Nêu vị trí, đặc trưng của nền Quốc phòng toàn dân, An ninh nhân dân
Đất nước ta hiện nay đang trên đà phát triển, hội nhập với Thế giới kéo theo sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày một được nâng cao. Một trong những nền tảng và yếu tố cốt lõi nhất để đất nước ta tăng cường sức mạnh quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc chính là xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững mạnh. Vì thế, công cuộc xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân giữ một vai trò rất quan trọng trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và đổi mới đất nước. Để hiểu hơn về tầm quan trọng của xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, chúng ta cần làm sáng tỏ, hiểu biết hơn về vị trí, đặc trưng của nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân. Bài viết dưới đây Luật Minh Khuê sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề đó.
Mục Lục
1. Thế nào là “Quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân”?
1.1. Khái niệm về quốc phòng
Quốc phòng là công cuộc giữ nước của một quốc gia gồm tổng thể các loại hoạt động đối nội và đối ngoại về quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học … của Nhà nước và nhân dân để phòng thủ đất nước, tạo nên sức mạnh toàn diện, cân đối, trong đó sức mạnh quân sự là đặc trưng, nhằm giữ vững hòa bình, đẩy lùi, ngăn chặn các hoạt động gây chiến của kẻ thù và sẵn sàng đánh thắng chiến tranh xâm lược dưới mọi hình thức và qui mô.
1.2. Khái niệm về quốc phòng toàn dân
Quốc phòng toàn dân là nền quốc phòng mang tính chất “vì dân, do dân, của dân”, phát triển theo phương hướng toàn dân, toàn diện, độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường và ngày càng hiện đại, kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng và an ninh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lí, điều hành của Nhà nước, do nhân dân làm chủ, nhằm giữ vững hòa bình, ổn định của đất nước, sẵn sàng đánh bại mọi hành động xâm lược và bạo loạn lật đổ của các thế lực đế quốc, phản động; bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt nam xã hội chủ nghĩa.
Xây dựng nền Quốc phòng toàn dân nhằm mục đích: bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ nhân dân, bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ sự nghiệp đổi mới và lợi ích quốc gia dân tộc; đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch chống phá cách mạng Việt Nam; chủ động ngăn chặn, đẩy lùi các hoạt động gây chiến của kẻ thù, giữ vững hòa bình, tạo môi trường thuận lợi để xây dựng đất nước, phát triển kinh tế xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, đồng thời góp phần bảo vệ hòa bình và ổn định ở khu vực và trên thế giới.
1.3. Khái niệm về an ninh nhân dân
An ninh nhân dân là sự nghiệp của toàn dân, do nhân dân tiến hành, lực lượng an ninh nhân dân làm nòng cốt dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lí của Nhà nước. Kết hợp phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc với các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng chuyên trách, nhằm dập tan mọi âm mưu và hành động xâm phạm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, cùng với quốc phòng toàn dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Nhiệm vụ của an ninh nhân dân là đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ Đảng, chính quyền và nhân dân.
Tóm lại, nền an ninh nhân dân là sức mạnh về tinh thần, vật chất, sự đoàn kết, là truyền thống dựng nước, giữ nước của toàn dân tộc được huy động vào sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia. Trong đó, lực lượng an ninh nhân dân chuyên trách làm nòng nốt.
2. Vị trí nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân
Nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân giữ một vị trí chiến lược hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Xuất phát từ kinh nghiệm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc; từ âm mưu, thủ đoạn của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch xóa bỏ chủ nghĩa xã hội. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững mạnh là tạo ra sức mạnh để ngăn ngừa, đẩy lùi, đánh bại mọi âm mưu, hành động xâm hại đến mục tiêu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay đặt ra vấn đề vừa cơ bản vừa cấp bách trong việc kết hợp xây dựng phát triển kinh tế xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng – an ninh.
Đảng ta đã khẳng định: “Trong khi đặt trọng tâm vào nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội, chúng ta không một chút lơi lỏng nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, luôn luôn coi trọng quốc phòng – an ninh, coi đó là nhiệm vụ chiến lược gắn bó chặt chẽ.
Từ những nhìn nhận về vị trí của nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, ta rút ra được một số lưu ý sau:
- Quốc phòng không chỉ có sức mạnh quân sự mà bao gồm cả sức mạnh phi quân sự trên các lĩnh vực như: chính trị, kinh tế, ngoại giao, văn hóa, …
- Quốc phòng đương nhiên là để đề phòng chiến tranh, nhưng trước hết là đánh bại âm mưu, thủ đoạn và hạn chế đẩy lùi nguy cơ chiến tranh trong mọi tình huống.
- Quốc phòng không chỉ có chống giặc ngoại xâm mà còn phải đối phó với kẻ thù bên trong. Vì vậy, quốc phòng và an ninh luôn gắn bó chặt chẽ với nhau.
- Sự nghiệp củng cố quốc phòng và an ninh là trách nhiệm của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước.
3. Đặc trưng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân
3.1 Nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân chỉ có mục đích duy nhất là tự vệ chính đáng
Đặc trưng thể hiện sự khác nhau về bản chất trong xây dựng nền quốc phòng, an ninh của những quốc gia có độc lập chủ quyền đi theo con đường xã hội chủ nghĩa với các nước khác.
Xây dựng nền quốc phòng, an ninh nhân nhân vững mạnh là để tự vệ, chống lại thù trong giặc ngoài, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân.
3.2 Nền quốc phòng, an ninh vì dân, của dân và do toàn thể nhân dân tiến hành
Đặc trưng vì dân, của dân, do dân của nền quốc phòng, an ninh nước ta thể hiện truyền thống, kinh nghiệm của dân tộc ta trong lịch sử dựng nước và giữ nước.
Đặc trưng vì dân, của dân, do dân và mục đích tự vệ của nền quốc phòng, an ninh cho phép ta huy động mọi người, mọi tổ chức, mọi lực lượng đều thực hiện xây dựng nền quốc phòng, an ninh và đấu tranh quốc phòng, an ninh. Đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng, an ninh phải xuất phát từ lợi ích, nguyện vọng và khả năng của nhân dân.
3.3. Nền quốc phòng, an ninh có sức mạnh tổng hợp do nhiều yếu tố tạo thành
Sức mạnh tổng hợp của nền quốc phòng, an ninh nước ta tạo thành bởi rất nhiều yếu tố như chính trị, kinh tế, văn hóa, tư tưởng, khoa học, quân sự, an ninh, … cả ở trong nước, ngoài nước, của dân tộc và của thời đại. Trong đó những yếu tố bên trong của dân tộc (gọi là sức mạnh nội lực) bao giờ cũng giữ vai trò quyết định.
Sức mạnh tổng hợp của nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân là cơ sở, tiền đề và là biện pháp để nhân dân đánh thắng kẻ thù xâm lược.
3.4. Nền quốc phòng, an ninh nhân dân được xây dựng toàn diện và từng bước hiện đại.
Việc tạo ra sức mạnh quốc phòng, an ninh không chỉ ở sức mạnh quân sự, an ninh mà phải huy động được sức mạnh của toàn dân về mọi mặt chính trị, quân sự, an ninh, kinh tế, văn hóa, khoa học.
Phải có sự kết hợp hữu cơ giữa quốc phòng, an ninh với các mặt hoạt động xây dựng đất nước, kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng, an ninh với hoạt động đối ngoại.
Xây dựng nền quốc phòng, an ninh toàn diện phải đi đôi với xây dựng nền quốc phòng, an ninh hiện đại là một tất yếu khách quan.
Xây dựng quân đội nhân dân, công an nhân dân từng bước hiện đại. Kết hợp giữa xây dựng con người có giác ngộ chính trị, có tri thức với vũ khí trang bị kỹ thuật hiện đại.
Phát triển công nghiệp quốc phòng, từng bước trang bị hiện đại cho các lực lượng vũ trang nhân dân. Có sự kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế xã hội với tăng cường quốc phòng an ninh.
3.5 Nền quốc phòng toàn dân gắn chặt với an ninh nhân dân
Nền quốc phòng và an ninh nhân dân của chúng ta đều được xây dựng nhằm mục đích tự vệ, đều phải chống thù trong, giặc ngoài để bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Giữa nền quốc phòng toàn dân với nền an ninh nhân dân chỉ khác nhau về phương thức tổ chức lực lượng, hoạt động cụ thể, theo mục tiêu cụ thể được phân công.
Có sự kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng và an ninh, phải thường xuyên tiến hành đồng bộ, thống nhất từ trong chiến lược, qui hoạch, kế hoạch xây dựng, hoạt động của cả nước cũng như từng khu vực, đến mọi ngành, mọi cấp.
Trên đây là toàn bộ những thông tin mà Luật Minh Khuê muốn cung cấp cho các bạn về vị trí, đặc trưng của nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, hi vọng rằng những thông tin mà chúng tôi cung cấp có thể giúp ích cho bạn đọc. Nếu có gì thắc mắc về vấn đề trên hoặc những câu hỏi liên quan đến vấn đề pháp luật, thì các bạn vui lòng liên hệ với chúng tôi qua tổng đài tư vấn trực tuyến thông qua hotline 1900.6162. Luật Minh Khuê xin chân thành cảm ơn!