Một số nội dung cơ bản của Hiến pháp năm 2013

Một số nội dung cơ bản của Hiến pháp năm 2013

Lê Thành Long – Phó Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh

Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội thông qua ngày 28/11/2013, có hiệu lực từ ngày 1/1/2014. Hiến pháp năm 2013 gọn hơn, nhưng quy định toàn diện và đầy đủ hơn về các vấn đề cần hiến định so với Hiến pháp năm 1992. Đây là đạo luật cơ bản ở tầm cao nhất, bước tiến mới trong lịch sử lập hiến nước nhà, Hiến pháp 2013 đã thể chế hóa quan điểm của Đảng tại Đại hội XI, đặc biệt là Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011), làm động lực cho sự phát triển đất nước bền vững theo chiều sâu trước yêu cầu mới.

Có thể khái quát 4 nhóm nội dung vừa có tính kế thừa, kết tinh, vừa phát triển mới của Hiến pháp 2013 so với Hiến pháp 1992 như sau:

Một là, đề cao chủ quyền nhân dân: Các quy định về chế độ chính trị của Hiến pháp năm 2013 thể hiện sâu sắc hơn nữa bản chất dân chủ của đất nước và chế độ ta, thể hiện chủ quyền nhân dân. Ngay trong lời nói đầu, Hiến pháp khẳng định rõ bản Hiến pháp này do Nhân dân Việt Nam xây dựng, thi hành và bảo vệ vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Hiến pháp năm 2013 khẳng định rõ nước CHXHCN Việt Nam do Nhân dân làm chủ, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Khác với Hiến pháp trước, từ nay, Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước không chỉ bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, HĐND mà còn thông qua các hình thức dân chủ trực tiếp và các cơ quan khác của Nhà nước. Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật.

Hiến pháp cũng khẳng định rõ Đảng Cộng sản Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình. Các tổ chức Đảng và đảng viên phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Hiến pháp cũng quy định rõ vai trò, vị trí, chức năng của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội trong hệ thống chính trị.

Hai là, coi trọng và nâng tầm bảo đảm quyền con người, quyền công dân: Hiến pháp năm 2013 tiếp tục ghi nhận các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân mà Hiến pháp năm 1992 đã quy định; đồng thời bổ sung những quyền con người, quyền công dân mới như quyền không bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội, quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình, quyền được bảo đảm an sinh xã hội, quyền được sống trong môi trường trong lành. Đặc biệt, Hiến pháp năm 2013 bổ sung quy định quan trọng, theo đó, “quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng” (Điều 14).

Ba là, xác định rõ hơn mô hình phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững đất nước: Hiến pháp tiếp tục khẳng định: “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo” (Điều 51), đồng thời quy định các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật; được Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để phát triển. Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa. Nhằm bảo đảm tốt hơn nữa quyền của Nhân dân đối với đất đai, Hiến pháp quy định rõ Nhà nước chỉ thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng “trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật” (Điều 54).

Phó Bí thư Tỉnh ủy Lê Thành Long phổ biến nội dung, ý nghĩa và tầm quan trọng của Hiến pháp tại hội nghị trực tuyến toàn tỉnh triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013

Bốn là, tiếp tục đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước: Hiến pháp 2013 đã bổ sung yếu tố kiểm soát quyền lực trong nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, theo đó, “quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” (Điều 2), các quy định về tổ chức và hoạt động của các thiết chế cơ bản của bộ máy nhà nước đã có những sửa đổi, bổ sung phù hợp; cụ thể như sau:

– Xác định rõ hơn chủ thể thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Theo đó, Quốc hội là cơ quan thực hiện quyền lập pháp, Chính phủ là cơ quan thực hiện quyền hành pháp và Tòa án nhân dân là cơ quan thực hiện quyền tư pháp (Điều 69, 94 và 102).

– Thẩm quyền của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân cũng được quy định phù hợp hơn. Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất nhưng không xác định Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp. Trong việc quyết định kế hoạch phát triển KT-XH của đất nước và chính sách quốc gia, Quốc hội chỉ quyết định mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển KT-XH; quyết định chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ. Hiến pháp mới có nhiều bổ sung quan trọng về thẩm quyền của Chủ tịch nước, tương xứng với vị trí là nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu Nhà nước, thay mặt Nhà nước về đối nội, đối ngoại, thống lĩnh các lực lượng vũ trang, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh. Thẩm quyền của Chính phủ được quy định phù hợp hơn với tính chất của Chính phủ không chỉ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, cơ quan chấp hành của Quốc hội mà còn là cơ quan thực hiện quyền hành pháp. Tòa án nhân dân được xác định có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Một số nguyên tắc mới trong tổ chức và hoạt động của Tòa án như nguyên tắc đảm bảo tranh tụng trong xét xử; chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, thủ tục xét xử rút gọn, nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm. Đối với Viện Kiểm sát nhân dân, Hiến pháp mới đã đặt vai trò, nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân lên trước, coi con người là chủ thể quan trọng, nguồn lực chủ yếu trong xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

– Bổ sung các quy định về thiết chế hiến định độc lập là Hội đồng bầu cử quốc gia và Kiểm toán nhà nước. Các thiết chế này được xem là công cụ quan trọng để góp phần phát huy dân chủ, kiểm soát việc quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản quốc gia.

– Bổ sung quy định có tính nguyên tắc mở đường cho việc đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương. Việc tổ chức chính quyền địa phương giống nhau ở các loại đơn vị hành chính như hiện nay đã tạo ra sự rập khuôn, cứng nhắc, ít phân biệt được sự khác nhau trong quản lý hành chính nhà nước ở đô thị, nông thôn, miền núi, hải đảo và cũng không bảo đảm được tính tập trung cao từ trung ương xuống địa phương. Khắc phục nhược điểm này, Hiến pháp chỉ quy định một cách khái quát và nguyên tắc về mô hình chính quyền địa phương, tạo cơ sở cho việc quy định mở về chính quyền địa phương, cấp chính quyền địa phương (gồm có HĐND và UBND) được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt do luật định. Điều này tạo ra hướng mở trong việc tổ chức quyền lực ở địa phương trên nguyên tắc đảm bảo phân định thẩm quyền giữa Trung ương và địa phương nhưng tạo điều kiện để phát huy tính năng động, sáng tạo, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Trong thời gian tới, những nội dung, tinh thần của Hiến pháp năm 2013 sẽ được các cơ quan có thẩm quyền Việt Nam quyết liệt triển khai tổ chức thực hiện để Việt Nam sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật, kiện toàn bộ máy nhà nước, giải quyết hiệu quả hơn các vấn đề đặt ra, thúc đẩy sự phát triển của đất nước.