Nên loại bỏ lễ hội đâm trâu | Văn hóa
(Xây dựng) – Dịp Tết Kỷ Hợi một tài khoản facebook có tên là “Ngàn thông lộng gió” đưa hình ảnh “Lễ hội đâm trâu” ở một xã nào đó trên vùng Tây Nguyên, kèm theo ý kiến chì trích lễ hội này là một hành động ma rợ. Thông tin được nhiều người chia sẻ, phản đối lễ hội hủ tục lạc hậu này.
Hình ảnh con trâu hiền lành bị trói vào cọc cứng, cặp sừng cũng bị cuốn rơm không khả năng tự vệ. Nó đứng giữa bãi trống để chịu trận tra tấn cực hình, kẻ “đao phủ” thì hả dạ ra tay với những cú đâm nguy hiểm, tất thảy người xem từ già tới trẻ, có cả cán bộ chính quyền địa phương đều hân hoan cổ vũ.
Con trâu bị hành hình cắt gân, chặt chân, đâm lòi ruột gan như thời trung cổ thi hành án “tùng xẻo” mà nom thót tim, đây quả thực là một hành động phi nhân tính.
Những hình ảnh ám ảnh tại lễ hội đâm trâu.
Ở vùng Đồng bằng sông Hồng, coi “con trâu là đầu cơ nghiệp”. Nhìn cảnh con trâu hiền lành, gắn bó với nhà nông một thời chủ lực sức kéo bị hành hạ đến chết mà thấy xót lòng.
Nhiều người kịch liệt phản đối lễ hội đâm trâu, một lễ hội cổ hủ lạc hậu cần loại bỏ. Thực tế, ở Việt Nam đã bỏ được lệ đốt pháo trong ngày tết. Trước đây khái niệm ngày Tết phải có “Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh…”, nay cây nêu dân thấy không cần thiết tự bỏ, tràng pháo đại đa số người dân hưởng ứng không đốt pháo nữa vì lãng phí và ô nhiễm môi trường, hơn nữa chơi với lửa rất nguy hiểm.
Một xã hội văn minh, con người văn hóa hướng thiện, nên loại bỏ những thói quen, hủ tục xấu, lạc hậu. Lễ hội đâm trâu, chọi trâu, chọi gà… trò chơi, hủ tục sát sinh man rợ lên loại bỏ. Trước mắt không nên khuyến khích, cần tuyên truyền cho nhân dân thấy được việc làm thô bạo vô đạo đức. Chính quyền địa phương không nên đứng ra tổ chức, khôi phục tàn dư văn hóa cũ thời phong kiến này.