Mua hàng không có hóa đơn của cá nhân không kinh doanh
Mua hàng không có hóa đơn của cá nhân không kinh doanh có được đưa vào chi phí hợp lý không? Làm thế nào để được tính là chi phí hợp lý hợp lệ khi tính thuế TNDN? Các thủ tục hồ sơ chứng từ như thế nào?
1. Căn cứ vào khoản 2.4 điều 6 của Thông tư 78/2014/TT-BTC:
** Nếu DN các mua hàng trong các trường hợp sau:
– Mua sản phẩm thủ công làm bằng đay, cói, tre, nứa, lá, song, mây, rơm, vỏ dừa, sọ dừa hoặc nguyên liệu tận dụng từ sản phẩm nông nghiệp của người sản xuất thủ công không kinh doanh trực tiếp bán ra;
– Mua đất, đá, cát, sỏi của hộ gia đình, cá nhân tự khai thác trực tiếp bán ra;
– Mua đồ dùng, tài sản, dịch vụ của hộ gia đình, cá nhân không kinh doanh trực tiếp bán ra;
– Mua hàng hóa là nông sản, hải sản, thủy sản của người sản xuất, đánh bắt trực tiếp bán ra;
– Mua phế liệu của người trực tiếp thu nhặt;
– Mua hàng hóa, dịch vụ của hộ gia đình, cá nhân kinh doanh (không bao gồm các trường hợp nêu trên) có mức doanh < 100 triệu đồng/năm.
=> Tất cả các trường hợp mua hàng không có hóa đơn đầu vào nêu trên, DN muốn được ghi nhận vào chi phí hợp lý khi quyết toán thuế TNDN thì phải làm bộ hồ sơ như sau:
+ Hợp đồng mua bán.
+ Chứng từ thanh toán: Tiền mặt hoặc chuyển khoản đều được
+ Biên bản bàn giao hàng hóa, dịch vụ…..
+ Bảng kê hàng hóa dịch vụ mua vào không có hóa đơn mẫu 01/TNDN
2. Căn cứ theo khoản 2.4 điều 4 của Thông tư 96/2015/TT-BTC:
– Chi phí của doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ nhưng không lập Bảng kê kèm theo chứng từ thanh toán cho người bán hàng, cung cấp dịch vụ trong các trường hợp:
+ Mua hàng hóa là nông, lâm, thủy sản của người sản xuất, đánh bắt trực tiếp bán ra;
+ Mua đất, đá, cát, sỏi của hộ, cá nhân tự khai thác trực tiếp bán ra
+ Mua tài sản, dịch vụ của hộ, cá nhân không kinh doanh trực tiếp bán ra;
+ Mua sản phẩm thủ công làm bằng đay, cói, tre, nứa, lá, song, mây, rơm, vỏ dừa, sọ dừa hoặc nguyên liệu tận dụng từ sản phẩm nông nghiệp của người sản xuất thủ công không kinh doanh trực tiếp bán ra;
+ Mua phế liệu của người trực tiếp thu nhặt;
+ Mua hàng hóa, dịch vụ của cá nhân, hộ kinh doanh có mức doanh thu dưới ngưỡng doanh thu chịu thuế giá trị gia tăng (100 triệu đồng/năm).
=> Chú ý:
+ Các khoản chi phí này không bắt buộc phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
+ Doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ được phép lập Bảng kê và được tính vào chi phí được trừ.
+ Bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ do người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền của doanh nghiệp ký và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực.
+ Giá mua hàng hóa, dịch vụ trên bảng kê cao hơn giá thị trường tại thời điểm mua hàng thì cơ quan thuế căn cứ vào giá thị trường tại thời điểm mua hàng, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự trên thị trường xác định lại mức giá để tính lại chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
** Lưu ý:
– Bảng kê phải do người đại diện theo pháp luật của DN (hoặc người được ủy quyền) ký và chịu trách nhiệm.
– Giá mua hàng trên bảng kê phải tương tự như giá trên thị trường (Nếu cao hơn sẽ có nguy cơ bị loại chi phí phần vượt cao hơn)
– Doanh nghiệp chưa lập bảng kê 01/TNDN thì phải lập bổ sung trước khi thanh kiểm tra thuế tại DN nếu không toàn bộ chi phí đầu vào sẽ bị xuất toán chi phí tức không được chấp nhận là chi phí hợp lý