MỘT SỐ QUY ĐỊNH MỚI VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ HÓA ĐƠN ÁP DỤNG TỪ NĂM 2022

Ngày 16/11/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 102/2021/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 01/01/2022), sửa đổi, bổ sung nhiều quy định liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn tại Nghị định số 125/2020/NĐ-CP. 

=> Xem thêm: Hóa đơn điện tử – những quy định mới nhất trong Thông tư số 78/2021/TT-BTC

Cụ thể như sau:

Thứ nhất, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn là 02 năm (Tại Nghị định số 125/2020/NĐ-CP quy định thời hiệu là 01 năm).

Thứ hai, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi cho, bán hóa đơn; trừ hành vi cho, bán hóa đơn đặt in chưa phát hành; cho, bán hóa đơn đặt in của khách hàng đặt in hóa đơn cho tổ chức, cá nhân khác (Tại Nghị định số 125/2020/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi cho, bán hóa đơn mua của cơ quan thuế nhưng chưa lập).

Thứ ba, phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi lập hóa đơn không ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc trên hóa đơn theo quy định (Tại Nghị định số 125/2020/NĐ-CP chưa có quy định này).

Thứ tư, phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập nhưng chưa khai thuế (Tại Nghị định số 125/2020/NĐ-CP chưa có quy định này). Và các bên liên quan phải lập biên bản ghi nhận việc mất, cháy, hỏng hóa đơn.

Thứ năm, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập, đã khai thuế (Tại Nghị định số 125/2020/NĐ-CP có quy định đối với hoá đơn đã lập, đã khai, nộp thuế) trong quá trình sử dụng hoặc trong thời gian lưu trữ, trừ các trường hợp theo quy định của pháp luật.

Thứ sáu, không tính tiền chậm nộp tiền phạt trong thời gian xem xét, quyết định giảm, miễn tiền phạt (Tại Nghị định số 125/2020/NĐ-CP chỉ quy định “Trong thời gian xem xét, quyết định miễn tiền phạt”).

Thứ bảy, Điều 43 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP chỉ quy định về việc miễn tiền phạt vi phạm hành chính về hóa đơn, tuy nhiên tại Nghị định số 102/2021/NĐ-CP thì Chính phủ có bổ sung thêm quy định về việc giảm tiền phạt vi phạm hành chính về hóa đơn. Quy định này nhằm phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành về xử phạt hành chính về thuế, hóa đơn theo quy định tại các khoản 2, 3, 4, 5 Điều này, Điều 77 Luật Xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13 và khoản 38 Điều 1 Luật số 67/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Bên cạnh đó, mức miễn, giảm tiền vi phạm hành chính về hóa đơn tối đa bằng số tiền phạt trong quyết định xử phạt và không quá giá trị tài sản, hàng hóa bị thiệt hại, sau khi trừ đi giá trị được bảo hiểm, bồi thường (nếu có).

Quy-dinh-ve-xu-phat-vi pham-hanh-chinh-ve-hoa-đon

Ảnh  1. Quy định về xử phạt vi phạm hành chính về hoá đơn

Ngoài ra, trong trường hợp bất khả kháng được quy định tại khoản 27 Điều 3 Luật Quản lý thuế số: 38/2019/QH14 thì người nộp thuế chuẩn bị hồ sơ chứng minh giá trị tài sản, hàng hóa bị thiệt hại và giá trị được bảo hiểm, bồi thường như sau:

“a) Biên bản kiểm kê, xác định giá trị thiệt hại vật chất do người nộp thuế hoặc người đại diện hợp pháp của người nộp thuế lập;

b) Biên bản xác định giá trị thiệt hại vật chất của tổ chức có chức năng định giá theo quy định của pháp luật (bản chính hoặc bản sao có xác nhận công chứng hoặc chứng thực), trừ trường hợp có hồ sơ bồi thường quy định tại điểm c khoản này;

c) Hồ sơ bồi thường thiệt hại vật chất được cơ quan bảo hiểm chấp nhận bồi thường theo quy định của pháp luật (bản chính hoặc bản sao có xác nhận công chứng hoặc chứng thực) (nếu có);

d) Hồ sơ trách nhiệm bồi thường của tổ chức, cá nhân phải bồi thường theo quy định của pháp luật (bản chính hoặc bản sao có xác nhận công chứng hoặc chứng thực) (nếu có).

3. Không miễn, giảm tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn đối với các trường hợp đã thực hiện xong quyết định xử phạt.

4. Trường hợp được miễn, giảm tiền phạt thì cũng được miễn, giảm tiền chậm nộp tiền phạt tương ứng.

5. Người nộp thuế đã được miễn, giảm tiền phạt nhưng cơ quan có thẩm quyền, cơ quan thuế phát hiện việc miễn, giảm tiền phạt không đúng quy định tại Điều này thì người có thẩm quyền miễn, giảm tiền phạt ban hành quyết định hủy hoặc điều chỉnh quyết định miễn, giảm tiền phạt. Cơ quan thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế có trách nhiệm thu vào ngân sách nhà nước khoản tiền phạt đã được miễn, giảm không đúng và tính tiền chậm nộp trên số tiền phạt được miễn, giảm không đúng. Ngày bắt đầu tính tiền chậm nộp tiền phạt được miễn, giảm không đúng là ngày tổ chức, cá nhân bị xử phạt nộp đầy đủ hồ sơ đề nghị miễn, giảm tiền phạt.”

=> Xem thêm: Hoá đơn điện tử được lập kèm bảng kê cho một số hàng hóa, dịch vụ đặc thù, đây là nội dung hoàn toàn mới so với Thông tư số 32/2011/TT-BTC và Nghị định số 119/2020/NĐ-CP

Phòng Tổng hợp Kinh tế Xã hội – Công ty Luật TNHH TLK

Theo Báo điện tử Chính phủ

Kính thưa Quý bạn đọc, Công ty Luật TNHH TLK ngoài việc cung cấp tới Quý bạn đọc những thông tin tri thức hữu ích về đời sống kinh tế, văn hóa xã hội, Chúng tôi còn là tổ chức cung cấp các dịch vụ Pháp lý; Kế toán – thuế và Xúc tiến thương mại chuyên nghiệp với nhiều năm kinh nghiệm.

Với mong muốn thực hiện trách nhiệm xã hội, theo đó trường hợp Quý bạn đọc cần tư vấn các vấn đề liên quan tới Pháp luật xin vui lòng liên hệ với Chúng tôi theo theo số tổng đài: +(84) 97 211 8764 để được Luật sư tư vấn trực tiếp (tư vấn hoàn toàn miễn phí).

&nbsp&nbsp&nbsp

&nbsp&nbsp&nbsp