Một số vấn đề về xử phạt vi phạm hành chính
Một số vấn đề về xử phạt vi phạm hành chính
Xử phạt vi phạm hành chính nói chung và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán nói riêng là một trong những công cụ quan trọng trong hoạt động quản lý nhà nước nhằm duy trì trật tự, tăng cường kỷ cương trong công tác quản lý hành chính của Nhà nước. Riêng đối với xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán là vấn đề liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh nên hầu hết tổ chức, cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp rất quan tâm.
Trên cơ sở quy định của Luật Kế toán số 03/2003/QH11 ngày 17/6/2003 và các Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính số 44/2002/PL-UBTVQH10, Pháp lệnh số 31/2007/PL-UBTVQH11 sửa đổi một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh số 04/2008/UBTVQH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, Chính phủ đã ban hành Nghị định 185/2004/NĐ-CP ngày 04/11/2004 về Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán; qua đó nhằm duy trì, chấn chỉnh cũng như tăng cường công tác quản lý hành chính nhà nước trong hoạt động kế toán đối với cá nhân, cơ quan, tổ chức trong nước và nước ngoài hoạt động tại Việt Nam có hành vi cố ý hoặc vô ý vi phạm các quy định của pháp luật về kế toán; đồng thời, góp phần đưa công tác kế toán dần đi vào nề nếp, giúp đơn vị chấn chỉnh công tác hạch toán kế toán, tăng cường công tác quản lý nhà nước về kế toán, tài chính, thuế,…
Để phù hợp với tình hình thực tế, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 39/2011/NĐ-CP ngày 26/5/2011 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2004/NĐ-CP về Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán; theo đó, một số hành vi mới được bổ sung như: vi phạm quy định về báo cáo quyết toán, không lập hóa đơn bán hàng theo quy định, không có đầy đủ chữ ký và đóng dấu theo quy định sau khi in sổ, vi phạm trong việc tổ chức bồi dưỡng và cấp chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng,… và mức phạt tiền hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán cũng được điều chỉnh tăng lên đến 30.000.000 đồng.
Thực tế qua các năm, sau khi ban hành các văn bản chế tài nói trên, các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán đã có chiều hướng tích cực, giảm dần các hành vi vi phạm như: việc hạch toán không đúng nội dung quy định, không lập chứng từ kế toán kịp thời khi nghiệp vụ kinh tế phát sinh, tẩy xóa sửa chữa chứng từ không đúng quy định; trong đó hành vi chủ yếu là “Bảo quản tài liệu kế toán không an toàn, để hư hỏng, mất mát tài liệu trong thời hạn lưu trữ”.
Nhằm nâng cao hơn nữa thể chế trong công tác xử lý vi phạm hành chính, ngày 20/6/2012 Quốc hội đã thông qua Luật số 15/2012/QH13 về Xử lý vi phạm hành chính; theo đó Luật quy định một cách khái quát, toàn diện, đầy đủ các vấn đề về xử phạt vi phạm hành chính và các biện pháp xử lý hành chính. Luật số 15/2012/QH13 về xử lý vi phạm hành chính sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2013, trong đó một số điểm được sửa đổi, bổ sung mới so với các Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính trước đây như:
+ Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính (điểm đ, khoản 1, Điều 3);
+ Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (điểm e, khoản 1, Điều 3);
+ Trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong công tác xử lý vi phạm hành chính (Điều 18);
+ Mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính từ 50.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 100.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng đối với tổ chức,… (Điều 23);
+ Mức Phạt tiền đến 50.000.000 đồng đối với lĩnh vực: phòng cháy, chữa cháy, kế toán; kiểm toán độc lập; phí, lệ phí; quản lý tài sản công; hóa đơn; dự trữ quốc gia; điện lực; hóa chất; khí tượng thủy văn; đo đạc bản đồ; đăng ký kinh doanh… (điểm c, khoản 1, Điều 24);
+ Thẩm quyền của Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đang thi hành công vụ có quyền: Phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 1% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật này nhưng không quá 500.000 đồng;…;
Chánh Thanh tra sở có quyền: Phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 50% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định của Luật nhưng không quá 50.000.000 đồng;…;
Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các chức danh tương đương được Chính phủ giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành có quyền: Phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 70% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng được của Luật nhưng không quá 250.000.000 đồng;… (Điều 46);
+ Buộc chấm dứt hành vi vi phạm hành chính, được người có thẩm quyền đang thi hành công vụ áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính đang diễn ra nhằm chấm dứt ngay hành vi vi phạm. Buộc chấm dứt hành vi vi phạm hành chính được thực hiện bằng lời nói, còi, hiệu lệnh, văn bản hoặc hình thức khác theo quy định của pháp luật (Điều 55);
+ Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản: Được áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức và người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ. Trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì phải lập biên bản (Điều 56);
+ Thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính: Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính… (Điều 66);
+ Gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính để thi hành: Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản, người có thẩm quyền đã ra quyết định xử phạt phải gửi cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt, cơ quan thu tiền phạt và cơ quan liên quan khác (nếu có) để thi hành. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính được giao trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm và thông báo cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt biết…. (Điều 70);
+ Giảm, miễn tiền phạt: Cá nhân thuộc các trường hợp quy định mà không có khả năng thi hành quyết định thì có thể được xem xét giảm, miễn phần còn lại tiền phạt ghi trong quyết định xử phạt,… (Điều 77);
+ Thủ tục nộp tiền phạt, quy định nếu quá thời hạn thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt thì cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp (Điều 78);
+ Quy định việc nộp tiền phạt nhiều lần (Điều 79);…
Khi Luật có hiệu lực thi hành, công tác xử lý vi phạm hành chính sẽ góp phần rất quan trọng trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả các hành vi vi phạm hành chính nói chung và vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán nói riêng sẽ được thực thi một cách thống nhất, đảm bảo tính dân chủ, tính khách quan trong việc xem xét, quyết định xử phạt và áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác theo quy định./.
Một số văn bản tham khảo:
* Luật số 03/2003/QH11: 03/2003/QH11
* Nghị định số 185/2004/NĐ-CP về Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán: 185-2004-NĐ-CP
* Nghị đinh 39/2011/NĐ-CP về sửa đổi bổ sung Nghị định số 185/2004/NĐ-CP: 39-2011-NĐ-CP
* Luật số 15/2012/QH13 – Luật xử lý vi phạm hành chính: 15-2012-QH13
Hồ Ngọc Nam