Một số giải pháp về phòng ngừa, giải quyết đình công của công nhân, lao động ở Nghệ An trong thời gian tới

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có khoảng 13.500 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh, với hơn 230.000 lao động.

Trong đó có 63 doanh nghiệp nhà nước, với hơn 23.000 lao động, 56 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), với hơn 39.000 lao động, có khoảng 13.000 doanh nghiệp ngoài nhà nước, với gần 170.000 lao động. Có 17 doanh nghiệp hoạt động trong ngành nghề may mặc, dày da, với 30.846 lao động. Mức lương bình quân các doanh nghiệp trả cho người lao động là 6 triệu/người/1 tháng. Trong đó doanh nghiệp nhà nước, bình quân 6,3 triệu đồng/người/1 tháng; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là 6,1 triệu đồng/người/1 tháng; doanh nghiệp ngoài nhà nước là 5,5 triệu đồng/người/1 tháng.

Vừa qua, trên địa bàn tỉnh Nghệ An xảy ra ba vụ việc đình công của công nhân, lao động. Cụ thể: Ngày 07-14/2/2022, đình công tại Công ty TNHH Viet Glory, sản xuất dày da xuất khẩu (địa chỉ tại Xóm 8, xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu) của gần 5.000 lao động tham gia; đây là công ty vốn đầu tư nước ngoài (Trung Quốc). Ngày 15/2/2022, xảy ra tiếp 2 vụ đình công: Tại Công ty TNHH Em-Tech Việt Nam, sản xuất linh kiện điện tử (địa chỉ tại phường Vinh Tân, thành phố Vinh) của gần 600 người lao động tham gia; đây là công ty vốn đầu tư nước ngoài (Hàn Quốc) và tại Công ty cổ phần Nam Thuận Nghệ An, may mặc xuất khẩu (địa chỉ tại Xóm 10, xã Diễn Mỹ, huyện Diễn Châu) của gần 250 người lao động tham gia; đây là công ty do người Việt Nam làm chủ.

Các kiến nghị của công nhân, người lao động tập trung vào các vấn đề sau: Công nhân đòi tăng lương cơ bản; (2) Yêu cầu bổ sung phụ cấp thâm niên; (3) Đề nghị tăng các khoản như tiền ăn, tiền xăng… (4) Về thái độ của một số quản lý người nước ngoài đôi khi có lời nói chưa chuẩn mực, còn chửi bới, văng tục với công nhân; (5)Yêu cầu bảng lương cần ghi chi tiết rõ ràng từng khoản và số tiền, không được gộp chung các khoản khác, cần ghi rõ từng mục được nhận trong tháng; (6) Lương tháng 13: Yêu cầu Công ty trả đầy đủ tiền lương tháng 13 mà không trừ theo tỷ lệ so với thời gian vào làm việc; (7) Đề nghị được test covid-19 mỗi tuần 1 lần, thủ tục thanh toán chế độ BHYT, BHXH cho số công nhân là Fo tại điều trị tại nhà chưa rõ ràng; và một số kiến nghị liên quan khác.

 Qua cập nhật, nắm bắt thông tin thì việc đình công tại 3 công ty không có yếu tố tác động từ các thế lực thù địch.

Nguyên nhân diễn ra đình công chủ yếu như sau: (1) Do có sự so sánh thu nhập, lương giữa công ty này với công ty khác, giữa lao động đi làm việc ở miền Nam về thì nhận 7-8 triệu đồng/người/tháng, nhưng ở Nghệ An chỉ được 3,8-3,9 triệu đồng/người/tháng là thấp quá nên họ đề nghị tăng lương. (2) Do thời gian gần đây số công ty may mặc, dày da… tăng nhanh, lại tập trung chủ yếu ở các huyện gần nhau như Diễn Châu, Yên Thành, Đô Lương… nên thiếu lao động, nhất là lao động có tay nghề, nên mới kéo công nhân từ nhà máy này sang nhà máy khác, do đó có thông tin nếu về làm việc tại công ty mới sẽ có thu nhập cao hơn và quyền lợi của công nhân được đảm bảo hơn, do đó nếu công ty cũ không đáp ứng được tăng lương thì công nhân sẽ chuyển sang công ty khác. (3) Các chủ doanh nghiệp khi nghe đề xuất, kiến nghị của công đoàn thì không giải quyết kịp thời, do đó công nhân tập hợp thành tập thể để đòi quyền lợi, lúc đó ông chủ mới giải quyết thì đình công đã xảy ra rồi. (4) Sự thấu hiểu, chia sẻ gần gũi, ứng xử của một số người nước ngoài, một số tổ trưởng, quản đốc phân xưởng đối với công nhân còn có hiện tượng phân biệt đối xử, nói năng thiếu chuẩn mực, gây bức xúc cho công nhân trực tiếp lao động. (5) Hiện nay trong thời đại công nghệ 4.0 thông tin lan truyền rất nhanh, do đó công ty này công nhân đình công đòi tăng lương được thì công nhân tại công ty khác cũng đòi để đảm bảo quyền lợi và do ảnh hưởng của dịch Covid-19 liên quan đến việc công nhân yêu cầu xét nghiệm và giải quyết chế độ cho số công nhân bị Fo, F1 chưa kịp thời.

Kết quả đến nay, cơ bản các kiến nghị của tập thể người lao động đã được giải quyết. Tình hình tại 3 công ty đã ổn định, công nhân trở lại làm việc bình thường.

Một số kinh nghiệm bước đầu trong công tác chỉ đạo giải quyết đình công:

Một là, Ban Dân vận Tỉnh ủy vào cuộc kịp thời và sâu sát địa bàn, ngay sau khi nhận được thông tin các cuộc đình công, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã kịp thời chỉ đạo các địa phương xảy ra đình công  của công nhân như Ban Dân vận Huyện ủy Diễn Châu, Ban Dân vận Thành ủy Vinh trực tiếp xuống hiện trường để nắm tình hình. Đồng thời phối hợp với Liên đoàn lao động tỉnh xuống trực tiếp địa bàn các doanh nghiệp xảy ra đình công để làm việc với chủ doanh nghiệp và đối thoại trực tiếp với công nhân. Đoàn công tác Ban Dân vận Tỉnh uỷ do đồng chí Phó Trưởng ban Thường trực làm trưởng đoàn cùng với lãnh đạo Liên đoàn lao động tỉnh, lãnh đạo huyện Diễn Châu, xã Diễn Trường trực tiếp về tại Công ty TNHH Viet Glory, sản xuất dày da xuất khẩu, nơi có gần 5.000 công nhân đình công để gặp gỡ công nhân, làm việc với lãnh đạo công ty tìm hiểu nguyên nhân xảy ra đình công và chỉ đạo giải quyết để ổn định tình hình.

Hai là, Liên đoàn lao động tỉnh đã trực tiếp về làm việc với ban giám đốc các công ty, trực tiếp đối thoại với người lao động để vận động công nhân quay trở lại làm việc, thương lượng với chủ doanh nghiệp bảo vệ quyền lợi của công nhân, lao động và quyền lợi của doanh nghiệp.

Ba là, cấp ủy chỉ đạo giải quyết kịp thời việc đình công, các đồng chí Thường trực cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện thường xuyên chỉ đạo để giải quyết, ổn định tình hình,  ngày 18/2/2022, Thường trực Tỉnh ủy đã tổ chức họp nghe tình hình đình công, rút ra bài học kinh nghiệm và có ý kiến để chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan phối hợp tham mưu ổn định tình hình, không để đình công tiếp tục xảy ra.

Bốn là, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh, nhất là Sở Lao động, thương binh và Xã hội, Lãnh đạo UBND cấp huyện trực tiếp về các doanh nghiệp xảy ra đình công để nắm và ổn định tình hình.

Năm là, sau khi tình hình đình công đã cơ bản giải quyết ổn định thì phải  có giải pháp nắm tình hình công nhân tại các địa bàn khác trên toàn tỉnh để hạn chế đình công lan rộng,  ngay sau tình hình đình công tại 03 công ty ổn định, ngày 18/2/2022, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã có Công văn số 477-CV/BDVTU “Về nắm tình tình công nhân, hạn chế đình công trong các doanh nghiệp”, gửi Ban Dân vận 21/21 huyện, thành, thị để tham mưu cho cấp ủy, phối hợp với các cơ quan liên quan trên địa bàn để nắm tình hình công nhân, người lao động các doanh nghiệp trên địa bàn không để đình công lan rộng trên địa bàn tỉnh.

Một số giải pháp ngăn ngừa đình công trong thời gian tới:

Nhận định tình hình trong thời gian tới, sau khi các yêu cầu của tập thể lao động tại 3 công ty được giải quyết, có thể sẽ phát sinh thêm tại các doanh nghiệp khác, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, doanh nghiệp ngành may mặc, điện tử do mặt bằng tiền lương và các khoản trợ cấp, phụ cấp, chế độ sinh hoạt, phúc lợi của các doanh nghiệp không đồng đều, nơi cao nơi thấp (mặc dù đã thực hiện đúng theo quy định của pháp luật lao động).

Mục tiêu trong thời gian tới là để làm sao bảo đảm vừa thu hút đầu tư, vừa đảm bảo quyền lợi cho công nhân lao động, giữ chân người lao động làm việc tại các doanh nghiệp và hạn chế thấp nhất việc đình công, ngừng việc tập thể trong các doanh nghiệp trên địa bàn. Để làm tốt việc này, Ban Dân vận Tỉnh ủy đề nghị các giải pháp như sau:

Một là, Thành lập đoàn công tác của tỉnh, gồm đại diện Liên đoàn lao động Tỉnh, Sở Lao động, thương binh và Xã hội, Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam tỉnh và một số ngành, địa phương liên quan đến trực tiếp làm việc với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp có số lao động lớn để rà soát lại các thỏa ước lao động tập thể, điều lệ, quy chế công ty xem cái gì bất cập, còn thiếu cần phải bổ sung để đảm bảo đúng pháp luật, nhất là các chế độ, chính sách của người lao động, thông qua đó để kiến nghị lãnh đạo công ty bổ sung, sửa đổi cho phù hợp, kịp thời (kể cả thang, bảng lương), để phòng ngừa đình công.

Hai là, các cơ quan báo chí tỉnh triển khai đợt tuyên truyền về quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động và trách nhiệm của chủ sử dụng lao động để tạo đồng thuận xã hội, tạo môi trường thu hút đầu tư (kể cả tuyên truyền trên mạng xã hội).

Ba là, Công an tỉnh có văn bản chỉ đạo công an các huyện, thành, thị quan tâm, nắm bắt tình hình an ninh trật tự tại các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để tạo không khí yên tâm của các chủ doanh nghiệp.

Bốn là, Liên đoàn lao động tỉnh chỉ đạo tổ chức công đoàn các huyện, thành, thị, công đoàn Khu kinh tế Đông Nam, nhất là công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn phải chủ động nắm tâm tư, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của công nhân, người lao động. Từ đó, chủ động đề xuất với các chủ doanh nghiệp kịp thời giải quyết.

Năm là, giải pháp về lâu dài, đề nghị Liên đoàn lao động tỉnh chủ trì tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng đề án về một số giải pháp phòng ngừa, hạn chế đình công trên địa bàn Nghệ An./.

                       Nguyễn Mạnh Khôi 

                           Phó trưởng ban TT Ban Dân vận Tỉnh ủy