Mua xe cũ: Đừng chỉ dựa vào đồng hồ công-tơ-mét
Thực tế, dịch vụ chỉnh đồng hồ công-tơ-mét (tua công) khá dễ kiếm và rẻ – Ảnh: Car Xperts Reloaded
Theo lý thuyết, số ODO cho biết quãng đường mà chiếc xe đã đi được. Nhờ đó, người mua xe cũ có thể biết được xe đã “cày” được bao nhiêu kilômet và phần nào đánh giá được mức độ “cũ-mới” của chiếc xe.
Tuy nhiên, trong thực tế, chỉ số ODO chỉ nên dùng tham khảo, chứ không nên là yếu tố quan trọng. Bởi chỉ số này rất dễ gian lận.
Ngay ở Mỹ, quốc gia phát triển với nhiều điều luật bảo vệ người tiêu dùng và các quy định liên quan đến xe cũ, ước tính vẫn có khoảng nửa triệu xe cũ trong số hơn 40 triệu xe cũ được bán ra mỗi năm có đồng hồ công-tơ-mét đã bị thay đổi bất hợp pháp. Theo New York Times, gian lận đồng hồ công-tơ-mét gây thiệt hại cho người Mỹ hơn 1 tỉ USD mỗi năm.
Ngay cả khi phát hiện ra mua hớ, người tiêu dùng cũng chưa chắc có thể nhờ pháp luật trừng phạt người bán. Bởi Mỹ chỉ buộc người bán phải dán nhãn đúng số quãng đường ứng với đồng hồ công-tơ mét. Người mua muốn được bồi thường phải chứng minh được rằng người bán biết về việc chỉnh đồng hồ và không công khai điều đó – một việc không hề dễ dàng.
Ở Việt Nam, việc điều chỉnh đồng hồ công-tơ-mét được gọi là “tua công”. Rất dễ tìm các địa chỉ tua công với giá rất rẻ, từ vài trăm nghìn tới vài triệu đồng tùy từng loại xe.
Thực chất, tua công vốn hướng tới những người thay đồng hồ mới và cần chỉnh con số cho khớp với thiết bị cũ hoặc đơn giản là những người muốn chọn con số may mắn. Với trường hợp 1, chỉ số ODO là một yếu tố có thể tham khảo khi mua xe cũ. Nhưng với trường hợp 2, hoặc tệ hơn là những chủ xe cố tình chỉnh đồng hồ để bán được với giá cao, có thể khiến người mua tậu phải những chiếc xe “mới” mà cũ.
Quả thực, gõ “tua odo ôtô” hay “tua odo xe máy” trên thanh công cụ tìm kiếm sẽ ra ngay hàng loạt trang web chào bán dịch vụ với giá rất rẻ.
Bảng giá tại một địa chỉ cung cấp dịch vụ tua odo – Ảnh chụp màn hình
Thực tế cũng có cách để giúp phát hiện xe có bị tua odo hay không, nhưng có thể không hiệu quả hoặc người mua cần có mức độ hiểu biết nhất định về xe. Chẳng hạn, kiểm tra độ hao mòn của các bộ phận trên ôtô so với quãng đường mà công-tơ-mét ghi nhận. Nên tập trung vào những bộ phận hay tiếp xúc hoặc dễ va chạm như bàn đạp. Có thể nghi ngờ những chiếc xe có quãng đường đi được vừa phải song bàn đạp lại quá mới (đã bị thay thế) hoặc quá cũ (có thể đã đi nhiều hơn). Những bộ phận khác có thể dùng để kiểm tra như tay nắm cửa, vô lăng, bệ tỳ tay…
Cơ quan quản lý của Mỹ khuyến cáo người mua xe cũ nên yêu cầu được kiểm tra hồ sơ bảo dưỡng. Một chiếc xe đi nhiều nhưng được bảo dưỡng tốt hơn là đi ít mà chểnh mảng. Hồ sơ bảo dưỡng cũng sẽ cung cấp thông tin về quãng đường đi được tại thời điểm bảo dưỡng có thể dùng để đối chiếu.
Ở Sri Lanka, giá xe cũ còn đắt hơn cả nhà ở khu ‘đất vàng’