MỘT SỐ YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ

Tác giả: Th.S

Nguyễn Thị

Phương

Công nghệ

may

 

1. Đặt vấn đề

Ngành sản xuất may công nghiệp của Việt Nam nói riêng và Thế giới nói chung đang trải qua gia

i

đoạn hết sức khó khăn, bởi dịch Covit-19 đã tác động, ảnh hưởng đến việc sản xuất, xuất nhập khẩu trong và ngoài nước.

Trong bối cảnh chung đó, để tồn tại và phát triển, bên cạnh các biện pháp đảm bảo an toàn, phòng chống dịch bệnh cho cán bộ và người lao động, các doanh nghiệp càng phải chú trọng hơn tới vấn đề chất lượng sản phẩm. Chất lượng sản phẩm không chỉ là sản xuất ra sản phẩm đẹp về đường kim mũi chỉ, mà còn là sự phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Trên thực tế, có một số sản phẩm xuất cho khách hoặc đưa ra thị trường nhưng vẫn tồn tại các lỗi, gây ảnh hưởng tới uy tín của doanh nghiệp. Do đó vấn đề tìm ra nguyên nhân, các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình kiểm tra chất lượng là rất quan trọng, từ đó có thể đưa ra giải pháp nâng cao hiệu quả, đảm bảo việc kiểm tra chất lượng sản phẩm đạt chất lượng.

        Chất lượng

sản phẩm:

chất lượng sản phẩm và dịch vụ của tổ chức được xác định bằng khả năng thoả mãn khách hàng, ảnh hưởng mong muốn, không mong muốn tới các bên quan tâm liên quan [3].

        Kiểm tra chất lượng sản phẩm:

là sự phân loại sản phẩm đã được làm ra dựa vào các hoạt động đo, xem xét, thử nghiệm, định cỡ… và so sánh kết quả với yêu cầu nhằm xác định sự phù hợp của sản phẩm [2].

2.

Một số

yếu tố ảnh hưởng

đến kiểm tra chất lượng sản phẩm may

Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tới quá trình kiểm tra chất lượng sản phẩm nói chung và chất lượng sản phẩm may nói riêng. Quá trình quan sát, phỏng vấn các doanh nghiệp cho thấy ảnh hưởng nhiều nhất là một số yếu tố như con người, phương pháp thực hiện và tác động của môi trường làm việc.

2.1.

Yếu tố c

on người (Man)

2.1.1. Nhân viên kiểm tra chất lượng

Nhân viên kiểm tra chất lượng, có ảnh hưởng lớn đến công việc kiểm tra chất lượng sản phẩm, vì đây là đối tượng trực tiếp thực hiện công việc, thể hiện qua:

– Trình độ, tay nghề:

nhân viên kiểm tra chất lượng nếu không có kiến thức về chất lượng sản phẩm, về quy trình, phương pháp kiểm tra chất lượng sản phẩm sẽ dẫn đến bỏ sót công đoạn/ bộ phận không kiểm tra mà vẫn mất nhiều thời gian vô ích. Nhân viên kiểm tra chất lượng không nên thực hiện các công việc như vệ sinh sản phẩm, cắt chỉ, sẽ gây mất tập trung cho công việc chính là kiểm tra chất lượng, dễ bị bỏ sót lỗi, ảnh hưởng trực tiếp tới năng suất, chất lượng sản phẩm.

Nhân viên kiểm tra chất lượng không vững về kỹ thuật, không có khả năng nghiên cứu, nắm bắt tài liệu mã hàng thì hiệu quả ngăn ngừa và phát hiện lỗi sẽ không cao, làm chậm quá trình kiểm tra, bỏ sót các lỗi trên sản phẩm.

– Khả năng giao tiếp, truyền đạt, kỹ năng mềm

: nếu các khả năng này không tốt sẽ ảnh hưởng tới quá trình giao tiếp, truyền đạt, trao đổi các vấn đề liên quan tới chất lượng của nhân viên kiểm tra chất lượng với cán bộ tổ, cán bộ quản lý, công nhân trực tiếp sản xuất hoặc khách hàng. Ảnh hưởng tới quá trình xử lý tình huống xảy ra trong công việc, gia tăng sự căng thẳng trong môi trường làm việc. Dẫn đến sự bất mãn, chống đối của công nhân.

– Ý thức, trách nhiệm:

nhân viên kiểm tra chất lượng không nhận thức được tầm quan trọng của công việc kiểm tra chất lượng sản phẩm, không muốn học hỏi, bồi dưỡng nâng cao trình độ hoặc coi việc học bồi dưỡng nâng cao trình độ là bắt buộc, sẽ ảnh hưởng tới công việc kiểm tra chất lượng.

– Tâm lý, sức khoẻ

: nhân viên kiểm tra chất lượng nếu tâm lý không ổn định, vững vàng, sẽ dễ mất kiểm soát trong quá trình kiểm tra, dễ bị tác động của khách hàng, quản lý chuyền hoặc công nhân sản xuất trên dây chuyền. Sức khoẻ không tốt, dễ mệt mỏi sẽ dẫn đến uể oải, không tập trung vào công việc.

– Các yếu tố khác:

nhân viên kiểm tra thị lực không tốt, sự căng thẳng về thể lực, trí tuệ hay tư thế làm việc cũng ảnh hưởng tới công tác kiểm tra chất lượng sản phẩm.

2.1.2. Cán bộ chuyền và lãnh đạo sản xuất

Ngoài các yếu tố trên của nhân viên kiểm tra chất lượng, yếu tố quan trọng khác có ảnh hưởng tới công việc kiểm tra chất lượng chính là cán bộ chuyền và lãnh đạo sản xuất.

Một số cán bộ chuyền không nhận thức được vấn đề chất lượng và kiểm tra chất lượng nên luôn đối đầu với nhân viên kiểm tra chất lượng, khiến cho công việc của nhân viên kiểm tra chất lượng không đạt được kết quả như mong muốn. Một số cán bộ chuyền còn vô hiệu hoá nhân viên kiểm tra chất lượng. Không thực hiện theo yêu cầu của nhân viên kiểm tra chất lượng khi sản phẩm bị lỗi, trả về tái chế. Đây là vấn đề nan giải, nếu doanh nghiệp không đào tạo, huấn luyện được đội ngũ cán bộ chuyền có tâm huyết, luôn đặt lợi ích của doanh nghiệp lên trên, chú trọng vào chất lượng sản phẩm của dây chuyền mình làm ra, tôn trọng nhân viên kiểm tra chất lượng thì đội ngũ KCS sẽ không thể hoàn thành tốt công việc của mình và sẽ ảnh hưởng tới quá trình kiểm tra chất lượng sản phẩm.

2.1.3. Công nhân

Ý thức, thái độ của công nhân không tốt sẽ không tự giác, nghiêm túc thực hiện yêu cầu của nhân viên kiểm tra chất lượng, ảnh hưởng tới quá trình kiểm tra chất lượng sản phẩm.

Trình độ, tay nghề công nhân kém, sẽ luôn làm ra sản phẩm không đạt chất lượng. Trong doanh nghiệp hoặc trong mã hàng có nhiều sản phẩm không đạt chất lượng sẽ ảnh hưởng tới quá trình kiểm tra chất lượng.

Ngoài các yếu tố ý thức, tay nghề của công nhân thì tâm lý, sức khoẻ công nhân cũng là 1 trong các yếu tố ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm. Tâm lý, sức khoẻ công nhân không tốt, cơ thể mệt mỏi sẽ tác động đến quá trình làm việc, ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm và ảnh hưởng tới kiểm tra chất lượng.

2.2. Yếu tố phương pháp thực hiện (Method)

Thông thường, khi nói đến chất lượng sản phẩm hay kiểm tra chất lượng sản phẩm, người ta nghĩ ngay đến kiểm tra tại công đoạn may hoặc công đoạn hoàn thiện. Nhưng chất lượng sản phẩm không chỉ được hình thành tại hai công đoạn đó, mà còn được hình thành từ nhiều công đoạn khác như nguyên phụ liệu đầu vào, chuẩn bị sản xuất, cắt… Do vậy quá trình kiểm tra chất lượng cũng phải thực hiện từ khâu đầu cho đến khâu cuối như trên. Nếu doanh nghiệp hoặc nhân viên kiểm tra chất lượng không thực hiện đúng, đủ theo quy trình, sẽ ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm. Hoặc thực hiện theo đúng quy trình nhưng phương pháp thực hiện không phù hợp cho từng mã hàng, từng loại sản phẩm cũng ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm.

Ngoài ra, việc áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng cũng ảnh hưởng tới quá trình kiểm tra chất lượng. Doanh nghiệp không áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, khâu kiểm tra chất lượng sẽ lỏng lẻo, thiếu cơ sở, căn cứ để kiểm tra, dẫn đến sản phẩm bị sót lỗi, không đảm bảo chất lượng. Nếu doanh nghiệp có áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, người kiểm tra phải căn cứ vào các tiêu chuẩn chất lượng, việc kiểm tra sẽ chặt chẽ hơn.

2.3. Yếu tố tác động của môi trường (Envirorment)

Quá trình kiểm tra chất lượng cũng bị ảnh hưởng bởi tác động của môi trường hay điều kiện làm việc. Yếu tố này ảnh hưởng đến sức khoẻ, khả năng làm việc của nhân viên kiểm tra, làm giảm chất lượng làm việc của nhân viên kiểm tra.

– Môi trường, khí hậu: làm việc trong môi trường nóng nực làm cho hệ thần kinh trung ương, hệ tuần hoàn, hệ hô hấp của cơ thể phải tăng cường chống nóng, giữ cho nhiệt độ cơ thể ở mức độ thích hợp. Nếu tình trạng này kéo dài thường xuyên sẽ làm cho cơ thể sinh bệnh. Ngoài ra, trong thời dịch bệnh Covit-19, môi trường làm việc không đảm bảo an toàn phòng chống dịch làm cho nhân viên kiểm tra không yên tâm, sợ bị lây nhiễm bệnh cũng sẽ làm cho hiệu suất trí óc giảm, phản xạ chân tay chậm, sự chú ý giảm, sự phối hợp các chuyển động kém chính xác sẽ dẫn đến năng suất giảm, chất lượng kiểm tra giảm, đẫn đến tình trạng kiểm tra chất lượng không chính xác, sót lỗi trên sản phẩm…

– Tiếng ồn: là tập hợp những âm thanh hỗn độn do va chạm, do hoạt động của máy móc, con người trong quá trình sản xuất tạo ra, làm cho con người có cảm giác khó chịu. Tiếng ồn có ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ, làm giảm năng suất, chất lượng của người lao động, ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, làm cho nhân viên kiểm tra chất lượng khó tập trung tư tưởng, đau đầu, chóng mặt, mất ngủ, ăn không ngon, cảm giác không chính xác….

– Mức độ chiếu sáng: thị lực của nhân viên kiểm tra phụ thuộc vào mức độ chiếu sáng. Nếu độ chiếu sáng không phù hợp, làm chói loè trong phạm vi tầm nhìn của mắt hoặc tạo ra bóng tối sẽ làm giảm thị lực của nhân viên kiểm tra chất lượng, ảnh hưởng tới công việc của nhân viên kiểm tra chất lượng.

– Bầu không khí tâm lý trong tập thể: tác phong người lãnh đạo, các hình thức khen thưởng, kỷ luật, phương pháp giải quyết những khúc mắc… cũng ảnh hưởng tới quá trình kiểm tra chất lượng sản phẩm.

Ngoài ra còn một số yếu tố khác cũng có ảnh hưởng tới quá trình kiểm tra chất lượng sản phẩm như: bố trí không gian làm việc; sự phù hợp của các thiết bị, dụng cụ đối với công việc; Âm nhạc, thể dục sản xuất…

3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả quá trình kiểm tra chất lượng sản phẩm may


Căn cứ vào các yếu tố ảnh hưởng đã nêu ở mục 2, để nâng cao hiệu quả trong quá trình kiểm tra chất lượng sản phẩm may, giúp quá trình kiểm tra không bị sót lỗi, loại bỏ thời gian, thao tác thừa ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng sản phẩm, tác giả đề xuất một số giải pháp như sau:


Giải pháp 1: nâng cao nhận thức, trình độ của người lao động, nhân viên kiểm tra chất lượng và cán bộ quản lý

– Người lao động:

Doanh nghiệp cần đưa ra chế độ thưởng, phạt rõ ràng đối với người lao động, áp dụng trong các trường hợp người lao động ý thức kém, thiếu tinh thần hợp tác với các bộ phận liên quan, không tuân thủ theo yêu cầu của nhân viên kiểm tra chất lượng và cán bộ quản lý.

Tập huấn cho người lao động về tầm quan trọng của chất lượng sản phẩm và nâng cao chất lượng sản phẩm, để người lao động hiểu và điều chỉnh các hành vi, trạng thái của bản thân.

Đào tạo trình độ, tay nghề cho người lao động, giúp hạn chế lỗi xảy ra trong quá trình sản xuất, giảm áp lực công việc cho nhân viên kiểm tra chất lượng.

– Nhân viên kiểm tra chất lượng:

Tập huấn, đào tạo nâng cao nhận thức của nhân viên kiểm tra chất lượng về trình tự, phương pháp kiểm tra. Nhân viên kiểm tra chất lượng phải được đào tạo, bồi dưỡng định kỳ về trình độ chuyên môn. Phải có ý thức mong muốn được bồi dưỡng. Có đủ điều kiện, phương tiện cần thiết để thực hiện công việc.

Cần lựa chọn kỹ nhân viên kiểm tra chất lượng. Đảm bảo nhân viên kiểm tra chất lượng có kiến thức, trình độ, kỹ năng, tay nghề tốt, có nhận thức đúng về tầm quan trọng của công việc kiểm tra chất lượng.

Nhân viên kiểm tra chất lượng phải có trình độ giao tiếp, kỹ năng mềm tốt, có khả năng xử lý các phát sinh trong quá trình làm việc. Tạo được uy tín với người lao động, cán bộ quản lý, khách hàng.

Cần cung cấp đủ tài liệu của mã hàng, các hướng dẫn đặc biệt (nếu có) cho nhân viên kiểm tra chất lượng trước khi thực hiện công việc.

– Cán bộ chuyền và lãnh đạo sản xuất:

Cán bộ chuyền và lãnh đạo sản xuất phải được tập huấn, trau dồi kiến thức thường xuyên, phải có nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của vấn đề chất lượng và kiểm tra chất lượng. Có sự hợp tác, phối hợp nhịp nhàng, thường xuyên với nhân viên kiểm tra chất lượng để cùng giải quyết các vấn đề chất lượng xảy ra tại đơn vị quản lý.

Phải hướng dẫn kỹ thuật rõ ràng cho người lao động, kiểm tra thường xuyên việc tuân thủ kỹ thuật của người lao động, tránh sai lỗi hàng loạt. Bởi việc ngăn ngừa lỗi cũng rất quan trọng.

Giải pháp 2: xây dựng quy trình kiểm tra đầy đủ từ khâu đầu đến khâu cuối của quá trình sản xuất mã hàng

Nhân viên kiểm tra chất lượng, người lao động và cán bộ thường có các tranh cãi về vấn đề chất lượng. Do chất lượng của đường may thường mang tính định tính nhiều hơn định lượng, nên việc xác định đạt chất lượng hay không đạt chất lượng tương đối khó khăn. Để giảm bớt vấn đề tranh cãi, nên có tiêu chuẩn chất lượng rõ ràng, có mẫu đạt chất lượng, cần có bản mô tả lỗi kèm theo mẫu lỗi cho từng bộ phận, nhất là các bộ phận khó, phức tạp.

Cần xây dựng quy trình kiểm tra chất lượng chung, bao gồm phải kiểm tra từ công đoạn đầu đến công đoạn cuối. Cụ thể:

– Kiểm tra chất lượng nguyên phụ liệu đầu vào

: bao gồm toàn bộ các nguyên liệu và phụ liệu có trong mã hàng.

– Kiểm tra chất lượng khâu chuẩn bị sản xuất

: bao gồm chuẩn bị mẫu, chuẩn bị tài liệu công nghệ.

– Kiểm tra chất lượng khâu triển khai sản xuất

: bao gồm toàn bộ quá trình cắt và may.

– Kiểm tra chất lượng khâu hoàn thiện

: bao gồm toàn bộ quá trình hoàn thiện và xuất sản phẩm.

Theo các quy trình chung như trên, cần xây dựng phương pháp kiểm tra cụ thể cho từng mã hàng. Lập kế hoạch theo dõi, kiểm soát quá trình thực hiện.

Giải pháp 3: cải thiện môi trường làm việc

Cải thiện môi trường, điều kiện làm việc cho

nhân viên kiểm tra chất lượng bằng một số biện pháp:

Sử dụng các phương tiện phòng hộ cá nhân như khẩu trang, kính cho nhân viên kiểm tra chất lượng để giảm bớt mức độ tác động của các yếu tố độc hại, bụi, tác động của Virut đến cơ thể con người, đặc biệt là dịch Covit-19 đang hoành hành trên toàn Thế giới.

Áp dụng các chế độ bồi dưỡng vật chất, đưa ra các chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý cho

nhân viên kiểm tra chất lượng.

Cải thiện mức độ chiếu sáng theo tiêu chuẩn quy định, ánh sáng phân bổ đều trên bề mặt làm việc. Không làm chói loè trong phạm vi thường nhìn của mắt. Không tạo ra bóng tối trên bề mặt làm việc.

Ngoài các biện pháp trên, cần trồng thêm các cây xanh làm cho không khí mát mẻ, trong sạch, hút bụi, làm giảm tiếng ồn.

4. Kết luận

Quá trình kiểm tra chất lượng có ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng sản phẩm. Vì nếu quá trình kiểm tra không tốt, sẽ bỏ sót lỗi, ảnh hưởng tới uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp. Do vậy, tìm ra các yếu tố ảnh hưởng tới quá trình kiểm tra chất lượng sản phẩm may, đưa ra giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quá trình kiểm tra chất lượng sản phẩm là việc các doanh nghiệp cần chú trọng làm, đặc biệt là thời điểm căng thẳng do tác động của dịch Covit-19. Bài viết trên là tiền đề giúp doanh nghiệp giải quyết các vướng mắc trong quá trình kiểm tra chất lượng sản phẩm may. Bài viết cũng là tài liệu tham khảo cho các em sinh viên ngành Công nghệ may và Quản lý công nghiệp để các em hiểu và phòng tránh trong quá trình kiểm tra chất lượng sản phẩm may, nâng cao chất lượng sản phẩm trong học tập cũng như trong công việc sau khi ra trường.

 


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Minh Hà (2006), Quản lý sản xuất ngành may công nghiệp, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh;

2. TS. Hoàng Xuân Hiệp (2020), Giáo trình Quản lý chất lượng trong DN may CN, Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội ;

3. TCVN ISO 9000:2015, Hệ thống quản lý chất lượng – Cơ sở và từ vựng;

4. Trịnh Bá Minh (2006), Tổ chức lao động khoa học, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.