Một số lưu ý khi trồng chuối – Tin tức – Sự kiện – Trung Tâm Khuyến Nông
Vật liệu trồng chuối có thể là củ, chồi và cây nuôi cấy mô. Tuy nhiên, trong thực tế sản xuất hiện nay, để sản xuất hàng hóa chỉ nên trồng cây giống nuôi cấy mô và cây tách chồi từ vườn sản xuất.
– Tiêu chuẩn cây tách chồi: Chiều cao cây 70 – 80 cm; đường kính thân giả cách mặt đất 20 cm đạt 10 – 12 cm; có 3 – 4 lá mác; sạch bệnh.
Cách trồng
– Đối với cây nuôi cấy mô: Tốt nhất là nên trồng cây vào sáng sớm hoặc chiều mát. Tưới đủ nước cho cây trước khi trồng. Vận chuyển cây ra ruộng, đặt mỗi cây bên cạnh một hố đã chuẩn bị sẵn. Để tránh bộ rễ bị tổn thương, phần đáy của túi bầu cần được xé bỏ trước. Đặt cây vào hố rồi lấp một phần đất để cây đứng vững sau đó nhẹ nhàng lột túi bầu bằng cách rút lên. Cuối cùng lấp hết phần đất còn lại. Những lá mới đầu tiên sẽ xuất hiện 2 – 6 tuần sau khi trồng.
– Đối với cây trồng bằng củ hoặc tách chồi: Đặt mặt cắt của củ hoặc cây giống về một phía để buồng chuối khi trỗ cùng hướng về một phía, thuận lợi cho thu hoạch. Nếu trồng trên sườn đồi thì đặt mặt cắt của củ hoặc cây giống hướng xuống phía chân đồi để buồng chuối khi trỗ sẽ ở phía trên. Với cách làm như vậy, đến khi trỗ, các buồng chuối sẽ kéo cây vào phía trong để hạn chế bị đổ ngã. Cây chuối sau khi trồng ra ngoài ruộng cần được tưới nước. Cây chuối nuôi cấy mô khi còn nhỏ chịu hạn kém so với trồng bằng củ hoặc chồi bên.
Hình: Vườn chuối
Cần chú trọng chăm sóc cây chuối nuôi cấy mô thời kỳ sau trồng 3 – 4 tháng. Cùng với việc giữ ẩm đất, cần làm sạch cỏ, che phủ đất, bón phân hữu cơ và vô cơ theo quy trình. Tại thời điểm đưa cây ra ngoài ruộng trồng, cây chuối nuôi cây mô vẫn hoàn toàn sạch bệnh. Giai đoạn đầu rất dễ bị sâu bệnh gây hại. Vì thế cần chú ý áp dụng các biện pháp kỹ thuật phòng trừ để cây sinh trưởng tốt hơn.
sau trồng 30 ngày cần kiểm tra đồng ruộng thường xuyên. Phát hiện cây nào chết thì trồng dặm lại ngay. Khi trồng dặm lấy cây tương đương trong vườn, không trồng cây lớn hoặc bé hơn.
Che phủ đất
Che phủ đất không chỉ có tác dụng giữ ẩm cho vườn chuối mà còn làm tăng hiệu quả sử dụng phân bón và hạn chế cỏ dại phát triển. Trên đất đồi dốc, che phủ đất còn là biện pháp canh tác bền vững rất hữu hiệu nhằm ngăn ngừa rửa trôi, xói mòn và bảo vệ đất. Nguồn vật liệu che phủ đất khá đa dạng nhưng đều thuộc các nhóm chất vô cơ hoặc hữu cơ.
Để đạt hiệu quả cao, khi che phủ đất cần chú ý các điểm sau:
+ Chỉ tiến hành che phủ khi đất đã được làm sạch cỏ.
+ Che phủ khi cây chuối đã ra được 3 – 4 lá mới.
+ Che phủ kín toàn bộ mặt luống, cách gốc 10 – 20 cm, bề dày 5 – 10 cm.
+ Che phủ đất bằng chất hữu cơ
Hủy chồi con và chọn chồi cho vụ sau
Tháng thứ 3 từ sau khi trồng, cây chuối bắt đầu ra chồi con, một cây chuối có thể sản sinh liên tiếp nhau 8 – 10 chồi bên. Đối với chuối tiêu, đến tháng thứ 4 bắt đầu tiến hành hủy chồi con. Một tháng hủy một lần. Đến tháng thứ 6, khi chuối trổ hoa, tiến hành chọn chồi để lại cho vụ tiếp theo. Lựa chọn chồi khỏe mạnh, cân đối, cao dưới 1 m và lá chưa xoè rộng. Tốt nhất chọn những chồi có hình thái “đầu hồ lô đuôi bút”. Những chồi này thường là “gốc sâu, thân to, lá nhỏ”. Lựa chọn những chồi đồng đều nhau, nằm trên cùng hàng với cây mẹ. Đối với chuối tây, sau trồng 4 tháng, hủy chồi con (một tháng hủy một lần), chỉ để lại 1 chồi (nằm trên cùng hàng với cây mẹ) cho vụ sau bằng cách cắt ngang thân, cách mặt đất khoảng 15 cm. Sau 1,0 – 1,5 tháng, khi chồi này tái sinh thành cây mới lại cắt xuống cách vết cắt trước khoảng 10 – 15 cm. Cắt lặp lại lần 3. Sau đó để cho cây mọc thành cây mới, chăm sóc cho vụ sau. Cách làm này sẽ rút ngắn thời gian sinh trưởng của cây vụ sau.
Để tránh lây bệnh từ cây này sang cây kia, dụng cụ đánh tỉa chồi cần phải được khử trùng sau mỗi lần sử dụng bằng cách nhúng trong dung dịch Formaldehit 10% hoặc dung dịch Daconil 0,5% trong thời gian 30 – 60 giây.
Cắt tỉa lá
Cắt tỉa lá nhằm loại bỏ các lá diện tích quang hợp chỉ còn dưới 50%, lá già, lá bị sâu bệnh. Giống như đánh tỉa chồi, việc cắt tỉa lá cũng được tiến hành sớm và thường xuyên theo định kỳ 1 tuần 1 lần. Sau cắt tỉa, những lá bị bệnh nặng phải thu gom và chuyển ra khỏi vườn chuối để hạn chế lây nhiễm. Những lá già hoặc lá bị tổn thương cơ giới được giữ lại để che phủ đất. Nếu diện tích lá khỏe mạnh còn trên 50% thì không nên cắt bỏ cả lá mà chỉ cần làm vệ sinh, cắt bỏ phần lá bị hại. Để tránh lây bệnh từ cây này sang cây kia, dụng cụ cắt tỉa lá cũng cần được xử lý giống như dụng cụ đánh tỉa chồi.
Tưới nước
Chuối là cây cần nhiều nước. Tuy nhiên hàm lượng nước trong đất quá lớn lại dễ khiến cho rễ cây bị tổn thương. Vì thế, khi thiết kế phải tạo hệ thống mương rãnh thoát nước và đào mương lên líp với những vườn trồng trũng. Đồng thời, không trồng cây sâu dưới bề mặt luống, nhất là với cây giống chuối nuôi cấy mô.
Vào các tháng mùa mưa, cây chuối ít cần phải tưới. Tuy nhiên, điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay, mưa, nắng nóng diễn ra thất thường. Do vậy, hệ thống tưới và kỹ thuật tưới được coi là một trong những biện pháp ứng phó với BĐKH hiệu quả. Yêu cầu tưới nước có thể được xác định bởi kết quả kiểm tra độ ẩm đất, tình trạng cây và điều kiện thời tiết. Cây lúc nhỏ thì cần lượng nước ít hơn; vào mùa mưa tùy theo tình hình có thể không cần tưới nước. Các thời kỳ mới trồng, phân hóa mầm hoa và phát triển buồng cần đặc biệt chú ý việc tưới đúng thời điểm và lượng nước thích hợp. Nhìn chung, cây chuối nuôi cấy mô cần tưới thường xuyên 2 ngày một lần, mỗi lần 4 – 5 lít/cây trong thời kỳ sau trồng 1 tháng. Thời kỳ sau đó tưới mỗi tuần một lần, mỗi lần 5 – 10 lít/cây sao cho duy trì độ ẩm đất 70 – 80%. Ở thời điểm trước khi đến mùa mưa hoặc trong mùa đông hanh khô, cần cung cấp lượng nước nhiều hơn, tưới 2 lần/tuần với lượng 15 – 20 lít/cây; khoảng cách giữa các lần tưới là 2 – 3 ngày. – Thời kỳ chuối ra buồng: Tưới 25 – 30 lít/cây, khoảng cách giữa các lần tưới là từ 2 – 3 ngày. – Thời kỳ quả chuối chuẩn bị chín (trước thu hoạch 1 tháng): Lượng nước giảm xuống 15 – 20 lít/cây, khoảng cách giữa các lần tưới là 2 – 3 ngày.
Đàm Trần