Năm 2017, nông nghiệp Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức

Tại hội thảo “Triển vọng nông nghiệp Việt Nam 2017” ngày 24-5, tại Hà Nội do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard) phối hợp Vụ Kinh tế, Văn phòng Quốc hội tổ chức, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – Viện trưởng Ipsard nhận định: Tình trạng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường biển được dự báo tiếp tục ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, năng lực sản xuất dư thừa của một số ngành hàng như chăn nuôi khiến những ngành này gặp nhiều rủi ro từ thị trường xuất khẩu. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế nội địa, thay đổi nhân khẩu học và đô thị hóa đang chuyển dịch bản chất cân bằng cung – cầu hàng hóa nông sản và thực phẩm nội địa từ lượng sang chất, đặt ra rủi ro chênh lệch cơ cấu cung – cầu, thay vì lượng cung – cầu.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng tổng kết những vấn đề nổi bật về bối cảnh vĩ mô, thương mại nông sản Việt Nam và cập nhật những dự báo mới nhất về ngành trong vòng 2, 3 năm tới. Đồng thời trao đổi, thảo luận các giải pháp mang tính khả thi để phát triển ba ngành hàng chủ lực là lúa gạo, thủy sản và rau quả.

Theo đó, về vĩ mô, có ba vấn đề nổi bật ảnh hưởng tới thương mại nông sản Việt Nam gồm: Các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển tăng phụ thuộc lẫn nhau trong thương mại toàn cầu, đồng thời tập trung hơn vào phát triển thị trường nội địa; Các thị trường phát triển dần bão hòa và tăng bảo hộ; Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm hơn, chuyển hướng động lực vào tiêu dùng nội địa. Bối cảnh này ảnh hưởng đến việc duy trì tăng trưởng, khả năng cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam có định hướng chính xuất khẩu, hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp nông nghiệp cũng như bảo đảm sinh kế bền vững cho cư dân nông thôn.

Về dự báo thị trường nông sản quốc tế, TS Sergio René Arauho- Enciso – Chuyên gia Ban Thương mại và Thị trường FAO Rome – chia sẻ, có một số xu hướng chủ đạo của 2017 và các năm tới như sau: Tiêu dùng nông sản toàn cầu tiếp tục mở rộng và phát triển theo hướng hàng hóa có giá trị cao hơn; Tăng trưởng tiêu dùng sẽ chậm lại so với thập kỷ trước; Trung Quốc, Ấn Độ và Châu Phi hạ Sahara thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu; Giá nông sản thực tế có xu hướng giảm nhẹ trong dài hạn; Tăng trưởng năng suất sẽ là động lực chính cho sản xuất cây lương thực và thức ăn chăn nuôi; Tăng trưởng đa dạng theo hướng phát triển chăn nuôi và thủy sản.

Với bối cảnh vĩ mô và thị trường như vậy, TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho rằng, ngành nông nghiệp Việt Nam cần xác định lại động lực chính thúc đẩy ngành nông nghiệp đi lên: tăng năng suất, chất lượng. Bên cạnh đó, cần xác định vị thế của từng ngành hàng nông sản Việt Nam trên thị trường toàn cầu để ưu tiên nguồn lực phát triển. Đồng thời, cần xác định lại cơ cấu thị trường cho từng ngành hàng nông sản.

Để nâng cao khả năng cạnh tranh của các ngành hàng, vượt qua những rào cản kỹ thuật ngày càng khắt khe cũng như chống lại những cú “sốc” mà thị trường thế giới mang lại, các chuyên gia cho rằng, cần nâng cao chất lượng chuỗi giá trị. Trong đó, chú trọng xây dựng thương hiệu, có các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu lĩnh vực ngành hàng để nâng cao chất lượng.