Năm xu hướng công nghệ giáo dục phổ biến
AI, dịch vụ hỗ trợ học tập, nano-learning, học từ xa và công nghệ tương tác là các xu hướng công nghệ giáo dục đang chiếm ưu thế.
Lĩnh vực công nghệ giáo dục (EdTech) được dự báo tăng giá trị lên 680 triệu USD vào năm 2027. Tăng trưởng này chủ yếu là nhờ sự phát triển của công nghệ di động, dịch vụ đám mây và thực tế ảo – giải pháp hỗ trợ việc học tập dễ tiếp cận và trực quan hơn. Theo Forbes, dưới đây là một số xu hướng công nghệ quan trọng ảnh hưởng đến giáo dục trong năm nay,:
Học từ xa
Đại dịch buộc nhiều trường học phải chuyển sang mô hình học tập từ xa, đẩy nhanh xu hướng học trực tuyến (E-learning) sẵn có. Thị trường dịch vụ học tập trực tuyến dự báo tăng trưởng 15% hàng năm từ 2020 đến 2025, đạt giá trị 50 tỷ USD. E-learning giúp nhiều học sinh học các môn và kỹ năng không được giảng dạy tại địa phương. Trong khi, đối với bậc đại học, công nghệ này cho phép sinh viên linh hoạt thời gian học tập và các hoạt động khác.
E-learning cũng ngày càng phổ biến trong đào tạo tại doanh nghiệp. Một nghiên cứu của IBM tại công ty này cho thấy người học từ xa có thể tiếp thu nội dung gấp 5 lần với chi phí bằng một phần ba, giúp tiết kiệm 200 triệu USD cho công ty.
Học trực tuyến là một xu hướng công nghệ giáo dục phát triển mạnh mẽ. Ảnh: Adobe Stock
Dịch vụ hỗ trợ học tập suốt đời
Hệ thống giáo dục truyền thống được xây dựng cho một thế giới ít biến động hơn. Trong đó, người học hoàn thành hết bậc đại học là có đủ kỹ năng để làm việc lâu dài. Thực tế đã thay đổi. Tốc độ phát triển công nghệ nhanh chóng đồng nghĩa với việc các kỹ năng có thể nhanh chóng lỗi thời và việc phát triển năng lực mới liên tục là yêu cầu bắt buộc để thành công.
Trước làn sóng thay đổi này, mô hình giáo dục liên tục ra đời. Các công ty đào tạo trực tuyến cung cấp hàng nghìn khóa học siêu nhỏ (micro learning), chia việc học thành các phần nhỏ có thể hoàn thành trong vài tuần hoặc vài tháng. Ví dụ như ứng dụng học ngoại ngữ Duolingo. Phương pháp học này phù hợp với nhu cầu thay đổi của các doanh nghiệp và nhà tuyển dụng trong thế kỷ 21 và sẽ trở thành một lựa chọn ngày càng phổ biến với những người học hiện đại.
Công nghệ học tập nhập vai
Công nghệ học tập nhập vai rất cần thiết trong thời đại hiện nay, khi tốc độ chú ý đang giảm xuống, người học quen với việc tiếp thu thông tin ngắn, nhanh và bắt mắt. Thực tế mở rộng (XR) bao gồm thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) và thực tế hỗn hợp (MR), hứa hẹn tạo ra nhiều cơ hội học tập hấp dẫn hơn.
Công nghệ học tập nhập vai hứa hẹn việc học tập sẽ hấp dẫn và hiệu quả hơn. Ảnh minh họa: eLearning Industry
Ví dụ, khi học về các chủ đề như Đế chế La Mã, thay vì đọc sách lịch sử, học viên có thể “lang thang” xung quanh các công trình ảo tái hiện La Mã cổ đại. Công nghệ XR cũng có những lợi thế khác như đào tạo trong môi trường mô phỏng gần giống với thực tế nhưng không tạo ra nguy cơ gây hại hoặc làm hỏng thiết bị đắt tiền như khi dạy và học lĩnh vực bác sĩ phẫu thuật, lính cứu hỏa hay đội tìm kiếm cứu nạn.
Về một số kỹ năng khác, học với công nghệ hỗ trợ nhập vai giúp người thực hành giảm căng thẳng hoặc tính phức tạp của nhiệm vụ. Ví dụ, thực hành nói trước đám đông ảo với các phản ứng được lập trình tùy biến cũng là một hướng phát triển của học nhập vai.
AI và tự động hóa trong lớp học
Trí tuệ nhân tạo (AI) tiếp tục tác động đến mọi lĩnh vực hoạt động của con người, trong đó có giáo dục. Thuật toán AI trong các phần mềm giáo dục giúp nó tự học từ các tác vụ hàng ngày, từ đó, tạo ra kết quả tốt, cung cấp hình thức giáo dục cá nhân hóa hơn cho người học.
Một ứng dụng AI khác trong giáo dục là học tập thích ứng. Trong đó, khóa học được điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu của người học khi họ tiến bộ qua mỗi bài. Một số trường học ở Trung Quốc triển khai một hệ thống sử dụng nhận dạng khuôn mặt để kiểm tra xem học sinh có chú ý trong lớp hay không bằng cách quét khuôn mặt của họ bằng camera AI.
Nano learning
Nano-learning mô tả một khái niệm edtech rất mới, giúp chúng ta có thể nhận được những bài học siêu nhỏ vào thời điểm chính xác lúc người học cần. Theo mô hình này, nếu không nhớ những gì đã học trong hơn 10 phút trước cũng không sao, vì khi cần sử dụng lại kiến thức, học sinh có thể học lại một cách đơn giản.
Một so sánh dễ hiểu về nano learning là các công thức nấu ăn. Nếu không phải là thợ làm bánh chuyên nghiệp, một người có thể chỉ nướng một hoặc hai chiếc bánh mỗi năm, vì vậy, không cần phải thuộc hàm lượng chính xác của đường và bột trong ký ức lâu dài của chúng ta. Áp dụng nguyên tắc tương tự, các bài học ngắn gọn có thể được học qua WhatsApp hoặc Teams.
Các nền tảng học tập nano có thể là mạng xã hội như Twitter hoặc TikTok. Nano-learning chắc chắn sẽ ngày càng phổ biến vì phù hợp với nhu cầu của xã hội: thông tin tức thì, theo module và thậm chí, có khả năng gây nghiện.
Nguyên Chương (Theo Forbes)