Ngắm cầu Trần Hưng Đạo của Hà Nội trong tương lai
Ngắm cầu Trần Hưng Đạo của Hà Nội trong tương lai
Thứ Năm, ngày 23/06/2022 20:01 PM (GMT+7)
Cầu Trần Hưng Đạo sắp được xây dựng có dáng vẻ mềm mại và có nhiều công năng đặc biệt so với nhiều cây cầu trước đó.
Video phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo sắp được xây, dự kiến hoàn thành vào quý II/2025
Theo nguồn tin riêng của Báo Giao thông, Hà Nội vừa chốt phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo. Đây là phương án đã đoạt giải Nhất cuộc thi tuyển chọn kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội (chủ đầu tư) phối hợp với Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức hồi tháng 10/2021.
Phương án do liên danh tư vấn thiết kế: Công ty TNHH Kiến trúc NIWA – Công ty TNHH Chodai & Kiso-Jiban Vietnam – Công ty TNHH Chodai – Công ty TNHH Thiết kế Kiến trúc NH Village.
Theo phương án được lựa chọn, cầu chính dài 900m, gồm 6 nhịp, tổng chiều dài cầu và đường dẫn hai đầu khoảng 5,5 km, qua các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Long Biên. Dự kiến công trình được thực hiện trong hơn 3 năm, hoàn thành vào quý II/2025. Tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 8.700 tỷ đồng.
Đơn vị tư vấn cho biết, với chủ đề: “Hà Nội không giới hạn” thể hiện ý nghĩa trải qua quá trình đô thị hóa Hà Nội không chỉ mang trong mình lịch sử lâu đời với những nét cổ xưa, truyền thống của 36 phố phường mà hiện tại, Thủ đô của Việt Nam còn đang phát triển mạnh mẽ về phía Đông, bên kia sông Hồng.
Cây cầu được thiết kế sẽ trở thành trung tâm của Hà Nội mới, kết nối khu phố cổ với các khu vực mới đang phát triển thông qua hình ảnh những làn sóng uốn lượn trên vòm cầu, tạo nên những vòng kết nối vô tận.
Cầu gồm hai chiều, mỗi chiều hai làn xe cơ giới và một làn xe hỗn hợp. Ngoài ra, các khoảng không được tận dụng bố trí làn xe đạp tại vị trí sát vành vòm. Phần đường dành cho người đi bộ nằm ngoài vành vòm. Đầu cầu có đường lên xuống cho người đi bộ. Trụ cầu có các đài vọng cảnh phục vụ nhu cầu ngắm cảnh của người dân và tạo điểm nhấn kết cấu. Hai đầu cầu có công viên phục vụ người dân vui chơi, giải trí.
Theo phương án đưa ra, hệ thống giao thông được thiết kế kết nối với tất cả các hướng nhưng không làm ảnh hưởng đến công trình hiện hữu tại vị trí cầu dẫn.
KTS. Takashi Niwa, Giám đốc Công ty TNHH Kiến trúc Niwa cho biết, ý tưởng xây dựng xuất phát từ mong muốn cây cầu không chỉ đơn thuần phục vụ giao thông mà còn là sự tổng hòa của không gian khu vực.
Ông Hồ Thái Hùng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Chodai&Kiso-Jaban Việt Nam – đơn vị tham gia liên danh thiết kế phương án 12 cầu Trần Hưng Đạo cho rằng, kiến trúc hiện đại thường không tả thực mà thiên về tính gợi, cầu Trần Hưng Đạo thể hiện điều đó. Đơn cử, ở cầu Trần Hưng Đạo, tính gợi đến vị anh hùng dân tộc sẽ thể hiện qua hàng loạt yếu tố: một số sắc vàng ngọc trai biểu tượng hoàng gia, hình ảnh chiến thuyền trên sông, vòm cầu với những cơn sóng thể hiện dáng dấp của sóng Bạch Đằng. Một công trình càng gợi lên nhiều ẩn dụ càng có sức hấp dẫn.
TS. Nguyễn Hữu Đức, nguyên chuyên gia Jica đánh giá, việc đơn vị thiết kế tính toán được cây cầu vừa thêm công năng, vừa tiết giảm được chi phí so với dự toán ban đầu là đáng mừng.Trong bối cảnh hiện nay, mỗi cây cầu tại các thành phố lớn như Hà Nội, ngoài việc phục vụ đi lại còn nên là điểm nhấn trong du lịch. Trong số tất cả cây cầu của Hà Nội hiện tại, chưa có cầu nào có công năng đặc biệt như vậy.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/ngam-cau-tran-hung-dao-cua-ha-noi-trong-tuong-lai-d556858.htmlNguồn: https://www.baogiaothong.vn/ngam-cau-tran-hung-dao-cua-ha-noi-trong-tuong-lai-d556858.html