, chưa được đào tạo chuyên sâu về kiến thức đấu thầu. Đối với thuốc, vướng mắc xuất hiện ngay từ giai đoạn xây dựng giá dự toán, do trong thực tế thuốc là loại hàng hóa đặc biệt có nhiều đặc tính kỹ thuật khác nhau, được phân chia nhiều nhóm khác nhau, mỗi nhóm kỹ thuật có đơn giá khác nhau, đơn giá thuốc, vật tư y tế, hóa chất theo từng nhóm kỹ thuật chỉ được xác định khi đến giai đoạn xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm. Đối với đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư y tế, hóa chất và sinh phẩm, các bệnh viện cũng gặp khó khăn trong quá trình lập và xác định giá gói thầu trong kế hoạch… Vấn đề trên còn đến từ nguyên nhân khách quan là trong thời gian qua, việc chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng, một số nước áp dụng các biện pháp chống lạm phát… cũng đã tác động tiêu cực đến việc cung ứng và giá thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế.

Một trong những nút thắt khác của ngành y là bài toán tự chủ, trong đó một trong ba trụ cột quan trọng của tự chủ bệnh viện là tự chủ về tài chính đang là vấn đề vướng mắc nhất. Theo phản ánh từ các cơ sở y tế, hiện nay, giá dịch vụ y tế chậm điều chỉnh, chưa tính đúng, đủ các chi phí cấu thành giá, gây ảnh hưởng đến hạch toán thu chi của các cơ sở khám, chữa bệnh, nhất là trong bối cảnh các bệnh viện thực hiện theo cơ chế tự chủ. Tự chủ cũng đang đặt ra câu hỏi lớn cho các cơ sở y tế, đặc biệt là đối với các bệnh viện tuyến Trung ương là làm sao không gây khó khăn hơn cho người bệnh khi chi phí khám chữa bệnh tăng lên trong thực

hiện tự chủ.

Ngoài ra còn có những vấn đề tồn tại, bất cập và hạn chế khác như: Tình trạng quá tải vẫn chưa được giải quyết triệt để ở các bệnh viện tuyến cuối; Hệ thống y tế dự phòng còn bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là tại tuyến y tế cơ sở…

Trước những khó khăn trên, câu chuyện đi tìm giải pháp là nội dung được đề cập nhiều trong các buổi họp của Chính phủ và ngành Y tế.

Y tế là trụ cột chính trong vấn đề an sinh xã hội. Nếu không sớm tìm giải pháp chặn đứng làn sóng nghỉ việc tại các cơ sở y tế trên cả nước thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chính sách an sinh xã hội của Việt Nam. Để ngăn chặn làn sóng này, các chuyên gia cho rằng, ngành y tế cần cải thiện 3 yếu tố để “giữ chân” nguồn nhân lực, đó là: Thu nhập, vị trí hợp lý; Chính sách đãi ngộ tốt; Tạo môi trường làm việc thật sự khoa học, thân thiện. Về lâu dài rất cần chính sách mang tầm chiến lược như cải cách tiền lương để cải thiện thu nhập cho cán bộ y tế.

Tại Hội nghị Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững diễn ra vào cuối tháng 8/2022, một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Y tế trong thời gian tới là quan tâm động viên, nâng cao chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ y tế. Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các chế độ, chính sách tiền lương, phụ cấp cho cán bộ ngành y tế, hạn chế tình trạng nghỉ việc, chuyển việc; các chính sách ưu đãi đặc thù ngành; chính sách hỗ trợ học viên, sinh viên các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe; chính sách về công nhận liệt sỹ khi hy sinh và có biện pháp phù hợp, hiệu quả để bảo vệ nhân viên y tế trong khi làm nhiệm vụ.

Thuốc vật tư trang thiết bị y tế có vai trò hết sức quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe cộng đồng, tới công tác phòng, chống dịch, khám chữa bệnh. Với mục tiêu “chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của người dân là trên hết, trước hết”, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chỉ đạo tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp, xử lý dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế tại các bệnh viện. Bộ Y tế cùng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính rà soát và chủ động phối hợp các bộ, ngành liên quan để xây dựng cơ chế đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế bảo đảm nguyên tắc minh bạch, khả thi và tạo sự yên tâm cán bộ thực thi công chức công vụ, tránh tâm lý sợ việc đấu thầu, ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân.

Giải quyết bài toán tự chủ của các cơ sở y tế, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương rà soát các quy định về xã hội hóa, hợp tác công – tư, phát triển y tế tư nhân; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 một số bệnh viện Trung ương và sớm hoàn thành phương án thực hiện chủ trương tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, để sớm giải quyết nút thắt tự chủ, đặc biệt là những bệnh viện tuyến Trung ương vốn “xương sống” của hệ thống bệnh viện công và của ngành y. Đồng thời, tiếp tục thực hiện lộ trình về tỷ lệ bao phủ BHYT gắn với giảm chi tiền túi của người dân.

Bên cạnh đó, Thủ tướng đưa ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm khác như: Tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, cùng các bộ, ngành, địa phương tiếp tục bám sát tình hình dịch Covid-19; triển khai đồng bộ, hiệu quả chương trình phòng chống dịch Covid-19 và các nội dung về y tế trong chương trình phục hồi và phát triển theo chủ trương của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ; chủ động, sẵn sàng cho mọi tình huống, dứt khoát không để dịch bệnh bùng phát trở lại. khẩn trương rà soát, nghiên cứu, kịp thời hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách y tế cho cả trước mắt và lâu dài; ưu tiên đầu tư nguồn lực, thời gian nhiều hơn nữa cho hoạt động này. Quan tâm phát triển hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng kết hợp ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ. Tiếp tục đổi mới lề lối làm việc, cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước. Tăng cường phân cấp, phân quyền, công khai, minh bạch và chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Đổi mới và nâng cao hiệu quả thông tin truyền thông liên quan tới bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ nhân dân. Tận dụng lợi thế của nước ta về dược liệu, tập trung nghiên cứu phát triển công nghiệp dược, ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất thuốc, vaccine trong nước. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về đào tạo nhân lực, tham khảo các kinh nghiệm, quản lý, nhất là chuyển đổi số, phát triển công nghiệp dược…

Sự chỉ đạo của Chính phủ là kim chỉ nam để các bộ, ngành đồng hành cùng bộ Y tế giải quyết những vấn đề tồn tại, vướng mắc hiện nay./.

 

Quang Vinh