Một số nội dung phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Trên cơ sở đánh giá thực trạng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở Lâm Đồng giai đoạn 2004 – 2016, ngành Nông nghiệp và PTNT đề ra một số nội dung phát triển nông nghiệp công nghệ cao đến năm 2020 như sau:

Định hướng chung

Tập trung thực hiện dự án phát triển nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành và cải thiện môi trường đầu tư. Đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ mới vào sản xuất đồng bộ, hiện đại. Hình thành các khu, vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tập trung để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Tăng sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích sản xuất; Nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Xây dựng vùng rau, hoa Lâm Đồng trở thành thương hiệu số 1 ở Việt Nam; hình thành cụm sản xuất rau đạt chất lượng cao xuất khẩu sang Nhật Bản. Gắn phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với chương trình xây dựng nông thôn mới.

Một số nội dung cụ thể

– Rà soát công tác quy hoạch sản xuất rau, hoa và cây đặc sản ứng dụng công nghệ cao tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển các khu nông nghiệp công nghệ cao, vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đến năm 2020 gắn với phát triển du lịch canh nông tại các vùng trọng điểm của tỉnh.

– Triển khai thực hiện dự án phát triển nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành và cải thiện môi trường đầu tư: Xây dựng Trung tâm sau thu hoạch rau; Xây dựng Trung tâm phân tích và kiểm định dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản; Xây dựng chợ đầu mối hoa; Hỗ trợ thực hiện một số mô hình hiện đại hóa trong sản xuất rau, hoa, cây đặc sản gắn với phát triển các điểm du lịch nông nghiệp.

– Xây dựng 8 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gồm:

Khu công nghiệp nông nghiệp Tân Phú, huyện Đức Trọng (316,8 ha).

Khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao Phú Hội, huyện Đức Trọng (cạnh khu công nghiệp Phú Hội – 100 ha).

Khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao thôn Phú An, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng (300 ha).

Khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao thôn 2, xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà (100 ha).

Khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao thôn R’lơm, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương (400 ha).

Khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao Ấp Lát, xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương (346 ha).

Khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao Đạ Đeum II, xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương (172 ha).

Khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao Vinaco, xã Đa Nhim, huyện Lạc Dương (177 ha).

– Xây dựng 19 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gồm:

 Xây dựng 05 vùng sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao tại thành phố Đà Lạt, các huyện Đức Trọng, Đơn Dương và Lạc Dương (950 ha gắn với xây dựng đô thị xanh và phát triển mô hình du lịch canh nông).

Xây dựng 03 vùng sản xuất hoa ứng dụng công nghệ cao tại thành phố Đà Lạt và huyện Đức Trọng (150 ha gắn với phát triển làng hoa, làng nghề truyền thống, xây dựng đô thị xanh và phát triển mô hình du lịch canh nông).

Xây dựng và phát triển 04 vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao tại các huyện Bảo Lâm, Di Linh và Lâm Hà (1.200 ha).

Xây dựng và phát triển 02 vùng sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao tại thành phố Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm (600 ha).

Xây dựng và phát triển 02 vùng chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ cao tại huyện Đơn Dương và huyện Đức Trọng (20.000 con).

Xây dựng 02 vùng chăn nuôi heo ứng dụng công nghệ cao tại huyện Đạ Tẻh và huyện Lâm Hà (80.000 con).

Xây dựng và phát triển 01 vùng sản xuất cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao tại huyện Đạ Huoai (300 ha).

– Phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao diện rộng trên diện tích 14.590 ha rau, 2.850 ha hoa, 29.570 ha cà phê, 8.230 ha chè, 315 ha cây dược liệu và cây đặc sản, 1.000 ha cây ăn quả. Đàn bò sữa đạt quy mô 50.000 con (bò sữa ứng dụng công nghệ cao khoảng 20.000 con, sản lượng sữa tươi khoảng 150.000 tấn). Tổng đàn bò thịt đạt 100.000 con (bò lai Zêbu và bò lai cao sản đạt 75.000 con); Sản lượng bò thịt hơi xuất chuồng trên 10.000 tấn, thịt bò chất lượng cao đạt 3.000 tấn. Tổng đàn heo đạt 600.000 con (chăn nuôi heo ứng dụng công nghệ cao khoảng 40.000 con, tỷ lệ heo giống ngoại và heo lai đạt trên 87% tổng đàn, sản lượng heo thịt đạt trên 100.000 tấn). Cá nước lạnh đạt 60 ha, sản lượng đạt khoảng 1.000 tấn.

– Xây dựng cơ chế chính sách và bộ tiêu chí sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao.

– Thực hiện nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao: Tập trung nghiên cứu giải quyết các vấn đề phát sinh trong nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như môi trường, dịch hại trong nhà kính nhà lưới, chế độ dinh dưỡng canh tác trên đất, giá thể, thủy canh. Hệ thống canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu. Tiếp tục xây dựng và phát triển thương hiệu các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao kết hợp du lịch tại các vùng trong tỉnh. Hoàn thiện, in ấn các quy trình canh tác, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao.

– Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Đào tạo, huấn luyện cho các kỹ thuật viên những kiến thức về công nghệ quản lý trang trại, kỹ thuật canh tác, ứng dụng, thiết kế, vận hành các máy móc thiết bị để hoạt động có hiệu quả. Số lượng lao động được đào tạo nghề đạt ít nhất 60% lao động nông nghiệp vùng ứng dụng công nghệ cao.

– Tổ chức các hội thảo khoa học, hội thảo chuyên đề về các giải pháp, các tiến bộ quản lý, kỹ thuật. Phát huy nguồn lực các nhà khoa học, nhà quản lý, các tổ chức phản biện trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

– Hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao: Hỗ trợ, thúc đẩy các hình thức liên kết ngang, liên kết dọc trong các khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Phát triển, quảng bá thương hiệu rau, hoa, chè, cà phê và các loại đặc sản của Lâm Đồng. Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác, liên kết với vùng Đông Nam bộ, thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Tây Nguyên, thành phố Hà Nội… trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Nguyễn Minh Trường – TTKN Lâm Đồng