Một số vấn đề lý luận về dân chủ cơ sở và vai trò của dân chủ cơ sở

Trong tiến trình phát triển và trở nên bền vững của bất cứ nền dân chủ nào đều cần có các thiết chế và hệ thống giá trị hỗ trợ nhất định. Ở Việt Nam, bản Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố với thế giới năm 1945 đã khẳng định quyền tự do dân chủ là của tất cả mọi người dân Việt Nam. Trên cơ sở một số vấn đề lý luận và thực tiễn về dân chủ ở cơ sở, bài viết đi sâu phân tích để giúp bạn đọc có góc nhìn đầy đủ và chính xác về vai trò của dân chủ ở cơ sở trong bối cảnh ở Việt Nam hiện nay.

Ảnh minh họa: internet

1. Dân chủ – một số vấn đề lý luận và thực tiễn 

Quan niệm về dân chủ đã có từ thời Hy Lạp cổ đại. Khi đó (thế kỷ thứ VI trước Công nguyên) ở thành Aten của Hy Lạp đã hình thành một thể chế chính trị được gọi là “Democratos”, trong đó, “Demos” là nhân dân, “Cratos” là quyền lực. Theo thể chế này “dân chủ” có nghĩa là “quyền lực thuộc về nhân dân” (hay là “quyền lực của nhân dân”)(1). Xuất phát từ nguồn gốc ra đời của khái niệm này, có thể nói dân chủ là một khái niệm thuộc lĩnh vực chính trị, có nội hàm là quyền lực chính trị. Bản chất của khái niệm này là quyền lực nhà nước phải thuộc về nhân dân. Dân chủ là hình thức tổ chức quyền lực nhà nước dựa trên nguyên tắc nhân dân là chủ thể duy nhất của mọi quyền lực(2). Điều kiện tiên quyết để có nền dân chủ ổn định là phải có bộ máy nhà nước hoạt động hiệu quả. 

Khi mở rộng tính chất của nó, dân chủ liên quan đến một nguyên tắc rất quan trọng, theo đó những ai bị ảnh hưởng bởi một quyết định nào đó của nhà cầm quyền đều cần phải tham gia một cách trực tiếp hoặc gián tiếp vào quá trình tạo ra quyết định đó. Nguyên tắc này được áp dụng phổ biến và bắt buộc trong cuộc sống riêng tư, trong công việc cũng như trong đời sống xã hội nói chung. Về phương diện tổ chức nhà nước, dân chủ là một hình thức thực hiện quyền lực nhà nước, nơi mà tất cả mọi người – trực tiếp hoặc gián tiếp được tham gia vào các quyết định quan trọng trong phân phối và phân bổ các lợi ích và giá trị xã hội. Dưới giác độ lý luận, đây là việc nhà nước thực thi và củng cố các quyết định phù hợp với những gì mà đa số người dân mong đợi. Trong tiến trình phát triển và trở nên bền vững của bất cứ nền dân chủ nào đều nhờ các thiết chế và hệ thống giá trị hỗ trợ nhất định(3). Ở Việt Nam, bản Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh viết và công bố với thế giới năm 1945 đã khẳng định quyền tự do dân chủ là của tất cả mọi người dân Việt Nam. Lời nói đầu của Hiến pháp năm 1946 cũng đã khẳng định ba nguyên tắc cơ bản của chế độ mới là: đoàn kết toàn dân không phân biệt giống nòi, gái, trai, giai cấp, tôn giáo; đảm bảo các quyền tự do dân chủ; thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân.

Như vậy, ngay từ khi thành lập nước, tự do dân chủ đã trở thành vấn đề ưu tiên hàng đầu, là mục tiêu phấn đấu của nhà nước cách mạng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ, nghĩa là nước nhà do nhân dân làm chủ”; “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là nhân dân là người chủ”; “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ”. 
Là lực lượng lãnh đạo cách mạng, Đảng ta qua các kỳ Đại hội cũng có quan điểm ngày càng rõ ràng về xây dựng nền dân chủ. Báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ XII của Đảng đã nêu rõ tình hình, phương hướng, nhiệm vụ “phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân”. Văn kiện Đại hội khẳng định: “Tiếp tục phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân… Dân chủ phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bảo đảm để nhân dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra những quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống của nhân dân, từ nêu sáng kiến, tham gia thảo luận, tranh luận đến giám sát quá trình thực hiện”(4). Văn kiện cũng nêu rõ một trong những nhiệm vụ trọng tâm của quá trình xây dựng đất nước là: “Tiếp tục thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở”(5). Trong thời gian vừa qua, Đảng ta đã có nhiều văn bản chỉ đạo để bảo đảm tính dân chủ tập trung trong việc điều hành của các cơ quan thuộc hệ thống chính trị và các tổ chức kinh tế do Đảng lãnh đạo. Tại Hội nghị tổng kết về tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “không ngừng phát huy dân chủ, khơi dậy tiềm năng, sức mạnh của nhân dân”(6).

Tuy nhiên, trong những năm qua vấn đề dân chủ cơ sở ở nước ta chưa phát huy đầy đủ hiệu quả trong thực tế, thậm chí tình trạng vi phạm dân chủ còn diễn ra ở nhiều địa phương, cơ sở.
Trở lại vấn đề bản chất của nền dân chủ, nội hàm cơ bản của khái niệm này rất dễ dàng nhận được sự thống nhất, đó là sự thể hiện quyền của người dân trong thực tế. Nhưng về lý luận cũng như thực tiễn, có hai vấn đề đặt ra: một là, người dân hiện nay trong thực thi dân chủ thực sự có quyền đến đâu? Hai là, các cơ chế đề ra được vận dụng như thế nào để người dân có thể thực hiện đầy đủ quyền của mình, để quyền của người dân không bị ngăn cản khi tham gia giải quyết những vấn đề xã hội liên quan đến đời sống thực tế cả ở tầm vĩ mô và vi mô? Thực tế thời gian qua không phải lúc nào, ở đâu quyền của người dân cũng được bảo đảm đầy đủ, điều này làm ảnh hưởng đến bản chất ưu việt của nền dân chủ. Có nhiều yếu tố, đặc biệt là cách áp dụng các cơ chế mà chúng ta đang có. Đây là vấn đề cần nghiên cứu để đưa ra những giải pháp có tính thực tế để triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, các văn bản pháp luật đã được ban hành cũng như sẽ ban hành sau này. 

Cần phải nhấn mạnh rằng dân chủ là một quá trình vận động không ngừng. Trong quá trình đó luôn diễn ra những thay đổi quan trọng về tính chất, nội dung cũng như về thể chế của nền dân chủ. Ngày nay, dân chủ không chỉ liên quan đến lĩnh vực chính trị mà còn bao gồm nhiều mặt của đời sống và xã hội, kinh tế và văn hóa. Lịch sử phát triển của nhân loại đã có nhiều hình thức dân chủ khác nhau từng được thiết lập: dân chủ trực tiếp, dân chủ gián tiếp, dân chủ đại diện, nhưng tính chất của nền dân chủ cũng biến đổi không như ban đầu được thiết lập. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, người dân ngày càng đòi hỏi nhiều hơn quyền được tham gia trực tiếp vào việc hoạch định các chính sách, chủ trương liên quan đến quyền lợi của đa số người dân. Dân chủ hóa đời sống chính trị – xã hội đang trở thành một yêu cầu của xã hội hiện đại, là một thước đo cơ bản của sự phát triển xã hội. 

Trong lịch sử phát triển của nhiều nền dân chủ, chưa hẳn là nền dân chủ được thiết lập như thế nào sẽ quyết định hoàn toàn tính chất của nó mà điều đó còn lệ thuộc vào nhiều điều kiện, trong đó có cơ chế vận hành nền dân chủ trong thực tế. Triển vọng phát triển của một nền dân chủ sẽ rất lớn nếu cùng với thể chế tiến bộ là kinh tế phát triển, trình độ nhận thức của người dân được nâng cao, các giá trị được tôn trọng, bảo vệ, sự bình đẳng được xác lập một cách có cơ sở. Ngược lại, việc che giấu sự thật, bưng bít thông tin hay trấn áp dư luận… làm bất bình đẳng trong xã hội gia tăng, thì dân chủ dù mang hình thức nào cũng sẽ bị hạn chế không thể được thực hiện đầy đủ và mất dần đi bản chất ban đầu của nó. Có thể khẳng định, dân chủ đã, đang và sẽ là một lý tưởng chính trị có sức hút mạnh mẽ với người dân, là động lực cho cuộc đấu tranh vì một cuộc sống tốt đẹp hơn. 

Khi nói đến cơ chế thực thi dân chủ và ảnh hưởng của nó đối với mọi nền dân chủ, không ít trường hợp được hiểu dường như không liên quan đến con người mà đó chỉ là một phương thức của quá trình quản lý kinh tế. Ví dụ: cơ chế khoán; cơ chế phân phối sản phẩm; có cơ chế được gọi là “thoáng”, hợp thời, tiến bộ; có cơ chế bị xem là lạc hậu, bảo thủ…
Cần nhận thức rằng, một cơ chế nào đó khi được vận dụng trong thực tế cuộc sống đều luôn gắn với con người. Chính con người làm cho cơ chế có thể từ tích cực thành ra tiêu cực. Ví dụ, cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông” trong giải quyết các thủ tục hành chính đã đem lại sự thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp. Nhưng không phải khi nào và ở đâu cũng vậy nếu thái độ làm việc của cán bộ, công chức thiếu nhiệt tình. Khi đó “một cửa” nhưng sẽ có nhiều khóa và công việc sẽ không thể chỉ qua “một cửa” là xong. Thủ tục hành chính theo đó vẫn rườm rà như đang diễn ra trong nhiều lĩnh vực. Theo nghĩa đó, việc phát triển một nền dân chủ cũng như tính chất bền vững của nó lệ thuộc vào rất nhiều điều kiện, trong đó có cơ chế điều hành và cách vận dụng các cơ chế đang có. Nguyên nhân của những hạn chế trong quá trình xây dựng và phát triển nền dân chủ mới, làm suy giảm lòng tin của người dân thời gian qua có một phần từ cách vận dụng cơ chế. 

Về dân chủ cơ sở (grassroots democracy), có người gọi đây là một thành tố của dân chủ chính trị. Theo đó, nền tảng của dân chủ phải bắt nguồn từ cơ sở, nơi cuộc sống của người dân diễn ra hàng ngày. Một nền dân chủ có nền tảng chắc chắn phải là cơ sở để xác định vị thế của người lao động ở cơ sở, bảo vệ quyền lợi chính đáng của mỗi người dân. Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để xây dựng và thực hiện dân chủ ở cơ sở. Trong quá trình triển khai, người dân được khuyến khích tham gia thảo luận và đóng góp ý kiến của mình để các chủ trương, chính sách đó mang lại hiệu quả trong thực tế. Nhiều nỗ lực của các tầng lớp nhân dân ở nông thôn cũng như của đội ngũ cán bộ, công chức trong các cơ quan, tổ chức được thúc đẩy đã mang lại những tiến bộ đáng kể cho quá trình phát triển dân chủ cơ sở. 

Tuy nhiên, các văn bản, chính sách mặc dù đã được ban hành khá nhiều nhưng vẫn còn một số lĩnh vực chưa được đề cập đầy đủ. Ví dụ: quy định cụ thể về cơ chế phản biện xã hội và giám sát xã hội, cơ chế dân chủ trong hoạt động khoa học xã hội, v.v… Hoặc có quy định nhưng còn rất chung chung như chế tài xử lý các hành vi thiếu dân chủ, ràng buộc trách nhiệm triển khai gắn với yêu cầu công việc… Thiếu những quy định cụ thể, về bản chất, dân chủ nói chung và dân chủ cơ sở nói riêng có thể xem như thiếu các chất xúc tác để tồn tại và phát triển. Hơn nữa, cần phải xem cán bộ cơ sở và những người có trách nhiệm trong việc triển khai các chủ trương, chính sách về dân chủ cơ sở hiện có nhận thức như thế nào về dân chủ nói chung và dân chủ cơ sở nói riêng. Điều này là vô cùng quan trọng vì nếu không có nhận thức đầy đủ sẽ dẫn tới các biện pháp triển khai quy chế dân chủ nửa vời, thậm chí mang tính hình thức. Nếu các nhà quản lý nhận thức được tầm quan trọng của việc công khai những điều dân cần được biết, được bàn, được kiểm tra như quy định của pháp luật thì hẳn sẽ không có một số vụ việc diễn ra trong thời gian vừa qua như báo chí phản ánh(7). 

Một phương diện khác của nhận thức tác động vào quá trình phát triển dân chủ nói chung là từ phía người dân. Người dân cần được hướng dẫn như thế nào để hiểu rõ giới hạn, nội dung quyền dân chủ của mình. Nếu quyền lực của cơ quan quản lý là có giới hạn thì quyền của người dân trong quan hệ với cơ quan quản lý cũng cần xác định giới hạn rõ ràng. Không thể tùy tiện muốn quy định thế nào cũng được. Vượt qua giới hạn trong quản lý thì thành lạm quyền, còn người dân mà vượt qua giới hạn cho phép sẽ thành dân chủ quá trớn. Nhận thức đúng đắn của người dân cũng là điều kiện quan trọng để xây dựng dân chủ cơ sở. Nhận thức pháp luật của người dân còn nhiều hạn chế thì biện pháp nào cần áp dụng để nâng cao nhận thức của họ trong tình hình hiện nay cũng là điều cần bàn kỹ, vì thực tế cho thấy các biện pháp được áp dụng lâu nay ít hiệu quả.

2. Vai trò của dân chủ cơ sở trong bối cảnh hiện nay ở Việt Nam

Để phát huy vai trò của dân chủ cơ sở trong bối cảnh hiện nay ở nước ta có một số điểm cần được nhìn nhận đầy đủ và chính xác, cụ thể như sau: 

Một là, nước ta hiện nay đang trong quá trình xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, một số thành tố tạo nên dân chủ cơ sở còn thiếu hoặc chỉ mới hình thành. Ví dụ, các quyền của người dân là nền tảng của dân chủ cơ sở cần được tiếp tục xác định cụ thể hơn và được nuôi dưỡng để ăn sâu bám rễ vào đời sống cộng đồng. Chẳng hạn, người dân có quyền khiếu nại, tố cáo nhưng cần hoàn thiện cơ chế tiếp nhận và giải quyết như thế nào để có thể mang lại hiệu quả cao hơn? Ai sẽ phải chịu trách nhiệm khi quyền lợi chính đáng của người dân bị vi phạm, khi những hạn chế của cơ chế nhiệm kỳ trong quản lý lâu nay vẫn tồn tại và nguyên tắc liên tục trong điều hành không được tuân thủ nghiêm túc? Chưa có cơ chế bảo vệ những người đứng ra tố cáo. Chưa có nghên cứu thấu đáo về quyền của người dân trực tiếp lựa chọn và loại bỏ người đại diện nếu không còn xứng đáng… Đây là những vấn đề cần phải được giải quyết thấu đáo trong quá trình xây dựng và phát triển dân chủ cơ sở.

Hai là, bối cảnh hiện nay của việc xây dựng nền dân chủ nói chung, trong đó có dân chủ cơ sở, là thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng và cuộc cách mạng khoa học 4.0 đang phát triển mạnh mẽ. Trong “thế giới phẳng”, cần có biện pháp hữu hiệu để giúp người dân nhận rõ sự chân thực và giả dối trước các luồng tư tưởng dân chủ đang lan truyền mạnh mẽ và nhanh chóng. Sẽ có những luồng tư tưởng khác nhau về dân chủ thâm nhập vào đời sống xã hội như một quy luật của sự giao thoa do quá trình hội nhập quốc tế và sự phát triển của khoa học công nghệ. Thông tin sẽ đa dạng hơn, kể cả những thông tin về các xu hướng dân chủ khác nhau trên thế giới. Muốn có được một nền dân chủ như mong đợi cần phải thay đổi cơ bản từ cách tuyên truyền, giáo dục đến thể chế và hành động. Nếu chỉ có các khẩu hiệu mang tính hô hào mà thiếu đi những hành động gương mẫu thì đó không phải là cách làm hiệu quả phục vụ cho nhiệm vụ xây dựng và phát triển dân chủ cơ sở. Ví dụ: một vụ bắt người sai hay xử oan người dân, đến khi tổ chức xin lỗi mà chỉ thực hiện chiếu lệ, hình thức thì dễ phản tác dụng, khó làm cho dân tin là mình thực sự có quyền và được nền dân chủ bảo vệ(8). 

Ba là, hiện nay nước ta đang xây dựng nền dân chủ trong sự vận hành của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nền kinh tế thị trường không phải là một ý thức hệ mà là một hệ thống các tập tục và thiết chế đã được hình thành trong thực tế của các nước phát triển và được kiểm nghiệm qua thời gian với mục tiêu tạo cho mọi cá nhân và xã hội có thể có đời sống phát triển về phương diện kinh tế. Về bản chất, các nền kinh tế thị trường đều phi tập trung, linh hoạt, thực tế, đồng thời có nhiều điểm trong đó có thể thay đổi được. Các đặc tính xác định chủ yếu của một nền kinh tế thị trường là quyết định đầu tư và phân bổ lợi ích trong chuỗi giá trị chủ yếu được thực hiện thông qua thị trường. Dù các chính phủ đều có sự điều chỉnh ở mức độ khác nhau thì thị trường vẫn được điều tiết bởi một “bàn tay vô hình” và thường mang tính thực tế. Tất nhiên, kinh tế thị trường cũng phát triển dựa trên các nguyên tắc nhất định như quyền tự do của khách hàng trong việc lựa chọn các hàng hóa và dịch vụ cạnh tranh; quyền tự do của nhà sản xuất trong việc mở rộng hoặc thu hẹp phạm vi kinh doanh… Về phía người lao động cũng có quyền tự do của mình trong việc lựa chọn công việc hoặc nghề nghiệp, tham gia vào nghiệp đoàn lao động hoặc thay đổi nơi làm việc. Trong nền kinh tế thị trường cũng có nhiều bất công và lạm dụng – có lúc trầm trọng, nhưng nó mang lại triển vọng cho phát triển kinh tế và đem lại cơ hội làm giàu cho tất cả mọi người(9). Quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động trong kinh tế thị trường được tự xác lập thông qua hàng loạt quyết định độc lập. Theo đó, người lao động và người sử dụng lao động có sự tự do rất lớn trong việc quyết định bắt đầu, thay đổi hoặc chấm dứt mối quan hệ này. Mọi người đều tự do theo đuổi bất kỳ nghề nghiệp gì mà họ lựa chọn, nhưng chỉ những người có khả năng đáp ứng được những yêu cầu cơ bản của công việc mà họ chọn mới được người sử dụng lao động tuyển chọn. Những đặc điểm như vậy của kinh tế thị trường cần được hiểu đúng và đầy đủ khi chúng ta xây dựng và phát triển dân chủ ở cơ sở. Nếu trong quản lý thiên về tập trung mà coi nhẹ yêu cầu dân chủ thì cũng có nghĩa là những đặc điểm của kinh tế thị trường không được quan tâm đúng mức. Do đó, điều chỉnh hợp lý mối quan hệ giữa tập trung và dân chủ gắn với yêu cầu của nền kinh tế thị trường để một xã hội công bằng, dân chủ có điều kiện thuận lợi phát triển trong thực tế. Là một yếu tố của thể chế chính trị, dân chủ cơ sở chỉ có thể phát triển cùng với dân chủ về kinh tế. 

Từ những đặc điểm nói trên trong bối cảnh hiện nay, vai trò của dân chủ cơ sở trong phát triển kinh tế – xã hội sẽ chịu tác động của rất nhiều điều kiện có tính ràng buộc. Chẳng hạn, một nền dân chủ ổn định từ cơ sở là điều kiện tất yếu cho quá trình mở rộng sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, liên kết thuận lợi để bảo vệ các giá trị hàng hóa. Nếu dân chủ giúp đỡ các hoạt động của kinh tế thị trường phát triển thì chính kinh tế thị trường cũng đòi hỏi phải thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển các yêu cầu về dân chủ.
Để một nền dân chủ phát triển cần phải có một số điều kiện nhất định như kinh tế phát triển đồng đều, có một nền giáo dục công bằng và hoạt động hiệu quả cao với sứ mệnh mở mang tầm nhìn của con người. Giáo dục phải có khả năng tạo được sự hiểu biết cần thiết về vai trò của các quy phạm trong cuộc sống, kể cả những quy phạm không phải là pháp luật, những quy tắc sống như lòng khoan dung, hướng thiện. Nói cách khác, giáo dục phục vụ cho sự phát triển dân chủ. Nhưng nếu dân chủ không phát triển với mức độ cần thiết thì giáo dục cũng không có cơ hội phát triển một cách đúng đắn. Sẽ là sai lầm nếu dùng quyền lực hành chính để áp đặt các quy định và không có sự bàn bạc với người dân thấu đáo để triển khai. Dân chủ khi được mở rộng ở cơ sở là điều kiện quan trọng để tạo nên sự đồng thuận giữa người dân và nhà quản trị trong quan hệ điều hành, để tăng cường sự hiểu biết về các giá trị mà các bên cùng hướng tới, từ đó góp phần thúc đẩy sự phát triển các mặt tích cực trong đời sống xã hội và hạn chế các hành vi tiêu cực. 

Một nền dân chủ ổn định từ cơ sở sẽ cho phép những người được trao quyền điều hành và người bị điều hành (bị quản lý) thuận lợi khi nhìn nhận một hệ thống giá trị tạo nên niềm tin của cộng đồng, làm cho niềm tin đó được củng cố. Theo đó, các quyết định quản lý sẽ được thực hiện với một sức mạnh mới, niềm tin mới. Hoạt động quản lý của bộ máy công quyền do đó sẽ hiệu quả hơn. Chính các quyết định điều hành đúng đắn là nhân tố quan trọng làm cho niềm tin của cộng đồng được củng cố, do đó sẽ làm cho nền dân chủ được ổn định và phát triển hơn. 
Thực tế cho thấy, nếu dân chủ cơ sở thiếu ổn định và không được phát triển đúng đắn sẽ ảnh hưởng đến đại đa số người dân, việc thực hiện chính sách sẽ không mang lại hiệu quả thiết thực. Có thể coi ảnh hưởng đó đã bị tối thiểu hóa, còn tầm quan trọng của chức quyền trong bộ máy quản lý ở các cấp, kể cả cấp cơ sở sẽ được tối ưu hóa và khi đó nạn chạy chức, chạy quyền sẽ có nhiều cơ hội để phát triển. Việc xây dựng nền dân chủ nói chung và dân chủ cơ sở nói riêng có vai trò rất quan trọng đối với việc chống nạn chạy chức, chạy quyền và thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị Trung ương lần thứ 7, khóa XII về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.

Có quan điểm cho rằng, nền dân chủ muốn phát huy đầy đủ vai trò cần có tính chính danh. Tính chính danh gắn với sự đánh giá của cộng đồng. Các nhóm xã hội sẽ xem xét đánh giá hệ thống chính trị là có chính danh hay không dựa vào việc những giá trị của hệ thống đó có hợp với những giá trị cơ bản của họ hay không(10). Theo đó, nếu dân chủ cơ sở được đông đảo nhân dân ủng hộ thông qua các hoạt động thực tế tại cơ quan, tổ chức và cộng đồng dân cư nói chung, thì có nghĩa nó có tính chính danh. Khi đó vai trò của dân chủ với đời sống nhân dân, với chính quyền sẽ phát huy tác dụng. Người dân sẽ ủng hộ chính quyền mạnh mẽ để thực thi các chính sách đề ra. Đó là thước đo để biết một chính sách nào đó được đưa ra có vì cộng đồng hay không, có giá trị để củng cố nền dân chủ hay không. Tính chính danh của nền dân chủ cũng gắn với sự liên tục trong điều hành hành chính. Nếu nhà quản lý nói rằng họ không biết và không chịu trách nhiệm về những việc xảy ra trước khi họ nhận trách nhiệm tiếp tục điều hành công việc liên quan thì điều đó cũng có nghĩa là tính chính danh trong hoạt động công quyền đã không được thừa nhận. Theo đó, tính chính danh của nền dân chủ cũng sẽ không còn, vai trò của nó với chính quyền chỉ mang tính hình thức./.

GS.TSKH. Nguyễn Văn Thâm – Học viện Hành chính Quốc gia

————————————-

Ghi chú:
(1) Nguyễn Minh Tuấn, Lịch sử nhà nước và pháp luật thế giới, Nxb CTQG, H.2007.
(2) Xem: Bách khoa toàn thư, mục Dân chủ.
(3) Seymour Martin Lipset (1959) Some Social Requisites of Democracy: Economic Development and Political Legitimacy, The American Political Science Review, Vol. 53, No.1 (March), pp.69-105.
(4),(5) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H.2016, tr.169, tr.38.
(6) Xem báo Hà Nội mới ngày 17/7/2018.
(7) Xem: Tuổi trẻ Online ngày 08/6/2018.
(8) Báo Dân trí, Những “ấm ức” trong buổi xin lỗi người tù oan Huỳnh Văn Nén, ngày 04/12/2015; Bắt người thì hoành tráng, khi xin lỗi lại chưa đầy 2 phút”, ngày 05/4/2017. Báo Tuổi trẻ Online, Náo loạn tại buổi xin lỗi “tử tù” oan Hàn Đức Long, ngày 09/6/2018.
(9) Xem thêm: Gregory and Stuart, Paul and Robert (2004). Comparing Economic Systems in the Twenty-First Century, Seventh Edition (So sánh hệ thống kinh tế thị trường trong thế kỷ 21).
(10) Seymour Martin Lipset (1959), “Some Social Requisites of Democracy: Economic Development and Political Legitimacy”, Sđd.
Tài liệu tham khảo:
1. Dự án Cải cách hành chính tỉnh Ninh Bình: Báo cáo Khảo sát tình hình thực hiện chủ trương xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giới và năng lực của chính quyền địa phương tại một số địa phương thuộc tỉnh Ninh Bình. 
2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H.2016.
3. Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển bách khoa Việt Nam, 1995, tr.653.

tcnn.vn