Một số điểm mới của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020 (Luật số: 63/2020/QH14).

 

Ngày 18 tháng 6 năm 2020, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật năm 2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021 để sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (gọi tắt là Luật năm 2015).

Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) là hoạt động của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm thực hiện quản lý nhà nước, điều tiết các vấn đề thực tiễn của xã hội, thể chế hóa và bảo đảm thực hiện các chính sách pháp luật của nhà nước.

Phạm vi điều chỉnh được nêu rõ tại Điều 1 Luật 2020: quy định nguyên tắc, thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản có chứa quy phạm pháp luật, được ban hành theo đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong Điều 2, Luật năm 2020.

Luật năm 2020 có 14 chương, 173 điều. So với Luật 2015 thì Luật 2020 có một số điểm thay đổi đáng chú ý như sau:

Thứ nhất, bổ sung 02 VBQPPL vào hệ thống VBQPPL tại Điều 4 và chỉ rõ thẩm quyền ban hành của từng loại văn bản, bao gồm:

1. Hiến pháp.

2. Bộ luật, luật (sau đây gọi chung là luật), nghị quyết của Quốc hội.

3. Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

4. Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước.

5. Nghị định của Chính phủ; nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

6. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

7. Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

8. Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước.

8a. Thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Không ban hành thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

9. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh).

10. Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

11. Văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.

12. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện).

13. Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện.

14. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã).

15. Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã.

Thứ hai, mở rộng thẩm quyền ban hành VBQPPL của HĐND, UBND cấp huyện/xã: Ở Luật 2015, HĐND cấp huyện, cấp xã ban hành nghị quyết, UBND cấp huyện, cấp xã ban hành quyết định để quy định những vấn đề được luật giao thì Luật 2020 tại Điều 30 nêu:

1. Hội đồng nhân dân cấp huyện ban hành nghị quyết, Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định để quy định những vấn đề được luật, nghị quyết của Quốc hội giao hoặc để thực hiện việc phân cấp cho chính quyền địa phương, cơ quan nhà nước cấp dưới theo quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương.

2. Hội đồng nhân dân cấp xã ban hành nghị quyết, Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành quyết định để quy định những vấn đề được luật, nghị quyết của Quốc hội giao.

Thứ ba, bổ sung trách nhiệm của Hội đồng dân tộc trong thẩm tra việc bảo đảm chính sách dân tộc trong dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết tại Điều 68a: “1. Hội đồng dân tộc có trách nhiệm tham gia thẩm tra dự án, dự thảo do Ủy ban của Quốc hội chủ trì thẩm tra để bảo đảm chính sách dân tộc khi dự án, dự thảo đó có quy định liên quan đến dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số, miền núi.

2. Hội đồng dân tộc tổ chức phiên họp Thường trực Hội đồng hoặc phiên họp toàn thể để chuẩn bị ý kiến tham gia thẩm tra và cử đại diện Hội đồng tham dự phiên họp thẩm tra của cơ quan chủ trì thẩm tra.

3. Nội dung thẩm tra việc bảo đảm chính sách dân tộc bao gồm:

a) Xác định vấn đề liên quan đến chính sách dân tộc;

b) Việc bảo đảm các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng dân tộc và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước;

c) Tác động và tính khả thi của các quy định trong dự án, dự thảo để bảo đảm chính sách dân tộc.”

Điều 68a đã bổ sung, nhấn mạnh trách nhiệm, tầm quan trọng của Hội đồng dân tộc trong việc thẩm tra, đảm bảo chính sách dân tộc cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Có thể thấy quyền lợi của cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang ngày được quan tâm.

Thứ tư, bổ sung 03 trường hơp xây dựng, ban hành VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn tại Khoản 3, 4, 5 Điều 146 của Luật 2020. Đó là: (1) Trường hợp cần ban hành ngay VBQPPL để thực hiện điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; (2) Trường hợp cần bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ VBQPPL trái pháp luật hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội; (3) Trường hợp cần kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ hoặc một phần của VBQPPL trong một thời hạn nhất định để giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn.

Các quy định mới này được bổ sung tại Điều 146 đã mở rộng và cụ thể thêm các trường hợp bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ, kéo dài thời hạn áp dụng một phần hoặc toàn bộ của một VBQPPL để phù hợp với điều ước quốc tế, tình hình phát triển kinh tế – xã hội, và giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn.

Thứ năm, chỉnh sửa, bổ sung thời điểm có hiệu lực, ngưng hiệu lực và thời điểm đăng tải, đưa tin của VBQPPL

* Thời điểm có hiệu lực được quy định cụ thể tại Điều 51 như sau:

1. Thời điểm có hiệu lực của toàn bộ hoặc một phần văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại văn bản đó nhưng không sớm hơn 45 ngày kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước ở trung ương; không sớm hơn 10 ngày kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; không sớm hơn 07 ngày kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã.

2. Văn bản quy phạm pháp luật được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn thì có thể có hiệu lực kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành, đồng thời phải được đăng ngay trên cổng thông tin điện tử của cơ quan ban hành và phải được đưa tin trên phương tiện thông tin đại chúng; đăng Công báo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chậm nhất là 03 ngày kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước ở trung ương; đăng Công báo tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chậm nhất là 03 ngày kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

* Thời điểm ngưng hiệu lực được chỉnh sửa, bổ sung tại Khoản 1 Điều 153:

Văn bản quy phạm pháp luật ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần cho đến khi có quyết định xử lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong các trường hợp sau đây:

a) Bị đình chỉ việc thi hành theo quy định tại khoản 3 Điều 164, khoản 2 Điều 165, khoản 2 và khoản 3 Điều 166, khoản 2 và khoản 3 Điều 167, khoản 1 Điều 170 của Luật này. Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định bãi bỏ thì văn bản hết hiệu lực; nếu không ra quyết định bãi bỏ thì văn bản tiếp tục có hiệu lực;

b) Cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật quyết định ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần của văn bản đó để kịp thời bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

* Thời hạn đăng tải và đưa tin được chỉnh sửa, bổ sung tại Điều 157:

Văn bản quy phạm pháp luật phải được đăng tải toàn văn trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành đối với văn bản của cơ quan nhà nước ở trung ương; chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành đối với văn bản của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và đưa tin trên phương tiện thông tin đại chúng, trừ văn bản có nội dung thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

Văn bản quy phạm pháp luật đăng tải trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật có giá trị sử dụng chính thức.

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020 được áp dụng kể từ ngày 01/01/2021 và đã chỉnh sửa, bổ sung một số điểm mới nêu trên. Luật năm 2020 đã khắc phục, mở rộng, cụ thể và làm rõ hơn một số vướng mắc, bất hợp lý của Luật năm 2015.

* Tải toàn văn Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020 tại file đính kèm: