Nam Trà My – địa chỉ mới trên bản đồ du lịch

Huyện miền núi Nam Trà My của tỉnh Quảng Nam đang nỗ lực để biến mảnh đất này thành địa chỉ hấp dẫn trên bản đồ du lịch miền Trung.

Một góc Nam Trà My.    Ảnh: Cổng TTĐT H. Nam Trà My.

Nam Trà My là địa phương có nhiều danh lam thắng cảnh như thác Năm tầng, suối nước nóng Trà Don cùng nhiều hang động, nổi bật hơn cả là đỉnh Ngọc Linh cao 2.592m còn lưu giữ hệ động thực vật phong phú.

Tiềm năng lớn

Nam Trà My còn là vùng đất cư trú của đồng bào các dân tộc Xơ Đăng, Ca Dong, Cor… với nhiều giá trị văn hóa riêng có độc đáo. Đời sống tập quán, sinh hoạt và các lễ hội truyền thống như lễ hội cồng chiêng, đám cưới cổ, cúng máng nước, lễ mừng lúa mới, các điệu múa – hát dân ca, biểu diễn nhạc cụ… Trên địa bàn huyện còn có Khu di tích lịch sử Nước Là – căn cứ Liên khu ủy và Ban Quân sự Khu V đã được Bộ VH-TT&DL cấp bằng di tích lịch sử quốc gia vào năm 2008. Đặc biệt, lợi thế độc đáo của Nam Trà My còn là thương hiệu sâm Ngọc Linh đang dần được khẳng định trên thị trường, hứa hẹn sẽ là điểm nhấn trong chiến lược phát triển của địa phương. Tất cả những tiềm năng này đã tạo lập cơ sở vững chắc cho H. Nam Trà My xây dựng chiến lược thu hút đầu tư, phát triển du lịch, nhất là  du lịch sinh thái văn hóa lịch sử về nguồn. Từ năm 2017, nhằm thúc đẩy sự phát triển du lịch trên địa bàn, H. Nam Trà My đã ban hành “Dự án phát triển du lịch sinh thái, du lịch sâm, du lịch văn hóa cộng đồng giai đoạn 2017-2025”.

Những năm gần đây, H. Nam Trà My đã tập trung chỉ đạo công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, khôi phục và phát huy các trò chơi, trò diễn dân gian của đồng bào các dân tộc, đồng thời xúc tiến kêu gọi, đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng các điểm đến và quảng bá thương hiệu du lịch của huyện. Đây là cơ hội để huyện đầu tư phát triển du lịch nhằm nâng cao kinh tế cho đồng bào dân tộc vùng cao này. Du lịch Nam Trà My đang có những chuyển động tích cực gắn với vùng trồng sâm Ngọc Linh khi được xác định là một trong bảy nội dung của đề án quốc gia về phát triển cây sâm Ngọc Linh. Điều kiện thuận lợi này tạo một cú hích quan trọng để huyện triển khai công tác quảng bá, xúc tiến kêu gọi đầu tư, kết nối với các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành trong và ngoài tỉnh.

Ông Hồ Quang Bửu – Chủ tịch UBND H. Nam Trà My cho biết: Huyện đã tiến hành việc rà soát, xác định các điểm đến có tiềm năng thu hút du khách để tìm hướng đi thích hợp cho việc xây dựng kế hoạch đầu tư bảo tồn, phục hồi và duy trì các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, tu sửa kiến trúc nhà truyền thống; khôi phục các lễ hội, phong tục tập quán, các làn điệu dân ca… của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Cùng với đó, công tác bảo vệ, tôn tạo các danh lam, thắng cảnh tự nhiên, tập huấn nâng cao nhận thức và năng lực của người dân về phát triển du lịch cộng đồng hướng đến sự phát triển bền vững được tiến hành tại các xã có các điểm đến du lịch. Đến nay, đề án “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số H. Nam Trà My gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2015-2020 định hướng đến năm 2030” đang được triển khai thực hiện, trong đó ưu tiên cho giai đoạn 2015-2020 là đầu tư xây dựng làng văn hóa của 3 dân tộc Ca Dong, Xơ Đăng, Bhnong tại trung tâm huyện và nghiên cứu, phục dựng các lễ hội truyền thống.

Kết nối, tìm cơ hội

Trong chuyến khảo sát du lịch và làm việc về định hướng phát triển du lịch huyện do Sở VH-TT&DL phối hợp với UBND huyện tổ chức vừa qua, hầu hết đại diện các doanh nghiệp lữ hành cùng chuyên gia du lịch trong và ngoài tỉnh đã đánh giá cao nguồn tài nguyên du lịch tại đây, nhất là các điểm đến như thác Năm tầng, suối nước nóng Trà Don, đỉnh Ngọc Linh… đều mang vẻ đẹp của sự hoang sơ và huyền bí, khí hậu mát mẻ trong lành nên có sức thu hút với kiểu du khách thích chinh phục mạo hiểm và nghỉ dưỡng chữa bệnh.

Ông Hồ Tấn Cường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam khẳng đinh: “H. Nam Trà My có các ưu thế để phát triển du lịch theo hướng riêng là dựa vào thiên nhiên, các giá trị văn hóa – lịch sử và sản phẩm sâm Ngọc Linh. Cần phát triển loại hình du lịch văn hóa – sinh thái khám phá gắn với sâm Ngọc Linh… Vì vậy, huyện cần đẩy mạnh tuyên truyền, kêu gọi đầu tư xây dựng các khu nghỉ dưỡng kết hợp phục vụ du khách với các sản phẩm liên quan tới sâm. Ngoài ra, tiến hành xây dựng các tour du lịch trải nghiệm, du lịch khám phá… để đa dạng hóa nhằm thu hút nhiều nguồn khách khác nhau”.

Hoàn thiện hạ tầng giao thông

Với vị trí địa lý tự nhiên là cách TP Tam Kỳ (tỉnh lỵ tỉnh Quảng Nam) khoảng 100km, cách TP Đà Nẵng 170km về phía Nam, H. Nam Trà My nằm ở trung tâm của tỉnh lỵ của ba địa phương là Quảng Nam, Kon Tum và Quảng Ngãi đã tạo ra nhiều thuận lợi về giao thông cho du lịch đến với các điểm đến ở vùng đất này. Hiện nay, hệ thống đường giao thông đã hình thành các tuyến đường nhánh nối liền giữa H. Nam Trà My với các tỉnh, huyện lân cận như tuyến đường: Trà Leng – Phước Sơn nối đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 40B – Đăk Tô nối đường Hồ Chí Minh; tuyến đường Đông Trường Sơn qua các huyện Nam Giang, Tây Giang, Đông Giang…

Về vấn đề trên, ông Hồ Quang Bửu – Chủ tịch UBND huyện cho biết thêm: Là vùng núi cao nhưng Nam Trà My lại có những lợi thế giao thông như vậy để các công ty lữ hành đưa khách đến đây thuận tiện. Để phát triển du lịch, huyện sẽ tính toán quy hoạch đồng bộ từ hạ tầng giao thông, cơ sở lưu trú, tuyến điểm đến, nguồn nhân lực phục vụ du lịch… nhưng hạ tầng giao thông đi trước một bước”.

Đến nay, H. Nam Trà My đã hoàn thiện tuyến đường giao thông từ Quốc lộ 40B nối với trung tâm xã Trà Linh, xây dựng mới các tuyến đường như Tắc Pong – Tắc Ngo dài 8,022km, từ UBND xã Trà Linh đi Măng Lùng dài 11,608km, từ Măng Lùng đi H. Đắc G’Lây (tỉnh Kon Tum) dài 10,4km theo tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn loại A. Trong năm 2018, huyện sẽ tiếp tục đầu tư mở tiếp 5km đường nối từ làng Măng Tó xã Trà Cang lên trung tâm xã Trà Linh, góp phần toàn bộ tuyến đường từ Quốc lộ 40B – Trà Tập – Trà Cang – Trà Linh dài 33,7km được thông suốt.

Đề xuất “cơ chế đặc thù”

Trong thời gian đến, H. Nam Trà My tập trung kết nối với các doanh nghiệp lữ hành tại TP Hội An, Đà Nẵng xây dựng tour tuyến lên Nam Trà My và liên kết với các điểm đến thuộc các huyện: Bắc Trà My, Phước Sơn, Nam Giang, Tây Giang, Đông Giang để quảng bá tiềm năng riêng có của địa phương. Đồng thời, có cơ chế chính sách đặc thù nhằm kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng lưu trú như nhà nghỉ, khách sạn, điểm vui chơi giải trí để du khách lưu lại lâu hơn trong quá trình trải nghiệm, khám phá vùng đất này. Đây là một kế hoạch có tính chiến lược quy mô, có sự phối hợp sự đầu tư của Nhà nước với  nhiều doanh nghiệp để Nam Trà My có những bước đi ban đầu vững vàng trong việc phát triển du lịch.

Trong buổi làm việc với H. Nam Trà My, ông Hồ Tấn Cường – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam đã ghi nhận những nỗ lực của H. Nam Trà My về việc chuẩn bị cho công tác phát triển du lịch tại địa phương. Trong thời gian đến, Sở VH-TT&DL sẽ phối hợp tư vấn hỗ trợ huyện xác định mô hình đặc trưng, chọn xây dựng những điểm “nhấn” trong hệ thống các điểm đến để đầu tư phát triển du lịch. Đồng thời, tăng cường quảng bá xúc tiến, giới thiệu hình ảnh vùng đất – con người Nam Trà My, nhất là lợi thế về thương hiệu vùng sâm Ngọc Linh đến với các thị trường khách trong và ngoài nước để thu hút du khách.

THẢO NGUYÊN