Ngăn ngừa rối loạn tiền đình- những bài tập tại nhà
Ngăn ngừa rối loạn tiền đình- những bài tập tại nhà
Rối loạn chức năng tiền đình là khi hệ thống tiền đình trung ương hoặc ngoại vi có sự tổn thương làm rối loạn đường truyền tín hiệu gây tình trạng mất kiểm soát thăng bằng biểu hiện là hiện tượng chóng mặt đi kèm với hoa mắt, ù tai, buồn nôn, mất thăng bằng khi đứng hoặc đi lại.
Có nhiều nguyên nhân gây bệnh khác nhau, một trong số đó là nguyên nhân từ tổn thương trung ương cần được điều trị và theo dõi sát tình trạng bệnh tại cơ sở y tế.
Với rối loạn chức năng tiền đình ngoại biên tuy không trực tiếp gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh nhưng lại mang nhiều triệu chứng phiền toái, ảnh hưởng rất nhiều đến công việc, cuộc sống và có thể gây nguy hiểm khi bị ngã. Bên cạnh việc điều trị rối loạn tiền đình ngoại biên bằng phương pháp dùng thuốc thì kết hợp áp dụng một chế độ ăn uống khoa học, hợp lý cùng với lối sống lành mạnh, tập thể dục cũng là một trong những biện pháp hiệu quả để làm giảm các triệu chứng hoa mắt, chóng mặt.
Một số bài tập chúng ta có thể áp dụng như sau:
1. Bài tập mắt
Bài tập này sẽ giúp bạn cải thiện tầm nhìn và khả năng tập trung vào một vật thể đứng yên trong khi đầu đang di chuyển.
Các bước thực hiện:
Bước 1: Nhìn thẳng về phía trước và tập trung vào một vật ở ngang tầm mắt bạn.
Bước 2: Di chuyển đầu từ bên này sang bên kia nhưng vẫn phải giữ mắt nhìn vào vật thể đã được xác định ban đầu. Nếu cảm thấy chóng mặt và nhức đầu, bạn nên làm chậm lại.
Bước 3: Bạn cố gắng tiếp tục tối đa 1 phút vì não bộ cần có thời gian để thích ứng. Bạn nên luyện tập từ từ để có thể lặp lại 3 – 5 lần trong 1 ngày.
2. Bài tập Romberg
Bài tập giúp bạn dần thích nghi với cách giữ cho cơ thể thăng bằng, giảm chóng mắt. Với bài tập này, bạn nên đứng vào gần vách tường do nhiều người có thể bị ngã.
Các bước thực hiện:
Bước 1: Đứng thẳng, hai chân chụm sát, hai tay buông thẳng sát vào người. Hai mắt nhắm. Giữ tư thế này trong 30 giây.
Bước 2: Lặp lại động tác.
Có thể nâng nâng mức độ khó cho bài tập này bằng cách giữ nguyên các bước nhưng đưa hai tay đưa thẳng về phía trước và song song với mặt đất.
3. Bài tập lắc lư trước sau
Bài tập giúp hệ tiền đình dần lấy lại khả năng giữ thăng bằng cho cơ thể.
Các bước thực hiện:
Bước 1: Đứng thẳng người, hai chân rộng bằng vai, hai tay buông thẳng
Bước 2: Nhẹ nhàng ngã người ra trước rồi ra sau, sao cho trọng lực dồn xuống ngón chân và gót chân. Không được giở ngón chân hoặc gót lên. Cố gắng sao cho cả vai và hông di chuyển cùng với nhau. Không khom lưng. Giữ một lát thì trở về tư thế chuẩn bị.
Lặp lại mỗi lần 20 nhịp. Lúc đầu nên cố gắng thực hiện một cách chầm chậm, rồi sau đó mới nâng dần lên theo biên độ và tốc độ di chuyển. Ban đầu mở mắt, sau đó nhắm mắt.
4. Bài tập lắc lư hai bên
Cũng có tác dụng tương tự.
Bước 1: Đứng thẳng người, hai chân giang chân rộng bằng vai, tay buông thẳng.
Bước 2: Di chuyển cả thân mình (cả vai và hông cùng di chuyển) sang trái, sao cho toàn thân trụ trên chân trái, rồi sang phải, trụ lên chân phải. Không được nhấc gót và ngón chân lên. Lặp lại 20 nhịp.
Thực hiện động tác thật chậm rãi, một khi đã quen với tốc độ bạn có thể nâng dần lên theo biên độ cũng như là tốc độ di chuyển. Ban đầu mở mắt, sau đó nhắm mắt.
5. Bài tập dậm chân tại chỗ
Bài tập có thể giúp bạn thích nghi với cảm giác cơ thể chuyển động và giữ thăng bằng tốt hơn.
Bước 1: Thực hiện động tác dậm chân tại chỗ như người đi hành quân. lặp đi lặp lại khoảng 3 phút.
Bước 2: Kết thúc bài tập và thả lỏng cơ thể.
6. Bài tập nằm nghiêng 45 độ (Brandt – Daroff)
Bài tập có tác dụng giúp cơ thể bạn quen với các tín hiệu gây nhầm lẫn tạo nên cơn chóng mặt thông qua các chuyển động được lặp đi lặp lại.
Các bước thực hiện:
Bước 1: Bắt đầu ở vị trí ngồi thẳng người.
Bước 2: Quay đầu 45 độ sang một bên.
Bước 3: Sau đó từ từ nằm xuống phía đối diện của bạn (nghĩa là sang trái nếu bạn quay đầu sang phải và ngược lại) sao cho vị trí phía sau tai trên đầu bạn chạm giường.
Bước 4: Giữ vị trí này trong khoảng 30 giây hoặc cho đến khi các triệu chứng chóng mặt chấm dứt.
Bước 5: Quay trở lại tư thế ngồi, đổi bên và lặp lại bài tập đối với phía bên kia. Thực hiện bài tập cho đến khi bạn hoàn thành 6 lần lặp lại ở mỗi bên.
Khi thực hiện các bài tập trên, bạn cần lưu ý đến cường độ, không nên tập luyện quá sức hay tập với mức độ cao ngay từ khi bắt đầu.
Ngoài ra, mất ngủ và stress cũng có thể khiến bạn bị chóng mặt. Do đó, chú ý giữ lối sống lành mạnh cũng là một phương pháp hiệu quả để tránh xa chóng mặt do rối loạn chức năng tiền đình.