Mua dự án thi khoa học kĩ thuật dễ như mớ rau, con cá – Giáo dục Việt Nam
GDVN- Có thể mua dự án thi khoa học kĩ thuật trên mạng xã hội Facebook rất dễ dàng với mức giá dao động từ vài trăm ngàn đồng đến hàng triệu đồng/sản phẩm hoàn chỉnh.
Mặc dù học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông đã dự thi khoa học kĩ thuật cấp trường, cấp tỉnh từ trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 nhưng hiện tại mạng xã hội Facebook vẫn đang tấp nập kẻ mua người bán các dự án.
Nhiều sản phẩm rao bán đạt giải cấp tỉnh
Ngày 11/4/2022, trong vai giáo viên tìm mua dự án thi nghiên cứu khoa học kĩ thuật, tôi tìm đến một Fanpage có hơn 5000 thành viên thì được hàng chục tài khoản xưng là giáo viên mời chào sản phẩm.
Tài khoản Q.H., giới thiệu là giáo viên một tỉnh ở miền Tây Nam bộ gửi cho tôi tên 3 đề tài cùng với một số hình ảnh chụp mục lục, kết quả khảo sát, đề xuất giải pháp cho từng dự án.
“Một cái thì 150 ngàn đồng, hai cái 250 ngàn đồng, ba cái 300 ngàn đồng – tất cả đã đạt giải cấp huyện, cấp tỉnh. Chị năm nào thi cũng có giải, thi liên tục 4, 5 năm rồi. Em chuyển khoản trước, nhận được tiền chị sẽ gửi e-mail”, người bán ra giá rẻ đến không ngờ.
Khi tôi tỏ ra đắn đo, sợ dự án đã bán cho giáo viên nhiều tỉnh thành khác, nếu mua trùng đề tài, chẳng may bị phát hiện thì sẽ bị kỉ luật, người bán chỉ trả lời ngắn gọn “yên tâm”, “chưa bán cho ai”.
Tài khoản này nhắn tin hối thúc chuyển khoản liên tục, tôi lấy cớ dạy bậc trung học phổ thông, còn dự án được giới thiệu chỉ phù hợp với học sinh trung học cơ sở thì người bán trấn an “những sản phẩm này phù hợp với cấp ba vì học sinh cấp hai quá nhỏ”.
Tiếp đến, tài khoản K.T.H. xưng là giáo viên bậc trung học phổ thông ở Tây Nguyên gửi cho tôi tên một dự án đạt giải Ba kèm giấy chứng nhận của sở giáo dục và đào tạo.
“Dự án này về phần mềm tin học, năm nay mình dự thi (hướng dẫn học sinh làm dự án đi thi) nên rất sáng tạo và mới. Mình chưa gửi cho ai cả, nếu bạn ở Sài Gòn thì không phải lo. Cái này mình cũng dự định năm nay cho con tham dự Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc “, người bán nói rất tự nhiên.
Thấy tôi có vẻ không mặn mà với dự án này, tài khoản K.T.H. giới thiệu thêm một sản phẩm về lĩnh vực Kĩ thuật môi trường đã hoàn chỉnh, gửi kèm hình ảnh và cả clip minh chứng.
“Cái này độc, lạ, hữu dụng nên phí hơi cao, 4 triệu đồng, vì mô hình làm nó khó và có rất nhiều tính mới, chưa có trên thị trường, đã đạt giải Nhì cấp tỉnh”, người bán quảng cáo.
Hay tài khoản B.M.T. cũng xưng là giáo viên một tỉnh ở Tây Bắc bộ gửi cho tôi một số đề tài tham khảo như: đèn học thông minh, tủ nước thông minh, gậy cho người khiếm thị, thùng rác thân thiện với môi trường.
“Thùng rác thông minh 1,2 triệu đồng, tủ nước thông minh 2,5 triệu đồng, gậy dành cho người mù 3,2 triệu đồng. Những sản phẩm này em chưa gửi cho ai ở Sài Gòn cả, cho em số điện thoại Zalo em gọi tư vấn”, người bán nhiệt tình chào mời.
Có hay không sự can thiệp của người lớn ở kì thi khoa học kĩ thuật cấp quốc gia cho học sinh phổ thông?
Nhiều năm qua, dư luận râm ran nghi vấn cuộc thi khoa học kĩ thuật học sinh phổ thông cấp quốc gia có sự can thiệp của người lớn, đặc biệt là các dự án đạt giải Nhất.
Tuy vậy, mọi chuyện cũng chỉ dừng lại ở nghi vấn bởi Bộ Giáo dục không công khai toàn văn dự án đạt giải lên cổng thông tin của ngành nên không có minh chứng để kiểm tra, đối chiếu.
Thế nhưng, cho đến thời điểm này, trên các phương tiện truyền thông đã đưa ra một số minh chứng cho thấy nhiều dự án dự thi khoa học kĩ thuật cấp quốc gia có sự can thiệp của giáo viên, nhà khoa học – trong vai người hướng dẫn (người bảo trợ).
Ngày 26/2/2022, Đài Truyền hình Hà Tĩnh phát phóng sự “Thi sáng tạo khoa học kĩ thuật trong học sinh liệu đã thực chất?” phản ánh những góc khuất về cuộc thi khoa học kĩ thuật học sinh phổ thông ở địa phương này. [1]
Theo phóng sự, tất cả các sản phẩm dự thi khoa học kĩ thuật của học sinh đều không có khả năng ứng dụng mặc dù đã đạt giải cao. Cá biệt, có dự án do học sinh đứng tên, nhưng giáo viên là người giúp học sinh hoàn thiện sản phẩm.
Trong phóng sự, lãnh đạo ngành giáo dục Hà Tĩnh đã thừa nhận có hiện tượng nhiều đề tài do giáo viên, người bảo trợ giúp đỡ, có thể do bệnh thành tích, ngành giáo dục phải “rút kinh nghiệm và đổi mới” công tác này.
Tiếp đến, bài viết “Đề tài thi khoa học kỹ thuật của học sinh phổ thông ‘bề thế’ như… luận văn thạc sĩ” ngày 1/4/2022 đăng tải trên Báo Tuổi Trẻ phản ánh: “một giảng viên cho hay trong số 12 dự án đoạt giải nhất, có một dự án đúng theo hướng nghiên cứu của mẹ là giảng viên đại học.” [2]
Và gần đây nhất là bài viết “Từng “cấp cứu” ý tưởng cho học sinh thi khoa học kĩ thuật, người trong cuộc nói nên dừng cuộc thi!” ngày 10/4/2022 được đăng tải trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam dẫn lời thầy Mai Văn Túc, giáo viên Vật Lí, Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết:
“Phần thực hiện đề tài là giáo viên và phụ huynh học sinh, từ khâu đi mua vật liệu, liên hệ các phòng nghiên cứu, liên hệ chuyên gia giúp đỡ,…học sinh hầu như không thực hiện việc làm trực tiếp toàn bộ trong quá trình nghiên cứu, chỉ cần học thuộc phần thuyết minh, trình diễn từng động tác với ban giám khảo”.
Thầy Túc cũng không ngần ngại chia sẻ, đã có một lần thầy phải “cấp cứu” cho 2 nhóm tham dự kì thi nhưng đến sát ngày vẫn không có ý tưởng và họ tìm đến thầy nhờ giúp. Cũng vì quá nể nên thầy cho họ 3 dự án, và 2 trong số 3 dự án đó đạt 1 giải Nhất và 1 giải Ba.
Liên quan đến cuộc thi khoa học kĩ thuật học sinh phổ thông, ngày 1/4/2022, ông Hoàng Ngọc Vinh – nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo – nêu quan điểm rất đáng suy ngẫm: “Cuộc thi cần có tính giáo dục, liêm chính, khơi dậy đam mê khoa học của học sinh chứ không phải dạy học sinh sự giả dối”. [2]
Qua bài viết này, tôi mong Bộ Giáo dục hãy công khai toàn văn tất cả dự án đạt giải Nhất cuộc thi khoa học kĩ thuật học sinh phổ thông cấp quốc gia 3 năm gần đây để dư luận giám sát, đánh giá.
Bởi, đã có nhiều ý kiến đề xuất Bộ Giáo dục sử dụng phần mềm chống đạo văn để kiểm tra sự trùng lặp, sao chép, đạo văn nếu có, tránh gây nghi ngờ, tranh cãi, sai sót nhưng cho đến thời điểm này vẫn chưa được thực hiện.
Tài liệu tham khảo:
[1] //hatinhtv.vn/vi/chuyen-de/tin-bai/106867
[2] //tuoitre.vn/de-tai-thi-khoa-hoc-ky-thuat-cua-hoc-sinh-pho-thong-be-the-nhu-luan-van-thac-si-20220401161426743.htm
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Cao Nguyên