Ngành GD&ĐT TP.Hồ Chí Minh

Là cô giáo nhưng không gắn liền với hình ảnh áo dài tha thướt, thành công của các cô không tính bằng điểm số mà bằng ghi nhận những tiến bộ nhỏ nhất của học trò, đó chính là chân dung giáo viên mầm non – người thầy đặt những viên gạch nhân cách đầu tiên trong cuộc đời mỗi đứa trẻ. 6 giáo viên mầm non được trao tặng Giải thưởng Võ Trường Toản năm nay là 6 bông hoa tỏa ngát lòng yêu nghề và bao la tình thương dành cho trẻ.

Niềm vui từ những điều bình dị

Tuổi đời nhỏ nhất trong số 6 giáo viên mầm non được trao tặng Giải thưởng Võ Trường Toản năm nay, cô Trần Lương Diễm Phúc, giáo viên Trường Mầm non 10 (quận 11) cho biết, những ngày này, mong mỏi lớn nhất của tất cả giáo viên mầm non là được đón học sinh trở lại trường học. Mỗi ngày nhìn cậu con trai 5 tuổi hiếu động ở nhà, cô giáo trẻ lại nhớ đến từng khuôn mặt đáng yêu của học sinh ở lớp. Gần hết một học kỳ trôi qua, cô, trò chỉ mới thấy nhau qua màn hình vi tính.

Cô Trần Lương Diễm Phúc, giáo viên Trường Mầm non 10 (quận 11) say mê với thế giới đầy màu sắc của trẻ thơ

Kinh nghiệm nhiều năm phụ trách lớp với các em chỉ độ 5-6 tuổi, cô Diễm Phúc cho biết, đây là cột mốc phát triển rất quan trọng trong cuộc đời mỗi đứa trẻ, vì các con cần nhiều kiến thức, kỹ năng trước khi vào lớp 1. Ý thức được điều đó, cô Diễm Phúc tự trang bị cho mình kiến thức chuyên môn vững vàng, thấu hiểu đặc điểm tâm sinh lý trẻ, xây dựng giáo án với nhiều mức độ yêu cầu khác nhau để áp dụng cho từng nhóm đối tượng trẻ.

Nhìn lại chặng đường 16 năm đã qua, cô Diễm Phúc bày tỏ, nghề nào cũng có khó khăn, vất vả, nhưng lạc quan và tin tưởng sẽ là liều thuốc hiệu nghiệm giúp vượt qua mọi khó khăn. Mỗi đầu năm học mới, cô lại được làm quen với nhiều bạn nhỏ mới với những nét tính cách rất khác nhau. “Thế giới trẻ thơ có rất nhiều màu sắc, quan trọng là ba mẹ và thầy cô dùng lăng kính nào bước vào thế giới đó mà thôi” là điều cô giáo trẻ luôn tâm niệm.

Tấm lòng người mẹ

Đối với cô Đỗ Hồng Trang, Tổ trưởng chuyên môn tổ Chồi, Trường Mầm non 14 (quận Tân Bình), nghề giáo là đam mê từ những ngày cắp sách đến trường. Cả gia đình có 4 chị em đều theo nghề giáo. Bí quyết của cô Trang khi đứng lớp là luôn dành tình cảm yêu thương cho học trò như với con ruột của mình ở nhà. Trẻ mẫu giáo cần rất nhiều sự tương tác, giữa trẻ với nhau, giữa cô với trẻ và trẻ với ba mẹ. Nhiều phụ huynh hiện nay chưa hiểu hết công việc của giáo viên mầm non nên cho rằng nghề này thật nhàn rỗi, cả ngày chỉ mỗi việc chơi với trẻ. Cô Trang không buồn, vì hơn ai hết, cô hiểu học trò của mình cần gì, làm sao giúp các con phát triển kỹ năng và cảm xúc để có những thang bậc đầu tiên trong cuộc đời.

Cuộc sống ngày càng phát triển, trẻ được tiếp xúc nhiều hơn với các thiết bị công nghệ. Giáo dục trẻ trong bối cảnh xã hội đang có nhiều thay đổi đòi hỏi giáo viên không chỉ cung cấp kiến thức, kỹ năng mà còn bồi dưỡng năng lực và cảm xúc cho trẻ. Nói về công việc mình đang theo đuổi, cô Trang cho biết, lý thuyết học trên trường và thực tế giảng dạy có rất nhiều điểm khác nhau, đòi hỏi giáo viên phải luôn tự làm mới bản thân. Ngoài ra, trong quá trình cọ xát, kiến tập, thực tập, các bạn đồng nghiệp trẻ nên nhìn vào những điểm tích cực của nghề để tiếp thêm cho mình động lực, đồng thời tìm hiểu kỹ môi trường làm việc để có những điều chỉnh, đồng hành cùng công việc lâu dài.

Một bông hoa tỏa hương khác là cô Thái Mộng Thu, giáo viên Trường Mầm non Tuổi Ngọc (TP Thủ Đức). Ngày mới tốt nghiệp ra trường, cô Thu chân ướt chân ráo bước vào nghề với sự hăm hở, niềm vui và hãnh diện, rồi cảm xúc ban đầu qua mau – nhường chỗ cho hy sinh và vất vả. Một ngày làm việc của cô Thu tất bật từ 5-6 giờ sáng đến khi trẻ cuối cùng được ba mẹ đón về, không có nhiều thời gian dành cho gia đình, buổi tối cô còn tranh thủ soạn giáo án.

Động lực giúp cô giáo trẻ không mỏi gối chùn chân là nhờ vào tình cảm và sự tin yêu của học trò. Cô kể, nhiều học sinh cũ nay đã là sinh viên đại học, du học nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng mỗi năm đến Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 là lại quay về thăm cô, nhắc nhớ kỷ niệm từ nhiều năm trước. Hình ảnh đứa trẻ nhỏ nhắn hôm nào trốn vào lòng cô mỗi khi sấm chớp, cảm giác ấm của vòng tay khi được cô ôm ngủ, những câu nói dỗ dành giúp con vượt qua nỗi sợ bóng tối… khiến cô Thu trở thành người mẹ thứ hai của rất nhiều trẻ. Giải thưởng Võ Trường Toản năm nay là phần thưởng xứng đáng cho những đóng góp không mệt mỏi của cô giáo.

Tận tụy với nghề bằng một chữ “tâm”

Đến với nghề giáo bằng một cơ duyên tình cờ, cô Đinh Thị Kim Tiến, giáo viên Trường Mầm non 19/5 thành phố cho biết, công việc của giáo viên mầm non không chỉ là múa hát, chơi đùa cùng trẻ, mà làm tất tần tật mọi việc liên quan đến sinh hoạt hàng ngày của một đứa trẻ như ẵm bồng, làm vệ sinh, đút ăn, dỗ ngủ, chăm bé bệnh… Hình ảnh các cô giáo mầm non với lưng áo ướt đẫm mồ hôi, tay áo vấy bẩn, những sợi tóc lòa xòa trên gương mặt chưa kịp vén do một tay ẵm bồng trẻ này, tay kia dỗ dành bé khác không còn xa lạ.

Cô Đinh Thị Kim Tiến, giáo viên Trường Mầm non 19/5 thành phố và những học trò thân yêu

Tự nhận mình là người sống đơn giản, thu nhập của hai vợ chồng gói ghém mới đủ sống, nhưng chưa phút giây nào cô nghĩ đến việc rời bỏ công việc đã theo đuổi hơn 25 năm qua. “Chăm sóc trẻ ở độ tuổi nhỏ đòi hỏi giáo viên phải nhanh nhạy xử lý tình huống. Ngoài việc cho các con ăn uống, quan sát giờ chơi, tổ chức các hoạt động thì tôi đặc biệt quan tâm đến giờ ngủ trưa của các bé”, cô Kim Tiến chia sẻ.

Khi đã chọn công việc giáo viên mầm non, những ưu tư, mệt mỏi phải bỏ lại hết ngoài cửa lớp. Buổi trưa, khi bé say ngủ, các cô phải chia nhau đi kiểm tra tư thế trẻ nằm, quan sát da và môi bé xem có biểu hiện gì bất thường hay không. Chỉ một tiếng ho hoặc tiếng khóc, cô sẽ lập tức đến ngay để dỗ dành và hỗ trợ trẻ khi cần thiết.

Hiện nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, cô Kim Tiến chỉ gặp học trò của mình vào mỗi thứ 6 hàng tuần qua phần mềm dạy học trực tuyến. Cô dạy các con cách soạn quần áo, cách cầm muỗng, tự xúc ăn, giới thiệu một số đồ chơi và hoạt động an toàn mà trẻ có thể tự thực hiện tại nhà. Nhìn những khuôn mặt phụng phịu đáng yêu, những tiếng gọi “cô ơi” đầy trìu mến, khiến cô càng mong chờ đến ngày được gặp các con trực tiếp ở trường. Mấy tháng nghỉ ở nhà vì giãn cách, cô Kim Tiến tranh thủ thời gian tự học thêm về công nghệ thông tin để không thua kém các đồng nghiệp trẻ. Sức khỏe dần có những biểu hiện của tuổi tác, nhưng với cô Đinh Thị Kim Tiến, mỗi ngày được sống và hết mình với công việc đã là hạnh phúc.