Mục Tiêu của Lớp Giáo Lý và Viện Giáo Lý Tôn Giáo

Khi sống trung tín theo phúc âm, các giảng viên hội đủ điều kiện để có được sự đồng hành của Đức Thánh Linh. Sự đồng hành này là thiết yếu cho sự thành công của các giảng viên trong lớp giáo lý và viện giáo lý. Trong sách Giáo Lý và Giao Ước, Chúa đã nhấn mạnh rằng: “nếu các ngươi không nhận được Thánh Linh thì các ngươi chớ giảng dạy” ( GLGƯ 42:14 ). Anh Cả Robert D. Hales khuyên dạy: “Trách nhiệm của giảng viên trong lớp giáo lý và viện giáo lý tôn giáo là rất nhiều, nhưng để đáp ứng các trách nhiệm này, thì trước hết bản thân giảng viên cần phải cố gắng để được ngay chính. Là giảng viên, chúng ta cần phải sống theo phúc âm trong cách thức làm cho chúng ta có được Thánh Linh luôn ở cùng với mình” (“Teaching by Faith” [một buổi họp tối với Anh Cả Robert D. Hales, ngày 1 tháng Hai năm 2002], 1).

Một trong những đóng góp lớn nhất mà một giảng viên có thể có đối với việc giúp các học viên hoàn thành mục đích đã được vạch ra trong Mục Tiêu của Lớp Giáo Lý và Viện Giáo Lý là tuân theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô một cách kiên định và trung tín. Khi cố gắng phát huy cá tính giống như Đấng Ky Tô và tìm cách biết và làm hài lòng Cha Thiên Thượng trong mọi khía cạnh của cuộc sống của mình, thì các giảng viên được ban phước với một phần quyền năng thiêng liêng mà có thể ảnh hưởng đến cách các học viên của họ tiếp nhận và am hiểu sứ điệp phúc âm.

Các giảng viên cần phải cố gắng cư xử giống như Đấng Ky Tô trong trường học, khi tham dự trong cộng đồng cũng như các sinh hoạt và buổi họp của Giáo Hội. Họ cần phải tìm cách phát triển và duy trì mối quan hệ thích hợp và đầy hỗ trợ với cha mẹ, đồng nghiệp, các vị lãnh đạo tôn giáo và những người trong cộng đồng. Bằng cách kiên định làm những điều này, các giảng viên thật sự cho thấy một sự cam kết cá nhân để sống theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, và quyền năng để có ảnh hưởng tốt đến những cuộc sống sẽ được gia tăng.

Trong lớp học, các giảng viên có cơ hội ngày này sang ngày khác để cho thấy những đặc tính giống như Đấng Ky Tô, chẳng hạn như lòng bác ái, kiên nhẫn, nhân từ, kính trọng và tôn kính đối với những sự việc thiêng liêng. Các giảng viên cần phải duy trì một mối quan hệ tích cực và thích hợp với các học viên và tránh chú ý thái quá đối với bất cứ ai đến mức có thể dễ bị hiểu lầm hay hiểu sai hoặc gây ra sự suy đoán hay lời đồn đại.

“Đã từ lâu, mỗi anh chị em đều nhận ra rằng mình giảng dạy theo đúng con người thật của mình. … Toàn bộ tính nết của các anh chị em sẽ được nhớ đến nhiều hơn là một lẽ thật nào đó trong một bài học đặc biệt. … Vì nếu vai trò làm môn đồ của chúng ta là nghiêm chỉnh thì sẽ được các học viên thấy và nhớ tới. Những triển vọng như vậy về cách các anh chị em sẽ được nhớ tới, cộng với sự ngay chính cá nhân của mình, sẽ cho phép các anh chị em thật sự đóng góp vào cuộc sống của các học viên của mình.”

Tầm quan trọng chính yếu là cách giảng viên hành động khi ở trong nhà riêng của họ và cách họ đối xử với người phối ngẫu và con cái của họ. Mối quan hệ quan trọng nhất này cần phải được thể hiện bằng “sự thuyết phục, … nhịn nhục, … hiền dịu và nhu mì, và … tình thương yêu chân thật” ( GLGƯ 121:41 ). Chủ Tịch Ezra Taft Benson bày tỏ điều sau đây: “Chúng tôi hy vọng rằng với tư cách là vợ chồng, các anh chị em đều có một mối quan hệ tuyệt diệu với nhau. Chúng tôi hy vọng rằng mái gia đình của các anh chị em có được tinh thần bình an và yêu thương Đấng Cứu Rỗi, và rằng tất cả những người vào nhà của các anh chị em đều dễ dàng nhận thấy điều này. Trong nhà của mình, các anh chị em không nên cãi cọ và xích mích với nhau. … Là một cặp vợ chồng, các anh chị em đại diện Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn trong tất cả những gì các anh chị em làm và trong cách thể hiện của mình” (“The Gospel Teacher and His Message” [bài nói chuyện dành cho các nhà giáo dục tôn giáo CES, ngày 17 tháng Chín năm 1976], 7).

Các giảng viên có trách nhiệm để sống cuộc sống của họ với tính liêm chính và phải là tấm gương xứng đáng về các giáo lý và nguyên tắc họ giảng dạy. Trong tất cả mọi trường hợp, các giảng viên cần phải nói, phục vụ, và sống trong một cách thức phù hợp với một người yêu mến Chúa và có được sự đồng hành của Đức Thánh Linh.

Chúng ta luôn luôn tìm cách cải tiến thành quả, kiến thức, thái độ và cá tính của mình.

[1.2.3]

Là con cái của Thượng Đế, các giảng viên có bên trong họ một phần thiên tính để sinh ra ước muốn nhằm mục đích cải tiến, tiến triển, trở thành giống như Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô hơn. Một giảng viên cần phải luôn luôn nuôi dưỡng ước muốn này, và với sự giúp đỡ của Chúa và những người khác, hành động theo các ấn tượng dẫn đến sự cải tiến. Anh Cả Gordon B. Hinckley đã nhấn mạnh đến nhu cầu liên tục của sự phát triển cá nhân:

“Tôi tin ở sự cải tiến. Tôi tin ở sự phát triển. …

“Các anh chị em thân mến, hãy tiếp tục phát triển kiến thức cho dù các anh chị em đang ở tuổi ba mươi hay bảy mươi” (“Four Imperatives for Religious Educators” [bài nói chuyện đưa ra cho các nhà giáo dục tôn giáo CES, ngày 15 tháng Chín năm 1978], 2).

Sự tiến triển cần có ước muốn, chuyên tâm, lòng kiên nhẫn và sự giúp đỡ của Chúa là những điều có được qua sự suy ngẫm và cầu nguyện. Anh Cả Henry B. Eyring dạy một nguyên tắc quan trọng về sự tự cải tiến: “Hầu hết chúng ta đều đã có một kinh nghiệm nào đó với các nỗ lực tự cải tiến. Kinh nghiệm của tôi đã dạy cho tôi điều này về con người được tiến bộ hơn và các tổ chức cải tiến như thế nào: nơi tốt nhất để tìm là những thay đổi nhỏ chúng ta có thể có trong những điều mình thường làm. Có quyền năng trong tính kiên định và sự lặp đi lặp lại. Và nếu chúng ta có thể được soi dẫn để chọn những điều nhỏ và đúng để thay đổi, thì việc kiên định luôn luôn vâng lời sẽ giúp chúng ta tiến bộ được nhiều hơn” (“The Lord Will Multiply the Harvest” [một buổi họp tối với Anh Cả Henry B. Eyring, ngày 6 tháng Hai năm 1998], 3).

Trong lớp giáo lý và viện giáo lý, các giảng viên cần phải liên tục tìm cách cải tiến thành quả, kiến thức, thái độ và cá tính của mình.

Thành Quả. Các giảng viên cần phải thường xuyên tìm cách cải tiến thành quả của họ trong các trách nhiệm giảng dạy và hành chính. Họ có thể làm như vậy qua một nỗ lực cân bằng, kiên định và chuyên cần để hiểu và áp dụng các nguyên tắc và kỹ năng cơ bản. Việc tìm cách giúp đỡ từ các tài liệu ở lớp giáo lý và viện giáo lý và từ những người giám sát, đồng nghiệp, học viên, các vị lãnh đạo chức tư tế, và những người khác sẽ giúp các giảng viên và những người lãnh đạo có thể đánh giá chính xác hơn về thành quả của họ, cũng như sự hướng dẫn cần thiết để giúp họ cải tiến trong lãnh vực nào cần nhất.

Sự Hiểu Biết. Các giảng viên cần phải kiên trì cố gắng học hỏi văn cảnh, nội dung, và các giáo lý cùng nguyên tắc trong thánh thư và những lời của các vị tiên tri. Khi làm như vậy, họ sẽ tăng trưởng trong sự hiểu biết về phúc âm và Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi và sẽ có thể ban phước tốt hơn cho cuộc sống của các học viên. Các giảng viên cần phải phát triển sự hiểu biết về các nguyên tắc và phương pháp giảng dạy hữu hiệu được chứa đựng trong thánh thư cũng như trong các tài liệu trong lớp giáo lý và viện giáo lý. Họ cũng cần phải quen thuộc với các nguyên tắc điều hành thích hợp (xin xem phần 1.4, “Thực Hiện” ở trang 8) cùng hiểu các chính sách và lối thực hành của lớp giáo lý và viện giáo lý.

Hình

“Thưa các anh chị em, không một ai trong chúng ta biết đủ cả. Tiến trình học hỏi là một tiến trình bất tận. Chúng ta cần phải đọc, chúng ta cần phải quan sát, chúng ta cần phải thấm nhuần, và cần phải suy ngẫm những gì tiếp cận với tâm trí mình.”

(Gordon B. Hinckley, “Four Imperatives for Religious Educators,” 2) 

Thái Độ.  Thái độ của các giảng viên xác định một mức độ lớn lao về hạnh phúc riêng của họ và khả năng họ có để ảnh hưởng tốt lành đến các học viên của họ. Các giảng viên nào liên tục cố gắng để vui vẻ (xin xem GLGƯ 68:6), tìm cách phục vụ những người khác, cố gắng đạt được tình đoàn kết, và đáp ứng hữu hiệu nhất với những tình huống khó khăn đều sẽ ban phước cho cuộc sống của các học viên và các đồng nghiệp họ kết giao.

Cá Tính. Các giảng viên nào cố gắng sống theo phúc âm và kiên trì cùng thật sự cố gắng cải tiến thành quả, kiến thức, và thái độ của họ đều sẽ tự nhiên phát triển cá tính cần thiết để phụ giúp trong việc hoàn tất Mục Tiêu của Lớp Giáo Lý và Viện Giáo Lý Tôn Giáo. Anh Cả Richard G. Scott dạy: “Chúng ta trở thành con người mình muốn trở thành bằng cách tiếp tục làm người mình muốn trở thành như vậy mỗi ngày. Chí khí ngay chính là một cách thể hiện quý báu về con người chúng ta sẽ trở thành. … Chí khí ngay chính quý báu hơn bất cứ mục tiêu vật chất nào mà các anh chị em có, bất cứ kiến thức nào mà các anh chị em đã đạt được qua việc học tập hoặc bất cứ mục tiêu nào các anh chị em đã đạt được” (“Quyền Năng Biến Đổi của Đức Tin và Chí Khí,” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2010, 43).

Cuối cùng, bí quyết trong việc tìm cách cải tiến thành quả, kiến thức, thái độ và cá tính của chúng ta chứa đựng trong việc noi theo gương của Chúa Giê Su Ky Tô. Chủ Tịch Howard W. Hunter nói: “Chính là điều giảng dạy và tấm gương của Chúa Giê Su Ky Tô uốn nắn hành vi của chúng ta và tạo thành cá tính của chúng ta trong mọi phương diện của cuộc sống mình—cá nhân chúng ta, trong nhà, trong nghề nghiệp và cuộc sống trong cộng đồng, cũng như trong việc chúng ta tận tâm đối với Giáo Hội mang danh Ngài” (“Standing as Witnesses of God,” Ensign, tháng Năm năm 1990, 60).

“Nếu loài người đến cùng ta, ta sẽ chỉ cho họ thấy sự yếu kém của họ. … Và ân điển của ta cũng đủ để ban cho tất cả những ai biết hạ mình trước mặt ta; vì nếu họ biết hạ mình trước mặt ta và có đức tin nơi ta, thì lúc đó ta sẽ làm cho những điều yếu kém trở nên mạnh mẽ đối với họ. Nếu con người đến với tôi, tôi sẽ cho họ thấy sự yếu kém của họ.”

(Ê The 12:27)