Mục đích sống: 7 câu hỏi giúp tìm kiếm mục tiêu cuộc đời | ITD Vietnam
Mục Lục
7 câu hỏi giúp bạn tìm kiếm đam mê và mục đích sống
Đặt câu hỏi là một trong những cách tìm mục đích sống hữu hiệu nhất. Dù bạn đang tìm kiếm công việc mơ ước, suy nghĩ về việc thay đổi hướng đi của sự nghiệp – hay đơn giản là bạn không muốn dành cả đời để tự trách “điều gì sẽ xảy ra nếu…”, 7 câu hỏi sau đây sẽ là cơ sở giúp bạn có cái nhìn sâu sắc hơn về bản thân và mục tiêu của cuộc sống.
1. Mình sẽ sẵn sàng đánh đổi điều gì?
Không có bữa ăn nào là miễn phí.
Mọi thứ trong cuộc sống đều đòi hỏi ta phải bỏ ra một “chí phí” nhất định. Không có gì là thú vị hoặc vui vẻ mọi lúc. Câu hỏi đặt ra là: bạn sẽ sẵn sàng chấp nhận hoặc đánh đổi vì điều gì?
Về cơ bản, yếu tố quan trọng nhất quyết định khả năng gắn bó lâu dài với mục tiêu ta quan tâm – đó là khả năng xử lý và vượt qua những khó khăn trong quá trình theo đuổi mục đích đó.
Nếu bạn ấp ủ giấc mơ khởi nghiệp – nhưng không dám đối mặt với thất bại, bạn chắc chắn sẽ không thể tiến xa được.
Nếu bạn muốn trở thành một nghệ sĩ chuyên nghiệp – nhưng không sẵn lòng thấy tác phẩm của mình bị từ chối hàng trăm lần, bạn đã thất bại ngay từ trước khi bắt đầu.
Nếu bạn mong muốn trở thành một luật sư giỏi – nhưng không thể chịu được 80 giờ làm việc mỗi tuần, thì những gì bạn ao ước chỉ là viển vông.
Tìm kiếm mục đích sống đòi hỏi những sự hy sinh nhất định. Bạn có thể đối mặt với những trải nghiệm khó chịu nào? Bạn có thể thức cả đêm để viết mã code không? Bạn có thể tạm dừng việc lập gia đình trong 10 năm không? Bạn có thể chịu đựng mọi người cười nhạo bạn hết lần này đến lần khác – cho đến khi lý tưởng của bạn thành hiện thực không?
Bí mật của người thành công nằm ở chỗ họ sẵn sàng chấp nhận thử thách. Bất cứ điều gì bạn yêu thích và sẵn sàng làm – trong khi những người khác từ chối, sẽ trở thành lợi thế cạnh tranh của chính bạn.
Câu trả lời cho câu hỏi này sẽ cho bạn biết:
- Bạn sẵn sàng đánh đổi cái gì để đạt được điều bạn muốn
- Bạn có thể giỏi hơn những người khác ở điểm nào
2. Mình đã từng mơ ước những gì?
Áp lực xã hội và sự nghiệp thời tuổi trẻ là nhân tố làm “lụi tàn” lửa đam mê. Phần lớn chúng ta được dạy rằng – hãy chỉ làm điều gì nếu ta được hưởng lợi từ nó. Tư duy thương mại này là nguyên nhân gây ra cảm giác lạc lõng và bế tắc, ngăn cản ta xác định mục đích sống.
Khi còn trẻ, một số người trong chúng tôi từng có sở thích viết truyện. Họ sẵn sàng ngồi hàng giờ một mình trong phòng, viết về những người ngoài hành tinh, về các siêu anh hùng, về bạn bè và gia đình… Không phải vì họ muốn ai đó đọc những gì họ viết. Không phải vì muốn gây ấn tượng với ba mẹ hay thầy cô – nhưng đơn giản chỉ vì họ cảm thấy vui khi làm như vậy.
Và về sau, vì nhiều lý do, họ không tiếp tục sở thích đó nữa – mà không ý thức được nguyên nhân vì sao.
Tất cả chúng ta đều có xu hướng “đứt gánh” với những gì bản thân từng yêu thích khi còn nhỏ. Áp lực xã hội và nghề nghiệp “bóp chết” ngọn lửa đam mê trong chúng ta.
Chúng ta được dạy rằng – hãy chỉ làm điều gì đó nếu ta được hưởng lợi từ nó. Lối tư duy “giao dịch” này khiến nhiều người cảm thấy lạc lõng và bế tắc trong cuộc sống.
Hãy thử hình dung nếu ngay bây giờ, bạn đang đối thoại với phiên bản thời tiểu học của mình.
“Tại sao bạn không còn viết nữa?”
“Bởi vì tôi không có tài năng. Chẳng ai thèm đọc những gì tôi viết hết – và việc viết lách chẳng giúp tôi kiếm được tiền”.
Khi còn là một đứa bé, liệu ta có bao giờ quan tâm đến những điều đó không?
Liệu ta có quan tâm đến việc bài viết của mình có bao nhiêu lượt truy cập, xem và like/share, hay được công chúng tán thưởng như thế nào?
Chắc chắn là không. Khi đó, mối quan tâm duy nhất của ta – chỉ là niềm vui khi được “trải lòng” những ý tưởng của chính mình lên trang giấy. Chỉ vậy thôi.
Câu trả lời cho câu hỏi này sẽ cho bạn biết:
- Niềm đam mê thời thơ ấu nào mà bạn đã đánh mất khi trưởng thành
- Bạn nên làm sống lại ngọn lửa đam mê nào
3. Điều gì có thể khiến mình quan tâm đến mức quên ăn quên ngủ?
Hãy thử hồi tưởng lại: bạn đã từng “thức đêm thức hôm” để làm việc gì? Điều quan trọng nhất, hãy chú ý đến những “quy luật” nhận thức đằng sau những hoạt động mà bạn say mê đó.
Hẳn ai trong chúng ta cũng đã từng có ít nhất một lần bị “cuốn” vào hoạt động gì đó, đến mức quên hẳn ý niệm về thời gian.
Khi còn trẻ, Isaac Newton từng nhiều lần phải nhờ đến mẹ nhắc nhở không bỏ bữa – nếu không, ông có thể dành cả ngày để mải mê với công việc.
Một số người trong chúng ta có những niềm đam mê không được lành mạnh lắm. Trò chơi điện tử (video game) là một ví dụ điển hình. Nhiều bạn trẻ có thể dành cả ngày chơi game – thay vì làm những việc quan trọng hơn như học tập, vệ sinh, giao tiếp với mọi người xung quanh.
Sự thực thì, trò chơi điện tử đó có thể không hẳn là mục đích sống thực sự của bạn (dù rằng bạn rất thích chơi game). Niềm đam mê của bạn có thể là mong muốn giỏi một thứ gì đó, cố gắng để trở nên tốt hơn mỗi ngày. Những yếu tố trong trò chơi – đồ họa, câu chuyện – tuy rất tuyệt, nhưng không phải là yếu tố quan trọng. Đúng hơn, chính sự cạnh tranh với những người chơi khác, khao khát cải thiện kỹ năng cá nhân hằng ngày mới là động lực khiến bạn nỗ lực mỗi ngày.
Nếu có thể đem niềm đam mê và tinh thần cầu tiến đó áp dụng vào phát triển bản thân và công việc kinh doanh, chắc chắn cuộc sống của bạn sẽ đi sang một trang mới.
Câu chuyện cuộc đời của bạn có thể không giống như trên. Có thể động lực chính thúc đẩy hành động của bạn là niềm đam mê với khoa học giả tưởng, công việc giảng dạy hoặc xử lý các vấn đề kỹ thuật.
Dù đó là gì, đừng chỉ đơn thuần nhìn vào những hoạt động khiến bạn “mất ăn mất ngủ” – mà hãy xem xét những nguyên tắc nhận thức đằng sau đó, để có thể áp dụng vào những lĩnh vực khác của cuộc sống.
Câu trả lời cho câu hỏi này sẽ cho bạn biết:
- Bạn thực sự thích làm gì
- Bạn còn có thể thích những công việc nào khác
4. Nguyên nhân gì khiến mình không theo đuổi mục tiêu hằng mong ước?
Đừng sợ hãi phải xấu hổ. Cảm thấy bản thân ngu ngốc là một phần của hành trình tìm kiếm mục đích sống. Một quyết định quan trọng trong cuộc đời càng khiến bạn sợ hãi bao nhiêu, thì bạn càng cần phải cố gắng thực hiện nó bấy nhiêu.
Tất cả tài năng đều xuất phát điểm từ con số không. Không ai ngay từ ban đầu đã giỏi về một lĩnh vực nào. Nếu bạn tránh làm điều gì có thể làm tổn hại đến cái tôi tự trọng cá nhân – chắc chắn, bạn sẽ chẳng bao giờ làm được điều gì quan trọng.
Hãy tự hỏi bản thân: ngay thời điểm hiện tại, có điều gì đó bạn muốn làm, hằng mơ ước về nó – nhưng lại chưa thực hiện? Chắc chắn có nguyên nhân đằng sao đó. Vậy đó là nguyên nhân gì?
Nếu câu trả lời là vì sợ hãi những gì người khác có thể nghĩ về bạn – thì xin thưa, bạn đang tự “làm khổ” chính mình một cách không chính đáng.
Nếu lý do của bạn là “Tôi không thể đầu tư kinh doanh vì cần dành thời gian cho con tôi – điều đó quan trọng hơn” hoặc “Chơi game cả ngày có thể ảnh hưởng đến sở thích âm nhạc của tôi”, thì không có gì để nói cả.
Nhưng nếu lý do của bạn là “Ba mẹ tôi ghét điều đó” hoặc “Bạn bè sẽ chế giễu tôi” hoặc “Nếu thất bại, tôi sẽ trông giống như một thằng ngốc”, thì rất có thể, bạn đang thực sự né tránh mục đích sống thực sự của mình.
Chính vì quan tâm đến điều đó là nguyên nhân khiến bạn cảm thấy sợ hãi -không phải vì những gì mẹ nghĩ hay bạn bè sẽ đàm tiếu.
Những điều tuyệt vời, về bản chất, là duy nhất và khác thường. Vì vậy, để đạt được chúng, chúng ta phải đi ngược lại với tâm lý bầy đàn. Và điều đó thực sự rất đáng sợ.
Đừng sợ phải xấu hổ. Cảm thấy bản thân ngu ngốc là một phần của hành trình tìm kiếm mục đích sống. Một quyết định quan trọng trong cuộc đời càng khiến bạn sợ hãi bao nhiêu, thì bạn càng cần phải cố gắng thực hiện nó bấy nhiêu.
Câu trả lời cho câu hỏi này sẽ cho bạn biết:
- Điều gì khiến bạn cảm thấy sợ hãi … vì lý do chính đáng
- Rằng bạn nên ngừng đưa ra những lời bào chữa và bắt đầu hành động ngay từ bây giờ