MỘT SỐ VẤN ĐỀ PHÁP LÝ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ NGHỊ GIAO KẾT HỢP ĐỒNG – TPLAW
Hợp đồng là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ giữa các bên. Với kết quả của sự ưng thuận giữa các bên, hợp đồng thường được hình thành trên cơ sở một đề nghị giao kết hợp đồng và một chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng. Tuy nhiên, thực tiễn thường gặp khó khăn trong việc xác định khi nào được coi là đề nghị giao kết hợp đồng và khi nào được coi là chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng.
VẬY NHƯ THẾ NÀO LÀ ĐỀ NGHỊ GIAO KẾT HỢP ĐỒNG VÀ CHẤP NHẬN ĐỀ NGHỊ GIAO KẾT HỢP ĐỒNG?
Căn cứ các quy định tại Điều 386 Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS) thì “Đề nghị giao kết hợp đồng là việc thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng và chịu sự ràng buộc về đề nghị này của bên đề nghị đối với bên đã được xác định hoặc tới công chúng (sau đây gọi chung là bên được đề nghị). Trường hợp đề nghị giao kết hợp đồng có nêu rõ thời hạn trả lời, nếu bên đề nghị lại giao kết hợp đồng với người thứ ba trong thời hạn chờ bên được đề nghị trả lời thì phải bồi thường thiệt hại cho bên được đề nghị mà không được giao kết hợp đồng nếu có thiệt hại phát sinh.”
Như vậy, khi đưa ra lời đề nghị giao kết hợp đồng, bên đề nghị sẽ bị ràng buộc bởi chính lời đề nghị của mình về thời hạn trả lời đề nghị. Ngay cả khi lời đề nghị không nêu thời hạn trả lời thì bên đề nghị vẫn bị ràng buộc bởi “thời hạn hợp lý” theo quy định tại Điều 394 BLDS: “Khi bên đề nghị không nêu rõ thời hạn trả lời thì việc trả lời chấp nhận chỉ có hiệu lực nếu được thực hiện trong một thời hạn hợp lý”.
Thời điểm lời đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực là thời điểm bên đề nghị bị ràng buộc bởi chính lời đề nghị của mình, không được quyền thay đổi, rút lại lời đề nghị đó, đồng thời không được bán cho người khác nếu họ đưa ra giá cao hơn, không được từ chối lời chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng của bên được đề nghị.
Điều 389 BLDS quy định về việc thay đổi, rút lại đề nghị giao kết hợp đồng như sau:
- Bên đề nghị giao kết hợp đồng có thể thay đổi, rút lại đề nghị giao kết hợp đồng trong trường hợp sau đây:
+ Bên được đề nghị nhận được thông báo về việc thay đổi hoặc rút lại đề nghị trước hoặc cùng với thời điểm nhận được đề nghị;
+ Điều kiện thay đổi hoặc rút lại đề nghị phát sinh trong trường hợp bên đề nghị có nêu rõ về việc được thay đổi hoặc rút lại đề nghị khi điều kiện đó phát sinh.
- Khi bên đề nghị thay đổi nội dung của đề nghị thì đó là đề nghị mới.
Do đó, khi bên được đề nghị đã nhận được đề nghị rồi, kể cả lời đề nghị có ấn định về thời hạn hiệu lực thì bên đề nghị cũng không được quyền thay đổi, rút lại lời đề nghị.
Đối vời trường hợp, bên đề nghị muốn hủy bỏ đề nghị giao kết hợp đồng thì chỉ có thể thực hiện nếu đã nêu rõ quyền này trong đề nghị và bên được đề nghị nhận được thông báo về việc hủy bỏ đề nghị trước khi người này gửi thông báo chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng (theo quy định tại Điều 390 BLDS).
Lời đề nghị giao kết hợp đồng được chấp nhận khi thỏa mãn 02 điều kiện: (i) Bên được đề nghị phải chấp nhận toàn bộnội dung, điều kiện đề ra trong đề nghị; (ii) Sự trả lời phải đến tay bên đề nghị trong khoảng thời hạn của đề nghị (theo quy định tại Điều 393 BLDS).
Trường hợp bên được đề nghị trả lời đồng ý với lời đề nghị nhưng đưa vào đó một số điều kiện thì có được coi là chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng không?
Hiện nay, pháp luật nước ngoài phân biệt điều kiện bên được đề nghị đưa ra làm hợp đồng thay đổi cơ bản hay không cơ bản: Nếu là thay đổi cơ bản thì không được coi là chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng mà là lời đề nghị giao kết hợp đồng mới như quy định của pháp luật Việt Nam; Nếu thay đổi đó không cơ bản thì vẫn được coi là chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng. Tuy nhiên, đối với pháp luật Việt Nam, không cần biết sự thay đổi này là ít hay nhiều, cơ bản hay không cơ bản, cứ có sự thay đổi thì không được coi là chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng mà đó được coi là một đề nghị giao kết hợp đồng mới (theo quy định tại Điều 392 BLDS).
Trên đây là một số vấn đề pháp lý liên quan đến Đề nghị giao kết hợp đồng.
Mọi thắc mắc và/hoặc cần hỗ trợ pháp lý vui lòng liên lạc TP LAW để được tư vấn theo thông tin sau:
E-mail: [email protected] hoặc điện thoại: 028. 3831 3123 hoặc đến trực tiếp trụ sở Công ty theo địa chỉ: 203/6/1 Huỳnh Văn Nghệ, P.12, Q.Gò Vấp, TP.HCM./.
TSLS Đoàn Thị Hồng Linh