Nam Định: Chuẩn bị khởi công nhà máy nhiệt điện than hơn 2 tỷ USD
(TN&MT) – Trong buổi họp báo ngày 14/9, thông tin tới báo chí, ông Trần Văn Chung, Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ Nam Định cho biết, sau 11 năm chuẩn bị và đàm phán thì tháng 10 tới đây, dự án Nhà máy Nhiệt điện than Hải Hậu, có tổng mức đầu tư hơn 2 tỷ USD, do Tập đoàn Teakwang (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư sẽ được khởi công.
Trả lời các câu hỏi của báo chí trong buổi họp báo về khả năng, triển vọng thực hiện các dự án trọng điểm của tỉnh Nam Định bị chậm tiến độ đã nhiều năm, khả năng thu hút đầu tư vào dự án được tỉnh đặt nhiều kỳ vọng về phát triển kinh tế – xã hội, thu ngân sách… thuộc khu công nghiệp dệt may Rạng Đông (Nghĩa Hưng), ông Trần Văn Chung – Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ Nam Định cho biết, một trong những khâu đột phá của tỉnh trong nhiệm kỳ mới là làm tốt công tác quy hoạch, đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính, thu hút các nhà đầu tư.
Theo ông Chung, ngày 19/9/2020, tỉnh sẽ khởi công xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn tỉnh Nam Định; tiếp tục tập trung triển khai dự án đường nối từ cao tốc Hà Nội – Cao Bồ với vùng kinh tế biển của tỉnh (dài 45 km), qua đó chuẩn bị tốt về hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội khu vực ven biển của tỉnh nói chung, thu hút đầu tư vào KCN Dệt may Rạng Đông nói riêng.
“Với một khu công nghiệp được quy hoạch, xây dựng đồng bộ, hiện đại như KCN Rạng Đông thì quan điểm của tỉnh là phải dành thu hút những nhà đầu tư lớn. Hiện tại đã có nhà đầu tư đến từ Đài Loan đề nghị tỉnh cho thuê cả 600 ha của KCN Rạng Đông”, ông Chung thông tin.
Cũng tại buổi họp báo, ông Trần Văn Chung cho biết, sau 11 năm chuẩn bị, đàm phán, tới đây, vào tháng 10 hoặc tháng 11 năm 2020, dự án Nhà máy Nhiệt điện than Hải Hậu, có tổng mức đầu tư trên 2 tỷ USD, do Tập đoàn Teakwang (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư sẽ được khởi công.
“Chính phủ đã có thông báo cho triển khai dự án, ủy quyền cho Bộ Công Thương ký hợp đồng BOT với nhà đầu tư. Trước đó, vào năm 2018, tại tỉnh Nam Định, dự án đã được Bộ Kế hoạch – Đầu tư cấp chứng nhận đăng ký đầu tư. Sở dĩ phải đợi lâu như vậy là do phải mất nhiều thời gian đàm phán giữa nhà đầu tư và Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam về việc tập đoàn cam kết cung cấp nguồn than phục vụ vận hành nhà máy. Hội đồng nhân dân tỉnh cũng đã họp thông qua, tóm lại là tỉnh phải có vào đó hơn 1000 tỷ để hoàn thiện công việc”, ông Trần Văn Chung thông tin.
Dự án bệnh viện Đa khoa tỉnh mới trên cơ sở điều chỉnh dự án bệnh viện quy mô cấp vùng 700 giường, xây dựng dang dở 13 năm qua với tổng mức đầu tư 1.500 tỷ đồng
Đối với việc triển khai dự án bệnh viện Đa khoa tỉnh mới trên cơ sở điều chỉnh dự án bệnh viện quy mô cấp vùng 700 giường, xây dựng dang dở 13 năm qua với tổng mức đầu tư 1.500 tỷ đồng. Dư luận đặt dấu hỏi rằng Nam Định sẽ lấy từ nguồn nào để có hơn 1.000 tỷ đồng phần vốn thuộc trách nhiệm của tỉnh để triển khai dự án khi tổng thu ngân sách hằng năm của tỉnh đạt rất thấp, chỉ khoảng 5.000 tỷ đồng, ông Trần Văn Chung khẳng định tỉnh hoàn toàn có thể tính toán được khoản tiền này.
Theo ông Chung, để có được số tiền 1000 tỷ này, tỉnh trông vào nguồn đấu giá đất – nơi Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũ đang đứng chân trong nội thành TP Nam Định; nguồn đấu giá đất từ các khu đô thị, khu dân cư tập trung trên địa bàn, tỉnh đã và đang triển khai (khoảng 2.000 tỷ/năm) và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Tiếp tục thông tin tới báo chí trong buổi họp báo liên quan tới diện tích đất tại khu công nghiệp Mỹ Trung, ông Chung cho biết, để lấy lại diện tích đất tại đây, tỉnh đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ giải quyết vướng mắc tuy nhiên chưa được do liên quan đến vấn đề bảo lãnh vốn Chính phủ, phát hành trái phiếu quốc tế.
Cả trăm ha “đất vàng” tại KCN Mỹ Trung hơn 10 năm qua chỉ để phục vụ chăn thả trâu, bò.
“Vấn đề vướng là ở chỗ bảo lãnh vốn Chính phủ, phát hành trái phiếu quốc tế chứ không đơn giản như các dự án khác nếu không làm được thì tỉnh thu lại đất”, ông phân tích.
Trước đó, như Báo Tài nguyên và Môi trường đã phản ánh, 14 năm trước tỉnh Nam Định với kỳ vọng KCN Mỹ Trung sau khi hoàn thành và đưa vào hoạt động sẽ trở thành một KCN hiện đại, tập trung thu hút các dự án sản xuất bằng công nghệ cao, tạo sự bứt phá về thu ngân sách cho tỉnh nên khi đó chính quyền đã quyết định thu hồi đất nông nghiệp của hàng trăm hộ dân địa phương tại các vị trí đắc địa, cụ thể là sát QL 10, liền kề TP. Nam Định để giao cho Công ty CP Công nghiệp tàu thuỷ Hoàng Anh (khi đó là thành viên Tập đoàn Vinasin, nay thuộc TCT Công nghiệp tàu thủy Việt Nam) làm chủ đầu tư hạ tầng KCN Mỹ Trung (rộng hơn 150 ha).
Thế nhưng sau đó không lâu, khi tập đoàn Vinasin bị dính hàng loạt sai phạm, thua lỗ dẫn đến Công ty Hoàng Anh cũng gặp không ít khó khăn về nguồn vốn đầu tư. Hệ luỵ là dự án đầu tư, kinh doanh hạ tầng KCN Mỹ Trung cũng bị đình trệ theo. Hiện tại, Dù rất muốn thu hồi lại đất KCN Mỹ Trung nhưng đến nay tỉnh Nam Định vẫn chưa thể giải quyết được.
Nguyên nhân là do Công ty Hoàng Anh đang nợ các tổ chức tín dụng khoảng 20 triệu USD, phần lớn trong số này có nguồn gốc từ nguồn Trái phiếu quốc tế do Chính phủ phát hành. Mặt khác, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất KCN Mỹ Trung từ lâu đã được Công ty Hoàng Anh mang đi thế chấp tại các ngân hàng. Do vậy, tất cả các phương án từ cho Công ty Hoàng Anh tuyên bố phá sản đến tìm kiếm nhà đầu tư mới thay thế Công ty này đều không thực hiện được.