Một số vấn đề liên quan đến quản lý thuế và lưu trữ chứng từ, sổ sách kế toán của doanh nghiệp

Thuế là một khoản nộp ngân sách nhà nước bắt buộc của tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân theo quy định của các luật thuế, tiền thuế phụ thuộc vào doanh số, thu nhập của mỗi doanh nghiệp. Vậy việc quản lý thuế và lưu trữ chứng từ, sổ sách kế toán của doanh nghiệp được tiến hành như thế nào?

1. Quy định về đăng ký thuế

Các doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp thực hiện đăng ký thuế cùng với việc đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành về đăng ký doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp không thành lập theo Luật doanh nghiệp (công ty luật, văn phòng công chứng, công ty bảo hiểm…) và những nội dung liên quan đến quản lý thuế, đăng ký thuế của doanh nghiệp thành lập theo Luật doanh nghiệp nhưng chưa được quy định tại Luật doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành thì thực hiện đăng ký thuế theo quy định của Luật quản lý thuế và hướng dẫn tại Thông tư 95/2016/TT-BTC.

Doanh nghiệp thực hiện việc đăng ký thuế cho người lao động và người phục thuộc của họ theo ủy quyền của người lao động. Việc đăng ký thuế được thực hiện một lần trong năm chậm nhất là 10 (mười) ngày làm việc trước thời Điểm nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân hàng năm. Việc đăng ký thuế cho người lao động được thực hiện theo quy định tại Thông tư 95/2016/TT-BTC.

Quý thành viên có thể tham khảo công việc: Đăng ký thành lập doanh nghiệp

2. Quy định về mã số thuế

Mã số thuế là một dãy số, chữ cái hoặc ký tự do cơ quan quản lý thuế cấp cho người nộp thuế theo quy định của Luật quản lý thuế. Mã số thuế để nhận biết, xác định từng người nộp thuế (bao gồm cả người nộp thuế có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu) và được quản lý thống nhất trên phạm vi toàn quốc.

Mã số của doanh nghiệp khi đăng ký doanh nghiệp chính là mã số thuế của doanh nghiệp, mã số này có 10 số. Đối với chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp thì được cấp mã số thuế 13 số.

2.1. Thay đổi thông tin đăng ký thuế

Doanh nghiệp đăng ký thay đổi thông tin đăng ký thuế tại cơ quan đăng ký kinh doanh theo hướng dẫn tại Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp và các văn bản hiện hành. Trường hợp các doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc của doanh nghiệp thay đổi địa chỉ trụ sở kinh doanh dẫn đến thay đổi cơ quan thuế quản lý, trước khi đăng ký thay đổi thông tin với cơ quan đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp phải thông báo thay đổi thông tin và thực hiện các thủ tục liên quan về thuế với cơ quan thuế quản lý trực tiếp theo quy định tại Khoản 2 Điều 13 Thông tư 95/2016/TT-BTC.

Các trường hợp thay đổi thông tin đăng ký thuế dẫn đến thay đổi cơ quan quản lý thuế trực tiếp bao gồm:

– Doanh nghiệp thay đổi địa chỉ trụ sở sang tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác;

– Doanh nghiệp thay đổi địa chỉ trụ sở trong cùng địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhưng khác quận, huyện, thành phố trực thuộc tỉnh.

Quý thành viên có thể tham khảo công việc: Thay đổi thông tin đăng ký thuế

2.2. Chấm dứt hiệu lực mã số thuế

Các trường hợp chấm dứt mã số thuế:

– Doanh nghiệp chấm dứt hoạt động hoặc giải thể, phá sản;

– Doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;

– Tổ chức lại doanh nghiệp (chia, tách, sáp nhập, hợp nhất).

Doanh nghiệp trước khi nộp hồ sơ giải thể tại cơ quan đăng ký kinh doanh thì phải gửi hồ sơ cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp theo quy định tại Khoản 3 Điều 202 Luật doanh nghiệp (đối với trường hợp tự giải thể) hoặc Khoản 2 Điều 203 Luật doanh nghiệp (đối với trường hợp giải thể trong trường hợp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc theo quyết định của toà án) để làm thủ tục hoàn thành nghĩa vụ thuế với cơ quan thuế.

Khi doanh nghiệp chấm dứt hiệu lực mã số thuế thì đồng thời phải thực hiện thủ tục chấm dứt hiệu lực đối với mã số thuế nộp thay.

Các nghĩa vụ người nộp thuế phải hoàn thành trước khi chấm dứt hiệu lực mã số thuế:

– Doanh nghiệp nộp Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn theo quy định của pháp luật về hoá đơn;

– Doanh nghiệp hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế theo quy định tại Điều 41, Điều 42 Thông tư số 156/2013/TT-BTC;

– Trường hợp đơn vị chủ quản có các đơn vị trực thuộc thì toàn bộ các đơn vị trực thuộc phải hoàn thành thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế trước khi chấm dứt hiệu lực mã số thuế của đơn vị chủ quản.

Việc chấm dứt hiệu lực mã số thuế của doanh nghiệp được cơ quan thuế thực hiện cùng với thời hạn cơ quan đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng pháp lý của doanh nghiệp (giải thể) trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

2.3. Khôi phục mã số thuế

Doanh nghiệp được khôi phục mã số thuế trong trường hợp: Doanh nghiệp ở tình trạng cơ quan thuế đã ban hành Thông báo người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký nhưng cơ quan đăng ký kinh doanh chưa ban hành Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đồng thời doanh nghiệp có văn bản đề nghị cơ quan thuế khôi phục mã số thuế (Văn bản đề nghị khôi phục mã số thuế mẫu số 25/ĐK-TCT ban hành kèm theo Thông tư 95/2016/TT-BTC) và cam kết thanh toán các nghĩa vụ thuế với ngân sách nhà nước, chấp hành việc xử phạt vi phạm hành chính về thuế.

3. Quy định về việc bảo quản và lưu trữ tài liệu kế toán:

Theo điều 40 luật kế toán số 03/2003/QH11 quy định về việc bảo quản lưu trữ tài liệu kế toán như sau :

  • Tài liệu kế toán phải được đơn vị kế toán bảo quản đầy đủ , an toàn trong quá trình sử dụng và lưu trữ.
  • Tài liệu kế toán lưu trữ phải là bản chính. Trường hợp tài liệu kế toán bị tạm giữ, bị tịch thu thì phải có biên bản kèm theo bản sao chụp có xác nhận; nếu bị mất hoặc bị hủy hoại thì phải có biên bản kèm theo bản sao chụp có xác nhận.
  • Tài liệu kế toán phải đưa vào lưu trữ trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm hoặc kết thúc công việc kế toán .

Tài liệu kế toán phải được lưu trữ theo thời hạn sau đây :

  • Tối thiểu 5 năm đối với tài liệu kế toán dùng cho quản lý, điều hành của đơn vị kế toán, gồm cả chứng từ kế toán không sử dụng trực tiếp để ghi sổ kế toán và lập báo cáo tài chính.
  • Tối thiểu 10 năm đối với chứng từ kế toán sử dụng trực tiếp để ghi sổ kế toán và lập báo cáo tài chính, sổ kế toán và lập báo cáo tài chính năm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
  • Lưu trữ vĩnh viễn đối với tài liệu kế toán có tính sử liệu, có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, an ninh, quốc phòng.

4. Công tác chuẩn bị lưu trữ chứng từ sổ sách kế toán khoa học và hợp lý

4.1. Công tác sắp xếp chứng từ gốc

– Chúng ta cần sắp xếp chứng từ gốc hàng tháng theo tuần tự của bảng kê thuế đầu vào đầu ra đã in và nộp báo cáo cho cơ quan thuế hàng tháng hoặc hàng quý nếu doanh nghiệp báo cáo thuế theo quý. Bắt đầu tư tháng 1 đến tháng 12 của năm tài chính , các chứng từ gốc: hóa đơn đầu vào đầu ra được kẹp chung với tờ khai thuế GTGT hàng tháng đã nộp cho cơ quan thế

– Sắp xếp báo cáo đã nộp cho cơ quan thuế

– Đi kèm theo chứng từ của năm nào là báo cáo của năm đó. Một số báo cáo thường kỳ là: Tờ khai kê thuế GTGT hàng tháng, Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn, Xuất Nhập Khẩu, Môn Bài, Tiêu thụ đặc Biệt, báo cáo thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính hàng quý

– Báo cáo tài chính, quyết toán thuế TNDN, TNCN, hoàn thuế kèm theo của từng năm

– Mỗi chứng từ hoặc một nhóm chứng từ phải kèm theo

Hóa đơn đầu ra:

+Hóa đơn bán ra liên xanh < 20 triệu mà thu băng tiền mặt: phải kẹp theo Phiếu thu + đồng thời kẹp thêm phiếu xuất kho or biên bản giao hàng ( thương mại) hoặc kẹp biên bản nghiệm thu ( xây dựng) phô tô + biên bản xác nhận khối lượng phô tô + bảng quyết toán khối lượng phô tô nếu có, kẹp theo hợp đồng phô tô và thanh lý phô tô nếu có.

+Hóa đơn bán ra liên xanh > 20 triệu : phải kẹp theo phiếu kế toán (hay phiếu hoạch toán) + đồng thời kẹp thêm phiếu xuất kho or biên bản giao hàng ( thương mại) hoặc kẹp biên bản nghiệm thu ( xây dựng) phô tô + biên bản xác nhận khối lượng phô tô + bảng quyết toán khối lượng nếu có, kẹp theo hợp đồng phô tô và thanh lý phô tô nếu có.=> sau này nhận được tiền kẹp thêm : – Khi khách hàng chuyển vào TK của cty : Giấy báo có

Hóa đơn đầu vào:

+Hóa đơn mua vào (đầu vào) liên đỏ < 20 triệu nếu thanh toán bằng tiền mặt : phải kẹp với phiếu chi + phiếu nhập kho + biên bản giao hàng hoặc phiếu xuất kho bên bán + Giấy đề nghị thanh toán kèm theo hợp đồng phô tô, thanh lý phô tô nếu có.

+Hóa đơn mua vào (đầu vào) >20 triệu: phải kẹp với phiếu kế toán (hay phiếu hoạch toán) + phiếu nhập kho hoặc biên bản giao hàng hoặc phiếu xuất kho bên bán + Giấy đề nghị chuyển khoản kèm theo hợp đồng phô tô, thanh lý phô tô nếu có. .=> sau này chuyển tiền kẹp thêm: – Khi chuyển tiền trả khách hàng: Giấy báo Nợ + Khi chuyển khoản đi: Ủy nhiệm chi

Lương, thưởng:

Để là chi phí hợp lý được trừ và xuất toán khi tính thuế TNDN bạn phải có đầy đủ các thủ tục sau

+ Hợp đồng lao động+chứng minh thư phô tô

+ Bảng chấm công hàng tháng

+ Bảng lương đi kèm bảng chấm công tháng đó

+ Phiếu chi thanh toán lương, hoặc chứng từ ngân hàng nếu doanh nghiệp thanh toán bằng tiền gửi

+ Tất cả có ký tá đầy đủ

+ Đăng ký mã số thuế thu nhập cá nhân

+ Quyết tóan thuế TNCN cuối năm

= > thiếu 1 trong các cái trên cơ quan thuế sẽ loại trừ ra vì cho rằng bạn đang đưa chi phí khống vào, và bị xuất toán khi quyết toán thuế TNDN

+ Phiếu chi tiền lương + bảng lương + bảng chấm công + tạm ứng, thưởng, tăng ca thêm giờ nếu có ….=> gói lại môt cục

+ Tạm ứng:

– Dự toán chi đã được Kế toán trưởng – BGH ký duyệt

– Giấy đề nghị tạm ứng.

– Phiếu chi tiền

+ Hoàn ứng:

– Bảng thanh toán tạm ứng (Kèm theo chứng từ gốc) Bạn thu hóa đơn (nếu ứng tiền mua hàng, tiền phòng,…công tác,…) chứng từ có liên quan đến việc chi số tiền ứng trên => Số tiền còn thừa thì hoàn ứng, nếu thiếu tiền thì chi thêm.

+ Chứng từ ngân hàng: cuối tháng ra ngân hàng : lấy sổ phụ, sao kê chi tiết, UNC, Giấy báo nợ, Giấy báo có về lưu trữ và làm căn cứ lên sổ sách kế toán

+ Đối với CCDC, TSCĐ thì phải có Bảng theo dõi phân bổ.

– Tất cả phải có đầy đủ chữ ký theo chức danh.

– Kẹp riêng chứng từ của từng tháng, mỗi tháng một tập có bìa đầy đủ.

Công việc in sổ là của kế toán do đó sau khi in cần có bìa Ngoài và Trong cho sổ sách kế toán.

4.2. Chuẩn bị sổ sách đã in hàng năm (theo hình thức Nhật ký chung)

– Sổ nhật ký chung

– Sổ nhật ký bán hàng

– Sổ nhật ký mua hàng

– Sổ nhật ký chi tiền

– Số nhật ký thu tiền

– Sổ chi tiết công nợ phải thu cho tất cả các khách hàng

– Sổ chi tiết công nợ phải trả cho tất cả các nhà cung cấp

– Biên bản xác nhận công nợ của từng đối tượng (nếu có) cuối năm.

– Sổ quỹ tiền mặt và sổ chi tiết ngân hàng.

– Sổ cái các tài khoản: 131 , 331, 111, 112, 152, 153, 154, 155, 211, 214,…621, 622, 627, 641, 642,…Tùy theo doanh nghiệp sử dụng quyết định 48 hoặc 15.

– Sổ tổng hợp về tình hình tăng giảm tài sản cố định

– Sổ tổng hợp về tình hình tăng giảm công cụ dụng cụ

– Sổ khấu hao tài sản cố định

– Sổ khấu hao công cụ dụng cụ

– Thẻ kho/ sổ chi tiết vật tư

– Bảng tổng hợp nhập xuất tồn từng kho

– Toàn bộ chứng từ đã nhập đều phải in ra ký (đầy đủ chữ ký).

Lưu ý: số thứ tự các phiếu phải được đánh và sắp xếp tuần tự.

4.3. Sắp xếp các hợp đồng kinh tế

– Sắp xếp đầy đủ theo tuần tự từng hợp đồng đầu vào/ đầu ra:

Kiểm tra các biên bản, giấy tờ của từng hợp đồng nếu có: hợp đồng, biên bản nghiệm thu, thanh lý hợp đồng

– Hợp đồng lao động và hệ thống thang bảng lương: hợp đồng lao động, bảng lương, phải có chữ ký đầy đủ

– Các quyết định bổ nhiệm, điều chuyển công tác, tăng lương.

4.4. Hồ sơ pháp lý

– Chuẩn bị đầy đủ cả gốc và photo công chứng (xác thực).

– Các công văn đến/đi liên quan đến cơ quan thuế

4.5. Kiểm tra chi tiết khác:

Kiểm tra tra đối chiếu giữa sổ chi tiết với sổ tổng hợp tài khoản (sổ cái)

Kiểm tra đối chiếu các nghiệp vụ kinh tế phát sinh so với sổ định khoản: hóa đơn đầu ra – vào và sổ kế toán

Kiểm tra đối chiếu công nợ khách hàng

Kiểm tra các khoản phải trả

Kiểm tra dữ liệu nhập và khai báo thuế giữa hóa đơn đầu vào – ra với bảng kê khai thuế

Đầu vào và đầu ra có cân đối

Kiểm tra ký tá có đầy đủ

Kiểm tra lại xem định khoản các khoản phải thu và phải trả định khoản có đúng

Kiểm tra lại bảng lương xem ký có đầy đủ, số liệu trên sổ cái 334 và bảng lương có khớp : Đối với nhân viên phải có hồ sơ đầy đủ

Nội dung công việc sẽ thực hiện:

1. Kiểm tra sự phù hợp của các chứng từ kế toán;

2. Kiểm tra việc định khoản, hạch toán các nghiệp vụ kinh tế phát sinh;

3. Kiểm tra việc lập và kê khai báo cáo thuế VAT hàng tháng;

4. Kiểm tra lập báo cáo quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp;

5. Kiểm tra hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân;

6. Kiểm tra việc lập báo cáo tài chính theo quy định;

7. Điều chinh các sai sót, chưa phù hợp với quy định của pháp luật;

8. Thiết lập lại số sách kế toán, báo cáo thuế theo đúng quy định của các luật thuế;

9. Thực hiện điều chỉnh các báo cáo thuế khi có sai lệch;

10. Làm việc và giải trình với cơ quan thuế.

Ví dụ cụ thể:

+Bản gốc của hợp đồng, thanh lý, nghiệm thu. Và các loại văn bản khác… => được bấm lỗ và lưu ở bìa còng

+Bản phô tô được lưu cùng các chứng từ: có tác dụng mô phỏng, hỗ trợ cho các chứng từ gốc, nếu cần thiết thì khi in các văn bản yêu cầu in nhiều bản ví dụ thông thường người ta làm hợp đồng thường in 04 bản nay in lên 06 bản số lượng dư là cái để bạn có thể kẹp vào cung chứng từ sau này

5. Hướng dẫn việc quản lý thuế và sổ sách kế toán doanh nghiệp tư nhân?

Câu hỏi: Thưa Luật sư: Gia đình em mới thành lập DNTN nhưng em không biết là DNTN có báo cáo thuế và lập sổ sách có giống như cty TNHH không? Văn bản pháp luật nào quy định các vấn đề về quản lý thuế và kế toán của DNTN? Em xin cảm ơn!

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật thuế của Công ty luật Minh Khuê

>> Luật sư tư vấn pháp luật thuế trực tuyến, gọi:1900.6162

Trả lời: Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Khuê. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

Cơ sở pháp lý:

Luật Kế Toán năm 2003

Nghị định 129/2004/NĐ-CP Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kế toán áp dụng trong hoạt động kinh doanh

Thông tư 200/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính : Hướng dẫn Chế độ kế toán Doanh nghiệp

Luật quản lý thuế 2019

Thông tư 119/2014/TT-BTC Sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013, Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013, Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013, Thông tư số 08/2013/TT-BTC ngày 10/01/2013, Thông tư số 85/2011/TT-BTC ngày 17/6/2011,¬¬ Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 và Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính để cải cách, đơn giản các thủ tục hành chính về thuế

Thông tư 151/2014/TT-BTC Hướng dẫn thi hành nghị định số 91/2014/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Nghị định quy định về thuế

Nội dung tư vấn: 

5.1. Sổ sách kế toán

Khoản 2 Luật Kế toán năm 2003:

“Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Đối tượng áp dụng của Luật này bao gồm:

a) Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức có sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước;

b) Đơn vị sự nghiệp, tổ chức không sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước;

c) Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam; chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam;

d) Hợp tác xã;

đ) Hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác;

e) Người làm kế toán, người khác có liên quan đến kế toán.

2. Đối với văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, hộ kinh doanh cá thể và tổ hợp tác, Chính phủ quy định cụ thể nội dung công tác kế toán theo những nguyên tắc cơ bản của Luật này”

Điều 2 Nghị định 129/2004/NĐ-CP quy định:

“Điều 2. Đối tượng áp dụng

Căn cứ điểm c, d, đ, e khoản 1 Điều 2 của Luật Kế toán, đối tượng áp dụng Nghị định này là các tổ chức, cá nhân sau đây:

1. Các tổ chức hoạt động kinh doanh gồm:

a) Doanh nghiệp nhà nước;

b) Công ty trách nhiệm hữu hạn;

c) Công ty cổ phần;

d) Công ty hợp danh;

đ) Doanh nghiệp tư nhân;

e) Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài;

g) Chi nhánh của doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam;

h) Văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam;

i) Hợp tác xã;

k) Hộ kinh doanh cá thể và tổ hợp tác.

2. Người làm kế toán; người hành nghề kế toán; người khác có liên quan đến kế toán thuộc hoạt động kinh doanh”

Theo như quy định trên, Doanh nghiệp tư nhân hay Công ty Trách nhiệm hữu hạn đều phải thực hiện chế độ kế toán.

Văn bản pháp luật quy định sổ sách kế toán:

Luật Kế toán 2003

Nghị định 129/2004/NĐ-CP Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kế toán áp dụng trong hoạt động kinh doanh

Thông tư 200/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính : Hướng dẫn Chế độ kế toán Doanh nghiệp

5.2. Quản lý thuế

khoản 1 Điều 2 Luật quản lý thuế năm 2019 quy định:

“Điều 2. Đối tượng áp dụng:

1. Người nộp thuế bao gồm:

a) Tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế;

b) Tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân nộp các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước;

c) Tổ chức, cá nhân khấu trừ thuế.

2. Cơ quan quản lý thuế bao gồm:

a) Cơ quan thuế bao gồm Tổng cục Thuế, Cục Thuế, Chi cục Thuế, Chi cục Thuế khu vực;

b) Cơ quan hải quan bao gồm Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan, Cục Kiểm tra sau thông quan, Chi cục Hải quan.

3. Công chức quản lý thuế bao gồm công chức thuế, công chức hải quan.

4. Cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.”

Như vậy, khi bạn thành lập doanh nghiệp cụ thể là doanh nghiệp tư nhân, bạn phải thực hiện đóng thuế theo quy định của pháp luật

– Văn bản quy định: Luật quản lý thuế 2019

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo.

Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 hoặc gửi qua email: Tư vấn pháp luật qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.