Nên bỏ khái niệm “học sinh yếu kém…”
Đây là những cụm từ có tác động rất tiêu cực đối với những học sinh bị nhận xét mà theo tôi, Bộ GD-ĐT và xã hội nên cân nhắc loại bỏ hoặc thay thế bằng những cách gọi khác mang tính nhẹ nhàng, có tác dụng động viên hơn.
Chúng ta đều biết rằng, bộ não mỗi người là không thể bao trùm hết mọi sự việc, mọi lĩnh vực được. Mỗi học sinh, mỗi cá nhân đều chỉ có thể dành sự tập trung cho một/một số lĩnh vực nhất định nào đó mà thôi. Mà khi đã dành sự tập trung vào một khía cạnh nào đó rồi thì rất khó có thể xuất sắc ở lĩnh vực khác được.
Các em học sinh cũng tương tự, không phải em học sinh nào cũng có cơ hội/môi trường để toàn tâm toàn ý vào việc học hành để có được kết quả học tập cao nhất. Ví dụ như đối với một học sinh quá nghèo thì mối quan tâm cao nhất của các em đó là miếng cơm, cái áo mặc hàng ngày chứ không phải là việc học tập.
Hoặc một học sinh có tư chất rất giỏi nhưng về nhà cha mẹ luôn cãi nhau thì điều mà các em suy nghĩ đó là gia đình chứ không phải là việc học hành. Hoặc một học sinh rất thích vẽ hoặc rất thích âm nhạc thì sẽ không ngạc nhiên nếu các em lơ là và bị điểm thấp ở các môn toán, lý, hóa…
Nhưng trên thực tế, bản thân các em vẫn luôn là những người rất có tiềm năng. Trên thực tế việc này đã được chứng minh, có rất nhiều người khi đi học rất dở nhưng khi đi vào một lĩnh vực cụ thể nào đó (hội họa, kinh doanh, chính trị, âm nhạc, phát minh…) thì lại cực kỳ xuất sắc, thậm chí là thiên tài.
Do vậy, nếu chỉ căn cứ vào kết quả học tập của một môn học hoặc kết quả học tập mà đưa ra nhận xét, chỉ trích (đặc biệt là ở nơi đông người) rằng một học sinh nào đó là “yếu, kém, dốt” thì những nhận xét đó là rất nguy hiểm. Đầu tiên nó sẽ khiến cho người học sinh ấy trở nên mặc cảm mà thu hẹp lại, tiếp sau đó là chán nản việc học bởi có cảm giác bị bỏ rơi. Một học sinh có sức học tốt, tối về cha mẹ cãi nhau rất có thể sẽ chán nản mà bỏ bê học hành vài ngày, nếu sau đó lên lớp trả bài không được, giáo viên chỉ trích, cho rằng em yếu, kém, dốt thì việc em muốn rời xa trường học là rất cao.
Bởi tất cả các lẽ đó, tôi kiến nghị Bộ GD-ĐT nên nghiên cứu và cấm sử dụng những cách gọi, cách nhận xét, đánh giá nói trên trong môi trường giáo dục nước ta. Thay vào đó thì chúng ta sẽ sử dụng cách phân hạng giống như ở một số quốc gia khác chẳng hạn. Ví dụ như phân hạng học tập theo bảng chữ cái: A-B-C-D-E…Đó là một chi tiết rất nhỏ, rất nhỏ thôi nhưng có tác động mạnh mẽ tới sự phấn đấu và duy trì niềm tin ở một bộ phận không ít các em học sinh, sinh viên của chúng ta.