Nâng cao hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính – Thực trạng và giải pháp-nang cao hieu qua cong tac cai cach thu tuc hanh chinh – thuc trang va giai phap

          – Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ, tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, sự năng động, trung thực, kỷ cương, gương mẫu, tận tâm phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội trong giải quyết công việc của cán bộ, công chức, nhất là cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận một cửa. 

 Cải cách hành chính với 06 nội dung: cải cách thể chế, cải cách tổ chức bộ máy, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cải cách tài chính công và hiện đại hóa nền hành chính đều có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Đặc biệt, cải cách thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có tác động rất lớn đến đến 10 chỉ số thành phần của chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh. Bởi lẽ, những thủ tục hành chính liên thông, tinh gọn được thực hiện bởi đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, trách nhiệm và năng động sẽ hình thành cơ chế đầu tư – kinh doanh thông thoáng, bình đẳng, minh bạch; tạo lập hình ảnh thân thiện, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả của chính quyền và xây dựng niềm tin, sự đồng thuận từ phía các doanh nghiệp. Qua đó, cộng đồng doanh nghiệp sẽ đánh giá cao môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế và nỗ lực cải cách hành chính của tỉnh.

          Xuất phát từ nhận thức trên, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã triển khai nhiều nhiệm vụ nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh. Kết quả đạt được trên một số lĩnh vực cụ thể như sau:

          – Về cải cách thể chế, nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng đã được HĐND tỉnh ban hành để kịp thời điều chỉnh các quan hệ kinh tế – xã hội cần thiết, đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nhà nước, nhu cầu sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp, như: Quy định mức chi bảo đảm công tác cải cách hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh, Quy định mức chi thực hiện hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh, Quy định cơ chế hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình của dự án đầu tư trong Khu quy hoạch đô thị mới Vạn Tường thuộc Khu kinh tế Dung Quất, về Đề án củng cố, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức Hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, về chính sách hỗ trợ khuyến khích thực hiện chủ trương “dồn điền đổi thửa” đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2013-2020, Quy định về một số chính sách khuyến khích thực hiện xã hội hóa thuộc lĩnh vực giáo dục – đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục thể thao và môi trường của tỉnh… Kết quả này thể hiện sự năng động, tinh thần trách nhiệm của tỉnh trong việc tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp, kịp thời minh bạch hóa các chủ trương, chính sách để doanh nghiệp tiếp cận và thực hiện.

          – Về cải cách thủ tục hành chính, các ngành, các cấp đã tiến hành nhiều giải pháp và đạt được một số kết quả như:

          + Công bố, công khai các thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC, tại bộ phận “một cửa”, trên Trang Thông tin kinh tế – xã hội của tỉnh và website của một số sở, ban ngành, UBND cấp huyện.

          + Tổ chức vận hành có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết các TTHC về đầu tư, kinh doanh, đất đai, xây dựng…

          + Đã rà soát và đơn giản hóa đối với TTHC tại một số Sở, ngành, cụ thể: Sở Tài nguyên và môi trường đã đơn giản hóa giảm được 16 thủ tục trong số 100 thủ tục hành chính thuộc Sở, Sở Kế hoạch và đầu tư đã sửa đổi, bổ sung 34/67 thủ tục hành chính trong đó đã rút ngắn thời gian giải quyết đối với một số TTHC thuộc lĩnh vực đăng ký kinh doanh bình quân là 3 ngày/1 hồ sơ.

          + Thí điểm triển khai việc xác định chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên một số lĩnh vực với các tiêu chí: tiếp cận dịch vụ, quy định về TTHC, thái độ phục vụ của công chức, kết quả giải quyết TTHC.

          – Song song với việc cải cách TTHC, tỉnh cũng đã đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức vì xác định yếu tố con người quyết định chất lượng, hiệu quả giải quyết công việc cho doanh nghiệp. Nhiều giải pháp được triển khai như: tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp, văn hóa ứng xử cho công chức phụ trách bộ phận một cửa và công chức chuyên môn giải quyết TTHC; kiểm soát chặt chẽ việc giải quyết TTHC tại các bộ phận tham gia giải quyết TTHC; thường xuyên tiến hành kiểm tra, thanh tra công vụ để kịp thời chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ, giờ giấc làm việc và văn hóa ứng xử nơi công sở.

Niêm yết công khai thủ tục hành chính tại Sở Tài nguyên và Môi trường

          Những kết quả trên đã đảm bảo quyền tiếp cận thông tin và phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp; xóa bỏ rào cản về thời gian, giảm chi phí và rủi ro trong thực hiện TTHC; nâng cao mức độ hài lòng của doanh nghiệp, nhân dân về việc cung ứng các dịch vụ công… Tuy nhiên, công tác cải cách hành chính của tỉnh vẫn tồn tại một số khó khăn, hạn chế như:

          – Mặc dù  người đứng đầu cơ quan hành chính rất quan tâm và quyết liệt trong cải cách hành chính nhưng công chức thừa hành còn chưa tích cực trong thực thi chức trách, nhiệm vụ.  Tính chuyên nghiệp, năng động, tinh thần thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chưa cao, vẫn còn trường hợp phản ánh về việc trễ hẹn, phiền hà trong giải quyết TTHC thuộc lĩnh vực thuế, đất đai, đầu tư, xây dựng… Phương pháp quản lý, cách thức làm việc, phối hợp thực hiện công việc trong các cơ quan hành chính chưa thực sự hợp lý.

          – Một số cơ quan, đơn vị chưa chủ động trong việc rà soát, kiến nghị đơn giản hóa TTHC, số TTHC đề nghị đơn giản hóa chưa nhiều; chưa kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ những TTHC không còn phù hợp. Mức độ hiện đại hóa nền hành chính còn hạn chế; mô hình một cửa, một cửa liên thông hiện đại còn ít.

          Từ những kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế nêu trên, để nâng cao hiệu quả cải cách hành chính nhằm góp phần duy trì và nâng cao chỉ số PCI của tỉnh trong thời gian tới, đặc biệt là cải thiện các chỉ số thành phần, cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

          – Thường xuyên rà soát, đánh giá các quy định hành chính, TTHC để kiến nghị đơn giản hóa hoặc loại bỏ những TTHC rườm rà, không cần thiết; giảm chi phí, rút ngắn thời gian giải quyết, bảo đảm công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm của cơ quan nhà nước.

          – Định kỳ tổ chức thực hiện khảo sát để đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên các lĩnh vực đất đai, xây dựng, đăng ký kinh doanh, đầu tư để có giải pháp chấn chỉnh kịp thời.

          – Tiếp tục thực hiện tốt cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” và các quy chế, quy định phối hợp; thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan hành chính các cấp, phổ biến rộng rãi và niêm yết công khai tại công sở các quy chế, quy trình và các thủ tục hành chính… để doanh nghiệp biết, thực hiện và giám sát; đồng thời phải cập nhật kịp thời khi có thay đổi.