Một vài suy nghĩ trong quá trình nghiên cứu và giảng dạy bài “Những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa duy vật lịch sử”
<!ENDCONTENT_BOXLEFT>
HomeTạp chí, nội san, kỷ yếu
Một vài suy nghĩ trong quá trình nghiên cứu và giảng dạy bài “Những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa duy vật lịch sử” <!HOTNEW>
“Những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa duy vật lịch sử” là bài học cực kỳ quan trọng nằm trong học phần Triết học Mác-Lênin thuộc chương trình trung cấp lý luận chính trị – hành chính. Phần học này giúp cho học viên tiếp cận các hệ thống khái niệm, quy luật cơ bản của phạm trù hình thái kinh tế – xã hội, đồng thời trang bị cho học viên những hệ thống kiến thức lý luận quan trọng về thế giới quan và nhân sinh quan cuộc sống. Qua việc đưa giáo trình mới vào soạn giảng, là một giảng viên trẻ giảng dạy phần học Triết học Mác-Lênin, bản thân tôi không tham vọng đề cập đến kinh nghiệm mà chỉ muốn chia sẻ, trao đổi những băn khoăn, trăn trở trong quá trình giảng dạy chương trình mới, cụ thể là ở bài 2: Những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa duy vật lịch sử với mong muốn góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả giảng dạy phần học Triết học Mác-Lênin ở Trường Chính trị tỉnh.
Bài giảng“Những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa duy vật lịch sử” có kết cấu 3 mục lớn rõ ràng. Có thể nói, so với bài giảng cũ thì bài giảng mới đã có sự thay đổi căn bản với những ưu điểm nổi bật như:
Về kết cấu: Thứ nhất, chương trình Triết học Mác-Lênin (chỉnh sửa, bổ sung năm 2016) đã gói gọn 4 bài (bao gồm Lý luận hình thái kinh tế xã hội, Giai cấp – dân tộc, Nhà nước và cách mạng xã hội, Ý thức xã hội) trong các giáo trình cũ trước đó thành một bài: Những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa duy vật lịch sử với lối kết cấu ngắn gọn, súc tích, hàm chứa nội dung cô đọng và lôgic hơn.
Thứ hai, về cách đánh số các mục và tiểu mục, nếu trong giáo trình cũ đang sử dụng là cách đánh theo số Ả rập tương đối phức tạp, đặc biệt là khi phân chia các tiểu mục lên đến 4 chữ số thì nay đã được phân chia lại khoa học và hợp lý hơn bằng các ký hiệu (-), làm cho người học cảm thấy đỡ rối rắm hơn khi đọc sách.
Về nội dung kiến thức: Bài 2 được biên soạn với những nội dung kiến thức cơ bản, trọng tâm và đã phần nào khắc phục được những khuyết điểm, thiếu sót trong bài giảng cũ. Ví dụ, trong phần Lý luận hình thái kinh tế xã hội, các khái niệm được phân chia tiểu mục rõ ràng, ngắn gọn, dễ hiểu, phần nào giúp người học hình dung được nội dung chương trình. Ngoài ra, trong bài 2 ở giáo trình mới đã cập nhật những kiến thức mới về quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cùng những nội dung quan trọng khác đáp ứng mục tiêu đào tạo cơ bản, thiết thực, gắn với thực tiễn. Ví dụ: Ở nội dung “Vận dụng quy luật về sự phù hợp của quan hệ sản xuất với trình độ phát triển lực lượng sản xuất ở Việt Nam”, “Vận dụng mối quan hệ biện chứng giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng vào công cuộc đổi mới ở nước ta”, giáo trình mới đã đề cập đến các thành phần kinh tế ở nước ta hiện nay theo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Hay như ở phần: Phạm trù hình thái kinh tế xã hội (trang 76), giáo trình mới đã bổ sung thêm mục mới rất quan trọng mục 1.4.4. Về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội “ bỏ qua” chế độ tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam từ đó giúp học viên hiểu hơn những tiền đề khách quan và chủ quan trong quá trình quá độ, “bỏ qua” chế độ TBCN ở nước ta…
Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu và soạn giảng, bản thân tôi muốn chia sẻ, trao đổi những băn khoăn, trăn trở trong quá trình giảng dạy bài 2 như sau:
1. Đối với mục 1: Lý luận hình thái kinh tế xã hội (trang 55). Đây là phần hàm chứa liên quan đến nội dung kiến thức có tính chất nhằm trang bị cho người học những công cụ nhận thức đầu tiên, cơ bản, rất quan trọng, từ đó mới có thể tiếp tục đi sâu nghiên cứu những nội dung sau đó của bài. Theo tôi, mục này nên bổ sung và luận giải thêm, làm rõ các khái niệm có liên quan đến nhau như phương thức sản xuất, quan hệ sản xuất, lực lượng sản xuất, cơ sở hạ tầng, kiến trúc thượng tầng theo tinh thần của các kỳ đại hội Đảng gần đây.
Thực tiễn luôn vận động, phát triển khách quan. Các quy luật của đời sống kinh tế – chính trị – xã hội đã và đang diễn ra. Đó là những quy luật phổ biến nhất của tự nhiên, xã hội, tư duy và những quy luật này được phản ánh thông qua các hệ thống, nguyên lý, phạm trù. Vậy trong những quy luật: Đấu tranh giai cấp, quy luật về sự phù hợp của quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, Quy luật giữa cơ sở hạ tầng với kiến trúc thượng tầng, Quy luật ý thức xã hội với tồn tại xã hội thì quy luật nào quan trọng nhất có ảnh hưởng tới các quy luật khác. Do đó, bên cạnh việc đưa ra nội dung các quy luật, nên chăng giáo trình cần bổ sung nhấn mạnh thêm quy luật nào có tính chất quyết định sự tồn tại phát triển của xã hội. Ngoài ra ở mỗi quy luật, giáo trình cần có sự phân biệt rõ ràng mối quan hệ biện chứng trong nội dung quy luật. Cụ thể, có thể in đậm từng nội dung chính trong từng quy luật để học viên dễ học, dễ theo dõi hơn.
2. Đối với mục 2: Giai cấp nhà nước cách mạng xã hội (trang 82): Nội dung này chỉ có thời lượng trong 4 tiết nên giáo viên không thể nào truyền tải hết nội dung trong giáo trình. Vì vậy, có thể cắt giảm một số phần học không trọng tâm để giảm bớt sự rối rắm, nặng nề cho học viên trong việc dung nạp kiến thức cho một tiết học.Ví dụ phần Tính tất yếu của nhà nước vô sản, đặc điểm của nhà nước vô sản, phần phân biệt khái niệm cách mạng xã hội với những biến đổi xã hội khác, điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan của cách mạng. Ngoài ra, đối với mục 2.1.4. Đấu tranh giai cấp (trang 89) xin kiến nghị đổi lại tiêu đề cho hợp lý, giúp học viên dễ hiểu hơn. Phần 1: Khái niệm đấu tranh giai cấp. Phần 2. Vai trò của đấu tranh giai cấp trong sự phát triển của xã hội có giai cấp (phần này cũng phân chia các ý rõ ràng). Hay phần Xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền ở Việt Nam hiện nay (trang 100) có thể tóm gọn thành 3 nguyên tắc cơ bản: Thứ nhất, nguyên tắc tập trung dân chủ. Thứ hai, nguyên tắc dân chủ hóa xã hội, dân chủ hóa tổ chức phương thức hoạt động bộ máy nhà nước. Thứ ba, nguyên tắc xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN.
3. Đối với mục 3: Ý thức xã hội ( trang 111): Theo suy nghĩ của cá nhân tôi, kết cấu của mục 3 này chưa hợp lý, chưa phù hợp với lôgíc của cả hệ thống phần học Triết học Mác-Lênin. Do đó, trong mục 3 này đề nghị để tiểu mục 3.1. Tồn tại xã hội và ý thức xã hội, trong đó làm rõ khái niệm tồn tại xã hội và ý thức xã hội, kết cấu của ý thức xã hội ( ý thức chính trị, ý thức đạo đức, ý thức tôn giáo, ý thức pháp quyền, ý thức thẩm mỹ…), tính giai cấp của ý thức xã hội. Tiểu mục 3.2. Mối quan hệ biện chứng giữa tồn tại xã hội và ý thức xã hội, trong đó sẽ làm rõ hai ý: Một là, ý thức xã hội là sự phản ánh tồn tại xã hội, do tồn tại xã hội quyết định; Hai là, tính độc lập tương đối của ý thức xã hội, phần này sẽ làm rõ 5 ý ( Ý thức xã hội thường lạc hậu so với tồn tại xã hội; Ý thức xã hội có thể vượt trước tồn tại xã hội; Ý thức xã hội có tính kế thừa trong sự phát triển của mình; Sự tác động qua lại giữa các hình thái ý thức xã hội; Ý thức xã hội tác động trở lại tồn tại xã hội). Tiểu mục 3.3.Ý nghĩa phương pháp luận.
Ngoài ra, bản thân còn nhận thấy về mặt thời gian giảng dạy không được nhiều (20 tiết) trong khi nội dung chương trình vẫn phải đảm bảo hết những nội dung cơ bản của phần học. Vì vậy, nếu bài giảng “chạy” kịp thời gian thì nội dung truyền thụ không sâu, không có nhiều thời gian giành cho việc liên hệ với kiến thức thực tiễn, làm bài tập vận dụng hay sử dụng một số phương pháp dạy học tích cực.
Trên đây là một vài suy nghĩ, đề xuất, kiến nghị, đóng góp trong quá trình nghiên cứu và giảng bài “ Những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa duy vật lịch sử” theo chương trình mới. Rất mong các đồng nghiệp quan tâm, trao đổi, đóng góp ý kiến để chúng ta cùng nhau thực hiện nhiệm vụ được giao ngày càng tốt hơn./.
Th.S. Trương Thị Hoài – Giảng viên khoa Lý luận Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
Tài liệu tham khảo
1. Giáo trình Trung cấp lý luận chính trị – hành chính. Những vấn đề cơ bản của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Nhà xuất bản Lý luận chính trị, Hà Nội, 2014.
2. Giáo trình Trung cấp lý luận chính trị – hành chính. Những vấn đề cơ bản của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Nhà xuất bản Lý luận chính trị, Hà Nội, 2016.
3. Giáo trình Triết học Mác-Lênin. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013.
4. Giáo trình Trung cấp lý luận chính trị, hành chính. Triết học Mác -Lênin Nhà xuất bản Chính trị – Hành chính, Hà Nội, 2013.
[Back]
<!ListOtherNewsLink>
!ListOtherNewsLink>
<!CONTENT_BOXRIGHT>
<!ENDCONTENT_BOXRIGHT>