Nelson Mandela – Người anh hùng của cuộc chiến chống Apácthai

  –  

Thứ sáu, 06/12/2013 08:21 (GMT+7)

Nelson Mandela là một trong những chính trị gia được ngưỡng mộ nhất thế giới. Ông đã dành phần lớn cuộc đời đấu tranh để thay thế chế độ phân biệt chủng tộc Apácthai ở Nam Phi bằng một nền dân chủ đa sắc tộc.

Nelson Mandela – Người anh hùng của cuộc chiến chống Apácthai
Cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela.

Năm 1990, sau khi bị cầm tù trong 27 năm, ông trở lại chính trường và trở thành tổng thống da đen đầu tiên của Nam Phi và sau đó đã đóng vai trò đi đầu chiến đấu để chấm dứt triệt để nạn phân biệt chủng tộc ở quốc gia này. Năm 1993, ông giành giải Nobel Hòa bình.

Chính uy tín, phong cách tự trào phúng và lạc quan trước hoàn cảnh khắc nghiệt cũng như câu chuyện cuộc đời đáng ngưỡng mộ là một phần lý do khiến ông nổi tiếng trên khắp thế giới.

Kể từ khi rời bỏ chức vụ tổng thống vào năm 1999, ông Mandela đã trở thành vị đại sứ cấp cao nhất của Nam Phi, tham gia các chiến dịch chống HIV/AIDS và vận động để đất nước ông được đăng cai Giải vô địch bóng đá thế giới (World Cup) 2010.

Ông Mandela còn tham gia vào các cuộc thương lượng hòa bình ở Cộng hòa Dân chủ Công gô, Burundi và các quốc gia khác ở Châu Phi cũng như nhiều các nơi trên thế giới.

Năm 2004, ở tuổi 85, ông Mandel dừng các hoạt động công cộng và dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, bạn bè và để “hồi tưởng trong lặng lẽ”.

Kể từ khi rút lui về “ở ẩn”, cựu Tổng thống Mandela rất ít khi xuất hiện trước công chúng và ông thường dặn bất kỳ ai có ý định mời ông tham gia sự kiện gì: “Đừng gọi cho tôi, tôi sẽ gọi cho anh”. Tháng 11.2010, văn phòng của ông công bố những bức ảnh cho thấy ông gặp gỡ các thành viên đội bóng đá Mỹ và Nam Phi.

Những năm gần đây, ông gặp một loạt các vấn đề về sức khỏe và 2 năm qua, ông đã phải vào viện điều trị vài lần.

Tháng 1.2011, ông trải qua “các cuộc kiểm tra đặc biệt” tại Bệnh viện Johannesburg, khiến dư luận Nam Phi nhớ lại rằng vị cựu tổng thống của họ “trước đây đã mắc các bệnh về đường hô hấp”. Khi bị giam giữ trên đảo Robben vào những năm 1980, ông Mandela mắc bệnh lao.

Trong những tháng gần đây, ông liên tục bị chứng viêm phổi hành hạ.

Tuổi thơ được nuôi dưỡng bởi lòng trung thành

Sinh năm 1918, Nelson Mandela thuộc dòng họ phong kiến Thembu ở tỉnh Cape, miền đông Nam Phi. Ở Nam Phi, ông vẫn thường được gọi bằng tên theo dòng họ – “Madiba”.

Tên khai sinh của ông là Rolihlahla Dalibhunga, còn tên tiếng Anh Nelson là do một giáo viên của ông đặt.

Cha ông – “cố vấn” của dòng họ Thembu – qua đời khi ông lên 9 và ông được Quốc vương Thembu, Jongintaba Dalindyebo nhận nuôi.

Năm 1941, ở tuổi 23, ông phải chạy trốn một cuộc hôn nhân sắp đặt và tới Johannesburg.

Nelson Mandela thời trẻ.Nelson Mandela thời trẻ.

Hai năm sau, ông đăng ký học bằng cử nhân luật tại Đại học Afrikaner Witswaterand, nơi ông gặp gỡ những người thuộc mọi chủng tộc và tầng lớp. Ông bị thu hút bởi tư tưởng tự do, cấp tiến cũng như chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và đó là những thứ đã nuôi dưỡng niềm đam mê chính trị của Mandela. Cũng trong năm đó, ông trở thành thành viên Đảng Đại hội Quốc gia Châu Phi (ANC) và sau đó đồng sáng lập Liên đoàn Thanh niên ANC. 

Ông kết hôn với người vợ đầu tiên – Evelyn Mase – vào năm 1944. Năm 1958 vợ chồng ông ly dị sau khi có 4 người con.

Năm 1952, Nelson Mandela trở thành luật sư và cùng với Oliver Tambo mở văn phòng luật tại Johannesburg.

Hai ông Mandela và Tambo đã cùng nhau đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apácthai, chế độ do Đảng Quốc gia gồm các thành viên là người da trắng tạo dựng lên để đàn áp người da đen chiếm đa số ở Nam Phi.

Năm 1956, Mandela cùng với 155 nhà hoạt động khác bị xét xử tội phản quốc, nhưng các tội danh của ông đã bị dỡ bỏ sau 4 năm xét xử.

Vào năm 1958, Mandela kết hôn với Winnie Madikizela – người sau này đã đóng vai trò tích cực trong chiến dịch vận động thả tự do cho chồng mình.

Năm 1960, Đảng Đại hội Quốc gia Châu Phi của Mandela bị cấm hoạt động và ông phải rút vào hoạt động bí mật.

Căng thẳng với chính quyền Apácthai ngày càng gia tăng và lên tới đỉnh điểm vào năm 1960 với việc 69 người da đen bị cảnh sát bắn chết trong vụ thảm sát Sharpeville.

Án tù chung thân

Sự kiện trên đã đánh dấu chấm hết cho hoạt động chống chế độ Apácthai bằng con đường hòa bình và ông Mandela, lúc này đã trở thành Phó Chủ tịch Đảng ANC, chuyến sang chiến dịch phá hoại kinh tế ngầm.

Cuối cùng, ông đã bị bắt giữ rồi bị truy tố tội phá hoại ngầm và âm mưu lật đổ chính quyền bằng con đường bạo lực.

Tại tòa án Rivonia, ông Mandela đã bày tỏ niềm tin của mình về dân chủ, tự do và sự bình đẳng.

“Tôi yêu thích ý tưởng về một xã hội dân chủ và tự do, ở đó mọi người sống hòa hợp cùng nhau và có cơ hội  như nhau. Đó là lý tưởng mà tôi hi vọng mình sẽ đấu tranh và đạt được. Và nếu cần thiết, tôi sẵn sàng hi sinh vì lý tưởng đó” – Nelson Mandela nói.

Mùa đông năm 1964, ông bị kết án tù chung thân.

Trong khoảng thời gian 12 tháng giữa năm 1968 và 1969, mẹ ông qua đời và anh trai cả của ông thiệt mạng trong một vụ đâm xe, nhưng ông không được phép tới dự lễ tang.

Ông bị giam giữ trong nhà tù trên đảo Robben trong vòng 18 năm, trước khi được chuyển tới nhà tù Pollsmoor trên đất liền vào năm 1982.

Sau khi Mandela bị kết án tù chung thân, một chiến dịch quiymô quốc tế đã được tiến hành nhằm kêu gọi thả tự do cho ông.Sau khi Mandela bị kết án tù chung thân, một chiến dịch quiymô quốc tế đã được tiến hành nhằm kêu gọi thả tự do cho ông.

Trong khi Mandela và các nhà lãnh đạo ANC khác bị giam trong tù hoặc sống lưu vong thì tầng lớp thanh niên da đen ở Nam Phi nỗ lực hết mình để chống lại sự cai trị của người da trắng thiểu số.

Hàng trăm người đã bị giết và hàng nghìn người bị thương trong cuộc chiến chống lại chế độ phân biệt chủng tộc này.

Năm 1980, Đảng ANC dưới sự lãnh đạo của Tambo – khi đó đang sống lưu vong – đã mở một chiến dịch quốc tế chống lại chế độ Apácthai, nhưng tập trung vào một mục tiêu và một con người – yêu cầu thả tự do cho Mandela. 

Kết quả của chiến dịch này là trong buổi biểu diễn âm nhạc tại sân vận động Wembley ở thủ đô Luân Đôn năm 1988, 72.000 người – và cả hàng triệu người xem truyền hình trên toàn thế giới – đã hô vang “Hãy trả tự do cho Nelson Mandela”.

Sức ép của người dân đã khiến các nhà lãnh đạo thế giới thắt chặt các lệnh cấm vận đầu tiên đối với Nam Phi vào năm 1967 để chống lại chế độ Apácthai.  Sức ép đó cũng đã đem lại kết quả Tổng thống FW de Klerk phải dỡ bỏ lệnh cấm hoạt động đối với ANC vào năm 1990. Ông Mandela được thả tự do và bắt đầu các cuộc đàm phán xây dựng nền dân chủ đa sắc tộc cho Nam Phi.

Những thành phố ổ chuột

Năm 1992, Mandela chia tay vợ – bà Winnie – do bà ngoại tình. Bà Winnie cũng bị truy tố các tội như bắt cóc và đồng lõa tấn công.

Tháng 12.1993, ông Mandela và ông de Klerk được trao giải Nobel Hòa bình.

Năm tháng sau, lần đầu tiên trong lịch sử Nam Phi, công dân thuộc mọi chủng tộc đã tham gia cuộc bầu cử dân chủ và ông Mandela đã giành đa số phiếu để trở thành tổng thống.

Vấn đề lớn nhất của ông Mandela với tư cách tổng thống Nam Phi là tình trạng thiếu nhà ở cho người nghèo và các khu ổ chuột vẫn tiếp tục là “vết đen” của các thành phố lớn. Trong hoàn cảnh đó, ông đã thuyết phục được các công ty đa quốc gia tiếp tục ở lại và đầu tư cho Nam Phi.

Vào sinh nhật lần thứ 80, Nelson Mandela kết hôn với Graca Machel – góa phụ của cựu Tổng thống Mozambique.

Sau khi thôi làm tổng thống Nam Phi, ông tiếp tục đi khắp nơi trên thế giới, gặp gỡ các nhà lãnh đạo, tham dự các hội nghị và nhận nhiều giải thưởng.

Mandela và vợ Graca Machel trên khán đài theo dõi trận bóng đá giữa Hà Lan và Tây Ban Nha - Giải bóng đá thế giới năm 2010 diễn ra tại Nam Phi.Mandela và vợ Graca Machel trên khán đài theo dõi trận bóng đá giữa Hà Lan và Tây Ban Nha – Giải bóng đá thế giới năm 2010 diễn ra tại Nam Phi.

Sau khi chính thức nghỉ hưu, ông tiếp xúc với công chúng chủ yếu thông qua hoạt động của Quỹ Mandela, quỹ từ thiện do ông thành lập.

Trong sinh nhật lần thứ 89, ông thành lập nhóm The Elders – một nhóm gồm các nhân vật hàng đầu thế giới, để chuyên đưa ra lời tư vấn và hướng dẫn “giải quyết một số vấn đề khó khăn nhất của thế giới”.

Có lẽ hành động đáng chú ý nhất của ông là vào năm 2005 sau khi Makgatho – con trai ông – qua đời.

Vào thời điểm nạn nhân bệnh AIDS vẫn bị thành kiến, ông Mandela thông báo rằng con trai ông qua đời vì bệnh này và đề nghị người dân Nam Phi thảo luận về bệnh AIDS “để khiến bệnh này như một bệnh thông thường”.

Ông cũng đóng vai trò then chốt để Nam Phi được chọn là quốc gia đăng cai Giải bóng đá thế giới (World Cup) 2010.

Tháng 11.2012,  những tờ giấy bạc ngân hàng đầu tiên của Nam Phi in hình Nelson Mandela bắt đầu được lưu hành.