Ngành Giáo dục Đào tạo Hà Giang: Nỗ lực “trồng người” trên cao nguyên đá
Nỗ lực vượt khó
Hà Giang là một trong những địa phương khó khăn nhất của cả nước. Ngành Giáo dục Hà Giang những năm qua đã có nhiều nỗ lực, cố gắng để vừa phát triển về quy mô, vừa nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, những khó khăn khách quan của một tỉnh nghèo, điều kiện cơ sở vật chất, giao thông đi lại khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao… vẫn là cản trở cho sự phát triển giáo dục và đào tạo của Hà Giang.
Hoạt động học tập của HS trường PTDT bán trú Tiểu học Lũng Phìn, Đồng Văn
Toàn tỉnh Hà Giang hiện có 820 cơ sở giáo dục, trong đó có 13 trường phổ thông dân tộc nội trú, 180 trường phổ thông dân tộc bán trú. Với hơn 18.000 cán bộ, giáo viên, hiện Hà Giang thiếu khoảng 1.700 giáo viên, phần lớn là ở bậc mầm non. Cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy học ở nhiều nơi thiếu thốn và xuống cấp.
Tuy nhiên, thời gian qua, bên cạnh sự hỗ trợ của tỉnh và các ngành chức năng, ngành Giáo dục và Đào tạo luôn nỗ lực vượt lên khó khăn. Lực lượng giáo viên có tinh thần tự học, tham gia các lớp đào tạo lại để vươn lên tiêu chuẩn. Đồng thời tận dụng tối đa sự hỗ trợ của các Dự án phát triển giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo để nâng cao năng lực. Đặc biệt, các trường tích cực đẩy mạnh các hoạt động đổi mới giáo dục, thực hiện tích hợp trong dạy và học gắn với ngoại khóa, trải nghiệm thực tiễn, kiểm tra kết quả theo hướng đánh giá năng lực người học. Nhờ đó, số lượng học sinh khá, giỏi tăng đều qua các năm.
Bằng nhiều nội dung, hình thức truyền dạy phong phú, việc đưa văn hóa truyền thống vào nhà trường đã vun đắp, giữ gìn, tôn vinh các giá trị văn hóa, giúp cho các thế hệ học sinh hiểu biết sâu rộng văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Ngoài ra, các trường học còn thực hiện hiệu quả kế hoạch tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh Tiểu học vùng dân tộc thiểu số; dạy và học ngoại ngữ.
Nhờ đó, ngành Giáo dục và Đào tạo đã có những bước tiến quan trọng khi tỷ lệ học sinh đến trường không ngừng tăng lên hàng năm. Số lượng tốt nghiệp THCS vào THPT và tương đương luôn đạt trên 75% trong giai đoạn 2015-2020; tỷ lệ chuyển lớp, chuyển cấp đạt trên 98%. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ nhà giáo được nâng lên với tỷ lệ 67,51% đạt chuẩn. Cơ sở vật chất trường lớp được quan tâm đầu tư, tỷ lệ kiên cố hoá đạt trên 61%, tỷ lệ trường đạt chuẩn Quốc gia trên 41%…
Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo đến thăm và làm việc với Sở Giáo dục & Đào tạo tháng 6/2021
Đáng chú ý, công tác giáo dục nội trú luôn được đặc biệt quan tâm. Mới đây nhất, ngày 7/6/2021, UBND tỉnh đã ban hành các Quyết định thành lập Trường PTDT Nội trú THCS&THPT tại 04 huyện Bắc Mê, Đồng Văn, Hoàng Su Phì và Xín Mần. Việc thành lập các trường này nhằm tạo điều kiện tốt nhất để con em nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang được học tập, nâng cao trình độ, nhận thức, tạo nguồn nhân lực cho tỉnh và các địa phương, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Ở các trường dân tộc nội trú, các em học sinh vừa được học văn hóa, vừa được học tập thể chất và tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa bổ ích để phát triển toàn diện. Từ đó, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, nâng cao năng lực học tập cho học sinh.
Xây dựng hệ thống giáo dục đồng bộ, tinh gọn, hiệu quả
Để vượt qua khó khăn, phát huy những kết quả đạt được, tỉnh Hà Giang xác định thời gian tới sẽ giành nguồn lực thích đáng đầu tư cho giáo dục. Theo đó, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã có nghị quyết về phát triển giáo dục – đào tạo, giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu: Xây dựng hệ thống giáo dục đồng bộ, tinh gọn, hiệu quả; đa dạng hình thức học tập, đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên, suốt đời của nhân dân, hướng tới “xã hội học tập”. Xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục vững vàng về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện đi đôi với đẩy mạnh giáo dục chất lượng cao, coi trọng giáo dục văn hoá, truyền thống, lịch sử, kỹ năng sống, giáo dục xoá bỏ phong tục lạc hậu, hủ tục từ các cấp học… nhằm phát triển toàn diện học sinh, đáp ứng xu thế hội nhập, phát triển đất nước.
Lãnh đạo Sở Giáo dục & Đào tạo và các đại biểu, nhà tài trợ động thổ xây dựng điểm trường thôn Giàn Thượng (7/2021) huyện Bắc Quang
Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, có 85% nhà giáo đạt chuẩn, 60% trường đạt chuẩn Quốc gia; tỷ lệ phòng học kiên cố cấp Mầm non đạt gần 69%, Tiểu học trên 67%, THCS đạt 99% và THPT 99,68%. Trên 95% trẻ hoàn thành chương trình giáo dục Mầm non thành thạo tiếng Việt; huy động trên 99,5% trẻ 5 tuổi đến trường, trên 99,6% trẻ 6 tuổi vào lớp 1, trên 99% học sinh hoàn thành chương trình Tiểu học vào lớp 6, trên 60% học sinh tốt nghiệp THCS vào THPT; hằng năm có 98% học sinh chuyển lớp. Có 30% học sinh tốt nghiệp THCS, 35% tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo nghề trình độ sơ cấp, cao đẳng…
Thực hiện mục tiêu trên, từ nay đến cuối nhiệm kỳ, tỉnh Hà Giang sẽ thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp như: Nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác lãnh, chỉ đạo, điều hành của các cấp uỷ, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân; vai trò của người đứng đầu để phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo theo hướng bền vững. Tiếp tục rà soát, sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới cơ sở giáo dục đáp ứng nhu cầu học tập của các tầng lớp nhân dân. Xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, kết hợp với tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, giáo viên, phát huy vai trò của tổ chức đảng, đoàn thể trong các cơ sở giáo dục.
Tỉnh cũng đồng thời triển khai hiệu quả nội dung chương trình giáo dục; đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá theo định hướng hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; đa dạng hình thức dạy và học; tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên; đẩy mạnh các phong trào thi đua, các cuộc vận động trong giáo dục – đào tạo. Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị đảm bảo yêu cầu nâng cao chất lượng dạy học, đẩy mạnh công tác xã hội hoá giáo dục… Từ đó, để hoạt động giáo dục đào tạo góp phần lớn hơn nữa vào quá trình phát triển chung của tỉnh.