Một số quy định mới nhất về hộ kinh doanh cá thể?

Luật doanh nghiệp không quy định về hộ kinh doanh vậy hộ kinh doanh có phải là doanh nghiệp không? Hiện nay mô hình hộ kinh doanh đang trở nên khá phổ biến. Vậy hộ kinh doanh là gì và hộ kinh doanh có những vấn đề đặc trưng gì?

 

1. Khái niệm hộ kinh doanh?

Căn cứ tại khoản 1 điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định như sau:

“Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ. Trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh. Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh, người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh là chủ hộ kinh doanh.”

Theo quy định mới nhất tại khoản 1 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP thì chủ hộ kinh doanh là một trong các đối tượng sau:

– Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh;

– Người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh.

Trước đây, khoản 1 Điều 66 Nghị định 78/2015/NĐ-CP quy định hộ kinh doanh do các đối tượng sau thành lập:

+ Cá nhân hoặc một nhóm người Việt Nam đủ 18 tuồi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thành lập.

+ Một hộ gia đình thành lập.

Như vậy, theo quy định mới thì “nhóm cá nhân người Việt Nam” không còn được thành lập hộ kinh doanh.

Ngoài ra, cũng tại Điều 79 Nghị định 01 đã bổ sung thêm đối tượng không cần phải đăng ký doanh doanh là: Những người kinh doanh thời vụ.

” Điều 80. Quyền thành lập hộ kinh doanh và nghĩa vụ đăng ký hộ kinh doanh

1. Cá nhân, thành viên hộ gia đình là công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật Dân sự có quyền thành lập hộ kinh doanh theo quy định tại Chương này, trừ các trường hợp sau đây:

a) Người chưa thành niên, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;

b) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định;

c) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật có liên quan.

2. Cá nhân, thành viên hộ gia đình quy định tại khoản 1 Điều này chỉ được đăng ký một hộ kinh doanh trong phạm vi toàn quốc và được quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp trong doanh nghiệp với tư cách cá nhân.

3. Cá nhân, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh không được đồng thời là chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại.”

 

2. Đặc trưng của hộ kinh doanh theo quy định của luật.

Thứ nhất hộ kinh doanh không có tư cách pháp nhân

Theo khoản 1 Điều 74 Bộ luật Dân sự 2015, một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi đáp ứng đủ các điều kiện:

– Được thành lập hợp pháp;

– Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ;

– Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó;

– Nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập.

Pháp nhân sẽ chịu trách nhiệm đối với tài sản riêng của mình, mà hộ kinh doanh lại chịu trách nhiệm bằng chính tài sản riêng của chủ sở hữu và chịu trách nhiệm vô hạn đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh vì vậy không thể có tư cách pháp nhân.

Như vậy có thể thấy hộ kinh doanh không đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên. Do vậy, hộ kinh doanh không có tư cách pháp nhân, không có con dấu riêng, không được mở chi nhánh, văn phòng đại diện và không được thực hiện các quyền mà các doanh nghiệp đang thực hiện.

Đồng thời, các cá nhân, nhóm người, hộ gia đình nhân danh chính mình mà không nhân danh hộ kinh doanh để tham gia vào hoạt động kinh doanh.

Thứ hai, hộ kinh doanh không phải là một doanh nghiệp

Hộ kinh doanh không phải là một loại hình doanh nghiệp. Luật doanh nghiệp cũng không có định nghĩa cụ thể về hộ kinh doanh. Hộ kinh doanh được quy định tại Nghị định 01/2021/NĐ-CP. 

Doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh.”

Căn cứ khoản 10 điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2020

“10. Doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh.”

Như vậy, có thể thấy doanh nghiệp là một tổ chức có tên riêng, có trụ sở và tài sản riêng, được thành lập theo quy định của pháp luật. Ở Việt Nam hiện nay có rất nhiều các loại hình doanh nghiệp với các loại hình kinh doanh khác nhau như: công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân thuộc mọi thành phần kinh tế, nhóm công ty,…

Như vậy, có thể thấy doanh nghiệp là một tổ chức có tên riêng, có trụ sở và tài sản riêng, được thành lập theo quy định của pháp luật. Ở Việt Nam hiện nay có rất nhiều các loại hình doanh nghiệp với các loại hình kinh doanh khác nhau như: công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân thuộc mọi thành phần kinh tế, nhóm công ty,…

Còn hộ kinh doanh theo Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định hộ kinh doanh là hình thức kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên trong hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ. 

“1. Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ. Trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh. Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh, người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh là chủ hộ kinh doanh.

2. Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký hộ kinh doanh, trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định mức thu nhập thấp áp dụng trên phạm vi địa phương.” 

Hơn nữa như đã nói ở trên hộ kinh doanh không có tư cách pháp nhân, không phải là một chủ thể pháp lý và căn cứ tại quy định trên thì hộ kinh doanh được hiểu là cá nhân kinh doanh và thu nhập tính thuế và thu nhập cá nhân của người đứng tên hộ kinh doanh đó.

Thứ ba, Chủ hộ kinh doanh chịu trách nhiệm vô thời hạn

Bản chất của trách nhiệm vô hạn trong kinh doanh của hộ kinh doanh cũng giống như trách nhiệm vô hạn của chủ doanh nghiệp tư nhân nếu tài sản kinh doanh không đủ để trả nợ thì hộ kinh doanh phải lấy cả tài sản không đầu tư vào hộ kinh doanh để trả nợ.

Tuy nhiên khác với doanh nghiệp tư nhân trách nhiệm vô hạn của hộ kinh doanh có sự phân tán rủi ro cho nhiều thành viên trong trường hợp hộ kinh doanh do một nhóm người hoặc hộ gia đình làm chủ.

Nếu hộ kinh doanh do một nhóm người làm chủ thì tất cả các thành viên phải liên đới chịu trách nhiệm vô hạn về mọi khoản nợ của hộ kinh doanh. Nếu hộ kinh doanh do một hộ gia đình làm chủ thì tất cả các thành viên trong hộ gia đình phải liên đới chịu trách nhiệm. Khi tài sản chung không đủ để trả nợ thì các thành viên của hộ gia đình phải lấy cả tài sản riêng của mình để trả nợ và phải trả cho các thành viên khác của hộ gia đình (trách nhiệm liên đới). Cụ thể điều 81 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định: 

“Quyền và nghĩa vụ của chủ hộ kinh doanh, thành viên hộ gia đình tham gia đăng ký hộ kinh doanh

1. Chủ hộ kinh doanh thực hiện các nghĩa vụ về thuế, các nghĩa vụ tài chính và các hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh theo quy định của pháp luật.

2. Chủ hộ kinh doanh đại diện cho hộ kinh doanh với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

3. Chủ hộ kinh doanh có thể thuê người khác quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh. Trong trường hợp này, chủ hộ kinh doanh, các thành viên hộ gia đình tham gia đăng ký hộ kinh doanh vẫn chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác phát sinh từ hoạt động kinh doanh.

4. Chủ hộ kinh doanh, các thành viên hộ gia đình tham gia đăng ký hộ kinh doanh chịu trách nhiệm đối với các hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh.

5. Các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.”

 

3. Hộ kinh doanh được phép kinh doanh tại nhiều địa điểm không?

Từ ngày 04/01/2021, hộ kinh doanh có thể kinh doanh tại nhiều địa điểm. Cụ thể, khoản 2 Điều 86 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định:

“Một hộ kinh doanh có thể hoạt động kinh doanh tại nhiều địa điểm nhưng phải chọn một địa điểm để đăng ký trụ sở hộ kinh doanh và phải thông báo cho Cơ quan quản lý thuế, cơ quan quản lý thị trường nơi tiến hành hoạt động kinh doanh đối với các địa điểm kinh doanh còn lại.”

Trường hợp luật cũ quy định:  

“Điều 72. Địa điểm kinh doanh của hộ kinh doanh

Đối với hộ kinh doanh buôn chuyến, kinh doanh lưu động thì phải chọn một địa điểm cố định để đăng ký hộ kinh doanh. Địa điểm này có thể là nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, nơi đăng ký tạm trú hoặc địa điểm thường xuyên kinh doanh nhất, nơi đặt địa điểm thu mua giao dịch. Hộ kinh doanh buôn chuyến, kinh doanh lưu động được phép kinh doanh ngoài địa điểm đã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nhưng phải thông báo cho cơ quan thuế, cơ quan quản lý thị trường nơi đăng ký trụ sở và nơi tiến hành hoạt động kinh doanh.”

Như vậy, so với điều 72 Nghị định 78/2015/NĐ-CP ấn định hộ kinh doanh chỉ có duy nhất một địa điểm kinh doanh trừ hộ kinh doanh buôn chuyến, kinh doanh lưu động được phép kinh doanh ngoài địa điểm đăng ký thì quy định mới đã giúp việc mở rộng kinh doanh đối với hộ kinh doanh dễ dàng hơn.

 

4. Đăng ký thay đổi trên GCN đăng ký kinh doanh.

 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định về bổ sung thời gian đăng ký thay đổi trên GCN đăng ký kinh doanh

Theo đó, khoản 1 Điều 90 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định thời gian đăng ký thay đổi nội dung trên GCN đăng ký kinh doanh là 10 ngày kể từ ngày có thay đổi.

“1. Chủ hộ kinh doanh có trách nhiệm đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh với Cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có thay đổi.”

(Trước đây, Nghị định 78/2015/NĐ-CP không quy định về vấn đề này).

Ngoài ra, liên quan đến việc thay đổi địa chỉ hộ kinh doanh thì:

– Trước đây, trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày cấp GCN đăng ký hộ kinh doanh trong trường hợp đăng ký thay đổi địa chỉ cho hộ kinh doanh, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi hộ kinh doanh đặt địa chỉ mới phải thông báo đến cơ quan đăng ký kinh doanh nơi trước đây hộ kinh doanh đã đăng ký.

– Hiện tại, Nghị định 01/2021/NĐ-CP đã rút ngắn thời hạn chỉ còn 03 ngày làm việc.

Và khi thay đổi nội dung kinh doanh thì hộ kinh doanh thì:

“2. Khi thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh, trừ các trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này, hộ kinh doanh gửi hồ sơ thông báo thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh đến Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đã đăng ký. Hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau đây:

a) Thông báo thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh do chủ hộ kinh doanh ký;

b) Bản sao biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh.”

 

5. Thay đổi và bổ sung trường hợp thu hồi GCN đăng ký hộ kinh doanh.

Điều 93 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định về những trường hợp thu hồi GCN đăng ký hộ kinh doanh như sau:

– Nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh là giả mạo.

– Ngừng hoạt động kinh doanh quá 06 tháng liên tục mà không thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đăng ký và Cơ quan thuế (bổ sung thêm cơ quan thông báo là Cơ quan thuế so với Nghị định 78/2015/NĐ-CP).

– Kinh doanh ngành, nghề bị cấm.

– Hộ kinh doanh do những người không được quyền thành lập hộ kinh doanh thành lập.

– Hộ kinh doanh không gửi báo cáo theo quy định tại khoản 6 Điều 16 Nghị định 01/2021/NĐ-CP đến Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày hết hạn gửi báo cáo hoặc có yêu cầu bằng văn bản (trước đây chỉ quy định trường hợp không gửi báo cáo khi được cơ quan cấp huyện yêu cầu).

– Trường hợp khác theo quyết định của Tòa án, đề nghị của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của luật (bổ sung mới).

Luật Minh Khuê (tổng hợp)