Nan giải tình trạng ô nhiễm rác thải ở nhiều địa phương ven biển

Nan giải tình trạng ô nhiễm rác thải ở nhiều địa phương ven biển

Nhiều địa phương ven biển của tỉnh Quảng Ngãi có tình trạng rác thải tràn lan trên các bãi biển dọc theo khu dân cư, ảnh hưởng đến đời sống của người dân và cảnh quan môi trường, hệ sinh thái biển.

Ô nhiễm từ rác thải nhựa, xác động vật

Dọc bờ biển thôn An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ, thành phố Quảng Ngãi rác tràn ngập mọi nơi, từ trên bờ xuống dưới biển. Theo người dân địa phương, sóng lớn và triều cường mạnh đã cuốn theo các lớp rác nằm dưới đáy sông Bài Ca (Cửa Sa Kỳ) rồi đẩy vào Bãi Sau ở thôn An Vĩnh. Cùng với đó, dòng nước từ các nhánh sông, luồng lạch tại các xã: Tịnh Khê, Tịnh Thiện, Tịnh Hòa (thành phố Quảng Ngãi), Bình Châu (huyện Bình Sơn) mang theo một lượng rác lớn rồi tấp vào, biến khu vực trên thành bãi rác.

Ông Nguyễn Cư (thôn An Vĩnh) cho hay, năm nào cũng vậy, cứ sau mỗi lần mưa lũ, rác thải sinh hoạt theo các con sông trôi về biển rồi lại bị tấp vào bờ. Ngoài rác thải nhựa khó phân hủy còn có cả xác chết động vật nên mùi hôi thối rất khó chịu. Nhiều nhà dân khu vực này phải đóng cửa cả ngày để tránh mùi hôi thối từ bờ biển xộc vào.

 

img-bgt-2021-la-m-sa-ch-bie-n-1655343090-width1280height720.jpgRác thải nhựa đang là vấn đề ô nhiễm môi trường nhức nhối trên toàn cầu

 

Cũng giống như vùng biển Tịnh Kỳ, ven biển xã Bình Đông (huyện Bình Sơn) đâu đâu cũng thấy rác. Rác không chỉ tràn ngập khu dân cư dọc theo bờ biển mà ngay trên đường đi. Khi triều cường lên, sóng biển cuốn những bãi rác này ra khơi. Sau đó, rác lại theo con sóng tấp ngược vào bờ và các khu dân cư dọc biển. Bên cạnh rác từ thượng nguồn các con sông đổ về còn có rác do người dân địa phương đổ ra.

Theo ông Nguyễn Văn Cư, Trưởng thôn Sơn Trà, xã Bình Đông, để hạn chế rác thải tràn ngập khắp nơi, người dân của thôn thường xuyên thu gom rác để đốt. Rác thải chủ yếu là các loại túi ni-lông, nhựa nên khi đốt sẽ có mùi hôi, khét, không tốt cho sức khỏe. Nhưng nếu không đốt thì không còn cách nào khác vì các tuyến đường xuống bãi biển ở đây rất hẹp, các loại xe chở rác không thể đến để thu gom.

Tại các địa phương ven biển khác như xã Bình Châu (huyện Bình Sơn), phường Phổ Thạnh (thị xã Đức Phổ), trên nhiều tuyến đường, bờ biển, bờ kênh cảng cá cũng ngập rác thải. Dù các đơn vị chức năng, địa phương đã nhiều lần tổ chức thu gom, song chưa xử lý dứt điểm được tình trạng ô nhiễm rác thải dọc bờ biển. Tình trạng rác thải ứ đọng dọc bờ biển ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe người dân.

Ông Phan Văn Đông, Chủ tịch UBND xã Bình Đông cho biết, từ cầu Trà Bồng đến cuối bãi biển thôn Sơn Trà có chiều dài khoảng 1,5 km. Địa phương nằm ở hạ lưu sông Trà Bồng nên rác theo dòng nước đổ ra biển, triều cường cuốn rác tập kết vào các bãi biển. UBND xã đã chỉ đạo các hội, đoàn thể thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân không vứt rác, xả rác, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường; đồng thời nhiều lần tổ chức ra quân thu gom, xử lý rác. Tuy nhiên, đến nay Bình Đông vẫn chưa thể xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm dọc bãi biển.

Ông Nguyễn Hoài Thanh, Chủ tịch UBND xã Tịnh Kỳ, thành phố Quảng Ngãi, cho rằng để xảy ra tình trạng rác thải gây ô nhiễm môi trường trước hết là trách nhiệm của UBND xã. Tuy vậy, để xử lý dứt điểm tình trạng trên, xã không đủ kinh phí. Xã đề nghị chính quyền các cấp thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân khu vực thượng nguồn các dòng sông không vứt rác bừa bãi, tăng cường nhân lực, tăng số lượng xe và tần suất thu gom rác, cho người dân ký cam kết không đổ rác bừa bãi, tổ chức các đợt ra quân thu gom rác thải.

Với 130 km chiều dài bờ biển, tỉnh Quảng Ngãi có lợi thế rất lớn để phát triển kinh tế biển, trong đó có hoạt động khai thác hải sản. Thế nhưng, lợi thế ấy đang ngày càng bị ảnh hưởng bởi rác thải. Những thứ rác thải, nhất là các loại túi nilon, chai nhựa… đang khiến một số loài sinh vật biển như cá, tôm, cua và nhiều loại hải sản khác không thể sinh trưởng phát triển bình thường, làm giảm nguồn lợi thủy sản.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trần Phước Hiền cho rằng, để giải quyết tình trạng trên, Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương phải tăng cường ra quân, xử lý thu gom rác trên biển, nhất là rác thải nhựa, góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường. Đồng thời, tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân về bảo vệ môi trường; làm sao cho người dân ý thức được việc bảo vệ môi trường chính là bảo vệ chính mình, gia đình, quê hương, đất nước mình.

Ý thức bảo vệ môi trường của mỗi người dân bắt đầu từ những việc bình thường nhất trong sinh hoạt hằng ngày như: Sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, nguồn nước; không vì mục đích kinh tế mà đánh đổi môi trường; thực hiện sản xuất nông nghiệp sạch, giảm dần việc sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, thuốc bảo vệ thực vật; hạn chế thải chất thải rắn, nước thải, chất thải ô nhiễm ra môi trường đất, nước, không khí. Tỉnh tiếp tục phát động và triển khai thực hiện có hiệu quả các phong trào dọn vệ sinh, môi trường, nhất là các khu vực công cộng, khu du lịch, môi trường biển, bãi biển, trồng thêm nhiều cây xanh, bồn hoa, cây cảnh; có chính sách khen thưởng hợp lý đối với những người làm tốt công tác bảo vệ môi trường; đồng thời mỗi người dân đều là người giám sát, lên án, phản ánh các hành vi gây ô nhiễm môi trường…

Phú Quốc nỗ lực giảm rác thải nhựa trên biển

Thực trạng rác thải nhựa trôi dạt trong đại dương ngày càng nghiêm trọng không chỉ làm suy thoái sự đa dạng sinh học biển mà còn gây mất mỹ quan, ảnh hưởng đến nền kinh tế, nhất là các địa phương phát triển mạnh về du lịch biển. Nhằm tìm ra giải pháp giảm rác thải nhựa đại dương, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) và Vườn Quốc gia Phú Quốc đã tổ chức giám sát rác thải biển nhằm thu thập số liệu, làm cơ sở cho đề xuất các giải pháp, hoạt động của chính quyền địa phương liên quan đến vấn đề rác thải nhựa.

Ông Lý Vành Tha – Phó Trưởng phòng Bảo tồn biển và đất ngập nước nội địa Vườn Quốc gia Phú Quốc – cho biết: Số liệu phân loại rác những năm qua cho thấy, đa phần rác thải ở các bãi biển có nguồn gốc vô cơ chiếm tới hơn 96%. Ngoài ra, còn có các loại rác khác như thuỷ tinh, kim loại, gỗ… Quá trình phân loại rác nhằm xác định nguồn gốc và số lượng rác. Từ đó, đề ra cách hạn chế cũng như vận động người dân và hướng xử lý tại nguồn, trước khi rác được thải ra môi trường, đặc biệt là trong khu bảo tồn biển.

Theo đó, hoạt động giám sát rác thải biển được chia làm 2 đợt trong năm vào tháng 6 và tháng 12 tại các bãi biển không có hoạt động dọn dẹp thường xuyên và chiều dài bãi biển tối thiểu 100m. Sau đó, sẽ lựa chọn 4 mặt cắt ngẫu nhiên để thu gom toàn bộ rác nhân tạo gồm 7 loại chính (nhựa, cao su, kim loại, gỗ chế biến, vải, thủy tinh và các loại rác khác với kích thước từ 2,5cm trở lên) nhằm thu thập dữ liệu về rác giữa các mùa, qua đó so sánh đối chiếu về thành phần, số lượng, khối lượng từng loại rác.

 

rac-thai.jpgCác tình nguyện viên tham gia thu gom rác thải trên biển ở Phú Quốc. Ảnh: Hoàng Dung

 

Theo ông Lý Vành Tha, rác thải nhựa không chỉ ảnh hưởng khá nghiêm trọng tới môi trường tự nhiên, đa dạng sinh học mà nó còn ảnh hưởng đến sức khoẻ của con người và gây hệ lụy cho nền kinh tế, nhất là các địa phương phát triển mạnh về du lịch biển.

Chị Trương Thị Huỳnh Như – một tình nguyện viên – cho biết: “Bản thân tôi rất vui khi được góp một phần để làm sạch môi trường biển. Tôi muốn lan toả năng lượng tích cực của mình đến với mọi người trong việc giữ gìn vệ sinh chung vì một thành phố Phú Quốc sạch đẹp trong mắt du khách”. Theo chị Như, việc cần giải quyết cấp bách hiện nay là sự chung tay, góp sức của các doanh nghiệp, tình nguyện viên và người dân trong việc giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường.

Theo Phòng Bảo tồn biển và đất ngập nước nội địa Vườn Quốc gia Phú Quốc, đánh giá kết quả qua 3 năm thực hiện thu thập thông tin, phân loại rác thải nhựa cho thấy, Phú Quốc là một trong những địa phương ô nhiễm rác thải nhựa bãi biển cao nhất hiện nay với hơn 90% rác thải trên bãi biển là rác thải nhựa. Đa phần rác thải nhựa có nguồn gốc từ ngành thuỷ sản, bao gồm các hoạt động khai thác, nuôi trồng, mua bán chiếm tỉ lệ rất lớn với hơn 47% về số lượng và gần 46% về mặt khối lượng.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Quỳnh – Quản lý Dự án giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam – cho hay: WWF cũng đã phối hợp với Vườn Quốc gia Phú Quốc để xây dựng một cơ chế thu gom, khuyến khích ngư dân thu gom rác thải mang về bờ.

Ngoài ra, WWF cũng đang làm việc với các nhóm tình nguyện viên cũng như vận động các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lữ hành, có những chương trình vừa giảm thiểu rác thải nhựa trong các hoạt động trên biển, vừa tham gia các chương trình thu gom rác thải ngoài trời từ các khu, các bãi biển, từ các đảo xa bờ và mang rác thải về bờ, góp phần làm giảm rác thải nhựa tồn tại trong tự nhiên.

Lộ trình cấm sản xuất sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần tại Việt Nam

Ô nhiễm rác thải nhựa, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa đại dương đã và đang trở thành vấn đề cấp bách ở phạm vi quốc gia, khu vực và toàn cầu. Tại Việt Nam, Báo cáo hiện trạng môi trường biển và hải đảo quốc gia giai đoạn 2016-2020 do Bộ TN&MT công bố năm 2021 đã chỉ ra chỉ số tiêu thụ nhựa trên đầu người tại Việt Nam tăng nhanh từ 3.8kg/năm/người năm 1990 tăng lên 54kg/năm/người vào năm 2018. Trong đó, 37.43% sản phẩm là bao bì và 29.26% là đồ gia dụng.

Đặc biệt, việc xả rác thải nhựa bừa bãi cùng với một lượng lớn rác thải nhựa từ đại dương dạt vào các đảo, bãi tắm trong mùa du lịch đang là vấn đề đáng báo động ở vùng ven biển và hải đảo.

Vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa và rác thải nhựa đại dương đã được Chính phủ đặc biệt quan tâm và nỗ lực giải quyết thông qua việc đổi mới căn bản trong chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường và bằng những hành động thiết thực. Cụ thể, thông qua Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, trong đó, luật hóa các nội dung liên quan đến chất thải nhựa như quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn về nhựa. Ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030. Đồng thời, triển khai thực hiện Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương.

Đáng chú ý, Quy định dừng sản xuất sản phẩm nhựa sử dụng một lần được quy định cụ thể tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Cụ thể, lộ trình hạn chế sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa được quy định như sau: Từ ngày 01/01/2026, không sản xuất và nhập khẩu túi nilon khó phân hủy sinh học có kích thước nhỏ hơn 50 cm x 50 cm và độ dày một lớp màng nhỏ hơn 50 μm, trừ trường hợp sản xuất để xuất khẩu hoặc sản xuất, nhập khẩu để đóng gói sản phẩm, hàng hóa bán ra thị trường.

Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học phải thực hiện trách nhiệm tái chế, xử lý theo quy định tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP.

Chính phủ cũng yêu cầu giảm dần việc sản xuất và nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa.

Hơn nữa, sau ngày 31/12/2030, dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần (trừ sản phẩm được chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam), bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi nilon khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm) và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa, trừ trường hợp sản xuất để xuất khẩu và trường hợp sản xuất, nhập khẩu bao bì nhựa khó phân hủy sinh học để đóng gói sản phẩm, hàng hóa bán ra thị trường.

Thực hiện lộ trình này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quy định và tổ chức triển khai hoạt động quản lý chất thải nhựa, bảo đảm sau năm 2025, không lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi nilon khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm) tại các trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, khu du lịch, trừ sản phẩm, hàng hóa có bao bì nhựa khó phân hủy sinh học. Đồng thời, tổ chức thanh tra, kiểm tra các đơn vị sản xuất sản phẩm nhựa sử dụng một lần và bao bì nhựa khó phân hủy sinh học trên địa bàn.

Như vậy, sau ngày 31/12/2030, Chính phủ yêu cầu dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa.

 

 

 

Thanh Xuân (Tổng hợp)