Nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến
Theo báo cáo chuyên đề phục vụ Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số thì Lâm Đồng là 1 trong 5 tỉnh có tỷ lệ hồ sơ trực tuyến thấp nhất với tỷ lệ 2,94%. Trên cơ sở thực tế đó, tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành kế hoạch khắc phục tồn tại, hạn chế nhằm nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) của tỉnh trong thời gian đến.
Người dân sử dụng các tiện ích của DVCTT tỉnh Lâm Đồng
Hiện nay, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Lâm Đồng hoạt động tại địa chỉ https://dichvucong.lamdong.gov.vn/ đã triển khai đến 100% đơn vị cấp tỉnh, huyện, xã và được kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia.
Theo phân tích của UBND tỉnh Lâm Đồng, trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cấp tỉnh năm 2022: Toàn tỉnh phát sinh 770.087 hồ sơ, trong đó 204.340 hồ sơ trực tuyến, chiếm tỷ lệ 26,53%. Ngoài ra, một số sở, ban, ngành có phát sinh số lượng hồ sơ trực tuyến nhiều trên hệ thống khác do bộ, ngành Trung ương triển khai và chưa đồng bộ được với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh.
Tuy nhiên, thời gian qua, việc cấp danh tính số trên hệ thống Cổng dịch vụ công tỉnh Lâm Đồng chưa được triển khai triệt để theo quy định, số lượng tài khoản được cấp trên hệ thống chưa nhiều. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến được tính bằng số lượng hồ sơ nộp trực tuyến của các DVCTT mức 3, mức 4 so với tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính. Hệ thống EMC chỉ thống kê tính tỷ lệ trên các hồ sơ trực tuyến mà người dân, doanh nghiệp đăng nhập bằng tài khoản đã đăng ký bằng một trong các hình thức: Tài khoản định danh điện tử VneID; Đăng ký tài khoản bằng thuê bao di động; Đăng ký tài khoản bằng bảo hiểm xã hội…
Đồng thời, hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh Lâm Đồng không quy định bắt buộc các hồ sơ trực tuyến khi giao dịch phải nộp bằng cách thức đăng nhập bằng tài khoản của cá nhân, tổ chức. Phần lớn hồ sơ phát sinh do người dân hay nhân viên tại Bộ phận Một cửa các cấp nhập mà không cần có tài khoản đăng ký, do đó toàn bộ số lượng hồ sơ này sẽ không được cộng vào để tính vào tỷ lệ hồ sơ trực tuyến theo cách tính của hệ thống EMC.
Qua số liệu dịch vụ công năm 2022 cho thấy, hiện tại số lượng hồ sơ nộp trực tiếp hay qua dịch vụ bưu chính chiếm tỷ lệ cao (72,32%), trong khi đó số lượng hồ sơ nộp trực tuyến chiếm tỷ lệ thấp (26,53%). Điều này cho thấy, người dân chưa thật sự nhận thức được lợi ích mang lại của DVCTT để từ đó hình thành thói quen giải quyết TTHC bằng hình thức trực tuyến, người dân chưa tiếp xúc nhiều với công nghệ nên đã lựa chọn cách thức nộp hồ sơ và trả kết quả trực tiếp tại Bộ phận Một cửa các cấp.
Bên cạnh đó, trang thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin tuy đã được trang bị nhưng còn thiếu và chưa đồng bộ, hạn chế việc tiếp cận, sử dụng DVCTT của người dân, tổ chức… và đây cũng là nguyên nhân gây khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nâng cao tỷ lệ sử dụng DVCTT. Qua khảo sát hiện nay, có 11/63 tỉnh, thành đã tích hợp nền tảng trợ lý ảo (chatbot) tư vấn trả lời tất cả các nội dung TTHC công trên cổng DVCTT (tỉnh Lâm Đồng chưa triển khai); có 24/63 tỉnh, thành có triển khai tổng đài 1022 để hỗ trợ người dân, tổ chức (tỉnh Lâm Đồng chưa triển khai). Hệ thống phản ánh kiến nghị về TTHC tỉnh Lâm Đồng đang vận hành hệ thống của Chính phủ giao tại địa chỉ https://dichvucong.gov.vn.
Tỉnh Lâm Đồng xác định nhiệm vụ, giải pháp để cải thiện, góp phần nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến. Đó là đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, thay đổi cách thức quản trị hành chính từ truyền thống sang hiện đại, góp phần hình thành công dân số, doanh nghiệp số, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số. Phấn đấu tỷ lệ sử dụng DVCTT thuộc nhóm 15 tỉnh đứng đầu cả nước.
Ông Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cũng nêu rõ các giải pháp khắc phục các tồn tại, nâng cao tỷ lệ sử dụng DVCTT, trong đó yêu cầu người đứng đầu các cấp, các ngành, địa phương; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức không ngừng nâng cao tinh thần, trách nhiệm trong thực hiện DVCTT nói riêng và cải cách hành chính nói chung. Tổ chức triển khai có hiệu quả việc cải thiện và nâng cao tỷ lệ sử dụng DVCTT là nhiệm vụ của tất cả các cấp, các ngành.
Các nhóm nhiệm vụ cũng được phân công cụ thể cho các ngành gồm: Hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật cung cấp thông tin DVCTT của cơ quan nhà nước, đảm bảo an toàn an ninh mạng; xây dựng tổng đài hỗ trợ người dùng gọi điện thoại miễn phí để được tư vấn, giải đáp thông tin thủ tục hành chính, quy định, chính sách; gửi ý kiến góp ý, phản ánh đến đường dây nóng tỉnh; kết nối, chia sẻ dữ liệu, rà soát các TTHC trong phạm vi sở, ngành, địa phương để xác định và công bố Danh mục DVCTT toàn trình, DVCTT một phần theo quy định. Ngoài ra, tăng cường bố trí nhân lực, cán bộ có trình độ sử dụng thành thạo các ứng dụng, phần mềm tại Bộ phận Một cửa các cấp để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tạo tài khoản và đăng nhập vào hệ thống để thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến trên cổng dịch vụ công; tập huấn cho Tổ công nghệ số cộng đồng về Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh Lâm Đồng, về DVCTT…
Đặc biệt, trong quá trình chuyển đổi số, người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, động lực. Và chuyển đổi số phải để người dân, doanh nghiệp, sử dụng DVCTT, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn.