Một số hạn chế của giáo viên trong các tiết dạy trên lớp cần khắc phục ngay
TT
LĨNH VỰC
NỘI DUNG HẠN CHẾ
I
KIẾN THỨC
1. Do giáo viên chưa chuẩn bị, nghiên cứu bài kĩ nên giáo viên chưa xác định đúng mục tiêu, chuẩn kiến thức và kĩ năng, nội dung cơ bản, trọng tâm của bài dạy.
2. Khai thác nội dung dạy học chưa phát triển năng lực học tập của học sinh.
3. Lựa chọn nội dung dạy học chưa phù hợp với các đối tượng.
Giáo viên dạy đồng loạt không có nội dung dành cho các đối tượng học sinh khác nhau (Ví dụ: học sinh lớp 1 còn khó khăn trong đọc, viết phải đọc, viết với số tiếng bằng học sinh thuận lợi; học sinh không viết sai chính tả l/n, giáo viên cũng chọn lựa bài tập chính tả phân biệt l/n để cho học sinh làm bài tập khắc phục lỗi chính tả).
4. Nội dung giáo dục chưa gắn với thực tế, đời sống xung quanh gần gũi với học sinh. Giáo dục, liên hệ xa vời, chung chung; chưa quan tâm giáo dục kĩ năng sống cho học sinh.
II
KĨ NĂNG
SƯ PHẠM
1. Dạy học chưa đúng đặc trưng bộ môn, đúng loại bài (lí thuyết, luyện tập, thực hành, ôn tập…).
– Dạy bài ôn như dạy bài mới, dạy luyện tập như dạy lí thuyết, dạy cái đã biết như cái chưa biết.
– Hoặc dạy hoa loa cho xong tiết học không cần dạy đúng phương pháp của môn đó. (Tình trạng này thấy rất rõ ở những tiết học không có người dự giờ.)
– Giáo viên chưa đặt nội dung bài dạy vào một chuỗi kiến thức hay chủ đề, chủ điểm của bài dạy nên nội dung chồng chéo lên nhau hoặc rời rạc.
2. Vận dụng phương pháp và hình thức tổ chức dạy học chưa phù hợp với mục tiêu bài dạy, đối tượng học sinh, chưa phát huy tính năng động sáng tạo của học sinh.
– Do giáo viên chưa xác định đúng mục tiêu của bài, chưa hiểu rõ đổi mới phương pháp dạy học, phát huy tính năng động sáng tạo của học sinh nên lựa chọn phương pháp, hình thức dạy học chưa phù hợp.
Ví dụ: Phân môn Chính tả lựa chọn phương pháp thảo luận, hình thức học nhóm để tổ chức học sinh là bài tập chính tả (một em làm thư kí viết, các bạn còn lại nói), hay tổ chức trò chơi tiếp sức (vài em lên bảng viết, những học sinh còn lại cổ vũ “cố lên! cố lên!”, hoặc đố vui trả lời bằng miệng (em này hỏi em kia trả lời, vài em như vậy, những em còn lại chỉ nghe hoặc nói mà mục tiêu chính của phân môn Chính tả là rèn kĩ năng viết). Với lựa chọn phương pháp, hình thức tổ chức luyện tập cho học sinh làm bài tập chính tả như vậy nên nhiều học sinh vẫn viết sai chính tả mãi. Những hình thức như thế này chỉ có một số em làm việc tích cực thực sự còn lại đa số các em “tích cực giả”, học sinh rất nhàm chán và hiệu quả không cao.
– Hiện nay, còn nhiều giáo viên chưa sử dụng tốt các phương pháp truyền thống như: trực quan, làm mẫu. Hai phương này rất quan trọng để dạy học sinh đọc, viết tốt.
Chữ viết, lời nói, phát âm của giáo viên cũng là trực quan. Giáo viên làm mẫu tốt, học sinh nghe, nhìn thấy được mẫu sẽ giúp các em đọc viết tốt.
– Giáo viên ít khi sử dụng đến các phương pháp dạy học tích cực. Khi có người dự giờ thì mới sử dụng nên thầy trò rất khó khăn, lọng cọng.
– Nhiều giáo viên chưa dạy thật, khi có người dự giờ, kiểm tra, thao giảng, hội thi thì phô trương hình thức, diễn kịch, dạy trước cho học sinh.
3. Giáo viên chưa kiểm tra, hỗ trợ tư vấn, đánh giá kết quả học tập của học sinh đảm bảo chuẩn kiến thức, kĩ năng môn học và theo hướng đổi mới.
– Giáo viên còn làm thay học sinh, sợ mất thời gian sửa cho học sinh, hay thiếu kiên nhẫn, hoặc thiếu kinh nghiệm trong việc sửa sai cho học sinh nên làm thay cho học sinh.
Ví dụ: Học sinh lớp 1 đọc không được, giáo viên không giúp học sinh phân tích tiếng đó, nhẫm đánh vần rồi đọc trơn mà giáo viên đọc trước cho học học sinh nhạy lại, sau này gặp lại chữ đó học sinh lại đọc không được. Hay khi học sinh trả lời câu hỏi chưa được, giáo viên sốt ruột trả lời thay luôn chứ không gợi ý hướng dẫn học sinh. Dạy như thế thì làm sao phát triển tư duy học sinh được.
– Hoặc giáo viên để học sinh làm thay nhiệm vụ của mình. Yêu cầu một học sinh lớp 1 lên bảng lớp chỉ bảng cho các bạn đọc chung còn giáo viên làm việc khác. Nhiều trường, bảng lớp 1 bị thủng lổ đầy bảng.
– Có giáo viên kiểm tra đánh giá học sinh nhưng chưa tư vấn cụ thể, giúp đỡ học sinh khắc phục hạn chế.
Ví dụ: Học sinh đọc sai, nhỏ, kể chuyện chưa có cử chỉ điệu bộ, …; giáo viên không hướng dẫn học sinh thực hiện lại ngay tại lớp mà nhắc nhở học sinh lần sau phát âm đúng hơn, đọc to hơn, kể chuyện có cử chị điệu bộ thì sẽ hay hơn,…).
– Giáo viên chưa qua tâm đến việc hướng dẫn học sinh trình bày vở sạch, đẹp. Nếu có thì hướng dẫn không cụ thể, không kiểm tra nên các em không làm được.
– Có giáo viên, khi học sinh tập viết, làm bài tập, giáo viên không kiểm tra, hỗ trợ tư vấn học sinh kịp thời để học sinh sai cả bài rồi mới nhận xét thì đã muộn hoặc nhận xét đánh giá không kĩ, qua loa học sinh viết sai, làm sai cho là đúng. Học sinh nghĩ mình làm như thế là đúng thật là nguy!
4. Xử lí các tình huống sư phạm chưa phù hợp đối tượng và chưa có tác dụng giáo dục.
5. Sử dụng thiết bị, đồ dùng dạy học, kể cả ĐDDH tự làm chưa có hiệu quả.
Nhiều giáo viên bình thường khi lên lớp dạy không sử dụng thiết bị sẵn có hoặc làm ĐDDH để đi thi chứ không sử dụng, không sử dụng CNTT nhưng khi có người dự giờ thì suy nghĩ phải có ĐDDH “càng nhiều, tiết học càng phong phú” không nghiên cứu kĩ mục tiêu bài để lựa chọn ĐDDH phù hợp mà lạm dụng ĐDDH, CNTT dẫn đến không hiệu quả.
6. Lời giảng giáo viên chưa mạch lạc, truyền cảm; chữ viết chưa đúng đẹp, trình bày bảng chưa hợp lí.
– Giáo viên phát âm theo phương ngữ (r/d, tr/ch, â/ă, s/x, …), nói lời thừa (cuối câu lúc nào cũng có từ các từ: nè, nào, há, hén, cho cô, cho thầy; trước khi chuyển sang một ý khác lúc nào cũng sử dụng từ ngữ: “vậy”, hay “để biết”, “để giúp các em”, ), nói dài dòng không gọn (giáo viên nói một câu 16 tiếng, có thể tóm gọn lại 3 tiếng mà vẫn đầy đủ ý.
– Giáo viên nói bỏ lững cho học sinh vuốt đuôi.
– Giáo viên viết chữ trên bảng lớp, trong vở học sinh không đúng mẫu, sai lỗi chính tả. Đây là nguyên nhân dẫn đến học sinh viết không đúng mẫu, không đẹp, sai lỗi chính tả.
– Giáo viên dạy môn Âm nhạc, Mĩ thuật, Tiếng Anh bảng lớp còn tên môn Toán, còn tựa bài môn Toán hay có cả bài tập chính tả trên bảng lớp…
7. Phân bố thời gian một tiết dạy không hợp lí.
– Nội dung trọng tâm, mới dành thời gian ít, nội dung đã học, học sinh đã biết thì dành nhiều thời gian.
– Giáo viên nói nhiều, nói không gọn làm cho tiết học bị dài, học sinh mệt mỏi.
Ví dụ: Dạy tiết Học vần từ lúc đầu giờ học cho đến ra chơi vào cũng chưa xong. Học sinh mệt mỏi, giáo viên yêu cầu học sinh đọc chung, có em đọc, có em không đọc làm việc khác, giáo viên cũng không hay biết.
Học như thế làm sao có hiệu quả và còn thời gian đâu dạy cho các môn học khác?
III
THÁI ĐỘ
SƯ PHẠM
1. Giáo viên chưa thật gần gũi, thân thiện với học sinh.
– Giáo viên có thước bảng rất dày, gõ thước thật to khi tức giận học sinh. Có trường bước vào luôn nghe tiếng thước của giáo viên gõ lên bàn và tiếng quát la rầy học sinh.
– Giáo viên chưa ân cần, quan tâm chăm sóc sức khoẻ cho học sinh.
Ví dụ: Trời lạnh, giáo viên mang dép vào phòng học còn học sinh bỏ dép bên ngoài đi chân không vào lớp. Trời tối, không mở đèn. Trời nóng, không mở cửa sổ, không mở quạt. Trời lạnh, không đóng cửa sổ. Trời nắng, không kéo rèm,…
Bàn ghế học sinh kéo xa bảng lớp, học sinh không thấy bảng, giáo viên cũng mặc kệ, học sinh ngồi viết không ngay ngắn, giáo viên cũng không sửa.
Bàn ghế xộc xệch, lớp dơ, nhện giăng, giáo viên vẫn dạy, học sinh đem thức uống nước chảy ra bàn học, giáo viên cũng mặc kệ. Cán bộ quản lí thì chưa bao giờ nhắc nhở.
– Tập, sách không bao bìa, rách, quăng góc, giáo viên cũng thờ ơ.
– Giáo viên chọn vị trí đứng nói chuyện với học sinh cả lớp không thích hợp (bỏ học sinh ở một, hai bàn đầu) hoặc nói chuyện với học sinh cả lớp mà mắt chỉ nhìn vào vài học sinh ở bàn đầu.
2. Tôn trọng và đối xử công bằng với học sinh.
– Trong lớp, những em học tốt giáo viên quan tâm nhiều hơn. Học sinh còn khó khăn trong học tập (chậm hiểu, hay quên,…), giáo viên ít quan tâm hỗ trợ. Nhất là có người dự giờ thì tiết học đó những em còn khó khăn trong học tập giáo viên bỏ qua một bên.
– Học sinh học chưa tốt, giáo viên cho ngồi bàn cuối lớp hoặc trong một góc nào đó ít khi gọi đến. Hoặc học sinh ngồi chỉ có một mình một bàn, không có bạn nào giúp đỡ trong học tập. Vì vậy những học sinh này rất khó vươn lên.
3. Giáo viên chưa kịp thời giúp đỡ học sinh có khó khăn trong học tập, động viên để mỗi học sinh đều được phát triển năng lực học tập.
– Học sinh đọc sai, giáo viên không sửa, viết sai cũng không sửa, từ chữ thứ nhất cho đến hết bài học sinh viết, giáo viên chưa một lần hướng dẫn học sinh viết lại cho đúng. Thậm chí vở học sinh lớp 1 viết sai từ trang đầu cho đến gần hết quyển vở, giáo viên cũng không giúp học thấy chỗ sai để sửa lại. Có giáo viên chỉ ghi chữ S vào cuối bài tập toán trong vở học sinh nhưng khi hỏi học sinh em sai gì em biết không, em trả lời “không biết”. Làm sao học sinh tiến bộ được!
– Bài đầu tiên học sinh chưa “làm được, làm đúng” thì những bài sau làm sao “làm đẹp, làm nhanh” được.
IV
HIỆU QUẢ
1. Từ những cách dạy trên dẫn đến tiến trình tiết dạy chưa hợp lí, nhẹ nhàng; các hoạt động học tập diễn ra chưa tự nhiên, chưa hiệu quả và không phù hợp với đặc điểm học sinh tiểu học.
2. Nhiều học sinh chưa được tích cực chủ động tiếp thu bài học, có tình cảm, thái độ đúng.
3. Còn nhiều học sinh nắm chưa vững kiến thức, kĩ năng cơ bản của bài học và chưa biết vận dụng vào các bài luyện tập, thực hành sau tiết học.
Chính vì mỗi bài em bị hỏng một chút kiến thức, kĩ năng, giáo viên không có biện pháp hỗ trợ kịp thời nên các em hỏng cả một tuần, một tháng, một học kì, cả năm và cuối cùng học sinh sẽ không hoàn thành lớp học. Còn giáo viên muốn lớp mình có thành tích thì cho học sinh lên lớp dẫn đến tình trạng học sinh lên lớp không đạt Chuẩn.