Một số số khó khăn, vướng mắc về công tác phát hiện, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường

Một số số khó khăn, vướng mắc về công tác phát hiện, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường

Thời gian qua, việc vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường xảy ra ngày càng nhiều trên địa bàn toàn tỉnh với tính chất, mức độ tinh vi và hậu quả nghiêm trọng hơn; các tổ chức, cá nhân vi phạm có nhiều thủ đoạn đối phó, chống đối. Công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm ngày càng đòi hỏi tính kịp thời, chính xác và chất lượng ngày càng cao trong khi đó biên chế công chức làm công tác thanh tra còn thiếu. Khối lượng công việc chuyên môn rất lớn, phạm vi rộng, địa bàn rộng, áp lực nhiều nhưng biên chế không tăng dẫn đến quá tải về công việc, chưa tiến tiền hành công tác thanh tra được nhiều để kịp thời phát hiện, chẩn chỉnh, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm. Quá trình thực hiện còn có các khó khăn, vướng mắc như sau:

1) Khó khăn, vướng mắc xuất phát từ các quy định của pháp luật

Về các quy định của Luật Thanh tra năm 2010: Luật quy định giao chức năng thanh tra chuyên ngành cho một số đơn vị, nhưng không thành lập tổ chức thanh tra trong các đơn vị này làm giảm chất lượng và hiệu quả hoạt động thanh tra chuyên ngành. Ngoài ra cũng làm phát sinh rất nhiều vấn đề liên quan đến chế độ, biên chế; hoạt động thanh tra chuyên ngành còn bị ràng buộc bởi nhiều thủ tục hành chính theo quy định của Luật Thanh tra, như: phải có quyết định thanh tra, thông báo trước lịch làm việc cho đối tượng thanh tra, làm việc trong giờ hành chính làm hạn chế việc phát hiện các vi phạm hành chính.

Về các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính: Khoản 3 Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính, thời hạn tạm giữ tang vật để xác định giá trị không quá 24 giờ, kể từ thời điểm ra quyết định tạm giữ, trong trường hợp cần thiết có thể kéo dài thêm nhưng tối đa không quá 24 giờ, như vậy thời điểm giữ tang vật vi phạm hành chính tối đa không quá 48 giờ, vì vậy khi áp dụng quy định này trên thực tế gặp rất nhiều khó khăn vì thời gian tạm giữ ngắn (48 giờ), trong khi đó phải thành lập Hội đồng định giá để xác định giá trị tang vật vi phạm hành chính, Hội đồng thẩm định giá liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị và thực hiện nhiều thủ tục hành chính nên khó khăn cho cơ quan thẩm quyền xử phạt. Bên cạnh đó, các quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường quy định mức xử phạt vi phạm hành chính bằng tiền là khá cao nên việc thi hành quyết định, nộp tiền phạt cũng gặp nhiều khó khăn, kéo dài thời gian thực hiện.

2) Khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành 

Trong thời gian qua, việc vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường xảy ra ngày càng nhiều trên địa bàn toàn tỉnh với tính chất, mức độ tinh vi và hậu quả nghiêm trọng hơn; các tổ chức, cá nhân vi phạm có nhiều thủ đoạn đối phó, chống đối. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm ngày càng đòi hỏi tính kịp thời, chính xác và chất lượng ngày càng cao trong khi đó biên chế công chức làm công tác thanh tra còn thiếu. Khối lượng công việc chuyên môn rất lớn, phạm vi rộng, áp lực nhiều nhưng biên chế không tăng dẫn đến quá tải về công việc.

Trong hoạt động thanh tra, kiểm tra về tài nguyên và môi trường hiện nay còn thiếu các tài liệu hướng dẫn (chưa có quy trình, thủ tục kiểm tra), quy trình hướng dẫn kỹ thuật thanh tra chuyên ngành cho các đối tượng, ngành nghề khác nhau; thiếu dữ liệu môi trường nền và chưa có cơ sở dữ liệu về đối tượng thanh tra phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường; biện pháp khắc phục hậu quả buộc trả lại nguyên trạng ban đầu của đất gặp rấ khó khăn do chưa có dữ liệu về đất ddai trức khi vi phạm, mục đích sử dụng đất trường hợp không có Giấy chứng nhận hoặc giấy tờ về quyền sử dụng đất, thời hiệu phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai chưa phù hợp với quy định về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do đó, trên thực tế công tác thanh tra, kiểm tra còn gặp nhiều khó khăn, làm giảm hiệu quả của công tác thi hành xử lý vi phạm hành chính.

Trong quá trình triển khai thực hiện các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, còn có một số khó khăn, vướng mắc sau: Các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật sau khi bị xử phạt vi phạm hành chính đã cố tình không chấp hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trong khi đó Luật Xử lý vi phạm hành chính đã có các biện pháp cưỡng chế thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng chưa đủ sức răn đe.

 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định thẩm quyền xử phạt của người có thẩm quyền còn thấp, dẫn tới nhiều vụ việc phải chuyển lên người có thẩm quyền cấp trên để ra quyết định xử phạt dẫn tới quá thời hạn ban hành quyết định do phải luân chuyển hồ sơ. Luật số 67/2020/QH14 đã sửa đổi quy định về thẩm quyền xử phạt của một số chức danh theo hướng tăng thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, ví dụ: Tăng thẩm quyền phạt tiền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện (điểm b khoản 2 Điều 38) và Giám đốc Công an cấp tỉnh (điểm b khoản 5 Điều 39) từ 50.000.000 đồng lên 100.000.000 đồng.

Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì thẩm quyền tịch thu tang vật của người có thẩm quyền còn thấp và bị giới hạn không được vượt mức tiền phạt tối đa. Ví dụ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện thì chỉ được tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính không vượt quá 50.000.000 đồng (cá nhân). Làm cho rất nhiều trường hợp mặc dù mức xử phạt rất thấp nhưng do có hình thức tịch thu tang vật nên phải chuyển hồ sơ để Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định. Luật số 67/2020/QH14 đã sửa đổi quy định theo hướng tăng thẩm quyền tịch thu tang vật, cụ thể như: Chủ tịch UBND cấp xã có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện có giá trị không vượt quá 02 lần mức tiền phạt theo thẩm quyền (điểm c khoản 1 Điều 38); Chủ tịch UBND cấp huyện không bị giới hạn thẩm quyền tịch thu tang vật phương tiện (điểm d khoản 2 Điều 38)…

 Nội dung giao quyền xử phạt theo Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 chưa thực sự rõ ràng dẫn đến nhiều vướng mắc. Ví dụ, Chủ tịch UBND đã giao quyền cho cấp phó thì trong thời gian giao quyền, Chủ tịch UBND có được quyền xử phạt nữa hay không? Việc giao quyền xử phạt có đồng thời với việc giao quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính hay không? Luật số 67/2020/QH14 đã có quy định tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cụ thể: Việc giao quyền xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện thường xuyên hoặc theo vụ việc, đồng thời với việc giao quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính (Điều 54); Trong thời gian giao quyền, những người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định vẫn có thẩm quyền xử phạt, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính.

Nguồn: Mai Huy Viện, Thanh tra viên Sở Tài nguyên và Môi trường