Ngành Công nghệ sinh học là gì? Học những gì? Gồm những chuyên ngành nào? Ra trường làm gì? Lương bao nhiêu? Có dễ xin việc không?
Ngành công nghệ sinh học có khả năng ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác nhau như y tế, nông nghiệp, thực phẩm, môi trường,… nên ngành này có cơ hội việc làm rất đa dạng và rất có triển vọng nghề nghiệp. Chính vì vậy, ngành này là một trong top những ngành có nhu cầu nhân lực cao và khả năng tìm việc dễ dàng. Vậy, ngành công nghệ sinh học sẽ đào tạo những chuyên ngành nào với những kiến thức chuyên môn gì, có thể tìm việc làm ở đâu với mức lương bao nhiêu? Hãy cùng ViecLamVui tìm hiểu rõ hơn về ngành công nghệ sinh học nhé
Mục Lục
Ngành công nghệ sinh học là gì?
Công nghệ sinh học là ngành học công nghệ cao với việc nghiên cứu và vận dụng sinh vật sống kết hợp với quy trình và thiết bị kỹ thuật để tạo ra sản phẩm và sản xuất ở quy mô công nghiệp các sản phẩm sinh học ở các lĩnh vực như y dược, nông nghiệp, thực phẩm, thủy sản và môi trường để phục vụ cho lợi ích của con người, đồng thời phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường.
Ngành Công nghệ sinh học học những gì?
Theo học ngành công nghệ sinh học, các bạn sinh viên sẽ được đào tạo kiến thức cơ bản về lĩnh vực công nghệ sinh học như sinh học, động vật, thực vật và vi sinh vật,…
Ngoài khối lượng kiến thức nền tảng về lĩnh vực sinh học, kỹ thuật và công nghệ, kiến thức chuyên ngành của ngành công nghệ sinh học sẽ được trang bị những kiến thức chuyên sâu về sinh hóa, y sinh, tế bào gốc, sinh học phân tử, công nghệ di truyền, bộ gen và ứng dụng, protein-enzyme, nuôi cấy mô tế bào động – thực vật, công nghệ thực phẩm, công nghệ môi trường,…
Với khối kiến thức chuyên sâu về chuyên ngành, người học sẽ có thể áp dụng trong các lĩnh vực thực tế tuỳ theo mục đích ứng dụng như: Công nghệ sinh học ứng dụng trong nông nghiệp, ứng dụng trong thực phẩm, ứng dụng trong môi trường…
Ngành Công nghệ sinh học gồm những chuyên ngành nào? Ra trường làm gì?
Với mục tiêu đào tạo là trang bị cho sinh viên kiến thức toàn diện về công nghệ sinh học để có thể ứng dụng vào sản xuất trong các ngành y dược, nông nghiệp và công nghiệp, ngành công nghệ sinh học có thể được chia ra các chuyên ngành đào tạo cụ thể như
Chuyên ngành đào tạo
Kiến thức chuyên môn
Công nghệ sinh học Y Dược
Đào tạo chuyên sâu về các liệu pháp điều trị bệnh dựa trên cơ chế sinh học, công nghệ tạo ra các thuốc sinh học, chiết xuất dược liệu và các giải pháp chẩn đoán bệnh bằng sinh học phân tử.
Công nghệ sinh học Tế bào gốc và Y sinh học tái tạo
Nghiên cứu hoạt động của các phân tử trong tế bào bao gồm: chúng chuyển động trong đó ra sao, thâm nhập và ra khỏi tế bào như thế nào; cách thức các tế bào vận động và tương tác với các tế bào khác; cách thức tế bào hiểu và phản ứng với thông tin từ môi trường; cách thức tế bào và các cấu phần của nó được tạo thành và phá huỷ ra sao.
Công nghệ sinh học Vi sinh vật
Kiến thức chuyên sâu và kỹ năng thực hành thuộc chuyên ngành sâu của vi sinh vật học như: nấm men, nấm mốc, vi khuẩn, vi-rút.
Nghiên cứu ứng dụng chúng trong nông nghiệp, chăn nuôi thủy sản, môi trường; nghiên cứu ứng dụng vi sinh vật trong y sinh học, trong bảo quản và chế biến thực phẩm…
Công nghệ sinh học Động vật
Đào tạo kiến thức về sinh học người và động vật, sinh học phát triển động vật, công nghệ tế bào động vật, chuẩn đoán phân tử và liệu pháp gen, công nghệ tế bào gốc, công nghệ sinh học trong chọn tạo giống động vật.
Công nghệ sinh học Nông nghiệp
Nghiên cứu và áp dụng kỹ thuật công nghệ sinh học mới vào nông nghiệp. Kiến thức về việc chọn, tạo giống cây trồng vật nuôi mới; chăm sóc nuôi dưỡng cây, con bằng thiết bị tự động, điều khiển từ xa; chế biến phân hữu cơ vi sinh cho cây trồng, thức ăn gia súc, gia cầm, thủy hải sản; sản xuất thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật bằng công nghệ thân thiện môi trường; áp dụng công nghệ tự động trong tưới tiêu; áp dụng công nghệ chế biến các sản phẩm vật nuôi, cây trồng và xử lý chất thải bảo vệ môi trường,…
Tốt nghiệp ngành công nghệ sinh học, các vị trí công việc có thể đảm nhận là
- Chuyên gia trong các công ty chuyên về công nghệ sinh học, trung tâm chẩn đoán
- Nghiên cứu hoặc quản lý phòng thí nghiệm của các viện nghiên cứu có liên quan đến công nghệ sinh học hoặc sinh học
- Kỹ thuật viên (sinh hóa, vi sinh, ký sinh trùng, sinh học phân tử, tế bào học) ở các bệnh viện, trung tâm phân tích an toàn thực phẩm, trung tâm phân tích môi trường, trung tâm thú y, doanh nghiệp dược…
- Kỹ sư điều hành sản xuất, quản lý và đảm bảo chất lượng tại các nhà máy sản xuất dược phẩm, thực phẩm
- Chuyên viên công nghệ sinh học tại các công ty chế biến nông sản, thực phẩm, thủy sản; các trung tâm kiểm nghiệm, phòng thí nghiệm, cơ quan nghiên cứu về công nghệ vi sinh, công nghệ sinh học thực vật, công nghệ sinh học động vật
- Chuyên viên phân tích mẫu bệnh phẩm; cán bộ xét nghiệm trong bệnh viện, trung tâm y khoa
Mức lương ngành Công nghệ sinh học?
Ngành công nghệ sinh học có cơ hội việc làm đa dạng với mức lương được đánh giá khá ổn trong mặt bằng lương hiện nay. Mức lương của ngành tùy thuộc vào vị trí công việc, địa điểm làm việc và năng lực chuyên môn, dao động trong khoảng 6 – 20 triệu.
Với vị trí công việc là nghiên cứu viên hoặc chuyên viên làm việc tại viện nghiên cứu và các cơ quan nhà nước, mức lương sẽ được tính theo hệ số cơ bản theo quy định.
Mức lương cho các vị trí như nhân viên kinh doanh, quản đốc sản xuất, giám đốc chất lượng tại các công ty kinh doanh của nhà nước và tư nhân liên quan đến lĩnh vực công nghệ sinh học sẽ cao hơn việc làm của khối ngành nghiên cứu.
Tham khảo thêm về mức lương các vị trí công việc ngành công nghệ sinh học được ViecLamVui tổng hợp sau đây
Vị trí công việc
Mô tả công việc
Kinh nghiệm
(Năm)
Mức lương
(đồng/tháng)
Chuyên viên kinh doanh sản phẩm công nghệ sinh học
+ Kinh doanh thiết bị, hoá chất, sinh phẩm phục vụ nghiên cứu và sản xuất thuộc lĩnh vực sinh học, công nghệ sinh học, hóa học, thực phẩm, sản xuất dược phẩm, kỹ thuật y sinh, chẩn đoán y học, thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát môi trường, công nghiệp sinh học (sản xuất dược phẩm, chế phẩm sinh học, vacxin..,), bệnh viện
+ Tìm kiếm, tư vấn và thuyết phục khách hàng sử dụng sản phẩm và dịch vụ của công ty
+2
8.000.000 – 10.000.000
Kỹ thuật viên phòng thí nghiệm
+ Pha hóa chất phục vụ các hoạt động thí nghiệm
+ Tìm hiểu hướng dẫn sử dụng các máy móc thiết bị tại phòng thí nghiệm
+1
6.000.000 – 7.000.000
Kiểm nghiệm viên vi sinh
+ Thực hiện các công việc thẩm định tiêu chuẩn, thẩm định qui trình sản xuất, qui trình vệ sinh, thẩm định thiết bị, nhà xưởng, các hệ thống phụ trợ theo sự phân công
+1
8.000.000 – 9.000.000
Trưởng bộ phận sản xuất thực phẩm
+ Kiểm tra toàn bộ nguyên vật liệu trước khi nhập kho và trước khi đưa vào sản xuất, bảo đảm ATVSTP và các tiêu chuẩn khác theo quy định của ngành thực phẩm
+ Giám sát quá trình sản xuất, ghi chép các thông số tiêu hao nguyên vật liệu, sản phẩm thu hồi trong từng ca sản xuất theo từng loại sản phẩm
+ Phát hiện và kiến nghị những bất hợp lý trong sản xuất về nguyên vật liệu, nhân công và máy móc thiết bị
+ Kiểm tra chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn trước khi nhập kho thành phẩm
+3
9.000.000 – 11.000.000
Nhân viên nghiên cứu
Thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu về sản phẩm sinh học và đề xuất các biện pháp phù hợp với từng điều kiện sản xuất cụ thể
Tổ chức, quản lý, giám sát thực hiện các nghiên cứu được giao
+2
8.000.000 – 10.000.000
Ngành Công nghệ sinh học có dễ xin việc không?
Ngày nay, công nghệ sinh học đang được ứng dụng vào trong rất nhiều lĩnh vực như công nghiệp, nông nghiệp, y học, dịch vụ, du lịch… nhằm phục vụ cho mọi nhu cầu của cuộc sống như dinh dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe… Có thể nói, công nghệ sinh học đã và đang ngày càng tỏ ra thực sự có ý nghĩa lớn đối với đời sống con người. Nhận thức được tầm quan trọng đó, công nghệ sinh học đã được ưu tiên đầu tư rất lớn cho những nghiên cứu và những kế hoạch phát triển mang tính ứng dụng.
Với tầm quan trọng và được sự quan tâm đầu tư phát triển, có rất nhiều cơ hội dành cho các cử nhân, kỹ sư tốt nghiệp ngành công nghệ sinh học tại các doanh nghiệp nhà nước hoặc công ty tư nhân chuyên môn và bao gồm cả các công ty nước ngoài đầu tư phát triển tại Việt Nam.
Tuy nhiên, ngành học này chủ yếu nghiên cứu và làm việc trên các trang thiết bị hiện đại, đắt tiền chỉ có ở các cơ sở nghiên cứu, các công ty tập trung ở các thành phố lớn. Do đó, phần đông sinh viên tốt nghiệp hiện tại chỉ tập trung làm việc ở các thành phố vì ở các tỉnh không phát huy hết khả năng ngành nghề được đào tạo do thiếu trang thiết bị.