Một số vấn đề cần rút kinh nghiệm qua những vụ án bị cấp phúc thẩm hủy án để điều tra lại, xét xử lại
Qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm một số vụ án hình sự của cấp huyện bị hủy án để điều tra lại, xét xử lại do có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng; Trang tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổng hợp trích đăng để bạn đọc tham khảo:..
Một số vấn đề cần rút kinh nghiệm
qua những vụ án bị cấp phúc thẩm hủy án để điều tra lại, xét xử lại
Qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm một số vụ án hình sự của cấp huyện bị hủy án để điều tra lại, xét xử lại do có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng; Trang tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổng hợp trích đăng để bạn đọc tham khảo:
1.Vụ án “Cướp tài sản” và “Hiếp dâm” bị Tòa án nhân dân cấp tỉnh xét xử hủy án để điều tra, xét xử lại
Nội dung vụ án: Khoảng 19 giờ ngày 09/7/2011 trong khi đang uống rượu tại phòng trọ của anh Dương Mạnh H ở thị trần P, Dương Phước T, sinh năm 1986 gọi Hoàng Văn N, sinh ngày 30/9/1994 vào uống rượu nhưng N không vào uống. Bực tức vì chuyện này nên khoảng 21 giờ cùng ngày T rủ Nguyễn Duy H, sinh năm 1983 đi tìm anh N để đánh, khi đi H mang theo một cây kiếm (làm bằng kim loại). Dương Phước T điều khiển mô tô (xe của T) chở H tìm đến phòng trọ của chị Lê Thị T, sinh ngày 05/6/1994 thì thấy chị T và N đang ngồi xem ti vi, cả hai vào đập cửa và dùng kiếm đe dọa yêu cầu mở cửa phòng. Do quá lo sợ nên chị T ra mở cửa còn N trốn vào phòng vệ sinh. Ngay sau khi vào được phòng trọ, T và H xông đến dùng tay, chân đánh anh N, anh N không dám chống trả còn chị T thì quá hoảng sợ nên ngồi ở góc phòng. Một lúc sau T đẩy anh N ra khỏi phòng nên anh N vùng bỏ chạy, H cầm kiếm đuổi theo nhưng không kịp. Khi quay trở lại phòng H phát hiện trên mặt bàn có 01 điện thoại di động liền lấy bỏ vào trong túi quần. Chị T phát hiện nhưng vì sợ nên không dám có phản ứng gì. Lúc này T đang ngồi quay lưng về phía H nên không biết việc. H lấy điện thoại của chị T. Sau khi lấy điện thoại H cầm kiếm đe dọa chị T đồng thời dùng chân đá vào hông chị T, lúc này T nảy sinh ý định muốn giao cấu với chị T nên đe dọa “Thôi chừ em cho anh thỏa mãn đi kẻo không thôi thằng đó chém chết”, không để chị T kịp có phản ứng T đẩy chị T nằm ngửa ra và nằm đè lên người chị T, T hôn vào miệng chị T đồng thời dùng hai tay lần xuống lưng quần của chị T thì bị chị T chống cự quyết liệt, thấy vậy H đế dùng kiếm kề vào cổ chị T và đe dọa “Mi la tao chặt chết”. Quá lo sợ chị T không tiếp tục chống cự lại mà van xin T đuổi H ra ngoài. Trong lúc T đang đẩy H ra ngoài chị T đã vùng dậy chạy thoát ra khỏi phòng nhưng bị vấp ngã, H liền chụp giữ chị T lại. Chị T la kêu cứu thì bị H dùng tay bịt miệng lại, chị T cắn vào tay H và tiếp tục kêu cứu, ngay sau đó một số người dân chạy đến nên T và H bỏ lại hung khí, mũ bảo hiểm, dép và lên xe mô tô bỏ trốn. H mang điện thoại đi bán được 200.000 đồng, sử dụng để tiêu xài hết. Khi đang lẩn trốn thì H bị bắt theo lệnh truy nã. Chị T trong lúc giằng co chống cự đã bị thương nhẹ, tổn hại 01% sức khỏe. Anh N không bị thương tích gì đáng kể và không có yêu cầu xem xét xử lý hình sự đối với T và H về việc gây thương tích cho mình.
Vật chứng vụ án thu giữ 01 cây kiếm làm bằng kim loại màu sáng trắng dài 58,5cm có lưỡi rộng 3,3cm, 01 mũ bảo hiểm xe máy, 01 đôi dép da màu nâu đen, 01 điện thoại di động hiệu Mobell màu đỏ đen. Kết quả định giá chiếc điện thoại có trị giá 170.000 đồng.
Tại phiên tòa sơ thẩm sau khi đọc Cáo trạng Kiểm sát viên đã bổ sung một phần nội dung cáo trạng, truy tố Dương Phước T theo Điểm i Khoản 2, Khoản 4 Điều 111 Bộ luật hình sự do quá trình xét xử phát hiện việc phạm tội lần này của T là tái phạm nguy hiểm. Các quyết định khác của Cáo trạng không thay đổi.
Tại bản án hình sự sơ thẩm ngày 11/5/2012, Tòa án huyện P đã áp dụng Điểm i Khoản 2 và Khoản 4 Điều 111 Bộ luật hình sự, Điều 18, Điểm p Khoản 1 Điều 46, Điều 52 Bộ luật hình sự xử phạt bị cáo Dương Phước T 06 năm tù tội “Hiếp dâm”; Áp dụng Khoản 4 Điều 111; Điều 18; Điểm p Khoản 1 Điều 46; Điều 52 Bộ luật hình sự xử phạt bị cáo Nguyễn Duy H 04 năm tù về tội “Hiếp dâm”; Áp dụng Điểm d Khoản 2 Điều 133; Điểm p Khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự xử phạt Nguyễn Duy H 07 năm tù về tội “Cướp tài sản”. Tổng hợp hình phạt của Hiếu là 11 năm tù.
Về trách nhiệm dân sự: Buộc hai bị cáo phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường cho chị T 05 tháng lương tối thiểu tương ứng số tiền 4.150.000 đồng, theo phần lỗi của mỗi bị cáo là 2.075.000 đồng về khoản thiệt hại do danh dự, nhân phẩm bị xâm hại.
Sau khi xét xử sơ thẩm ngày 4/6/2012 Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh T đã ban hành kháng nghị phúc thẩm số 643 với nội dung: Kháng nghị toàn bộ bản án hình sự sơ thẩm số 11/2012/HSST ngày 11/5/2012 của Tòa án nhân dân huyện H vì việc điều tra, truy tố và xét xử có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh T xét xử vụ án theo thủ tục phúc thẩm, áp dụng Điểm c Khoản 2 Điều 248 và Điều 250 Bộ luật tố tụng hình sự để hủy bản án sơ thẩm để điều tra và xét xử lại.
Ngày 27/8/2012 Tòa án nhân dân tỉnh T đã xét xử phúc thẩm chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát, hủy bản án sơ thẩm trên để điều tra, xét xử lại.
Những vấn đề cần rút kinh nghiệm:
Khi đọc Cáo trạng Kiểm sát viên đã trực tiếp bổ sung một phần Cáo trạng (phần quyết định truy tố) để truy tố bị cáo Dương Phước T thêm một khung hình phạt nặng hơn về tội “Hiếp dâm” đồng thời vẫn giữ nguyên khung hình phạt đã truy tố trước đó. Bộ luật hình sự chỉ quy định việc Kiểm sát viên rút một phần hoặc toàn bộ quyết định truy tố và việc này chỉ thực hiện tại phần thủ tục tranh tụng của phiên tòa (Điều 221 Bộ luật tố tụng hình sự) chứ không có quy định nào cho phép Kiểm sát viên được bổ sung quyết định truy tố tại phiên tòa (Điều 206 Bộ luật tố tụng hình sự cũng chỉ cho phép: trước khi tiến hành xét hỏi Kiểm sát viên đọc bản Cáo trạng và “trình bày ý kiến bổ sung nếu có”). Việc bổ sung quyết định truy tố như trên đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, làm xấu đi tình trạng của bị cáo, không đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo.
Bị hại Lê Thị T, sinh ngày 05/6/1994 là người chưa thành niên (tính đến thời điểm xét xử sơ thẩm) nhưng khi xét xử sơ thẩm không có đại diện hợp pháp của bị hại để họ thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trong quá trình tố tụng là vi phạm Điều 51 Bộ luật tố tụng hình sự và các Điều 13, 14, 15 Thông tư liên tịch số 01/2011/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BLĐTBXH ngày 12/7/2011 hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự đối với người tham gia tố tụng là người chưa thành niên. Vi phạm của cấp sơ thẩm đã xâm hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng. Vi phạm này của cấp sơ thẩm không thể cải sửa án ở cấp phúc thẩm để khắc phục, sửa chữa mà cần phải xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm có như vậy mới đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại chưa thành niên và người đại diện hợp pháp của họ theo quy định của pháp luật.
Tại quyết định đưa vụ án ra xét xử có đưa ông Lê Viết K, sinh năm 1956 là bố của bị hại Lê Thị T tham gia tố tụng với tư cách người làm chứng là không đúng vì ông K không biết tình tiết nào liên quan đến vụ án. Trong vụ án này ông K chỉ có thể tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện hợp pháp cho bị hại. Thực tế tại phiên tòa ông K có tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng, Hội đồng xét xử có tiến hành thẩm vấn ông K (có thể hiện tại Biên bản phiên tòa) nhưng tại bản án sơ thẩm không có tên ông K trong danh sách những người tham gia tố tụng là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, không phản ánh chính xác diễn biến phiên tòa.
Cấp sơ thẩm xác định anh Hoàng Văn N tham gia tố tụng với tư cách là bị hại là không đúng. Trong vụ án này anh N tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án.
Tại phiên tòa sơ thẩm cả 2 bị cáo trình bày việc mình chưa nhận được quyết định đưa vụ án ra xét xử, Hội đồng xét xử cho rằng quyết định đưa vụ án ra xét xử đã được tống đạt cho bị cáo nhưng không đưa ra được tài liệu, chứng cứ nào chứng minh các bị cáo đã nhận được các quyết định đó. Mặc dù tại phiên tòa Hội đồng xét xử có hỏi các bị cáo về việc có đồng ý để Tòa án tiến hành xét xử vụ án hay không và các bị cáo có yêu cầu hoãn phiên tòa (Nghị quyết số 04/2001/NQ-HĐTP ngày 05/11/2011 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao).Nhưng với những thiếu sót, vi phạm trong việc ban hành bản Cáo trạng và việc xác định tư cách người tham gia tố tụng như đã nêu trên lẽ ra trong trường hợp này cần phải đề nghị Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa để có những sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với các quy định của pháp luật, đồng thời bảo đảm việc thực hiện đúng các quy định của Điều 182 Bộ luật tố tụng hình sự.
2. Vụ án Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ bị Tòa án nhân dân cấp tỉnh hủy để điều tra lại
Nội dung vụ án:
Khoảng 5 giờ 40 ngày 22/5/2011 Nguyễn Hữu N điều khiển xe ô tô tải Biển kiểm soát 57H-9262 lưu hành trên Quốc lộ 1A theo hướng Bắc –Nam; khi đi đến Km 1329+200 thuộc địa phận xã Hòa Kiến, thành phố Tuy Hòa, N phát hiện phía trước có xe ô tô khách BKS 53S-4415 do Nguyễn Tuấn P điều khiển chở 15 hành khách đi ngược chiều, chạy lấn sang đường bên trái theo hướng lưu hành. Thấy vậy N điều khiển xe lấn sang phần đường bên trái theo hướng lưu hành thì P điều khiển xe ô tô trở lại phần đường bên phải dẫn đến hai xe va chạm với nhau, xe ô tô tải đẩy xe ô tô khách đi một đoạn 06m40. Hậu quả: Huỳnh Thị Q chết do chấn thương sọ não; lái xe khách bị thương 85% điều trị đến 22/9/2011 thì chết do suy kiệt đa chấn thương; Nguyễn Văn T bị thương tích 06%; Bùi Minh N bị thương tích 02%; Nguyễn Lê Hoàng P bị thương tích 09%; Nguyễn Văn T và Nguyễn Thị G bị thương tích 13%; Nguyễn Thị H bị thương tích 01%; Võ Hữu C bị thương tích 03%; Võ Văn B bị thương tích 12%; xe ô tô 57H -9262 bị thiệt hại 41.150.000 đồng; xe ô tô 53S-4415 bị thiệt hại 297.100.000 đồng.
Cáo trạng số 11 ngày 30/12/2011 của Viện kiểm sát nhân dân thành phố T đã truy tố bị can Nguyễn Hữu N về tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo Khoản 3 Điều 202 Bộ luật hình sự “Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng: 02 người chết, 08 người bị thương với tổng tỷ lệ thương tích là 59% và thiệt hại về tại sản 338.250.000 đồng.
Bản án sơ thẩm số 42 ngày 14/5/2012 của Tòa án nhân dân thành phố T áp dụng khoản 3 Điều 202, Điểm b, p Khoản 1, Khoản 2 Điều 46, Điều 47 Bộ luật hình sự xử phạt Nguyễn Hữu N 03 năm tù về tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ
Về phần trách nhiệm dân sự: Buộc bà Trần Thị Thanh B (chủ xe 57H-9262) và ông Nguyễn Văn H (chủ xe 53S-4415) bồi thường cho những người bị hại tổng cộng 271.983.830 đồng, trong đó bà B phải bồi thường 109.063.532 đồng, ông H phải bồi thường 162.920.298 đồng. Buộc bà B bồi thường cho ông H thiệt hại về tài sản 94.150.000 đồng. Công ty cổ phần bảo hiểm Bảo Long bồi hoàn cho ông Nguyễn Văn H 283.017.178 đồng. Công ty cổ phần bảo hiểm Petrolimex bồi hoàn cho bà Trần Thị Thanh B 103.378.118 đồng. Về án phí dân sự sơ thẩm: Bà B phải nộp 10.138.176 đồng, ông H phải nộp 6.482.940 đồng, Công ty cổ phần bảo hiểm Bảo Long nộp 14.150.858 đồng; Công ty cổ phần bảo hiểm Petrolimex phải nộp 5.168.905 đồng.
Trong thời hạn luật định bị cáo Nguyễn Hữu N kháng cáo kêu oan, sau đó thay đổi phần kháng cáo xin hưởng án treo. Đại diện hợp pháp của bị hại Nguyễn Tấn P là bà Nguyễn Thị Thu N (vợ bị hại) kháng cáo yêu cầu tăng hình phạt đối với bị cáo và tăng bồi thường dân sự. Bị đơn dân sự (bà Trần Thị Thanh B) ủy quyền cho ông Nguyễn Hữu H kháng cáo đề nghị xem xét lại tỷ lệ lỗi của Nguyễn Tấn P trong vụ án và mức trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Bị đơn dân sự ông Nguyễn Văn H kháng cáo đề nghị xem xét lại phần trách nhiệm dân sự. Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (Công ty cổ phần bảo hiểm Bảo Long) kháng cáo đề nghị xem xét lại phần trách nhiệm dân sự, án phí dân sự sơ thẩm.
Ngày 21/8/2012 Tòa án nhân dân tỉnh P xét xử phúc thẩm hủy toàn bộ bản án hình sự sơ thẩm số 42 ngày 14/5/2012 của Tòa án nhân dân thành phố T để điều tra lại.
Những vấn đề cần rút kinh nghiệm:
Căn cứ vào các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đủ cơ sở kết luận cấp sơ thẩm đã truy tố, xét xử đối với bị cáo Nguyễn Hữu N về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo quy định tại Khoản 3 Điều 202 Bộ luật hình sự là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Tuy nhiên trong quá trình giải quyết vụ án, cấp sơ thẩm có nhiều vi phạm, thiếu sót cụ thể như sau:
– Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân thành phố T truy tố bị can Nguyễn Hữu N về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo quy định tại Khoản 3 Điều 202 Bộ luật hình sự với hậu quả làm chết 2 người và 8 người bị thương với tổng tỷ lệ thương tích là 59% và thiệt hại về tài sản là 338.250.000 đồng. Tại phiên tòa Kiểm sát viên đã rút một phần quyết định truy tố, kết luận bị cáo gây hậu quả làm chết 1 người (bà Huỳnh Thị Q) và 9 người bị thương với tổng tỷ lệ thương tích 144% trong đó anh P bị thương tích với tỷ lệ 85%, gậy thiệt hại về tài sản 338.250.000 đồng.
Xét thấy: tại bản giám định pháp y số 360 ngày 5/9/2011 của Trung tâm giám định pháp y tỉnh Phú Yên kết luận thương tích của Nguyễn Tuấn P là 85%. Sau khi anh P chết, bản giám định pháp y số 212 ngày 24/10/2011 của Trung tâm giám định pháp y tỉnh P kết luận: nạn nhân chết do suy kiệt vì đa chấn thương nặng/lao phổi. Tại phiên tòa phúc thẩm bà Nguyễn Thị Thu N (vợ P) khai: trước khi bị tại nạn anh P khỏe mạnh không bị lao phổi và chưa bao giờ phải điều trị lao phổi. Sau khi bị tai nạn anh P bị bất tỉnh hôn mê đến khi chết. Ông Nguyễn Văn H là người thuê anh P lái xe cũng khai không thấy anh P bị lao phổi, điều trị lao phổi; trên thực tế trước khi xảy ra tai nạn anh P đủ sức khỏe điều kiện để điều khiển xe ô tô khách chạy đường dài trong nhiều giờ liền. Như vậy trong vụ án này cấp sơ thẩm chưa điều tra làm rõ: trước khi bị tai nạn anh P có bị lao phổi hay không, nếu có thì tình trạng bệnh ở mức độ nào; nếu không bị thương tích 85% do tai nạn giao thông thì bệnh lao phổi có thể dẫn đến cái chết của anh P không? Nếu anh P không bị lao phổi thì tại sao bản giám định pháp y lại xác định anh P bị lao phổi? Với thương tích của anh P sau khi bị tai nạn giao thông có thể dẫn đến chết hay không? Bản giám định pháp y kết luận anh P chết do suy kiệt vì đa chấn thương nặng/lao phổi, không xác định rõ nguyên nhân chết của anh P do nguyên nhân nào là chính. Việc xác định chính xác anh P chết do tai nạn giao thông hay do lao phổi có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xác định trách nhiệm hình sự đối với bị cáo, đảm bảo việc giải quyết bồi thường dân sự đúng pháp luật.
– Về tư cách tham gia tố tụng của bà Nguyễn Thị Thu N: Trong vụ án này anh P đã điều khiển xe ô tô khách nhưng không chấp hành nghiêm chỉnh Luật giao thông đường bộ, đi lấn phần đường của xe ngược chiều là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tai nạn giao thông. Với mức độ lỗi như cấp sơ thẩm đã xác định, nếu không chết thì anh P phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Do anh P đã chết nên không thể xem xét trách nhiệm hình sự nhưng phải xem xét về trách nhiệm dân sự. Vì vậy anh P không phải là bị hại trong vụ án mà chỉ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Cấp sơ thẩm xác định anh P là người bị hại và bà Nguyễn Thị Thu N (vợ P) là đại diện hợp pháp của bị hại là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Từ đó dẫn đến việc xác định và giải quyết không đúng về quyền và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng.
– Sau khi xảy ra tai nạn Nguyễn Hữu N đã bồi thường 22 triệu cho những người bị hại nhưng bản án sơ thẩm lại nhận định đây là khoản tiền bị cáo đã hỗ trợ các bị hại, từ đó không trừ vào trách nhiệm bồi thường của bị đơn dân sự. Thế nhưng bản án sơ thẩm lại áp dụng tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự đối với bị cáo là không đúng.
– Anh P là người lái xe thuê cho bị đơn dân sự Nguyễn Văn H, lại là người có lỗi trong vụ tai nạn giao thông nhưng bản án sơ thẩm tuyên buộc ông H phải bồi thường thiệt hại cho đại diện hợp pháp của anh P 53.003.122 đồng là không đúng.
Bản án sơ thẩm xác định ông Nguyễn Văn X là đại diện cho những thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bà Huỳnh Thị Q; bà Nguyễn Thị Thu N là đại diện cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của anh Nguyễn Tuấn P nhưng trong phần quyết định cùa bản án sơ thẩm lại tuyên buộc các bị đơn dân sự bồi thường cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bà Q và anh P mà không tuyên bồi thường cho ông X bà N là thiếu sót, gây khó khăn cho công tác thi hành án.
– Về án phí dân sự sơ thẩm: Bản án sơ thẩm tuyên buộc các bị đơn dân sự Trần Thị Thanh B và Nguyễn Văn H phải bồi thường cho các bị hại, trên cơ sở đó buộc các bị đơn dân sự phải chịu án phí dân sự trên số tiền phải bồi thường. Sau đó buộc Công ty cổ phần bảo hiểm Bảo Long, Công ty cổ phần bảo hiểm Petrolimex bồi hoàn cho ông bà B và ông H và tuyên các Công ty này phải chịu án phí dân sự sơ thẩm trên số tiền phải bồi hoàn là không đúng quy định của Điểm b Khoản 1 Điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án.