Một số vấn đề về xây dựng giai cấp công nhân hiện nay

1- Về định nghĩa giai cấp công nhân Việt Nam.

Mọi đề tài nghiên cứu về công nhân và Nghị quyết của Ðảng về giai cấp công nhân, đều không thể không định nghĩa về giai cấp công nhân hiện nay. Song đây là vấn đề khó và phức tạp. Nhiều năm gần đây, trong các chương trình, đề tài nghiên cứu,  hội thảo, hội nghị khoa học… vấn đề này đều được nêu ra, tập trung luận giải. Nhưng cho đến nay, đây vẫn còn là vấn đề chưa được giải quyết thấu đáo để có một định nghĩa tương đối thống nhất. Bởi lẽ, định nghĩa về giai cấp công nhân phải bao quát được những đối tượng là công nhân, đồng thời khu biệt được những đối tượng không là công nhân trong thực tiễn phát triển rất đa dạng, đan xen của nền kinh tế, cũng như những tổ chức, cơ quan, thiết chế xã hội hiện nay. Mặt khác, định nghĩa giai cấp công nhân phải dựa chắc trên những nguyên lý kinh điển mác-xít, đồng thời thấy không khuôn vào cách định nghĩa truyền thống mà bao quát hết được những đối tượng công nhân trong những lĩnh vực, ngành nghề đa dạng mà họ đang làm việc: công nghiệp, dịch vụ công nghệ mới cũng như những đặc điểm của một chế độ chính trị-xã hội; đặc điểm của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, do Ðảng Cộng sản lãnh đạo. Ðó là chưa kể đến những câu hỏi đặt ra, chẳng hạn người lao động trí óc nào thì là công nhân? Có phải mọi lao động làm công hưởng lương đều là công nhân? Cán bộ lãnh đạo hành chính sự nghiệp có là thành viên của giai cấp công nhân không? Về mặt lý luận, trong Tuyên ngôn của Ðảng Cộng sản, Mác – Ăng-ghen chỉ rõ giai cấp công nhân là giai cấp vô sản – Những người làm thuê cho giai cấp tư sản – Họ là những người lao động làm thuê để sống. Với thực tiễn kinh tế, chính trị, xã hội như nước ta hiện nay thì đây có còn là một đặc trưng ở một bộ phận không nhỏ của giai cấp công nhân nước ta (1) (hiện nay và tương đối lâu dài) mà định nghĩa phải thể hiện được? Và nếu định nghĩa không bao hàm đặc điểm này thì nội hàm của định nghĩa bị thu hẹp đáng kể!

Do vậy, bên cạnh việc phác thảo một định nghĩa làm cơ sở và công cụ cho việc nghiên cứu về công nhân TP Hồ Chí Minh (2), chúng tôi đồng thời cũng cho rằng: Trước thực tế là chính đối tượng nhận thức – giai cấp công nhân – cũng đang biến đổi nhanh chóng, phong phú theo sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ mới nên không thể xây dựng được một định nghĩa giai cấp công nhân hoàn chỉnh mà chỉ làm rõ những đặc trưng cơ bản, nổi bật làm cơ sở hoạch định quan điểm, giải pháp chăm lo xây dựng phát triển giai cấp công nhân. Theo chúng tôi, định nghĩa về giai cấp công nhân cần chỉ rõ:

– Công nhân gồm những người lao động chân tay và trí óc, làm việc bằng phương tiện máy móc trong các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ.

– Về cơ bản, lao động của họ là hàng hóa, hàng hóa sức lao động. Trong thành phần kinh tế nhà nước và tập thể, họ lao động với tư cách người tham gia làm chủ nhà máy, doanh nghiệp.

– Ở các nước phát triển theo định hướng XHCN, giai cấp công nhân giữ vai trò lãnh đạo thông qua đội tiên phong là Ðảng Cộng sản; là nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức; là cơ sở chính trị- xã hội của Ðảng và Nhà nước.

– Công nhân là đại biểu của lực lượng sản xuất hiện đại và phương thức sản xuất tiên tiến; có sứ mệnh lịch sử là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.

Trong những đặc trưng nổi bật đó, từ thực tiễn ở nước ta hiện nay, chúng tôi nhấn mạnh ba ý:

Một là, trong thành phần kinh tế tư nhân ở các nước định hướng xã hội chủ nghĩa- nền kinh tế nhiều thành phần, theo cơ chế thị trường- thì về cơ bản công nhân trong thành phần kinh tế này là lao động làm thuê. Vì vậy, chế độ tiền lương, mức thu nhập ra sao sẽ quyết định toàn bộ mức sống của họ. Né tránh không thừa nhận đặc trưng này là thiếu đi một cơ sở gốc rễ để từ đó có thái độ đúng đắn khi đề xuất, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách cũng như luật pháp để bảo vệ lợi ích chính đáng của công nhân.

Hai là, ở nước ta, Ðảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền thì công nhân là giai cấp làm chủ về chính trị, hơn thế là giai cấp lãnh đạo, thông qua đội tiên phong là Ðảng Cộng sản. Do vậy, nhiệm vụ chăm lo xây dựng và phát huy vai trò của giai cấp công nhân là vấn đề căn cốt sâu xa, là trách nhiệm tư thân của Ðảng và Nhà nước cũng như của cả hệ thống chính trị. Giai cấp công nhân có một bộ phận làm thuê nhưng là làm thuê trong một xã hội do họ làm chủ. Ðời sống, thân phận, vị trí của họ… phải có sự khác biệt ưu việt hơn hẳn so với trong xã hội tư bản.

Ba là, công nhân – đại biểu của lực lượng sản xuất hiện đại, phương thức sản xuất tiên tiến cho nên dù bộ phận công nhân trí thức hiện nay ở nước ta (tương ứng với trình độ phát triển khoa học công nghệ của nền kinh tế) chưa chiếm tỷ trọng lớn, song công nhân lao động bằng trí óc, làm việc với công nghệ cao… luôn sẽ phải là bộ phận tiêu biểu, chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong nền kinh tế nước ta qua quá trình CNH, HÐH.

Ðây là điểm mấu chốt mà Ðảng và Nhà nước ta phải kiên trì thực hiện trong chiến lược xây dựng giai cấp công nhân cũng như trong chiến lược phát triển kinh tế, thời kỳ đẩy mạnh CNH, HÐH.

2- Cần nêu bật và có nhận thức biện chứng sâu sắc với ý thức tự giác cao trong xử lý quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh.

Tăng trưởng kinh tế khá cao liên tục trong một thời gian dài là thành tích và là dấu ấn nổi bật của sự nghiệp đổi mới đã và đang diễn ra ở nước ta. Ðó vẫn và sẽ phải là mục tiêu trọng tâm, chiến lược của nền kinh tế nước ta trong nhiều thập kỷ tới. Trước hết là đến năm 2010 thực hiện được mục tiêu đưa nước ta sớm thoát khỏi tình trạng kém phát triển. Sẽ vẫn còn nhiều việc phải làm để GDP không phải chỉ tăng trưởng 8 – 9%/năm mà còn phải có tốc độ cao và ổn định hơn nữa. Song chỉ với những gì đã đạt được với mức tăng trưởng GDP như hiện nay đã có thể thấy, trong hoạch định chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế cũng như trong chỉ đạo thực hiện, ở nhiều địa phương, lĩnh vực (trong chừng mực nhất định là cả ở cấp vĩ mô) chúng ta đã có biểu hiện quá chú trọng về mục tiêu tăng trưởng kinh tế dẫn đến tình trạng mất cân đối trong chừng mực nào đó về giải quyết các vấn đề xã hội, trong đó có việc xây dựng đội ngũ công nhân ở TP Hồ Chí Minh trong những năm trước đây là một điển hình. Thực tiễn đang đòi hỏi việc hoạch định và chỉ đạo chiến lược phát triển phải tính tới nhiều phương diện khác nhau ngoài mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Song, với tinh thần lãnh đạo sự nghiệp phát triển đất nước một cách tự giác, có định hướng chính trị và trách nhiệm chính trị rõ ràng, thì Ðảng và Nhà nước ta cần chủ động xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ công bằng xã hội nói chung, với việc chăm lo xây dựng giai cấp công nhân nói riêng ngay trong từng chính sách và từng bước phát triển.

Mối quan hệ này có nhiều phương diện, nhiều cấp độ, song từ thực tiễn chúng tôi nhấn mạnh rằng:

– Chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế ở cả Trung ương và địa phương cần phải bao hàm chiến lược và những chính sách về chăm lo xây dựng giai cấp công nhân.

– Xây dựng giai cấp công nhân không thể chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan dân vận, công đoàn, ngành lao động- thương binh và xã hội… mà là của toàn bộ hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Ðảng.

Mặt khác, cần tránh khuynh hướng tuyệt đối hóa, nhấn mạnh việc chăm lo xây dựng giai cấp công nhân thoát ly điều kiện và hoàn cảnh thực tế và nhiệm vụ chính trị trung tâm sớm đưa đất nước ta thoát khỏi tình trạng nước chậm phát triển, đẩy mạnh CNH, HÐH. Từ góc độ này, Ðảng ta nhận rõ rằng: Ðể thực hiện thắng lợi những mục tiêu chiến lược, sớm thoát khỏi tình trạng nước nghèo thì cũng cần phải biết và dám chấp nhận những chịu đựng, hy sinh ở những giai đoạn nhất định, với những mức độ nhất định.

3- Chăm lo xây dựng giai cấp công nhân cần có tầm nhìn chiến lược, nhằm đúng những mục tiêu cơ bản trọng yếu.

Chăm lo xây dựng giai cấp công nhân là “trách nhiệm tự thân”, là một trong những công việc căn cốt của Ðảng Cộng sản. Nghị quyết Trung ương về giai cấp công nhân cần bao quát được tầm nhìn sâu rộng của Ðảng về giai cấp công nhân. Tầm nhìn đó trước tiên đòi hỏi:

– Cần  coi trọng cả hai vai trò “lực lượng sản xuất hàng đầu” và “giai cấp tiên phong” của giai cấp công nhân trong sự nghiệp đẩy mạnh CNH, HÐH đất nước xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thực tiễn Việt Nam chứng tỏ tính chân lý đó của lý luận Mác – Lê-nin về cả vai trò quan trọng đó của giai cấp công nhân. Nhưng không phải là trong nhận thức và đặc biệt trong quan điểm chỉ đạo, điều này đã được thấm nhuần và tự giác sâu sắc. Trong thực tế nhiều khi điều đó chỉ được quan tâm nhắc qua như là một nguyên nhân, một vai trò cần kể tới khi đánh giá về sự tăng trưởng kinh tế.  Ý thức sâu sắc về quan điểm này, cùng với những luận giải: Thế nào là lực lượng sản xuất hàng đầu? Làm thế nào để lực lượng sản xuất hàng đầu này phát triển? Như thế nào là giai cấp tiên phong? Làm gì để trong thực tế giai cấp công nhân?… chắc chắn chúng ta sẽ có những cơ sở để tạo sự thống nhất tư tưởng cho việc ban hành nghị quyết có tầm sâu rộng của Ðảng về giai cấp công nhân.

– Ở một khía cạnh khác, nghị quyết của Ðảng được xây dựng và quyết định theo một lộ trình được tự giác. Song những nghị quyết của Ðảng về giai cấp công nhân được xây dựng và triển khai trong thời gian qua chưa được thực hiện như mong muốn có quá nhiều vấn đề bức xúc từ thực trạng đời sống công nhân, quan hệ lao động, luật pháp, chính sách, tổ chức chính trị đặt ra trong thực tiễn. Không thể bàng quan, né tránh giải quyết những vấn đề cụ thể. Song rất cần phải có tầm nhìn cao rộng, căn bản và triệt để hơn để có thể giải quyết triệt để những vấn đề nổi cộm, bức xúc hiện nay chính là: phải hướng tới và nêu cao quyết tâm chiến lược xây dựng và phát triển một cơ cấu kinh tế có tỷ trọng công nghệ cao và dịch vụ cao cấp ngày càng lớn.

Sẽ có rất nhiều vấn đề, nhiều khó khăn nan giải đặt ra chung quanh việc xác định và thực hiện mục tiêu chiến lược này. Song đó là một yếu tố, có cơ sở khoa học và thực tiễn vững chắc. Nhiều yêu cầu mới sẽ đặt ra từ đây, trong đó thấy rõ hai điều trọng yếu: Một là, hướng vào việc thu hút mạnh các nguồn đầu tư những lĩnh vực sản xuất và dịch vụ với công nghệ tiên tiến.

Hai là, chủ động xây dựng và phát triển chiến lược đào tạo nghề, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sản xuất và dịch vụ với công nghệ, chất lượng cao đó.

4- Nâng cao địa vị của giai cấp công nhân trong đời sống xã hội; thực hiện những giải pháp cơ bản, thiết thực để giải quyết những vấn đề bức xúc của giai cấp công nhân.

Trong lý luận Mác – Lê-nin và trong nhiều giai đoạn đã qua của cách mạng Việt Nam, vị trí quan trọng đặc biệt của giai cấp công nhân đối với Ðảng, đất nước và cách mạng luôn được cả xã hội ta tôn vinh, thừa nhận. Hoàn cảnh phát triển mới trong điều kiện của nền kinh tế nhiều thành phần, theo cơ chế thị trường định hướng XHCN, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, khi mà một bộ phận không nhỏ công nhân đang phải “chịu mọi sự may rủi của cạnh tranh, mọi sự lên xuống của thị trường lao động”; ở giai đoạn mở đầu của sự chuyển đổi mang lại một thực trạng không đồng hướng với vai trò vị trí khách quan phải có của giai cấp công nhân; thì cũng theo đó trong đời sống tinh thần xã hội ta, dường như công nhân, giai cấp công nhân chưa được quan tâm đúng mức. Thực tế cho thấy, việc khắc phục nhận thức không đầy đủ về giai cấp công nhân và địa vị của họ trong đời sống xã hội là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách. Có nhiều việc phải làm, song ở đây sự quan tâm sâu sắc của các cấp ủy đảng, chính quyền tới từng công nhân, tập thể và cộng đồng công nhân trong những điều kiện và hoàn cảnh thích hợp là việc làm có ý nghĩa tích cực, to lớn.

Ðảng và Nhà nước ta cần xác định và triển khai thực hiện được những giải pháp cơ bản thiết thực để giải quyết những vấn đề bức xúc đang đặt ra đối với giai cấp công nhân ở nước ta hiện nay. Những giải pháp cơ bản đó phải là hệ thống với một số nội dung sau:

– Về điều tiết vĩ mô, cần chủ động điều chỉnh, phân bổ tái đầu tư để duy trì một tỷ lệ thích hợp, cân đối giữa kết quả thu được của tăng trưởng kinh tế – thu ngân sách của toàn xã hội và từng địa bàn, với thu nhập thực tế của công nhân. Không thể để phổ biến và kéo dài tình trạng không ít địa phương, đặc biệt là những khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao liên tục mà thu nhập và đời sống thực tế của đại bộ phận công nhân vẫn không thay đổi hoặc lại thấp đi.

– Mức lương tối thiểu cần được Nhà nước chủ động điều chỉnh trên cơ sở được tính toán cân nhắc kỹ, toàn diện. Ðã đến lúc không đề cao, “tuyệt đối hóa” lợi thế lao động rẻ trong khi kêu gọi thu hút đầu tư. Ở thời điểm hiện nay, đời sống công nhân rất nhiều khó khăn, chật vật do mức lương tối thiểu hiện hành.

– Cần bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách, tổ chức của cơ quan giám sát điều chỉnh quan hệ lao động, chính sách an sinh và các tổ chức chính trị – xã hội trong công nhân.

Thực tiễn đang đặt ra đồng thời cũng cung cấp không ít những điều kiện cách thức để giải quyết đúng đắn những vấn đề đang đặt ra lĩnh vực này. Chẳng hạn, nên điều chỉnh nhận thức hiện tượng đình công của công nhân theo hướng bình thường hóa như một hiện tượng xã hội và mục đích của nhận thức này không phải là ngăn chặn đình công mà là để điều chỉnh quan hệ lao động, bảo đảm lợi ích chính đáng của người lao động và người sử dụng lao động. Cần và có thể luật hóa hoạt động của tổ chức đảng trong các doanh nghiệp tư nhân. Cần có những chế tài thực tế để doanh nghiệp nhất thiết phải có tổ chức công đoàn. Cần có chính sách và cơ chế để Nhà nước – doanh nghiệp – công nhân cùng giải quyết được vấn đề nhà ở cho công nhân. Có thể tổ chức Ủy ban lao động quốc gia và địa phương để điều chỉnh theo hướng lành mạnh hóa quan hệ lao động.

Cần có những nghiên cứu sâu hơn để trả lời cụ thể các vấn đề quan hệ lao động, tiền lương, chính sách xã hội… Từ đó, có luận cứ vững chắc để đấu tranh với những hiện tượng “chia nhỏ thang bậc lương”, “tăng ca, làm thêm giờ” và những hình thức bóc lột tinh vi khác. Những hiện tượng này không dễ đấu tranh, bác bỏ nếu không có luận cứ khoa học và pháp lý vững vàng.

Trên đây là những nghiên cứu ban đầu về giai cấp công nhân. Nó cần được bổ sung, phát triển bằng các luận cứ khoa học và thực tiễn.

PGS, TS Nguyễn Ðăng Thành                    
Phó Giám đốc Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh

—————-

(1) Theo Thống kê của Sở LÐTB-XH TP Hồ Chí Minh (T8/2006): 72% công nhân thành phố Hồ Chí Minh đang làm việc tại các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế tư nhân. Trong tổng số 1,34 triệu công nhân của cả thành phố thì các doanh nghiệp tư nhân có 0,630 triệu; doanh nghiệp FDI là 0,34 triệu công nhân.

(2) “Trong tổng quan khoa học đề tài “Thực trạng của đội ngũ công nhân thành phố Hồ Chí Minh…” nêu định nghĩa: “giai cấp công nhân gồm những người lao động chân tay và trí óc, làm việc theo phương thức công nghiệp trong nền sản xuất vật chất mang tính xã hội hóa ngày càng cao; là đại biểu của lực lượng sản xuất hiện đại và phương thức sản xuất tiên tiến, thông qua thực tiễn sản xuất và đấu tranh giai cấp, giai cấp công nhân có sức mạnh lịch sử là lãnh đạo quá trình xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”. Trong chế độ tư bản chủ nghĩa và trong thành phần kinh tế tư nhân ở các nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay, về cơ bản họ là lao động làm thuê để sống, trong thành phần kinh tế Nhà nước và tập thể họ là những người lao động tham gia làm chủ nhà máy, doanh nghiệp”.