Ngân sách nhà nước là gì, gồm những khoản nào? Việc thu – chi ngân sách nhà nước cần có những điều kiện gì, phạm vi thực hiện ra sao?
Tôi muốn biết ngân sách nhà nước chính xác là gì? Tôi đang tìm hiểu về vấn đề này, nhưng vẫn chưa rõ ngân sách nhà nước gồm những khoản cụ thể nào? Vậy ngân sách nhà nước được thu từ nguồn nào và chi vào những mục đích gì? Có điều kiện nào cụ thể cho việc thu – chi ngân sách nhà nước hay không? Nếu cá nhân, tổ chức nào đó muốn tự đặt ra khoản chi cho ngân sách nhà nước thì có được hay không?
Mục Lục
Ngân sách nhà nước là gì, gồm những khoản thu – chi cụ thể nào?
Ngân sách nhà nước gồm những khoản nào?
Khoản 14 Điều 4 Luật Ngân sách nhà nước 2015 quy định cụ thể về ngân sách nhà nước như sau:
“14. Ngân sách nhà nước là toàn bộ các khoản thu, chi của Nhà nước được dự toán và thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định để bảo đảm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước.”
Khoản 1 Điều 6 Luật Ngân sách nhà nước 2015 nêu rõ, ngân sách nhà nước bao gồm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, trong đó:
Ngân sách trung ương: là các khoản thu ngân sách nhà nước phân cấp cho cấp trung ương hưởng và các khoản chi ngân sách nhà nước thuộc nhiệm vụ chi của cấp trung ương. (theo quy định tại khoản 15 Điều 4 Luật Ngân sách nhà nước 2015).
Ngân sách địa phương: là các khoản thu ngân sách nhà nước phân cấp cho cấp địa phương hưởng, thu bổ sung từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương và các khoản chi ngân sách nhà nước thuộc nhiệm vụ chi của cấp địa phương (theo quy định tại khoản 13 ĐIều 4 Luật Ngân sách nhà nước 2015).
Theo khoản 2 Điều 6 Luật Ngân sách nhà nước 2015, ngân sách địa phương gồm ngân sách của các cấp chính quyền địa phương, được hướng dẫn tại khoản 2 Điều 6 Nghị định 163/2016/NĐ-CP, gồm các khoản như sau:
“a) Ngân sách tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là ngân sách tỉnh), bao gồm ngân sách cấp tỉnh và ngân sách của các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương;
b) Ngân sách huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là ngân sách huyện), bao gồm ngân sách cấp huyện và ngân sách của các xã, phường, thị trấn;
c) Ngân sách các xã, phường, thị trấn (gọi chung là ngân sách cấp xã).”
Như vậy, ngân sách nhà nước có thể hiểu là một thành phần trong hệ thống tài chính, tổng hợp tất cả các khoản thu và chi của Nhà nước nhằm đảm bảo sự hoạt động của bộ máy chính quyền Nhà nước từ trung ương đến địa phương.
Tải trọn bộ các văn bản về thu – chi ngân sách nhà nước hiện hành: Tải về
Các khoản thu ngân sách nhà nước được lấy từ đâu và chi ra cho những việc gì?
Các khoản thu ngân sách nhà nước được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 5 Luật Ngân sách nhà nước 2015, hướng dẫn bởi Điều 2 Nghị định 163/2016/NĐ-CP, gồm:
(1) Thuế do các tổ chức, cá nhân nộp theo quy định của các luật thuế.
(2) Lệ phí do các tổ chức, cá nhân nộp theo quy định của pháp luật.
(3) Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do cơ quan nhà nước thực hiện; trường hợp được khoán chi phí hoạt động thì được khấu trừ.
(4) Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước thực hiện, sau khi trừ phần được trích lại để bù đắp chi phí theo quy định của pháp luật.
(5) Các khoản nộp ngân sách nhà nước từ hoạt động kinh tế của Nhà nước, gồm:
– Lãi được chia cho nước chủ nhà và các khoản thu khác từ hoạt động thăm dò, khai thác dầu, khí;
– Các khoản thu hồi vốn của Nhà nước đầu tư tại các tổ chức kinh tế;
– Thu cổ tức, lợi nhuận được chia tại các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có vốn góp của Nhà nước;
– Thu phần lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ của doanh nghiệp nhà nước;
– Chênh lệch thu lớn hơn chi của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
– Thu hồi tiền cho vay của Nhà nước (bao gồm cả gốc và lãi), trừ vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ.
(6) Huy động đóng góp từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
(7) Thu từ bán tài sản nhà nước, kể cả thu từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất do các cơ quan, đơn vị, tổ chức của Nhà nước quản lý.
(8) Tiền sử dụng đất; tiền cho thuê đất, thuê mặt nước; tiền sử dụng khu vực biển; tiền cho thuê và tiền bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.
(9) Thu từ tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước; thu cấp quyền khai thác khoáng sản, thu cấp quyền khai thác tài nguyên nước.
(10) Tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính, phạt, tịch thu khác theo quy định của pháp luật.
(11) Các khoản đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
(12) Các khoản viện trợ không hoàn lại của Chính phủ các nước, các tổ chức, cá nhân ở ngoài nước cho Nhà nước, Chính phủ Việt Nam, cho cơ quan nhà nước ở địa phương.
(13) Thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định tại Điều 11 Luật ngân sách nhà nước.
(14) Các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.
Chi ngân sách nhà nước được quy định tại khoản 2 Điều 5 Luật Ngân sách nhà nước 2015, hướng dẫn bởi Điều 3 Nghị định 163/2016/NĐ-CP gồm những khoản sau:
(1) Chi đầu tư phát triển gồm:
– Chi đầu tư xây dựng cơ bản cho các dự án theo các lĩnh vực được quy định tại khoản 3 Điều này;
– Đầu tư và hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích do Nhà nước đặt hàng; các tổ chức kinh tế; các tổ chức tài chính của trung ương và địa phương; đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp theo quy định của pháp luật;
– Các khoản chi đầu tư phát triển khác theo quy định của pháp luật.
(2) Chi dự trữ quốc gia.
(3) Chi thường xuyên cho các lĩnh vực:
– Quốc phòng;
– An ninh và trật tự, an toàn xã hội;
– Sự nghiệp giáo dục – đào tạo và dạy nghề;
– Sự nghiệp khoa học và công nghệ;
– Sự nghiệp y tế, dân số và gia đình;
– Sự nghiệp văn hóa thông tin;
– Sự nghiệp phát thanh, truyền hình, thông tấn;
– Sự nghiệp thể dục thể thao;
– Sự nghiệp bảo vệ môi trường;
– Các hoạt động kinh tế;
– Hoạt động của các cơ quan nhà nước, cơ quan Đảng cộng sản Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội bao gồm: Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Liên đoàn lao động Việt Nam, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam; hỗ trợ hoạt động cho các tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp theo quy định của pháp luật;
– Chi bảo đảm xã hội, bao gồm cả chi hỗ trợ thực hiện các chính sách xã hội theo quy định của pháp luật;
– Các khoản chi thường xuyên khác theo quy định của pháp luật.
(4) Chi trả lãi, phí và chi phí phát sinh khác từ các khoản tiền do Chính phủ, chính quyền địa phương cấp tỉnh vay.
(5) Chi viện trợ của ngân sách trung ương cho các Chính phủ, tổ chức ngoài nước.
(6) Chi cho vay theo quy định của pháp luật.
(7) Chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính.
(8) Chi chuyển nguồn từ ngân sách năm trước sang ngân sách năm sau.
(9) Chi bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới.
Điều kiện thực hiện thu – chi ngân sách nhà nước là gì?
Để thực hiện hoạt động thu và chi đối với nguồn ngân sách nhà nước, cần đảm bảo tuân thủ những điều kiện được quy định tại Điều 12 Luật Ngân sách nhà nước 2015, cụ thể:
“Điều 12. Điều kiện thực hiện thu, chi ngân sách nhà nước
1. Thu ngân sách nhà nước phải được thực hiện theo quy định của Luật này, các luật về thuế và các quy định khác của pháp luật về thu ngân sách nhà nước.
2. Chi ngân sách nhà nước chỉ được thực hiện khi đã có trong dự toán ngân sách được giao, trừ trường hợp quy định tại Điều 51 của Luật này; đã được thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư hoặc người được ủy quyền quyết định chi và đáp ứng các điều kiện trong từng trường hợp sau đây:
a) Đối với chi đầu tư xây dựng cơ bản phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công và xây dựng;
b) Đối với chi thường xuyên phải bảo đảm đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định; trường hợp các cơ quan, đơn vị đã được cấp có thẩm quyền cho phép thực hiện theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí thì thực hiện theo quy chế chi tiêu nội bộ và phù hợp với dự toán được giao tự chủ;
c) Đối với chi dự trữ quốc gia phải bảo đảm các điều kiện theo quy định của pháp luật về dự trữ quốc gia;
d) Đối với những gói thầu thuộc các nhiệm vụ, chương trình, dự án cần phải đấu thầu để lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu;
đ) Đối với những khoản chi cho công việc thực hiện theo phương thức Nhà nước đặt hàng, giao kế hoạch phải theo quy định về giá hoặc phí và lệ phí do cơ quan có thẩm quyền ban hành.”
Có thể tự đặt ra khoản chi cho ngân sách nhà nước hay không?
Trong các hành vi bị cấm trong lĩnh vực ngân sách được quy định tại khoản 3 Điều 18 Luật Ngân sách nhà nước 2015, có nêu rõ trường hợp:
“3. Chi không có dự toán, trừ trường hợp quy định tại Điều 51 của Luật này; chi không đúng dự toán ngân sách được giao; chi sai chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi, không đúng mục đích; tự đặt ra các khoản chi trái với quy định của pháp luật.”
Như vậy, hành vi tự ý đặt ra các khoản chi cho ngân sách nhà nước là không thể thực hiện được, bị xem là vi phạm quy định của pháp luật hiện hành.
Bài viết trên đây cung cấp một số thông tin về ngân sách nhà nước, các thành phần, phạm vi và điều kiện thu – chi của ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, cá nhân, tổ chức cần tránh không thực hiện những việc bị cấm để đảm bảo không vi phạm quy định pháp luật.