Một số suy nghĩ về phương pháp, tác phong công tác của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt trong các cơ quan, đơn vị Trung ương theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh – Tin tức, đọc báo

09/05/2019 |6583

Chúng ta đang đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong đó, phong cách, tác phong công tác Hồ Chí Minh là cả một khoa học mà mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn trau dồi, rèn luyện và noi theo. Nêu cao tính tiên phong, gương mẫu, dám nghĩ, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, trước hết là người đứng đầu trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương là một trong những yêu cầu, nhiệm vụ, đòi hỏi của thực tiễn trong tình hình hiện nay.

 

Ảnh: Thường trực Đảng ủy Khối làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

Một trong những quan điểm của Đảng được nêu trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ đó là: “Chuẩn hoá, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với xây dựng thể chế, tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đổi mới, phát huy sáng tạo và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung” cho thấy sự cần thiết phải có những đột phá để bứt phá, và để có đột phá phải có cán bộ dám đột phá, dám làm, dám chịu – mấu chốt là phương pháp, tác phong công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên ở các cơ quan Trung ương có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước và hiệu quả hoạt động của bộ máy công quyền. Có câu “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, đây là “chân lý” được rút ra từ thực tiễn cuộc sống, nói lên ý thức, trách nhiệm, sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Cả lý luận và thực tiễn đã chứng minh rằng, khi sự gương mẫu trở thành đạo đức trong mỗi cán bộ, đảng viên; mỗi hành động, mỗi lời nói đều thể hiện bản chất tốt đẹp của người đảng viên cộng sản, sẽ có sức cuốn hút, tạo được niềm tin của nhân dân đối với Đảng.Phương pháp, tác phong công tác là một yếu tố đặc biệt quan trọng cấu thành phẩm chất, năng lực của người cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt trong mỗi cơ quan, đơn vị của cả hệ thống chính trị; là những phương pháp, cách thức, biện pháp, tác phong, lề lối làm việc để vận dụng các kiến thức, tri thức khoa học vào quá trình lãnh đạo, quản lý, điều hành cơ quan, tổ chức. Phương pháp, tác phong công tác giúp cho người cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao, góp phần vào việc hoàn thành chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức.

Phương pháp, phong cách công tác tạo nên nét riêng của người cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt; có ý nghĩa quyết định trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả làm việc của bản thân và tổ chức do họ đứng đầu. Người cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt có mối quan hệ hữu cơ với tập thể trong một thể thống nhất của tổ chức bộ máy nhưng là người đứng đầu, có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả tổ chức và vận hành của bộ máy, đặc biệt là trong những bước ngoặt của tổ chức, của cách mạng. Đổi mới phong cách công tác của người cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt, trước tiên là thực hiện các nguyên tắc trong lãnh đạo, quản lý, thực hiện tốt chế độ lãnh đạo tập thể đi đôi với phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo và trách nhiệm cá nhân, nhất là trách nhiệm người đứng đầu.Phong cách công tác của cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt có ảnh hưởng lớn đến phong cách, phương pháp, tác phong công tác của các thành viên trong tổ chức. Người cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt có phong cách làm việc tốt sẽ tạo nên một “phong trào” mang tính xã hội cao, một “điểm tựa”, một “đầu tàu”, một tấm gương để các thành viên trong tập thể học tập và làm theo. Đổi mới phong cách công tác của cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt là cơ sở, điều kiện tiên quyết cho việc đổi mới phương pháp, tác phong, lề lối làm việc của tập thể tổ chức, cơ quan Đảng, Nhà nước.

Bàn về phương pháp, phong cách Hồ Chí Minh trong công tác cán bộ có thể thấy, Người là thiên tài trong việc “dụng nhân”. Người từng nói “muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Theo Người: “Lãnh đạo khéo, tài nhỏ có thể hóa ra tài to. Lãnh đạo không khéo, tài to cũng hóa ra tài nhỏ”. “Người đời ai cũng có chỗ hay, chỗ dở. Ta phải dùng chỗ hay của người và giúp người chữa chỗ dở. Dùng người cũng như dùng gỗ. Người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng, cong đều tùy chỗ mà dùng được”. “Thường chúng ta không biết tùy tài mà dùng người. Thí dụ: thợ rèn thì bảo đi đóng tủ, thợ mộc thì bảo đi rèn dao”. “Cất nhắc cán bộ, phải vì công tác, tài năng, vì cổ động cho đồng chí khác thêm hăng hái. Như thế công việc nhất định chạy”, “Nếu vì lòng yêu ghét, vì thân thích, vì nể nang, nhất định không ai phục, mà gây nên mối lôi thôi trong Ðảng. Như thế là có tội với Ðảng, có tội với đồng bào”.

Quan điểm và phương pháp đánh giá, sử dụng cán bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đầy tính nhân văn. Người vừa tin yêu, vừa nghiêm khắc, vừa độ lượng đối với cán bộ. Người nhấn mạnh cần phải tạo ra môi trường “khiến cho cán bộ cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến”, “có gan phụ trách, có gan làm việc”; “Khi đã trao cho họ phải hoàn toàn tin họ. Không nên sớm ra lệnh này, trưa đổi lệnh khác”. Ðảng phải thương yêu cán bộ nhưng thương yêu không phải là vỗ về, nuông chiều, phó mặc, mà “thương yêu là giúp họ học tập thêm, tiến bộ thêm”, là “hễ thấy khuyết điểm là giúp họ sửa chữa ngay để vun trồng cái thói có gan phụ trách, cả gan làm việc của họ”…

          Trong tình hình hiện nay, để góp phần nâng cao chất lượng công tác cán bộ; triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 7 về công tác cán bộ gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các cấp ủy, tổ chức đảng cần nghiên cứu, xem xét để trau dồi, rèn luyện, bồi dưỡng phương pháp, phong cách công tác của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộlãnh đạo, quản lý chủ chốt theo hướng:

– Thống nhất lý luận với thực tiễn, nói đi đôi với làm. Điều này cho thấy, người cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt phải có một hệ thống kiến thức lý luận cần thiết, có năng lực tư duy khoa học, làm chủ tri thức, khoa học hiện đại, nhất là kiến thức về lý luận cơ bản, chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức liên ngành, kiến thức về khoa học xã hội, nhân văn, pháp luật, ngoại ngữ, tin học… Đồng thời, phải có kỹ năng hoạt động thực tiễn, năng lực vận dụng những tri thức khoa học vào lãnh đạo, tổ chức thực hiện; phân tích, soi sáng thực tiễn, xây dựng các giải pháp để cải tạo thực tiễn. Thông qua thực tiễn công tác, đúc rút kinh nghiệm, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện kiến thức, năng lực lãnh đạo, quản lý của mình. Đó là sự thống nhất biện chứng giữa nhận thức, trình độ học vấn, kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ với năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, tổ chức thực hiện, nói đi đôi với làm. Người cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt phải quán triệt quan điểm thực tiễn trong tư duy và hoạt động. Phải lấy chất lượng, hiệu quả hoàn thành chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị làm thước đo phẩm chất, năng lực và kết quả công tác của người cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt.

– Khoa học, chuyên nghiệp, hiện đại. Người cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt phải làm việc có kế hoạch theo tiến trình công việc được sắp xếp ngăn nắp, hợp lý, chặt chẽ, cụ thể, rõ ràng; coi trọng tính thiết thực và hiệu quả; có kỹ năng và phương pháp lãnh đạo, quản lý; có khả năng dự liệu được tiến trình phát triển và kết quả của công việc. Khi xây dựng kế hoạch phải có sự điều tra, nghiên cứu, đánh giá đúng đặc điểm tình hình, yêu cầu nội dung công việc, có trọng tâm, trọng điểm rõ ràng; cân nhắc, xem xét kỹ các điều kiện, khả năng về nhân lực, vật lực bảo đảm tính khả thi cao. Người cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt phải đề cao ý thức tổ chức kỷ luật, tôn trọng pháp luật, sống và làm việc theo pháp luật; luôn ghép mình vào tổ chức, kỷ luật, chấp hành tốt đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, kỷ cương, nội quy của cơ quan, đơn vị; xây dựng và thực hiện nếp sống, làm việc chính quy, văn minh; làm chủ các phương tiện kỹ thuật hiện đại trong việc ứng dụng vào hoạt động lãnh đạo, quản lý.

– Dân chủ, tôn trọng tập thể. Cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt phải coi trọng dân chủ, tôn trọng các quyết định của tập thể; ý kiến của tập thể, số đông phải là ý kiến quyết định chứ không phải là ý kiến tham khảo; biết lắng nghe, tiếp thu những ý kiến, sáng kiến của đồng nghiệp, của tập thể cơ quan, đơn vị. Giải quyết tốt mối quan hệ hữu cơ giữa cấp ủy với tập thể lãnh đạo; giữa tập thể lãnh đạo với đề cao và phát huy vai trò của cá nhân người chủ trì; có phương pháp, tác phong công tác mang tính dân chủ, tôn trọng tập thể, tôn trọng quần chúng nhân dân, loại trừ phong cách công tác theo kiểu áp đặt mệnh lệnh hành chính cứng nhắc, máy móc, quan liêu, độc đoán chuyên quyền, chủ quan duy ý chí, xa dân, dân chủ hình thức hoặc dân chủ cực đoan, tuỳ tiện, tự do vô ý thức tổ chức kỷ luật. Sức mạnh và trí tuệ của cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt được nhân lên và phát triển từ sự làm việc có tính tổ chức, tôn trọng tập thể. Kết quả hoàn thành chức trách, nhiệm vụ của cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt luôn gắn liền với kết quả hoàn thành chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị do mình phụ trách.

– Tự chủ, năng động, sáng tạo, có tính quyết đoán và tinh thần trách nhiệm cao. Cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt mỗi cơ quan, đơn vị phải có năng lực ra quyết định đúng đắn, kịp thời trong việc đề ra chủ trương, chính sách và lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn. Có khả năng làm việc độc lập, tự chủ, năng động, sáng tạo, nhạy bén, dám nghĩ, dám đề xuất chủ trương, sáng kiến, dám quyết đoán, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước tập thể về các quyết định và việc làm của mình, nhất là trong những tình huống khó khăn, phức tạp. Không thụ động, trông chờ, ỷ lại vào tập thể, vào cấp trên. Không chấp hành các nghị quyết, quyết định, chỉ thị một cách máy móc, cứng nhắc, giáo điều, mà phải sáng tạo, linh hoạt cho phù hợp với tính chất, đặc điểm, yêu cầu, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

– Sâu sát công việc, có kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Người cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt khi giao và nhận nhiệm vụ phải cụ thể, rõ ràng từng loại việc, đến từng tổ chức, từng người theo đúng chức năng, nhiệm vụ của cá nhân và tổ chức; phải sâu sát công việc, sâu sát cơ quan, đơn vị. Kiểm tra, giám sát, đánh giá đúng, nắm chắc đặc điểm tình hình, yêu cầu nhiệm vụ, tâm tư, nguyện vọng, phẩm chất, năng lực của cán bộ, nhân viên thuộc quyền; tiến độ, kế hoạch chất lượng, hiệu quả công việc. Phong cách công tác này của cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt phải được thể hiện ở tất cả các khâu, các bước của quy trình lãnh đạo, quản lý.

– Giản dị, khiêm tốn, gắn bó mật thiết với đồng nghiệp, với quần chúng. Cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt phải gắn bó, tin yêu, tôn trọng, quan tâm đến đồng nghiệp, quần chúng; thông qua hoạt động thực tiễn trong phong trào quần chúng để rèn luyện và trưởng thành. Cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt vừa là người lãnh đạo cơ quan, đơn vị, quy tụ và phát huy sức mạnh của tập thể, của quần chúng, vừa học hỏi làm giàu tri thức và năng lực lãnh đạo, chỉ đạo từ tập thể, từ quần chúng; biết lắng nghe và tiếp thu những ý kiến, sáng kiến của tập thể, của quần chúng; nắm bắt và giải quyết kịp thời tâm tư, nguyện vọng của đồng nghiệp, của quần chúng bằng những chủ trương, biện pháp đúng đắn, sát hợp./.

Phạm Anh Thiện

(Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối)