Một Số Vấn Đề Về Hợp Đồng Hợp Tác Kinh Doanh (BCC)
Là một trong các hình thức đầu tư kinh doanh được ghi nhận bởi pháp luật Việt Nam, việc đầu tư theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh (Hợp đồng BCC) ngày càng phát triển bởi tính thuận tiện và linh hoạt, nhanh chóng. Theo đó, các hợp đồng hợp tác kinh doanh (hợp đồng BCC) được ký kết nhiều và phổ biến trên thị trường đầu tư Việt Nam, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Để quá trình đầu tư diễn ra an toàn và thuận lợi, các nhà đầu tư cần hiểu biết về loại hợp đồng này cũng như những vấn đề pháp lý xoay quanh. Do đó, LTS LAW xin giới thiệu một số vấn đề liên quan đến hợp đồng BCC như sau:
I. Căn cứ pháp lý để ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh ở Việt Nam
Hợp đồng BCC đã được pháp luật Việt Nam công nhận và điều chỉnh từ rất sớm. Tính đến thời điểm năm 2020, các văn bản pháp luật chủ yếu điều chỉnh hợp đồng BCC bao gồm:
-
Bộ luật Dân sự năm 2015;
-
Luật Đầu tư năm 2014;
-
Một số văn bản pháp luật khác có liên quan.
II. Chủ thể ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh ở Việt Nam
Hợp đồng BCC được ký kết giữa các nhà đầu tư với nhau nhằm hợp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập tổ chức kinh tế. Hợp đồng BCC có thể được ký kết giữa các nhà đầu tư Việt Nam với nhau hoặc giữa nhà đầu tư Việt Nam và nhà đầu tư nước ngoài, giữa các nhà đầu tư nước ngoài với nhau. Trường hợp ký kết giữa các nhà đầu tư Việt Nam, hợp đồng sẽ được điều chỉnh và thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự. Trường hợp nhà đầu tư Việt Nam ký kết hợp đồng với nhà đầu tư nước ngoài hoặc các nhà đầu tư nước ngoài ký kết hợp đồng với nhau để thực hiện dự án tại Việt Nam, các nhà đầu tư cần thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
III. Hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh
Mặc dù pháp luật không quy định cụ thể về hình thức đối với hợp đồng BCC, tuy nhiên, các bên cần lập hợp đồng bằng văn bản để có cơ sở ghi nhận việc hợp tác và phân chia lợi nhuận, phân bổ rủi ro hợp lý. Bên cạnh đó, đối với trường hợp có nhà đầu tư nước ngoài tham gia, dự án cần xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, do đó, việc có một bản sao hợp đồng BCC là cần thiết cho việc chuẩn bị hồ sơ thực hiện thủ tục này.
IV. Nội dung hợp đồng hợp tác kinh doanh
Một hợp đồng BCC thường có những nội dung chủ yếu sau đây:
-
Tên, địa chỉ, người đại diện có thẩm quyền của các bên tham gia hợp đồng; địa chỉ giao dịch hoặc địa chỉ nơi thực hiện dự án;
-
Mục tiêu và phạm vi hoạt động đầu tư kinh doanh;
-
Đóng góp của các bên tham gia hợp đồng và phân chia kết quả đầu tư kinh doanh giữa các bên;
-
Tiến độ và thời hạn thực hiện hợp đồng;
-
Quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng;
-
Sửa đổi, chuyển nhượng, chấm dứt hợp đồng;
-
Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, phương thức giải quyết tranh chấp.
Ngoài các nội dung trên, các bên tham gia hợp đồng BCC có quyền thỏa thuận những nội dung khác không trái với quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Trong quá trình thực hiện hợp đồng BCC, các bên tham gia hợp đồng được thỏa thuận sử dụng tài sản hình thành từ việc hợp tác kinh doanh để thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.
V. Ban điều phối và văn phòng điều hành của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam
Đặc thù của hình thức đầu tư theo hợp đồng BCC là không thành lập doanh nghiệp, bởi vậy, các bên tham gia hợp đồng cần thành lập ban điều phối để thực hiện hợp đồng BCC. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ban điều phối do các bên thỏa thuận. Để tổ chức ban điều phối phù hợp với quy mô dự án, mục tiêu hoạt động kinh doanh, các bên nên tham khảo thêm ý kiến của các chuyên gia, luật sư có kinh nghiệm trong việc cấu trúc các giao dịch hợp tác kinh doanh.
Liên hệ với Luật sư chuyên về hợp đồng BCC của LTS LAW tại ĐÂY.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư nước ngoài được thành lập văn phòng điều hành của nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng BCC tại Việt Nam để thực hiện hợp đồng. Địa điểm của văn phòng điều hành do nhà đầu tư nước ngoài quyết định phù hợp với việc thực hiện hợp đồng.
Quý khách hàng có thắc mắc hoặc nhu cầu tư vấn thêm về hợp đồng hợp tác kinh doanh (hợp đồng BCC) vui lòng liên hệ Công ty luật LTS LAW bằng cách gọi (+84) 938 666 010 hoặc gửi email tới [email protected].