Ngành Giáo dục Quảng Trị sau 50 năm giải phóng: ‘Đất lửa’ vươn lên từ khát vọng – Giáo dục Việt Nam
GDVN- Giáo dục ở vùng “đất lửa” Quảng Trị một thời bị chiến tranh tàn phá đến hoang tàn giờ đã và đang vươn mình mạnh mẽ với những kết quả đáng tự hào.
LTS: Cách đây 50 năm, ngày 1/5/1972, Quảng Trị là tỉnh miền Nam đầu tiên được giải phóng. Đây là thắng lợi của lòng yêu nước nồng nàn, ý chí chiến đấu kiên cường, bất khuất với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do”của Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng.
50 năm kể từ ngày quê hương được giải phóng, hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới; đặc biệt hơn 30 năm sau ngày tỉnh Quảng Trị được lập lại (1989-2022), cùng với Đảng bộ, quân và dân Quảng Trị, ngành Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị đã không ngừng phấn đấu và để lại những dấu ấn tự hào.
Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị – Tiến sĩ Lê Thị Hương về những khó khăn và thành tựu của ngành Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị sau 50 năm ngày Giải phóng tỉnh.
Giám đốc có thể cho biết, 50 năm sau ngày Giải phóng, ngành Giáo dục Quảng Trị đã đi qua những khó khăn như thế nào?
Tiến sĩ Lê Thị Hương: Sau ngày Quảng Trị được giải phóng (ngày 01/5/1972), một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của chính quyền cách mạng là chăm lo sự nghiệp “Trồng người”.
Để thực hiện nhiệm vụ quan trọng và cấp bách này, một mặt tỉnh Quảng Trị sử dụng lực lượng tại chỗ gồm cán bộ, giáo viên đang giảng dạy hoặc đang đảm nhiệm các công việc khác ở vùng giải phóng tăng cường cho giáo dục, đồng thời mở các lớp đào tạo cấp tốc ngành sư phạm để đáp ứng yêu cầu mở lớp; mặt khác Quảng Trị đề xuất khẩn cấp với Trung ương xin chi viện con người và các điều kiện cần thiết trước mắt cho giáo dục Quảng Trị.
Đáp ứng lời kêu gọi của Đảng và của cách mạng miền Nam, từ năm 1972 một lực lượng đông đảo cán bộ, giáo viên, sinh viên thuộc 17 tỉnh miền Bắc xã hội chủ nghĩa như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Phú Thọ, Ninh Bình, Hải Phòng, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình… với số lượng hơn 700 người đã tình nguyện xung phong vào chiến trường miền Nam gieo hạt ươm mầm cho sự nghiệp trồng người ở Quảng Trị (giáo viên đi B).
Trong cảnh tro tàn đổ nát sau chiến tranh, cán bộ, nhân dân, lực lượng vũ trang, các đoàn thể đã giúp sức xây dựng trường, lớp, đóng bàn ghế, bảng đen, tạo điều kiện cho con em có chỗ để học tập.
Quảng Trị sau ngày giải phóng tồn tại 2 hệ thống giáo dục. Ở phía Bắc sông Bến Hải, giáo dục khu vực Vĩnh Linh là nền giáo dục xã hội chủ nghĩa, hình thành sau năm 1954 tiếp tục được củng cố và mở rộng cả về quy mô và chất lượng; cơ sở vật chất cho dạy và học đã bị phá hủy hoàn toàn, bắt đầu xây dựng lại; bộ máy tổ chức của Ty Giáo dục Vĩnh Linh và các trường được tổ chức lại sau thời kỳ cán bộ, học sinh K8 và K10 sơ tán ra Bắc trở về.
Trên vùng đất mới giải phóng của các huyện Gio Linh, Cam Lộ, Hướng Hóa, Đông Hà, Triệu Phong và Hải Lăng, mạng lưới trường lớp và quy mô ngành học, cấp học từng bước đi vào ổn định; phong trào xóa nạn mù chữ và bổ túc văn hóa được quan tâm triển khai, đáp ứng nhu cầu học tập của cán bộ và nhân dân.
Thời kỳ 1976 – 1989, Quảng Trị có 4 huyện, thị của tỉnh Bình Trị Thiên. Giáo dục Quảng Trị vừa phải lo khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh để lại, vừa lo phát triển quy mô xây dựng hệ thống mạng lưới trường lớp từ ngành học mầm non đến trung học phổ thông.
Trong hoàn cảnh khó khăn về kinh tế sau chiến tranh, ngành Giáo dục đẩy mạnh phong trào thi đua “Hai tốt” phát huy nội lực của toàn ngành, đồng thời huy động sự chăm lo của cả xã hội để nâng cao chất lượng đào tạo.
Các ngọn cờ đầu về mẫu giáo ở Hải Tân (Triệu Hải), về vở sạch chữ đẹp ở Tiểu học Do Hòa (Bến Hải), về chất lượng mũi nhọn học sinh giỏi ở Triệu Hải và giáo dục đạo đức cách mạng trong trường học ở Vĩnh Thủy (Bến Hải), đặc biệt là sự ra đời và trưởng thành nhanh chóng hệ thống trường vừa học vừa làm mà điển hình là Trường Trung học phổ thông Vừa học Vừa làm Tân Lâm – đơn vị anh hùng của toàn ngành Giáo dục đã góp phần quan trọng khẳng định thành tích to lớn của giáo dục Bình Trị Thiên trong 13 năm hợp nhất tỉnh.
Ngày 01/7/1989, tỉnh Quảng Trị được lập lại. Giáo dục Quảng Trị đứng trước nhiều gian khó. Cơ sở vật chất thiếu thốn. Toàn tỉnh chỉ có 3 ngôi trường kiên cố, hai tầng do UNICEF viện trợ, còn lại tranh tre nứa lá và nhà cấp 4.
Đội ngũ giáo viên thiếu, đời sống vô cùng khó khăn, một bộ phận bỏ việc để chuyển sang ngành nghề khác; học sinh bỏ học nhiều…
Trong những thời điểm khó khăn, Ngành Giáo dục và Đào tạo Quảng trị đã có những biện pháp gì để vượt qua khó khăn như vậy?
Tiến sĩ Lê Thị Hương: Đứng trước những khó khăn, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã đưa ra nội dung “Lựa chọn một số giải pháp có ý nghĩa đột phá để tác động tích cực đến chất lượng, nhất là bộ phận trọng điểm và mũi nhọn”, đây là bước đi táo bạo có tầm chiến lược trong chủ trương phát triển giáo dục của tỉnh.
Trên cơ sở đó, Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng trị đã lựa chọn 3 việc lớn để tập trung chỉ đạo:
(1) Huy động mọi nguồn lực xã hội chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, trọng tâm là tổ chức Đại hội Giáo dục xã để bàn về giáo dục;
(2) Thành lập Hệ chuyên và Trường Chuyên đào tạo học sinh giỏi;
(3) Thành lập Trung tâm Tin học để quản lý các kỳ thi và hỗ trợ quản lý nhân sự; đồng thời, thực hiện mục tiêu quốc gia phổ cập giáo dục tiểu học – xóa mù chữ.
Trong vòng 10 năm đầu từ khi tỉnh Quảng Trị được lập lại, giáo dục tỉnh nhà đã chuyển mình vươn lên đạt nhiều thành tựu lớn.
Quy mô mạng lưới trường lớp được mở rộng, cơ sở vật chất từng bước được kiên cố hóa và cao tầng hóa, vùng miền núi đã xóa được “bản trắng” giáo dục.
Tỉnh Quảng Trị đã hoàn thành công tác phổ cập giáo dục tiểu học – chống mù chữ (1996), vượt trước 4 năm so với kế hoạch của toàn quốc. Đánh giá thành tựu của Giáo dục Quảng Trị trong 10 năm đầu lập lại tỉnh, Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2000 – 2005 khẳng định: “Giáo dục là 1 trong 3 thành tựu tiêu biểu nhất của tỉnh, đó là “sự nghiệp trồng lúa”; “sự nghiệp trồng người”; và “sự nghiệp phát triển cơ sở hạ tầng”.
Bước sang thế kỷ XXI, giáo dục thế giới chuyển từ xu thế phổ cập giáo dục phổ thông sang giáo dục nền tảng, giáo dục hữu ích và chuyên sâu, năng khiếu dựa trên 4 nguyên lý cơ bản do UNESCO đề xướng, đó là “Học để biết, học để làm, học để chung sống và học để tự khẳng định mình”.
Trên cơ sở quán triệt “Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2001 – 2010” của Chính phủ và Chỉ thị về nhiệm vụ năm học của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ năm 2001, Giáo dục Quảng Trị đã hoạch định được một hệ thống “Chủ đề từng năm học”, khởi đầu bằng việc tham mưu cho Tỉnh ủy lấy năm 2001 làm “Năm giáo dục”.
Có thể nói, việc lựa chọn “Chủ đề năm học” là một bước đột phá lớn trong tư duy quản lý giáo dục, nhằm xử lý hợp lý mối quan hệ giữa “diện” và “điểm” trong quan điểm phát triển giáo dục, để từ đó tập trung các nguồn lực giải quyết dứt điểm nhiệm vụ trọng tâm, có hiệu quả cao để tạo ra sự chuyển biến tích cực cho sự phát triển. Trên cơ sở đó, huy động nhiều nguồn lực xã hội quan tâm, chăm lo cho giáo dục, tạo sự chuyển biến tích cực về chất lượng và hiệu quả giáo dục đào tạo.
Kỷ cương, nề nếp dạy học được chấn chỉnh, củng cố, thông qua việc thực hiện Cuộc vận động “2 không” (nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục) do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động từ năm học 2006 – 2007; và từ năm học 2007 – 2008 phát triển thêm 2 nội dung: Nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo và nói không với việc ngồi nhầm lớp. Quảng Trị duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục tiểu học – xóa mù chữ và hoàn thành phổ cập giáo dục bậc Trung học cơ sở (12/2005).
Phong trào xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đạt nhiều kết quả tích cực.
Đánh giá 10 năm đầu thế kỷ XXI, dù xuất phát điểm thấp nhưng với sự chung tay của toàn xã hội, nỗ lực của đội ngũ cán bộ, giáo viên toàn ngành, với bước đi và cách làm phù hợp, sáng tạo, giáo dục Quảng Trị đã có bước đột phá đi lên ngang tầm với các tỉnh có giáo dục phát triển.
Thưa Giám đốc, sự ra đời của Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã tạo chuyển biến cho ngành Giáo dục của cả nước. Ở Quảng Trị, sự chuyển biến từ khi có Nghị quyết 29-NQ/TW được thể hiện như thế nào?
Tiến sĩ Lê Thị Hương: Từ năm 2013, ngành Giáo dục Quảng Trị triển khai thực hiện định hướng đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI)ngành giáo dục và Đào tạo Quảng Trịbắt đầu từ việc chọn đổi mới thi cử là khâu đột phá để đổi mới giáo dục, đồng thời tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Mặc dù còn phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức nhưng giáo dục Quảng Trị trong giai đoạn từ năm 2010 – nay đã vững bước đi lên, liên tục phát triển cả về quy mô và mạng lưới, cả về chất lượng và hiệu quả, đặc biệt là thành tựu về giáo dục chất lượng cao, có nhiều học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia, khu vực và quốc tế.
Mạng lưới trường lớp được sắp xếp, tổ chức lại hợp lý. Giáo dục ngoài công lập ngày càng phát triển. Chất lượng giáo dục vùng miền núi ngày càng được nâng lên.
Quảng Trị duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục tiểu học – xóa mù chữ, phổ cập Trung học cơ sở và hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi (12/2013), về đích trước 2 năm so với kế hoạch của toàn quốc. Lộ trình triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới tại địa phương đạt nhiều kết quả tích cực.
Giám đốc có thể nói về những thành tự của ngành Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị sau 50 năm ngày Quảng Trị được giải phóng?
Tiến sĩ Lê Thị Hương: Sau 50 năm ngày giải phóng đến nay giáo dục Quảng Trị đã đạt đạt được nhiều thành tích đáng tự hào, với những mô hình và cách làm sáng tạo.
50 năm qua, Giáo dục Quảng Trị đã làm một cuộc bứt phá quyết liệt, có nhiều đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và cả nước.
Quy mô, mạng lưới trường lớp ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân.
Năm học đầu tiên 1973 – 1974, vùng giải phóng Quảng Trị chỉ có 15 trường tiểu học, 3 trường bổ túc văn hóa tập trung, 4 trường trung học đệ nhất cấp và 1 trường trung học đệ nhị cấp; đến năm học 2021 – 2022, toàn ngành có 399 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và các trung tâm; 01 phân hiệu Đại học Huế, 03 trường cao đẳng và 02 trường trung cấp với hơn 175.000 học sinh, sinh viên. Các trung tâm học tập cộng đồng phủ khắp 125 xã, phường, thị trấn.
Bên cạnh hệ thống giáo dục công lập, ngành Giáo dục và Đào tạo và các địa phương đã huy động các nguồn lực xã hội đa dạng hóa các hình thức giáo dục và các loại hình nhà trường, phát triển hệ thống giáo dục ngoài công lập.
Toàn tỉnh hiện có 19 trường mầm non, 02 trường phổ thông nhiều cấp học và 02 trường trung cấp nghề dân lập, tư thục. Loại hình nhóm trẻ, lớp mẫu giáo dân lập, tư thục phát triển khá mạnh ở vùng thuận lợi.
“Cuộc chiến” xóa mù chữ và phổ cập giáo dục đạt nhiều kết quả lớn. Năm 1990 toàn tỉnh có 14.500 người mù chữ trong độ tuổi từ 15-35; tỷ lệ huy động học sinh vào các trường đạt thấp, tỉ lệ bỏ học chung các cấp là 7,5%.
Đến năm 1996, Quảng Trị hoàn thành công tác phổ cập giáo dục tiểu học – chống mù chữ; hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở năm 2005.
Tháng 12/2013 tỉnh Quảng Trị hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi đi học ngày càng tăng[1].
Đến nay ngành Giáo dục Quảng Trị đã duy trì vững chắc kết quả đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học (mức độ 3), phổ cập giáo dục Trung học cơ sở (mức độ 1) và xóa mù chữ (mức độ 1). Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đạt nhiều kết quả tích cực.
Quảng Trị từng bước đẩy lùi trường tranh tre nứa lá, kiên cố hóa trường lớp học.
Cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 tại 2 huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông, có hơn 80% trường lớp là tranh tre nứa lá, không có nhà công vụ cho giáo viên; toàn tỉnh chỉ có 3 ngôi trường kiên cố, cao tầng.
Nhờ sự đầu tư mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước và nguồn lực xã hội hóa, đến nay tỷ lệ phòng học kiên cố – cao tầng của các cấp học đạt trên 72,5%; tỷ lệ xã, phường, thị trấn có trường cao tầng, kiên cố hóa đạt 100%.
Tính đến ngày 15/4/2022, tổng số trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn tỉnh đạt 172/367 trường (chỉ tính khối trường công lập), chiếm tỷ lệ 46,9%.
Cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin đã được quan tâm đầu tư. Năm 2022, 100% trường học có cấp Trung học phổ thông , mỗi trường có từ 01 đến 03 phòng máy với số lượng từ 25-80 máy được nối mạng LAN và kết nối internet ADSL, cáp quang; các phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường tiểu học, trung học cơ sở đều có phòng máy và kết nối internet…
Đến nay, ngành Giáo dục đã xây dựng hệ thống Cổng thông tin điện tử (Portal) liên thông từ Sở đến các phòng Giáo dục và các trường học, đảm bảo thông tin xuyên suốt trong toàn ngành.
Quảng Trị là 1 trong 16 tỉnh, thành phố đầu tiên trong cả nước triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung, kết nối liên thông trong toàn ngành và nối với hệ thống cơ sở dữ liệu Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục ngày càng lớn mạnh.
Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn cao ở tất cả các cấp học, bậc học (đạt chuẩn 91,1%, trên chuẩn 25,9%). Đội ngũ nhà giáo ngày càng phát huy được phẩm chất tốt đẹp, sáng tạo, đổi mới, tâm huyết với nghề.
Nhiều cán bộ quản lý giỏi, năng động, sáng tạo, có nhiều cách làm mang tính đột phá để xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục; nhiều giáo viên giỏi về chuyên môn, tâm huyết, trách nhiệm cao với công việc, hết lòng vì học sinh thân yêu, vì sự nghiệp giáo dục phát triển.
Biết bao tấm gương nhà giáo đã vượt khó vươn lên, bám trường, bám lớp, tình nguyện công tác ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, hy sinh cả tuổi thanh xuân, mang hết tâm sức, trí tuệ của mình để cống hiến cho sự nghiệp trồng người cao cả.
Với nhiều giải pháp đồng bộ, chất lượng giáo dục toàn diện từng bước được nâng lên một cách vững chắc, đã tạo được nền tảng căn bản cho giáo dục mũi nhọn và giáo dục chất lượng cao.
Từ năm 1999 đến 2022, toàn tỉnh đạt 536 giải học sinh giỏi quốc gia (trong đó 07 giải nhất, 62 giải nhì, 189 giải ba và 278 giải khuyến khích); 05 giải khu vực và quốc tế (01 huy chương Bạc tại Kỳ thi Olympic Toán học Singapore và Châu Á – SASMO 2017; 01 giải Ba quốc tế Cuộc thi Khoa học kỹ thuật do Intel ISEF 2017; 01 huy chương Bạc và 01 huy chương Đồng tại Kỳ thi Olympic Hình học Iran mở rộng năm 2018; 01 huy chương Bạc môn Tin học Olympic Châu Á – Thái Bình Dương APIO 2019); nhiều em đạt giải cao tại các kỳ thi giải Toán qua mạng Internet, trên máy tính Casio, các sân chơi trí tuệ cấp quốc gia…
Xếp hạng của tỉnh theo điểm trung bình kết quả thi đại học, cao đẳng 5 năm trở lại đây đứng ở vị thứ từ 29 đến 32 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố trong cả nước; nhiều học sinh đỗ thủ khoa vào các trường đại học…
Với những thành tích đã đạt được Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (1995), Huân chương Lao động hạng Nhì (1999), Huân chương Lao động hạng Nhất (2006). Chính phủ tặng Cờ thi đua đơn vị xuất sắc toàn quốc năm 2011 và 2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Cờ thi đua đơn vị dẫn đầu toàn ngành năm 2012. Năm 2010, 2013, 2017 được Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Cờ thi đua đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh; 01 tập thể được phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lao động[3],01 tập thể được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Nhiều tấm gương nhà giáo tiêu biểu, trong đó có 01 nhà giáo được Nhà nước phong tăng danh hiệu Anh hùng lao động, 01 nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân và 51 nhà giáo được phong tặng Nhà giáo ưu tú. Nhiều thầy, cô giáo đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cao quý.
Quá trình xây dựng và phát triển ngành Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị trong 50 năm qua, đã để lại cho những người làm Giáo dục và Đào tạo những bài học gì thưa Giám đốc? Ngành Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị làm gì để phát huy những giá trị mà thế hệ những người đi trước để lại?
Tiến sĩ Lê Thị Hương: Quá trình xây dựng và phát triển ngành Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị trong 50 năm qua, đã để lại cho những người làm Giáo dục và Đào tạo nhiều bài học quý giá.
Đó là bài học về đổi mới tư duy giáo dục, dựa trên cơ sở tầm nhìn chiến lược gắn với các yêu cầu mới của thời đại và bám sát tình hình thực tế của địa phương; bài học về giải quyết hài hòa bài toán giữa quy mô và chất lượng giáo dục; bài học về đổi mới phương thức huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và công tác xã hội hóa giáo dục; bài học về xử lý mối quan hệ giữa “diện” và “điểm” trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo; bài học về công bằng trong tiếp cận giáo dục, bài học về biết lắng nghe các phản biện xã hội.v.v
Thành tựu giáo dục Quảng Trị đạt được trong 50 năm qua chính là kết quả của sự quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam về giáo dục và đào tạo phù hợp với thực tiễn của địa phương; dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ và chính quyền, sự phối hợp đồng bộ có hiệu quả của các ban, ngành, đoàn thể các cấp trong tỉnh; sự đồng hành, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân.
Đồng thời là kết tinh của công sức, trí tuệ, tâm huyết và nghị lực phấn đấu của đội ngũ các nhà giáo, tinh thần hiếu học, cầu tiến bộ, ý chí vượt khó của các thế hệ học sinh, đặc biệt các tầng lớp nhân dân địa phương.
Để phát huy những kết quả đạt được qua 50 năm xây dựng và phát triển, kế thừa truyền thống và những giá trị tốt đẹp của các thế hệ đi trước tạo dựng nên, thời gian tới Ngành Giáo dục và Đào tạo sẽ tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau đây:
Thứ nhất, tiếp tục tập trung thực hiện các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội, các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh về giáo dục và đào tạo, đặc biệt là triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 51-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Chương trình hành động số 95-CTHĐ/TU ngày 23/7/2014 của Tỉnh ủy Quảng Trị thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, mục tiêu của kế hoạch kinh tế – xã hội 5 năm 2020 – 2025, quyết tâm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu cơ bản về lĩnh vực giáo dục đào tạo mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra.
Khai giảng năm học 2021 – 2022 trong bối cảnh dịch bệnh Covid – 19 căng thẳng, phức tạp. Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị
Thứ hai,tiếp tục tham mưu Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh cụ thể hóa các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về giáo dục đào tạo để ban hành các cơ chế, chính sách phát triển giáo dục và đào tạo tại địa phương. Tiếp tục chuẩn bị chu đáo tất cả các điều kiện về kế hoạch, đội ngũ, cơ sở vật chất để triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới đảm bảo khoa học, phù hợp với địa phương và hiệu quả đối với người học.
Thứ ba, tiếp tục rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh hợp lý, phù hợp với từng vùng, địa phương; tiếp tục quan tâm, chỉ đạo tổ chức hiệu quả hoạt động của các trường học sau sáp nhập. Xây dựng phương án tự chủ tiến đến chuyển đổi mô hình từ công lập ra ngoài công lập tại một số cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ở địa bàn có khả năng xã hội hóa cao.
Tăng cường hơn nữa công tác xã hội hoá huy động mọi nguồn lực đầu tư cho giáo dục; huy động các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hệ thống trường lớp công lập và ngoài công lập; thực hiện công bằng trong giáo dục.
Thứ tư, tiếp tục triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học, sáng tạo”; chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục pháp luật, tư vấn tâm lý cho học sinh; tăng cường an ninh, an toàn trường học, ứng xử văn hóa học đường và xây dựng môi trường giáo dục nhà trường lành mạnh, thân thiện, dân chủ, kỷ cương.
Thứ năm, nâng cao vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo. Tiếp tục đổi mới công tác quản lý; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý và tổ chức các hoạt động dạy học; đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong các cơ quan, đơn vị của ngành, coi trọng chất lượng xử lý công việc của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong mỗi phòng ban, đơn vị, cơ sở giáo dục. Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
50 năm sau ngày liền một giải, Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị đã đạt được những thành tựu đáng tự hào. Ảnh: Đài truyền hình Quảng Trị
Thứ sáu, tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, phòng, chống thiên tai, đảm bảo linh hoạt, tổ chức hoạt động dạy học phù hợp với tình hình thực tế; đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục và đào tạo, chuyển từ dạy học chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Quán triệt, thực hiện nghiêm túc phương châm “Dạy thực chất, học thực chất, thi thực chất”, xây dựng “Trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò, dạy ra dạy, học ra học”; ngăn chặn “Bệnh thành tích” trong giáo dục. Nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn và đại trà; tăng cường các hoạt động hội nhập và hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo. Tăng cường cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học kết hợp với việc đẩy mạnh triển khai, hoàn thiện công tác đảm bảo chất lượng đào tạo.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập nhằm đáp ứng nhu cầu học tập, học tập suốt đời của các tầng lớp nhân dân. Củng cố, nâng cao chất lượng công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.
Thứ bảy, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh làm việc với Đại học Huế đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định chủ trương xây dựng Trường Cao đẳng sư phạm Quảng Trị trở thành trường vệ tinh của Đại học Sư phạm Huế, để tháo gỡ khó khăn cho nhà trường, chủ động trong công tác đào tạo nguồn nhân lực giáo viên tại chỗ, đáp ứng yêu cầu phát triển của giáo dục đào tạo theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận.
Thứ tám, đẩy mạnh xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, trường đạt chất lượng giáo dục, trường phổ thông dân tộc bán trú. Phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện tốt việc phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở theo hướng tăng tỷ lệ học sinh vào học các trường trung cấp chuyên nghiệp, đồng thời hỗ trợ các trung tâm giáo dục thường xuyên dạy chương trình Giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông gắn với giáo dục nghề nghiệp.
Tập trung củng cố, nâng cao chất lượng, năng lực hoạt động của trung tâm Giáo dục Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên tỉnh và các trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên cấp huyện theo hướng thực hiện nhiều nhiệm vụ: Liên kết đào tạo, hướng nghiệp và dạy nghề, bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng ngắn hạn và tư vấn, hỗ trợ các trung tâm học tập cộng đồng; sắp xếp lại mạng lưới cơ sở đào tạo, dạy nghề trên địa bàn tỉnh phù hợp với yêu cầu phát triển và thị trường lao động.
Trong chặng đường phía trước với nhiều thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen, với nhiều yêu cầu, nhiệm vụ mới, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý của Ngành sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu, đoàn kết, sáng tạo; không ngừng trau dồi phẩm chất đạo đức nghề nghiệp; nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tận tâm, tận lực và hoàn thành tốt nhiệm vụ trong các chặng đường tiếp theo trên hành trình dạy chữ, dạy người, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài cho quê hương, đất nước.
Trân trọng cảm ơn Giám đốc!
Lại Cường