Một số trao đổi để xác định đối tượng vi phạm hành chính là “Tổ chức”
Một số trao đổi để xác định đối tượng vi phạm hành chính là “Tổ chức”
Điều 2 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định như sau: “Xử phạt vi phạm hành chính là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính”. Mặt khác, theo điểm d khoản 1 Điều 3 Luật xử lý vi phạm hành chính thì chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định.
Như vậy, về nguyên tắc, đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính phải là những người thực hiện hành vi vi phạm hành chính. Người không thực hiện hành vi vi phạm hành chính không thể là đối tượng bị xử phạt. Trong trường hợp này, đối tượng bị xử phạt được ghi trong Biên bản vi phạm hành chính và Quyết định xử phạt vi phạm hành chính là người có hành vi vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định
Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 thì “tổ chức” là cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang Nhân dân và tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật. Đây là một khái niệm tương đối rộng về tổ chức, ở từng lĩnh vực của đời sống xã hội, việc qui định “tổ chức” hay “cá nhân” là đối tượng vi phạm hành chính do Chính phủ qui định cụ thể tại từng Nghị định xử phạt vi phạm hành chính ở từng lĩnh vực. Mục đích của việc qui định này cũng chính là thực hiện nguyên tắc về xử phạt vi phạm hành chính đối với cùng một hành vi vi phạm thì mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền của cá nhân. Tuy nhiên thực tế vẫn còn phát sinh những trường hợp mà việc xác định đối tượng vi phạm hành chính là “tổ chức” hay “cá nhân” lại tuỳ thuộc vào sự “nhận định” của người lập biên bản vi phạm hành chính hoặc người có thẩm quyền xử phạt mà bỏ qua “qui định” của pháp luật.
Tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải thoả mãn hai điều kiện, thứ nhất phải là pháp nhân theo quy định của pháp luật dân sự hoặc tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật; thứ hai là hành vi vi phạm hành chính do người đại diện, người được giao nhiệm vụ nhân danh tổ chức hoặc người thực hiện hành vi theo sự chỉ đạo, điều hành, phân công, chấp thuận của tổ chức và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính. Như vậy ở điều kiện thứ nhất, tổ chức phải là pháp nhân hoặc được thành lập theo quy định của pháp luật, phân tích trường hợp này, chúng ta thấy “tổ chức” là pháp nhân thì phải thoả mãn bốn điều kiện, đó là: (1) Được thành lập theo quy định của Bộ luật Dân sự, luật khác có liên quan; (2) Có cơ cấu tổ chức theo quy định; (3) Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình; (4) Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập. Ở vế thứ hai của điều kiện này “hoặc được thành lập theo quy định của pháp luật”, có thể hiểu “tổ chức” đó không phải là pháp nhân (như doanh nghiệp tư nhân, văn phòng đại diện, chi nhánh, địa điểm kinh doanh) nhưng được thành lập theo quy định của pháp luật thì được xem là “tổ chức”. Ở điều kiện thứ hai, là hành vi vi phạm hành chính phải do người đại diện, người được giao nhiệm vụ nhân danh tổ chức hoặc người làm theo sự chỉ đạo, điều hành, phân công, chấp thuận của tổ chức đó. Khi thoả mãn hai điều kiện này, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính mới tiến hành xử phạt đối với “tổ chức” khi vi phạm hành chính mà hành vi vi phạm được pháp luật quy định.
Mục đích của việc xác định “tổ chức” hay “cá nhân” vi phạm hành chính xét cho cùng chính là việc áp dụng qui định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính phải đảm bảo chính xác, khách quan, đúng hành vi và xử lý đúng đối tượng vi phạm hành chính. Ở nhiều tình huống, việc xác định đối tượng vi phạm hành chính không phải là điều dễ dàng, đôi khi phải thực hiện nhiều biện pháp, xác minh nhiều nội dung và cần phải có thời gian mới có thể xác định được đó là “tổ chức” hay “cá nhân” vi phạm hành chính, nhưng không phải vì thế mà người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính bỏ qua các qui định mang tính bắt buộc này.