MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA TRONG QUAN HỆ DÂN TỘC VỚI TÔN GIÁO Ở TÂY NGUYÊN HIỆN NAY

MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA TRONG QUAN HỆ DÂN TỘC VỚI TÔN GIÁO Ở TÂY NGUYÊN HIỆN NAY

                                     TS Dương Thanh Mừng

       Học viện Chính trị khu vực III

 

Tây Nguyên là địa bàn có nhiều tôn giáo khác nhau, trong đó chủ yếu là Công giáo, Tin Lành, Phật giáo và Cao Đài với tổng số tín đồ khoảng 2.301.884 người (2019). Công giáo là tôn giáo có mặt sớm nhất ở Tây Nguyên và hiện có khoảng 1.126.474 tín đồ, 5 giám mục, 630 linh mục, 2.714 tu sĩ nam nữ. Tin Lành du nhập lên Tây Nguyên vào khoảng năm 1926. Đến cuối năm 2020, số lượng tín đồ Tin Lành ở Tây Nguyên là 529.410 người. Phật giáo du nhập lên Tây Nguyên vào những thập niên đầu thế kỉ XX. Hiện tại, Phật giáo ở khu vực này có khoảng 600.000 tín đồ. Cao Đài truyền lên Tây Nguyên vào năm 1938. Tính đến hiện nay, Cao Đài ở Tây Nguyên có khoảng 22.000 tín đồ1. Ngoài các tôn giáo nêu trên, Tây Nguyên còn có các tôn giáo và nhiều loại hình tín ngưỡng khác. Bên cạnh đó, ở khu vực này cũng đang xuất hiện nhiều hiện tượng tôn giáo mới, với nguồn gốc và cách thức sinh hoạt khác nhau.

1. Một số vấn đề đặt ra đối với quan hệ dân tộc và tôn giáo ở Tây Nguyên

Thứ nhất, vấn đề gìn giữ thiết chế xã hội truyền thống của các dân tộc thiểu số

Khi đã thâm nhập được vào vùng đất Tây Nguyên, các tôn giáo thường cố gắng tạo ra những cộng đồng cư dân dựa trên đức tin và hoạt động dựa theo cơ chế tổ chức của Giáo hội. Từ đây, cấu trúc buôn làng truyền thống bị phá vỡ và thay vào đó là các chi, họ đạo. Các chi, họ đạo này không chỉ tập hợp những gia đình cùng tộc người mà nó còn xen lẫn giữa tộc người này với tộc người khác, giữa buôn này với buôn khác. Thiết chế xã hội dựa trên đức tin sẽ có tính bền vững khi được duy trì ở mức độ là sinh hoạt tôn giáo thuần túy và khi đã vượt ra khỏi giới hạn thì rất khó để quản lý vì không có những định chế về mặt thế tục để ràng buộc. Sự đổ vỡ của các buôn làng truyền thống còn kéo theo sự phai nhạt về vai trò của già làng, trưởng bản, hội đồng làng… Quan hệ giữa các thành viên trong cộng đồng trở nên “bình đẳng” hơn khi cùng chịu chung một định chế mới là giáo lý, giới luật của các tôn giáo. Sự phức tạp này sẽ tăng lên khi đồng bào có đạo sẽ phải sinh hoạt dựa trên ba thiết chế xã hội khác nhau. Đó là thiết chế xã hội buôn làng truyền thống với định chế là luật tục, thiết chế hành chính nhà nước với định chế pháp luật và thiết chế tôn giáo với định chế giới luật. Trong buôn làng, tín đồ vừa buộc phải tuân thủ luật tục cùng các quy định của thiết chế hành chính nhà nước, vừa phải tuân thủ theo giáo lí, giới luật của các tôn giáo. Trong khi đó, giữa các thiết chế này lại không có sự đồng nhất nên đã tạo ra nhiều khó khăn cho các tín đồ trong việc thực hiện các nhiệm vụ vừa là công dân, vừa là tín đồ, vừa là thành viên của buôn làng.

Trong thiết chế buôn làng truyền thống, những người vi phạm sẽ bị già làng hoặc hội đồng xét xử. Tội nhẹ khiển trách, tội nặng bị đuổi ra khỏi làng. Trong thiết chế tôn giáo, tội nhẹ sẽ phải xưng tội hoặc sám hối, tội nặng thì không được tham dự vào các lễ nghi tôn giáo. Chính sự không tương dung này sẽ làm mất đi sức nặng và tính hiệu quả của luật tục trong các buôn làng. Việc thay thế thiết chế tôn giáo ở các buôn làng không những sẽ làm phá vỡ cấu trúc xã hội truyền thống mà còn gây nên nhiều bất đồng trong xã hội. Các mâu thuẫn giữa những người có đạo và không có đạo sẽ nảy sinh, biểu hiện dưới dạng hiềm khích về niềm tin, về đối tượng thờ phụng và các nghi lễ, nếu không kịp thời kiểm soát sẽ rất dễ biến thành các điểm nóng và thậm chí là xảy ra xung đột. Ở một số buôn làng, thiết chế tổ chức của các tôn giáo hoạt động mạnh, nhiều khi đã lấn át cả hoạt động của thiết chế hành chính nhà nước, lấn át cả chính quyền cơ sở và các hội đoàn quần chúng. Điều này sẽ gây nên nhiều khó khăn cho công tác tuyên truyền, vận động tín đồ tham gia các tổ chức chính trị – xã hội và thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Thứ hai, vấn đề văn hóa, nghi lễ truyền thống của các dân tộc thiểu số

Ở mặt nào đó, các tôn giáo ở Tây Nguyên hiện đang gia tăng khả năng thích ứng của mình đối với đời sống văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào. Việc làm này sẽ nâng cao hiệu quả cho công tác truyền giáo. Và ở phía ngược lại, nó tạo ra cầu nối để kích cầu cho các giá trị văn hóa và tri thức bản địa được gìn giữ, phát huy. Bên cạnh đó, các tôn giáo cũng đã và đang mang đến cho đồng bào những trải nghiệm mới về mặt văn hoá, đức tin, trang bị những phương tiện nhận thức mới phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Hiện nay, một số tôn giáo ở Tây Nguyên đang triển khai các chương trình bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc. Chiến lược này hướng đến việc tiếp cận sâu hơn vào các phong tục, tập quán, ngôn ngữ của đồng bào để từ đó, đưa giáo lí, lễ nghi thâm nhập vào các dân tộc cũng như loại bỏ các tập tục lạc hậu. Ngoài việc truyền tải nội dung giáo lý, giới luật, các tôn giáo sau khi tiếp cận được văn hóa truyền thống của các dân tộc còn giúp đồng bào in ấn, lưu trữ sách vở, mở mang tri thức, bảo tồn và phát triển ngôn ngữ dân tộc2.

Ở mặt ngược lại, các tôn giáo trong quá trình truyền đạo thường cố gắng xác lập một phương thức sinh hoạt mới, khác so với cách thức sinh hoạt truyền thống của đồng bào. Nhìn chung, xu hướng chủ đạo là đưa đến sự thuận tiện trong việc thực hành đức tin cùng các nghi lễ tôn giáo. Trong những năm gần đây, dù các tôn giáo đã có nhiều cố gắng để cải thiện tình hình, nhưng trong các buôn, làng có đạo dường như lễ hội truyền thống không còn giữ được sự thuần khiết. Sự cuốn hút của các nghi lễ tôn giáo, sự ràng buộc bởi những tín điều thuộc về đức tin đã làm cho các thế hệ sau ít quan tâm đến bản sắc văn hóa dân tộc, không muốn tham dự các lễ hội văn hóa địa phương. Việc thay thế tín ngưỡng truyền thống bằng đức tin tôn giáo cũng gây nên nhiều xung chạm về mặt tư tưởng và lối sống. Đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên thường quan niệm mọi hành vi, lời nói của cá nhân hay cộng đồng luôn có sự giám sát, phán xét của thần linh. Các tập tục về kiêng cữ từ ngàn xưa đã trở thành một phần quan trọng của định chế xã hội, ràng buộc các thành viên vào trong những khuôn khổ của lệ làng. Tuy nhiên, khi đã chấp nhận quy xu tôn giáo, các tín đồ sẵn sàng từ bỏ nghi lễ truyền thống, từ bỏ các vị thần mà từ thuở nhỏ đã được dạy bảo là phải biết biết kính trọng để thực hiện các lễ nghi. Sự lựa chọn này đối với nhiều tín đồ khá là khó khăn bởi họ luôn phải gánh chịu cảm giác tội lỗi với truyền thống, thậm chí có thể bị người thân, cộng đồng xa lánh. Một số nơi ở Tây Nguyên, các làng, họ đạo thường biệt lập với cộng đồng các dân tộc khác, hoặc tôn giáo khác. Điều này sẽ làm hạn chế việc đoàn kết các tôn giáo, dân tộc trên địa bàn và là điểm yếu để các lực lượng cực đoan, chống đối lợi dụng vào mục đích li khai, tự trị.

Thứ ba, vấn đề tuân thủ chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước

Hiện nay, hoạt động tôn giáo trên địa bàn Tây Nguyên đang diễn ra khá phức tạp. Ngoài việc cạnh tranh địa phận để truyền đạo thì các tôn giáo ở Tây Nguyên dù vô tình hay hữu ý đã có nhiều sai phạm. Đó là việc truyền đạo, giảng đạo, phát triển tín đồ, thành lập hội đoàn trái phép, rồi việc in ấn, tán phát kinh sách tự do… Khi các cơ quan chức năng phát hiện, xử lí sai phạm thì nhiều cá nhân đã tỏ thái độ bất hợp tác. Thậm chí, nhiều người nhân cơ hội đó đã tuyên truyền, lôi kéo, kích động tín đồ, vu cáo chính quyền vi phạm nhân quyền, đàn áp tôn giáo. Tình trạng khiếu kiện đất đai, cơ sở thờ tự ở khu vực Tây Nguyên cũng đang có chiều hướng gia tăng3… Bên cạnh đó, việc mua bán, chuyển nhượng, hiến tặng đất đai giữa các hộ dân với các tôn giáo để mở rộng khuôn viên, tạo lập quỹ đất xây dựng cơ sở tôn giáo gắn với dạy nghề, nhà trẻ, nhà tình thương… diễn ra khá phổ biến. Tình trạng xây dựng, cơi nới cơ sở tôn giáo trái pháp luật diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi4.

Bên cạnh các sai phạm về đất đai, truyền đạo, một số chức sắc ở Tây Nguyên còn tổ chức các hoạt động thiện nguyện không thông qua Mặt trận Tổ quốc hoặc Hội Chữ thập đỏ. Các hoạt động này ngoài ý nghĩa từ thiện thuần túy còn được lồng ghép thêm nhiều chủ đích khác nhau. Khi bị phát hiện thì những người này đã lấy lý do nhân đạo để chống chế, đưa chính quyền vào thế bị động. Để giải quyết “thấu tình, đạt lý” đối với các hoạt động lấy danh nghĩa nhân đạo làm đầu này không phải là một câu chuyện dễ. Nếu không có đủ cơ sở pháp lý rất dễ bị các “nhà từ thiện” lèo lái sang vấn đề khác để kích động quần chúng tín đồ đấu tranh, phản đối. Thêm vào đó, các hoạt động thiện nguyện không qua kiểm soát cũng làm dấy lên tâm trạng phân bì giữa những người có đạo và không đạo; tạo tâm lý so sánh về “sự quan tâm” của các tôn giáo với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước…

Thứ tư là những bất cập, hạn chế của hệ thống chính trị cơ sở trong việc thực hiện chính sách dân tộc và tôn giáo

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, hệ thống chính trị cơ sở ở Tây Nguyên dần được củng cố, kiện toàn theo hướng tăng lên về số lượng và nâng cao về mặt chất lượng. Tuy nhiên, hệ thống chính trị cơ sở tại nhiều địa phương vẫn bộc lộ những hạn chế, yếu kém nhất định5 như trình độ chuyên môn nghiệp vụ còn thấp; chính quyền cơ sở tại nhiều nơi chưa làm tốt chức năng quản lý, trong đó có quản lý các hoạt động tôn giáo và thực thi chính sách dân tộc. Tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo còn thiếu và chưa ổn định. Bộ máy trực tiếp làm công tác tôn giáo chỉ được kiện toàn đến cấp tỉnh với số lượng định biên thấp, cấp huyện có 1 – 2 người chuyên trách, còn cấp xã gần như không có (kiêm nhiệm).

Sự thiếu và yếu về số lượng lẫn chất lượng của đội ngũ cán bộ cơ sở dẫn đến việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách về tôn giáo, về dân tộc của Đảng và Nhà nước thiếu hiệu quả. Không ít trường hợp đã dẫn đến những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân và trong nội bộ tín đồ tôn giáo. Chính điều này đã làm cho một số chức sắc và tín đồ cảm thấy bất đồng, mất niềm tin vào chính quyền cơ sở, vào sự lãnh đạo của Đảng. Sâu xa hơn là làm hạn chế hiệu quả quá trình đổi mới của đất nước. Tại nhiều nơi trên địa bàn Tây Nguyên, chính quyền và cán bộ cơ sở chưa có sự đối thoại và khai thác tốt vai trò đội ngũ chức sắc, chức việc. Một số cán bộ chưa quan tâm đến việc nắm bắt nguyện vọng của chức sắc, tín đồ nên khi giải quyết các vụ việc còn chủ quan, duy ý chí làm theo thói quen, dẫn đến hiệu quả thấp. Một bộ phận cán bộ, đảng viên lập trường tư tưởng thiếu kiên định, khi xử lí các vụ việc liên quan đến tôn giáo thường không cương quyết hoặc tìm cách né tránh. Trong không ít trường hợp, nhận thức chưa khách quan từ cả phía cán bộ và chức sắc, tín đồ nên chưa có sự phối hợp tốt giữa chính quyền và các tôn giáo.

Thứ năm, vấn đề lợi dụng tôn giáo của các thế lực thù địch

Khu vực Tây Nguyên có một vị thế vô cùng đặc biệt, do vậy, trong những năm qua, các thế lực thù địch luôn tìm cách “xâm nhập” vào vùng đất này. Để thực hiện được mưu toan, rất nhiều “chiến lược” đã được các thế lực thù địch sử dụng và trong đó có cả vấn đề về dân tộc và tôn giáo. Các thế lực thù địch đã lợi dụng tôn giáo vào chiêu bài “dân chủ, nhân quyền, tôn giáo”; liên kết với các tổ chức phản động trong nước để tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước. Chúng tìm mọi cách xuyên tạc lịch sử, bóp méo, phủ nhận đường lối, chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước; thổi phồng những khiếm khuyết trong quản lý, điều hành của một số địa phương để vu cáo chính quyền lấy đất đai, phân biệt đối xử, đàn áp đồng bào dân tộc thiểu số và tín đồ các tôn giáo. Lợi dụng sự phát triển của mạng xã hội, các thế lực thù địch tăng cường truyền bá tư tưởng kì thị, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, kích động tư tưởng li khai, rêu rao cái gọi là thành lập “Nhà nước độc lập”, “Nhà nước tự trị”. Không những thế, chúng còn tìm cách nuôi dưỡng và liên kết các tổ chức phản động người Việt lưu vong với các lực lượng cơ hội chính trị hiện có ở các tỉnh Tây Nguyên; tích cực hỗ trợ nhóm cầm đầu Fulro ở nước ngoài và các phần tử Tin Lành Đềga trong nước móc nối tạo dựng lực lượng chống đối, xây dựng khung chính quyền ngầm trên địa bàn6… Âm mưu và quá trình hoạt động của các thế lực thù địch đã gây nên nhiều bất ổn về chính trị, xã hội trên địa bàn, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm xói mòn niềm tin của đồng bào có đạo đối với Đảng và Nhà nước.

Thứ sáu, vấn đề quan hệ quốc tế của các tôn giáo ở Tây Nguyên

Cùng với xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, các tôn giáo ở Tây Nguyên nói riêng và ở Việt Nam nói chung đang ngày càng mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình ra bên ngoài. Với Tin Lành trong những năm gần đây, do những ảnh hưởng từ nguồn vốn đầu tư kinh tế của Hàn Quốc nên các hệ phái của Tin Lành cũng bắt đầu đã có sự dịch chuyển các mối quan hệ trọng tâm sang quốc gia này. Giáo hội Công giáo Việt Nam thời gian gần đây không chỉ quan tâm đến vấn đề truyền giáo trong nước mà còn cả các quốc gia bên ngoài như Lào, Thái Lan, Campuchia… Phật giáo Việt Nam cũng đẩy mạnh quá trình hoằng pháp sang các quốc gia châu Âu và Bắc Mĩ. Không chỉ dừng lại ở các sinh hoạt đức tin hay truyền giáo thuần túy mà các tôn giáo ở Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế cũng đang cố gắng gia tăng tầm ảnh hưởng của mình lên phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa, nhất là vấn đề nghèo đói, môi trường, di dân, viện trợ và hàng loạt các vấn đề từ thiện nhân đạo khác. Xu hướng này hẳn nhiên sẽ tác động trực tiếp đến đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số theo cả hai chiều kích là tích cực và tiêu cực.

Mặt tích cực, các tôn giáo ở Tây Nguyên với quá trình hội nhập sẽ có thêm nhiều cơ hội để huy động các nguồn lực từ bên ngoài nhằm hỗ trợ cho cuộc sống; các giá trị văn hóa tiến bộ qua sự chọn lọc, tiếp biến của các tôn giáo sẽ xâm nhập sâu hơn vào đời sống xã hội; khoảng cách đời sống tâm linh, tinh thần giữa các dân tộc thiểu số Tây Nguyên với các quốc gia, khu vực trên thế giới sẽ được thu hẹp…

Mặt tiêu cực, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đã làm biến đổi nhiều phương diện đời sống của đồng bào. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống đứng trước nguy cơ bị mai một. Tình trạng chuyển đổi niềm tin tôn giáo diễn ra ngày càng mạnh mẽ7. Nhiều đồng bào dân tộc thiểu số đã từ bỏ tín ngưỡng truyền thống để theo đạo Tin Lành hay chuyển đạo, cải đạo từ tôn giáo này sang tôn giáo khác. Các hiện tượng tôn giáo mới xuất hiện và hoạt động ẩn mình dưới nhiều hình thức khác nhau. Để lôi kéo được nhiều người tham gia, các đối tượng cầm đầu ở trong và ngoài nước đã dùng mọi thủ đoạn từ tuyên truyền xuyên tạc các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến kích động người dân đấu tranh chống đối chính quyền8…

2. Một số giải pháp nhằm giải quyết tốt mối quan hệ giữa dân tộc với tôn giáo ở Tây Nguyên trong giai đoạn tới

Thứ nhất, quan tâm kịp thời đến đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số

Đây được xem là vấn đề có tính mấu chốt trong mối quan hệ giữa dân tộc và tôn giáo ở Tây Nguyên. Để nâng cao nội lực cho đồng bào các dân tộc trong việc nhận diện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo đạo hoặc không theo đạo, tránh bị rơi vào những cám dỗ vật chất của các lực lượng thù địch thì trước tiên cần phải chăm lo đời sống cho họ. Các sinh hoạt đức tin cũng sẽ trở nên trong sáng và thuần khiết hơn khi đời sống vật chất của đồng bào ngày càng được cải thiện. Và khi đã cảm nhận được sự quan tâm thực sự từ phía Đảng và Nhà nước thì tín đồ sẽ trở thành những hạt nhân tiên phong trong việc thực thi các chính sách về tôn giáo và dân tộc. Bởi hơn ai hết, họ là những người hiểu về tôn giáo mình, hiểu về quyền và nghĩa vụ của một công dân đối với Tổ quốc và trách nhiệm của một tín đồ đối với đức tin. Trên thực tế, rất nhiều chính sách có tính chiến lược đã được các cơ quan chức năng nghiên cứu, ban hành và đưa vào áp dụng trong thời gian qua. Do vậy, điều cần làm hiện nay là đẩy mạnh tính hiệu quả của các cơ chế, chính sách này. Cần phân luồng thành các giải pháp trước mắt, lâu dài, đặc thù để có những sự điều chỉnh và áp dụng một cách phù hợp đối với từng đối tượng và khu vực. Trong đó, cần nhấn mạnh đến công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao hiệu quả quá trình sản xuất bằng việc giải quyết tốt các vấn đề về nguồn vốn đầu tư và thị trường đầu ra cho các sản phẩm. Đi kèm là vấn đề định canh, định cư, nâng cao kĩ năng, kiến thức nghề nghiệp cho đồng bào thông qua các chương trình đào tạo…

Thứ hai, kiện toàn đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác dân tộc, công tác tôn giáo ở các cấp, các ngành

Xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể để mỗi cán bộ, công chức đều được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới về các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với các vấn đề phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, dân tộc, tôn giáo… trên địa bàn. Nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, khả năng xử lý và giải quyết các tình huống cho cán bộ bằng các chương trình tập huấn, các khóa đào tạo từ cơ bản đến nâng cao. Cạnh đó, cần chú trọng đến việc xây dựng đội ngũ kế cận bởi ngoài những kiến thức trường quy cơ bản thì những người cán bộ làm công tác dân tộc và tôn giáo đỏi hỏi phải có thêm nhiều kỹ năng, kinh nghiệm thực tế khác. Thực hiện tốt phương châm Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công, cán bộ làm công tác dân tộc và tôn giáo cũng như chính quyền các cấp ở Tây Nguyên phải xây dựng được hình ảnh: trọng dân, gần dân, thương dân, hiểu dân và có trách nhiệm với dân; nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin. Như vậy, quá trình thực thi và giải quyết các vấn đề về liên quan đến dân tộc và tôn giáo sẽ ngày càng trở nên hiệu quả.

Thứ ba, tăng cường công tác đối thoại với đồng bào, với tín đồ, chức sắc nhằm tìm ra các điểm nghẽn, các vướng mắc để kịp thời có những phương án xử lý tốt mối quan hệ giữa dân tộc và tôn giáo

Giải quyết các vấn đề dân tộc và tôn giáo còn tồn đọng trên tinh thần lấy pháp luật làm trọng, vừa thuyết phục vừa cương quyết đấu tranh. Coi trọng công tác quản lý nhà nước đối với mọi hoạt động tôn giáo trên địa bàn. Phát huy tinh thần chủ động của các cấp, các ngành trong việc đấu tranh, xử lý các phần tử lợi dụng tôn giáo; các chức sắc, tín đồ vi phạm pháp luật, gây chia rẽ dân tộc, tôn giáo. Nắm bắt cụ thể, chi tiết đối với các hiện tượng tôn giáo mới nảy sinh nhằm có phương án, chính sách phù hợp với từng loại để đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng được tôn trọng, đồng thời, ngăn chặn, đấu tranh đối với hoạt động của các tổ chức bất hợp pháp núp bóng dưới danh nghĩa tôn giáo. Nâng cao nhận thức cho tín đồ và đồng bào dân tộc về các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước liên quan đến các vấn đề về dân tộc và tôn giáo. Trong đó, cần chú trọng đến việc nhấn mạnh các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào các dân tộc thiểu số; các âm mưu lợi dụng tôn giáo của các thế lực thù địch đang hoặc có nguy cơ diễn ra trên địa bàn. Phát động tinh thần tố giác tội phạm của quần chúng và tăng cường các hình thức động viên, tuyên dương, khen thưởng đối với những tín đồ, chức sắc có lối sống tốt đời, đẹp đạo. Phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, các nhân sĩ, trí thức là người dân tộc thiểu số và các chức sắc, chức việc tôn giáo cùng vận động, thuyết phục đồng bào các dân tộc có đạo nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương. Chủ động phát hiện và có biện pháp ngăn chặn kịp thời, hiệu quả tình trạng truyền đạo, giảng đạo trái phép, lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi hoặc làm phương hại đến an ninh con người và an ninh quốc gia, nhất là đấu tranh ngăn chặn các tà đạo.

Thứ tư, khai thác có hiệu quả ngồn lực tôn giáo phục vụ cho phát triển đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của đồng bào

Từ những đặc thù của lịch sử, Tây Nguyên là khu vực cộng cư của nhiều dân tộc thiểu số và tôn giáo khác nhau. Gần như các tôn giáo lớn và các dân tộc thiểu số đều có mặt ở vùng đất này. Nếu xét theo phương diện này, đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên đang có thế mạnh về nguồn lực tôn giáo. Tuy nhiên, trong những năm qua, vấn đề khai thác và sử dụng nguồn lực của các tôn giáo ở khu vực này chưa được triển khai một cách toàn diện. Phần lớn chỉ tập trung vào các hoạt động an sinh xã hội, các chương trình thiện nguyện. Trong khi đó, nguồn lực tôn giáo có nội hàm rất rộng. Từ khía cạnh tinh thần, đó là các giá trị thuộc về thế giới quan, nhân sinh quan, tư tưởng, đạo đức, văn hóa, lối sống, triết lý nhân văn, hướng thiện… Những giá trị này sẽ tham gia tích cực vào trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là vấn đề xây dựng đạo đức và lối sống cho con người. Về vật chất, xu hướng gắn bó giữa đạo với đời cùng tư tưởng nhập thế tích cực của các tôn giáo sẽ góp phần chia sẻ gánh nặng cho xã hội. Trong phát triển bền vững, chủ trương xây dựng lối sống hòa đồng, gần gũi với thiên nhiên của các tôn giáo sẽ góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Các tôn giáo cũng có nhiều khả năng trong việc thu hút nguồn lực như nguồn lực kinh tế, nguồn lực con người, nguồn lực văn hóa, nguồn lực tri thức… Từ đây, các nguồn lực này lại được tiếp tục chuyển hóa vào trong các lĩnh vực của đời sống như an sinh xã hội, y tế, giáo dục… Nguồn lực tôn giáo chính là một dạng thức “tài nguyên” rất quan trọng và nếu được đầu tư khai thác có hiệu quả sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho đời sống của đồng bào các dân tộc.

Trong giai đoạn đến, chính quyền các cấp ở Tây Nguyên cần có sự quan tâm hợp lý đến vấn đề nguồn lực tôn giáo nhằm hỗ trợ đồng bào các dân tộc thiểu số xây dựng và phát triển đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội cũng như ngăn ngừa tình trạng lãng phí nguồn lực có thể xảy ra. Cũng cần nói thêm rằng, trong quá trình huy động nguồn lực của các tôn giáo tham gia đóng góp cho xã hội, cần chú trọng đến việc kết hợp hài hòa giữa các nguồn lực; tính bình đẳng giữa các tôn giáo; tạo môi trường thuận lợi để các tôn giáo cùng nhau đóng góp. Từ đó, tăng cường tính đồng thuận xã hội và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

1. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Hiện tượng tôn giáo mới hiện nay, thực trạng và giải pháp, Tài liệu lưu hành nội bộ, H, 2021, tr. 78, 96, 182.

2. Ngô Hữu Thảo: Mối quan hệ giữa công tác dân tộc và công tác tôn giáo ở Tây Nguyên, Đề tài Khoa học cấp Bộ, Ủy ban Dân tộc, H, 2004, tr. 105 – 106.

3. Lê Thị Liên: Ảnh hưởng của Công giáo trong phát triển bền vững Tây Nguyên hiện nay, Luận án Tiến sĩ Chủ nghĩa Xã hội Khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, H, 2018, tr. 105 – 106.

4. Ban Tôn giáo Chính phủ: Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác tôn giáo, H, 2014.

5. Lê Văn Hưng: Phát triển bền vững vùng Tây Nguyên hiện nay – Thực trạng và giải pháp, Luận án Tiến sĩ Chính trị học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, H, 2020, tr. 142 – 143.

6. Nguyễn Công Sơn: Về phòng, chống chiến lược “diễn biến hòa bình” ở Tây Nguyên, Tạp chí Quốc phòng Toàn dân, bản online, ra ngày 26 – 6 – 2014, http://tapchiqptd.vn/vi/nghien-cuu-tim-hieu/ve-phong-chong-chien-luoc-dien-bien-hoa-binh-o-tay-nguyen/48821.html

7. Chu Văn Tuấn: Sự biến đổi của tôn giáo ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Nghiên cứu Tôn giáo, số 1 (139), 2015, tr. 30 – 39.

8. Nguyễn Văn Minh: Các hiện tượng tôn giáo mới ở vùng dân tộc thiểu số Tây Nguyên hiện nay, Tạp chí Khoa học Xã hội Việt Nam, số 3 (100), 2016, tr. 69 – 79.

   (Dẫn theo Tạp chí Sinh hoạt lý luận số 03 (184)2022)