Náo động mùa ươi bay
Náo động rừng ươi
Thông thường mùa ươi bắt đầu từ tháng 6, nhưng không phải năm nào ươi cũng cho quả. Già làng Đinh Ké, xã Sơn Nham, huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) cho biết: “Cây ươi cho quả khoảng 4 đến 7 năm một lần. Quả này rất quý nên người ta săn lùng dữ lắm. Cả đời mình cũng chỉ thấy chưa gần chục lần cây ươi ra trái. Lâu nay, người miền cao Sơn Nham vẫn trông đến mùa ươi bay để đeo gùi vào rừng nhặt về ăn. Quá trình ủ hoa ra trái của ươi lâu lắm, có khi trên 5 năm mới có một mùa. Người dân ở đây rất thích ăn trái ươi nên họ chỉ nhặt trái mà không bao giờ chặt cây. Những hạt ươi bay đủ độ chín, ăn vừa ngon vừa bổ. Ăn mùa này phải giữ cho mùa sau nữa. Nhưng giờ thì…” già làng buồn bã dừng lời.
Hiện tại đang mùa cao điểm thu hoạch ươi ở vùng núi các tỉnh Quảng Nam,Quảng Ngãi nên giá quả ươi lúc cao điểm lên đến hơn 240 ngàn đồng/kg. Giá cao như vậy khiến hàng ngàn người dân cơm đùm, cơm nắm xông thẳng vào rừng săn ươi.
Người dân đổ xô vào rừng tìm ươi
Già Đinh Tà Keo năm nay gần 80 tuổi nói: “Năm nay ươi bay nhiều, đây là lần ươi được mùa nhất trong 20 năm qua. Nhà của già có ba người con thì cả vợ chồng, con cái đều vào rừng nhặt ươi. Chỉ cần đi chưa được một tuần là kiếm được cả chục triệu đồng, hơn cả một mùa làm lúa. Cái rẫy để làm sau, phải vào rừng lượm ươi đã, chậm chân là hết mất!”.
Còn ông Đinh Nghia (xã Sơn Bao) khoe: “Cách đây gần một tuần, vợ chồng mình và đứa con lượm ươi ba ngày được hơn 20 kg, bán được gần 5 triệu đồng đấy. Phải đi một hai chuyến nữa mới hết mùa. Bỏ rẫy lúa cũng được, nhặt ươi có tiền hơn…”.
Chính vì tâm lý ấy nên những ngày qua, đã có hàng ngàn lượt người dân đổ xô về các khu rừng ở các xã Sơn Kỳ, Sơn Thượng, Sơn Bao, Sơn Nham (huyện SơnHà), hay các huyện Nam Trà My, Phước Sơn của tỉnh Quảng Nam để nhặt ươi lấy hạt bán cho thương lái.
Tại huyện miền núi Phước Sơn (Quảng Nam) những ngày vừa qua có rất nhiều người dân đến từ nhiều địa phương khác vào các khu rừng để lấy hạt ươi. Mỗi chuyến đi lấy ươi thường tổ chức thành một nhóm 5-7 người, kéo dài khoảng một vài ngày, hiện tại đang vào chính vụ nên mỗi chuyến đi có thể thu được khoảng vài chục kg tới cả tạ ươi.
Những cây ươi giữa rừng nổi bật bởi màu đỏ của lá mùa thu hoạch
Ươi được mùa, được giá, kéo theo một đội quân thương lái đông đảo. Ch ỉcần ra đến cửa rừng là đã có người đón mua. Nhóm của chị Đinh Nghĩa (Tây Trà, Quảng Ngãi) gồm 3 người vừa bước ra khỏi cửa rừng với hai bao ươi nặng trĩu đã có người tới trả ngay 10 triệu đồng. Ươi được đội quân thương lái mua, sau đó bán lại cho các đầu nậu khác. Các chợ ươi tự phát từ đây cũng hình thành. Giá ươi tươi bán ngay tại cửa rừng dao động khoảng 180.000 đồng/kg, tính ra một tuần mỗi nhóm may mắn có thể kiếm được trên 20 triệu đồng.
Thế nhưng để có thể thu mua ươi, cuộc tranh giành mua bán ở ngay tại cửa rừng cũng khá rộn ràng. Bà T. một trong những “đầu nậu” mua bán trái ươi tại Tây Trà (Quảng Ngãi) cho biết: “Tuần trước, việc mua bán ươi diễn ra khá tấp nập. Một ngày, các đại lý tại chợ này mua được cả tạ trái ươi. Mỗi bao khoảng 50 kg thì người đi buôn cầm chắc lãi 2 triệu đồng. Các đại lý lớn mua lại chuyển đi các thành phố lớn bán với giá dao động khoảng 200 ngàn đồng/kg. Lãi nhiều nên họ giành nhau mua dữ lắm!”.
Ươi bay rụng xuống đất và được thu nhặt về
Khai thác theo kiểu tận diệt
Tại huyện Phước Sơn (Quảng Nam), anh Hồ Văn Don (46 tuổi, người B’hnoong (nhómđịa phương thuộc dân tộc Giẻ Triêng) nhà ở xã Phước Đức thường đi nhặt ươi bay tại khu vực giáp ranh Vườn quốc gia SôngThanh. Anh Don cho biết, thời điểm này, mỗi ngày có nhiều nhóm người từ các nơi đến, mang theo dụng cụ để khai thác. Điều đáng nói là họ không chỉ nhặt hạt ươi, mà còn đốn hạ cây ươi để lấy hạt. Chỉ cần lắng tai là nghe thấy tiếng cưa máy hoạt động.
“Mỗi ngày có nhóm hạ vài cây ươi còn sống xuống để lấy hạt, bất kể hạt ươi xanh hay chín cũng đều bị gom tất. Giá ươi cao mang lại nguồn lợi lớn nên họ sẵn sàng đốn đi cả cây ươi hàng vài chục năm tuổi. Sau khi vặt hết trái, cây ươi bị bỏ nằm héo khô cùng với nhiều cây khác, “ươi tặc” lại tiếp tục đi tìm cây mới. Cứ thế, rừng ươi bị tiêu diệt gần như toàn bộ!”, anh Don buồn bã chobiết.
Trạm Bảo vệ rừng Phước Xuân (huyện Phước Sơn) phát hiện đối tượng lén lút vào tiểu khu 625 thuộc xã Phước Xuân chặt hạ cây ươi
Nhiều năm qua, tình trạng chặt hạ ươi lấy hạt diễn ra thường xuyên vào mùa ươi. Nơi nào có ươi, nơi đó chỉ còn một bãi trống ngổn ngang cây ngã và những lớp lá héo khô. Điển hình như vào trung tuần tháng 6/2021, Trạm Bảo vệ rừng Phước Xuân (huyện Phước Sơn) đã phát hiện một số đối tượng lén lút vào Tiểu khu 625 thuộc xã Phước Xuân chặt hạ cây ươi. Đối tượng này khai nhận chặt cây ươi nhằm thu lượm hạt. Ban Quản lý Khu Bảo tồn đã có công văn yêu cầu các Tổ bảo vệ rừng trực thuộc tiến hành rà soát, thống kê những khu vực phân bố cây ươi trong lâm phận để có biện pháp bảo vệ. Đồng thời tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý tình trạng khai thácươi trái phép.
Nếu lực lượng chức năng không tuần tra kiểm soát thường xuyên, số lượng ươi rừng sẽ bị đốn hạn bởi những đối tượng săn ươi sẽ ngày một nhiều thêm. Một số cây những nhóm đi lấy ươi hạ chỉ kiếm được số ươi bán được khoảng vài trăm ngàn đồng nhưng tổn thất cho rừng có thể đến hàng chục triệu đồng khi nhiều cây gỗ quý xung quanh nó bị “bức tử”. Đồ nghề của những người săn ươi bằng cách chặt hạ cây ươi là những chiếc máy cưa, rựa, bao, một ít thức ăn và ai cũng thủ trong người một con dao nhọn hoắt. Họ không chỉ đối phó với rừng, với cơ quan chức năng mà còn với cả những nhóm “ươi tặc” hung hăng khác.
Hạt ươi làm thức uống, và là vị thuốc trong đông y
Theo ông Huỳnh Đức Vũ, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phước Sơn cho biết, thời gian qua địa phương đã thành lập các tổ và phân thành nhiều nhóm nhỏ để tham gia công tác quản lý, bảo vệ. Các tổ được phân công thường xuyên vào rừng để giám sát, truy quét việc chặt phá cây ươi và các loại cây khác; một tổ khác làm nhiệm vụ chốt chặn tại các cửangõ ra vào các thôn. Bên cạnh đó, vườn quốc gia Sông Thanh cũng tăng cườngcông tác phối hợp với các xã tổ chức tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ cây ươi; giúp người dân thấy rõ tầm quan trọng và giá trị kinh tế mang lại của cây ươi để từ đó có sự đồng thuận trong công tác bảo vệ.
Huyện Phước Sơn đã ban hành văn bản nghiêm cấm hành vi đưa dụng cụ,phương tiện vào rừng đặc dụng để chặt hạ cây ươi, khai thác, thu hái cả hạt ươi xanh, xâm hại tài nguyên rừng. Đồng thời, hướng dẫn người dân cách thức thu lượm hạt ươi bay, điền đầy đủ thông tin trên phiếu đăng ký thu lượm hạt ươi.
Một già làng ở xã Phước Xuân khi nghe tin có nhiều cây ươi vừa bị đốn hạ vừa qua đã buồn buồn: “Ngày xưa, cha ông mình cũng đi làm cái hạt ươi, nhưng chỉ chờ nó chín, rụng xuống rồi lượm đem về thôi, không ai dám đốn ngã cả cây đâu. Cái cây ươi rừng là thiêng lắm đó! Mà giờ thì người ta đốn cả cây rồi. Mùa sau làm gì còn trái nữa!”.