Một số lưu ý khi sử dụng vắc xin cho vật nuôi – Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Tĩnh

Trong những năm gần đây, ngành chăn nuôi đã có những bước phát
triển, song song với đó là môi trường càng trở nên ô nhiễm cộng với
những điều kiện bất lợi từ thời tiết, ngoại cảnh,… dẫn đến dịch
bệnh xảy ra ngày càng nhiều và phức tạp, gây thiệt hại lớn cho người
chăn nuôi.
Do đó, công tác quản lý dịch bệnh cho đàn vật
nuôi trở nên rất quan trọng, quyết định tới hiệu quả chăn nuôi. Sử
dụng vắc xin để chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi được
xem là một trong những biện pháp hiệu quả và ít tốn kém hơn cho người
chăn nuôi.

Vắc xin là chế phẩm có tính kháng nguyên
dùng để tạo miễn dịch đặc hiệu chủ động, nhằm tăng sức đề kháng của cơ
thể đối với một số tác nhân gây bệnh cụ thể. Việc dùng vắc xi để phòng
bệnh cho vật nuôi gọi chung là tiêm phòng. Mỗi loại vắc xin khác nhau
đều có những đặc thù riêng, hiệu quả và thời gian miễn dịch khác nhau.
Nếu sử dụng đúng quy trình kỹ thuật sẽ  đảm bảo thời gian miễm dịch
kéo dài và an toàn, ngược lại chỉ một sơ xuất nhỏ sẽ làm giảm một
phần, thậm chí mất hoàn toàn khả năng tạo miễn dịch của vắc xin.

Để đảm bảo hiệu quả của vắc xin, khi sử
dụng chúng ta cần lưu ý một số vấn đề như sau:

1.
Bảo quản vắc xin

Đây là một yếu tố đặt lên hàng đầu bởi
vắc xin luôn đòi hỏi phải bảo quản ở một điều kiện nghiêm ngặt, đặc
biệt là các loại vắc xin nhược độc. Mỗi loại vắc xin đều có một khoảng
nhiệt độ bảo quản thích hợp, đối với các loại vắc xin virus ở nhiệt độ
từ 2 – 8°C, các loại vắc xin vi khuẩn từ 5 – 150C. Nếu nhiệt độ bảo
quản vắc-xin nằm ngoài khoảng nhiệt độ bảo quản, hoặc để vắc xin bảo
quản ở ngăn đá sẽ làm mất tác dụng của vắc xin.

Ngoài ra, bà con cũng cần chú ý
việc bảo quản vắc xin khi vận chuyển, nếu ở xa nơi bán vắc xin
thì khi đi mua nhất thiết có hộp xốp, phích đá để bảo quản; nếu mua
gần thì bảo quản bằng túi nilông tối màu có giấy bọc. Khi vận chuyển
vắc xin cần bao gói kỹ, tránh hiện tượng va đập, tránh được vắc xin
tiếp xúc trực tiếp với đá lạnh, đặc biệt không cho ánh nắng
trực tiếp chiếu vào vắc xin để đảm bảo chất lượng và hiệu quả phòng
bệnh của vắc xin.

2. Sử dụng vắc xin

Nếu khâu bảo quản tốt song chúng ta sử
dụng vắc xin không đúng kỹ thuật thì hiệu quả cũng sẽ thấp. Khi sử
dụng vắc xin chúng ta cần chú ý các yếu tố sau:

– Cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng vắc xin
trước khi dùng, nếu không rõ thì hỏi thêm ý kiến của bác sĩ thú y.

– Khi dùng phải kiểm tra lọ vắc xin bằng
mắt thường xem màu sắc, độ vẩn có gì khác thường (ví dụ: không dùng
vắc xin bị đổi màu, vẩn đục).

– Không được tiêm vắc xin cho động vật
đang mắc bệnh, nghi mắc bệnh, động vật quá gầy yếu, quá non, con mẹ
mới đẻ, động vật mới thiến chưa lành vết thương, những con mang thai ở
kỳ cuối.

 

Tiêm phòng vắc xin là giải pháp tối ưu phòng chống dịch bệnh trên
đàn vật nuôi

– Dùng vắc xin đúng liều lượng,
đúng vị trí, đúng lứa tuổi.

– Xi lanh, kim tiêm phải đảm bảo tiệt
trùng. Biện pháp tốt nhất là luộc sôi hoặc hấp, để nguội dụng cụ trước
khi sử dụng (chú ý không nên dùng cồn để sát trùng dụng cụ).

– Pha vắc xin đúng chỉ dẫn, trước
khi sử dụng phải lắc kỹ lọ vắc xin.

– Vắc xin pha xong dùng ngay, không để
quá 2-3 giờ sau khi pha, không cầm lâu trong tay; nếu thừa phải
hủy, không được dùng cho ngày hôm sau; không vứt bừa bãi chai
lọ, kim tiêm.

– Sau khi tiêm vắc xin, cần theo dõi
vật nuôi để kịp thời phát hiện các trường hợp gia súc, gia
cầm phản ứng sau khi tiêm để có biện pháp can thiệp.

3. Một số bệnh cần chú ý tiêm phòng cho vật nuôi

– Đối với trâu bò: tiêm phòng bệnh tụ
huyết trùng, lở mồm long móng.

– Đối với lợn: cần được tiêm phòng đầy
đủ 04 bệnh đỏ (tụ huyết trùng, phó thương hàn, đóng dấu lợn, dịch tả
lợn), lở mồm long móng.

– Đối với đàn gà: tiêm vắc xin
Newcastle, Gumboro, Cúm gia cầm.

– Đối với đàn thủy cầm: tiêm Cúm gia
cầm, Dịch tả vịt.

Ngoài các loại vắc xin trên, tùy
điều kiện dịch tễ của từng vùng mà tiêm phòng thêm các bệnh
khác theo khuyến cáo của cán bộ thú y./.

Nguyễn Hoàn