Network kiểu Yeah1 – sống dựa YouTube, mô hình không bền vững
Yeah1 – network top 10 thế giới vừa bị YouTube ngừng hợp tác.
Dù sở hữu mạng lưới hàng chục nghìn kênh với hàng chục triệu đăng ký, các network YouTube và người sáng tạo nội dung cũng bị lệ thuộc hoàn toàn vào nền tảng này.
Multi Channel Network (MCN) hay gọi đơn giản là network Youtube là các tổ chức, công ty bên thứ ba làm cầu nối cho người sáng tạo nội dung (creator hay còn gọi là YouTuber) với YouTube.
Công việc chính của mạng lưới MCN là hỗ trợ cho chủ kênh các vấn đề liên quan đến bản quyền, kiếm tiền từ YouTube và gia tăng lượt xem.
“Bạn có một kênh YouTube, bạn muốn phân phối tới mọi người, muốn được bảo vệ bản quyền, muốn gia nhập cộng đồng người xem và muốn được hỗ trợ nhanh hơn từ YouTube. Bạn hãy vào network”, Nhật Nguyên, người có kinh nghiệm làm YouTube lâu năm tại TP.HCM chia sẻ.
Nói một cách đơn giản, network là nơi tập hợp các thương hiệu được tuyển chọn (các kênh YouTube) để đến tay người tiêu dùng (người xem).
Trong tuyên bố mới nhất gửi Zing.vn, YouTube cho biết: “Chúng tôi quyết định thực thi các quyền trong hợp đồng và chấm dứt quan hệ hợp tác với một số mạng lưới đa kênh cùng với các công ty con của họ.
Những công ty này bị phát hiện lặp lại các hành vi vi phạm nghiêm trọng đến quy định của chúng tôi. Chúng tôi cần đảm bảo sự an toàn cho người xem cũng như những nhà sáng tạo nội dung trên nền tảng YouTube”.
Mô hình cộng sinh YouTube – Network – YouTuber
Tại Việt Nam, mô hình này từ lâu đã rất phổ biến với các cái tên như Điền Quân, MeTub, Pops và cả Yeah1 – một trong những network top 10 thế giới.
Cụ thể, chủ một kênh YouTube sau khi đủ điều kiện kiếm tiền có thể chọn tham gia network (để được “che chở”) hoặc là một kênh đơn lẻ (làm việc trực tiếp với YouTube, không ăn chia lợi nhuận với network).
Với quy mô kênh lớn, nhiều người chọn tham gia network. Bởi trong mạng lưới đa kênh, người sáng tạo chỉ cần tập trung làm nội dung. Các hình thức phân phối, tăng view, hướng dẫn làm từ khóa, xây dựng hình ảnh, bảo vệ bản quyền để đã được network trợ giúp.
Đây cũng là lý do các chủ kênh YouTube ở Việt Nam tìm đến các network kiểu như Yeah1, MeTub… Đổi lại việc này, các chủ kênh phải mất 10-40% số tiền kiếm được từ YouTube cho network.
Với YouTube, network chịu trách nhiệm quản lý nội dung các kênh phù hợp với chính sách của mạng xã hội này. Bù lại những kênh trong network sẽ được YouTube “tin tưởng” hơn bởi nó đã có sự xét duyệt, tuyển lựa.
Nếu ngày 31/3 YouTube không đạt được thỏa thuận với Yeah1, network này sẽ không thể quản lý bất kỳ kênh nào.
Ngoài bảo trợ các kênh YouTube, nhiều network lớn còn nhận quảng cáo từ nhãn hàng. Những video quảng cáo sẽ được các YouTuber của network thực hiện và đăng tải trên nền tảng YouTube.
Phần còn lại công việc của YouTube khá đơn giản. Công ty thu tiền từ nhãn hàng bằng cách hiển thị quảng cáo trên các video. Số tiền thu được, YouTube giữ lại 45%. 55% còn lại được chuyển cho network. Số tiền này tiếp tục được network giữ lại 10-40% trước khi đến tay người làm nội dung.
“Với mô hình này, người được lợi lớn nhất là YouTube, mạng xã hội này không phải mất quá nhiều nguồn lực để quản lý các kênh nhỏ. Họ chỉ làm việc trực tiếp qua network. Điều này giúp YouTube không phải tốn thêm chi phí nhưng vẫn có một đội ngũ kiểm duyệt và quản lý kênh”, Nhật nhận định.
YouTube nắm đằng cán
Về lý thuyết, mối quan hệ giữa network, YouTube và người sáng tạo được xem là cộng sinh.
Tuy vậy, với vai trò là chủ nền tảng, YouTube có nhiều sự quyết định hơn. Mạng xã hội video có quyền ngừng hợp tác với bất kỳ network nào vi phạm chính sách của họ. Đây là điều khiến những công ty như Yeah1 có một mô hình kinh doanh bấp bênh, không bền vững.
Ngược lại, nguồn lực của Yeah1 bỏ ra chỉ có thể hoạt động trên nền tảng YouTube. Họ không có lựa chọn thay thế.
“Dù sở hữu riêng cho mình kho nội dung dồi dào hay đứng ra quản lý hộ những nhà sáng tạo, các network trên đều đang chơi trên sân của YouTube”, Duy Nguyễn, một YouTuber tại Hà Nội cho biết.
Network không phải lúc nào cũng được vận hành tốt. Trường hợp của SpringMe, công ty mà Yeah1 có 16,5% cổ phần là một ví dụ. Công ty con này vừa bị YouTube phát hiện tuyển lựa kênh nguồn vào sai quy định của YouTube.
Về phần nhà sáng tạo nội dung, rất nhiều người cho biết từ ngày 4/3, hàng loạt kênh YouTube bật kiếm tiền qua dịch vụ đã bị YouTube truy quét dẫn tới mất kênh.
“Tối qua đến nay đã mất 5 kênh bật kiếm tiền qua dịch vụ. YouTube đang quét như vậy chứng tỏ họ biết Yeah1 đang làm gì”, Tài Hoàng, người làm YouTube từng sử dụng dịch vụ bật kiếm tiền để vào network của Yeah1 cho biết.
Rất nhiều trong số đó thuộc network SpringMe, một công ty con thuộc Tập đoàn Cổ phần Yeah1.
“Tôi có mua lại hai kênh YouTube để bật kiếm tiền nhanh hơn. Sáng nay thấy kênh bị xóa mới biết mình đã mua phải kênh bật kiếm tiền qua dịch vụ”, Hữu Phúc, một YouTube là nội dung hoạt hình cho biết.
Hiện phía Yeah1 chưa có câu trả lời chính thức cho cái gọi là “dịch vụ bật kiếm tiền” trên. Những lời tố cáo Yeah1 chủ yếu đến từ những chủ kênh YouTube tại Việt Nam.
Vốn hóa bốc hơi nghìn tỷ đồng, Yeah1 nói gì?
Với một lệnh “cấm vận” của YouTube, vốn hóa của Yeah1 Group đã “bốc hơi” trên 1.000 tỷ đồng.
Trong phiên giao dịch đầu tiên sau khi thông báo được gửi đi, cổ phiếu YGC với mã YEG giảm 6,89% so với ngày 1/3. Đà giảm kịch biên độ của YEG cũng khiến vốn hóa của Yeah1 giảm hơn 500 tỷ đồng.
Hiện tại, với 31,28 triệu cổ phiếu đang niêm yết (tương đương vốn điều lệ gần 312,8 tỷ đồng), định giá thị trường của Yeah1 đang vào khoảng 7.500 tỷ.
Sáng 5/3, ngay khi thị trường mở giao dịch, YEG đã giảm thêm 15.900 đồng/cổ phiếu, tương đương 7% thị giá so với giá 4/3.
Đây cũng là phiên giảm sàn thứ 2 liên tiếp của cổ phiếu này kể từ sau sự cố bị YouTube chấm dứt thỏa thuận lưu trữ nội dung (CHSA) sau ngày 31/3 đối với các công ty có có hoạt động kinh doanh liên quan tới mảng YouTube Adsense bao gồm SpringMe Pte. Ltd., Yeah1 Network Pte Ltd và ScaleLab LLC.
Với việc chỉ còn giao dịch ở mức giá 212.000 đồng, vùng giá thấp nhất trong nửa năm qua, cổ phiếu này đã giảm 33.000 đồng chỉ sau 2 ngày.
Theo đại diện truyền thông của Yeah1, chỉ một công ty con hoạt động độc lập mắc sai phạm nhưng YouTube ngừng hợp tác với hai công ty khác Yeah1 Network, ScaleLab. Một lần nữa, YouTube thể hiện quyền lực của mình trong việc làm chủ cuộc chơi.
“Chúng tôi đang làm việc với YouTube để họ xem xét bởi chỉ có SpringMe vi phạm, Yeah1 không thể chịu hậu quả liên đới được”, đại diện truyền thông Yeah1 trả lời Zing.vn qua điện thoại.
SpringMe – Network thuộc Yeah1 vi phạm chính sách của YouTube vì hoạt động tuyển lựa kênh không phù hợp.
Ngày 3/3, Yeah1 Network thông báo bị YouTube chấp dứt thỏa thuận lưu trữ nội dung. Từ 31/3, các kênh do Yeah1 Network quản lý sẽ trong tình trạng “cơ nhỡ”.
Ngày 4/3, nhiều kênh YouTube từng thuộc quản lý Yeah1 Network bị YouTube xóa sổ. Cộng đồng YouTuber Việt Nam dậy sóng trước đợt truy quét chưa từng có.
Ngày 5/3, YouTube thông báo quyết thực hiện các quyền trong hợp đồng và chấm dứt quan hệ hợp tác với một số network trong đó có Yeah1. Sau 2 ngày, Yeah1 mất 1.000 tỷ vốn hóa thị trường.