‘Mùi cỏ cháy’ – Khúc tráng ca về Thành cổ Quảng Trị 1972
Xem phim Mùi cỏ cháy, không ít người đã khóc ròng từ đầu đến cuối. Sự trong trắng, hồn nhiên và tình yêu Tổ quốc của một thế hệ sinh viên, sự khốc liệt của chiến tranh, thân phận con người và hy sinh mất mát quá lớn của người dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước… đã gợi lên nhiều điều cho những người đang sống hôm nay.
Bộ phim “Mùi cỏ cháy” mặc dù thiếu chất sử thi và thừa chất thơ nhưng thực sự đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng qua việc tái hiện chân thực không khí hào hùng, bi tráng ở chiến trường Thành cổ Quảng Trị năm 1972.
Không ngoa khi so sánh “Mùi cỏ cháy” giống như “quả cầu pha lê” dưới bàn tay một phù thủy tâm lý, có thể dẫn dắt người xem trải nghiệm những cung bậc cảm xúc khác nhau qua từng cảnh quay.
Bộ phim làm khán giả bật cười sảng khoái với những hành động ngây thơ, trong trẻo có phần trẻ con của những người lính binh nhì tuổi mới mười tám, đôi mươi, nhưng cũng khiến họ rơi lệ trước sự hi sinh quả cảm của những chiến sĩ trẻ; những mối tình trong sáng bị chiến tranh chia lìa hay giọt nước mắt mong ngóng, đợi chờ của người thân nơi hậu phương…
Bộ phim xoay quanh câu chuyện của 4 chàng sinh viên Hà thành là Hoàng, Thành, Thăng và Long ở lứa tuổi 20, khi cuộc đời vừa bắt đầu chớm nở. Sống trong thời kỳ đất nước đang bị gót giày quân thù giày xéo, họ đã tình nguyện rời xa cuộc sống sinh viên, để lại thầy cô, người thân phía sau lên đường nhập ngũ. Trước câu hỏi của Thủ trưởng Phong: “Có ai tiếc cuộc sống bình yên không?” Hoàng đã không ngần ngại nói: “Chúng em cũng hơi tiếc ạ. Nhưng còn hối tiếc hơn nếu như trong đội ngũ những người ra trận hôm nay không có chúng em”.
Những đổi thay trong tâm lý nhân vật được diễn tả một cách sâu sắc. Cả 4 anh lính binh nhì xuất hiện ở đầu bộ phim với hình ảnh ngây thơ, trong sáng có phần trẻ con. Điều đó được thể hiện qua câu hát của Long trên chiếc xe chở quân vào chiến trường: “Ta là con của bố mẹ ta. Nhớ nhà ta trốn ta về”; thú bắt ve sầu rồi áp tai nghe tiếng kêu ve ve của Thành và niềm đam mê chơi trọi dế của Thăng…
Tuy nhiên, khi được rèn luyện trong môi trường khắc nghiệt của quân đội và trực tiếp chiến đấu với quân thù, tận mắt chứng kiến đồng đội của mình hi sinh, họ đã hiểu được giá trị đích thực của cuộc sống, trưởng thành và sống có lý tưởng hơn. Với Thăng, đó là sự cống hiến tuổi thanh xuân cho đất nước: “… Tuổi hai mươi làm sao không tiếc, nhưng ai cũng tiếc tuổi 20 thì còn chi Tổ quốc”. Với Hoàng, đó là thái độ sung sướng, không chút do dự khi được rời trại thương binh vào chiến trường chiến đấu mặc dù, nơi đó có cô y tá mà anh dành tình yêu vô hạn…
Bối cảnh chính trong “Mùi cỏ cháy” là thành cổ Quảng Trị năm 1972. Nơi đế quốc Mỹ chọn để quyết chiến với quân ta nhằm giành thế chủ động trong cuộc đàm phán hiệp định Paris. Vì thế, chúng đã sử dụng mọi phương tiện chiến tranh hiện đại nhất để san phẳng căn cứ quân sự này.
Dưới “bàn tay ma thuật” của đạo diễn Nguyễn Hữu Mười, người xem không thể kìm nổi nước mắt khi chứng kiến hình ảnh hàng trăm chiến sĩ bị trúng bom mìn khi vượt sông Thạch Hãn, máu nhuộm đỏ dòng sông; cảnh Long đứng giữa trời đạn bom kêu gào thảm thiết: “Đừng tấn công nữa!…” và bị bom giặc cướp mất tính mạng; hay hình ảnh một chiến sĩ mù vẫn cầm lựu đạn mò mẫm ra chiến trường chiến đấu với kẻ thù…
Có lẽ, ở ranh giới giữa sự sống và cái chết nơi chiến trường thì tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” mới trỗi dậy mãnh liệt nhất. Dù trong tay chỉ còn cây súng AK hết đạn, Thành vẫn dũng cảm gương lưỡi lê xông lên, đâm một nhát chí mạng vào tên lính ngụy cầm cờ Mĩ và anh dũng hi sinh; biết xung quanh mình có địch rình rập nhưng Thăng vẫn liều mình nhảy xuống sông nối dây cáp để giữ liên lạc giữa chiến trường với Bộ chỉ huy và bị 2 lính ngụy bắn chết…
Chiến trường Quảng Trị – cối xay thịt người – khốc liệt, ghê rợn là thế. Nhưng đạo diễn vẫn dành cho nhân vật của mình những phút giây bình yên để tâm hồn họ lắng đọng lại và viết nên những suy ngẫm về gia đình, về chiến tranh, về tình cảm đồng chí, đồng đội… mà chỉ những người chiến sĩ đã tận mắt chứng kiến, tận tay đào đất chôn đồng đội hi sinh mới có.
Thông qua những trang nhật ký của Thăng, những vần thơ của Hoàng, những bức thư thấm đẫm nước mắt của Thành vĩnh biệt mẹ và lời hứa trở lại (không thực hiện được) của Long đối với một cô gái anh gặp trên đường hành quân… “Mùi cỏ cháy” đã tố cáo tội ác của chiến tranh một cách đầy đủ nhất, chân thực và sinh động nhất. Không những thế, nó đã chạm đến những giá trị nhân đạo, nhân văn sâu sắc về tình người, về lẽ sống của cả một thế hệ trẻ thời chống Mỹ.
Bộ phim truyện “Mùi cỏ cháy” và phim tài liệu “Đại tướng Đoàn khuê” đã được chọn mở màn cho đợt phim chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn 30/4, 1/5, 7/5, 19/5 và kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị.
Theo Hồng Hạnh (KTĐT)